“Cuộc chiến” báo chí về văn hoá Pháp, Mỹ

Thứ Hai, 07/01/2008, 08:30
Đầu tháng 12, tạp chí Time của Mỹ đã nổ phát súng đầu tiên công khai cuộc chiến về hai nền văn hóa Mỹ- Pháp bằng bài báo có cái tít khá ấn tượng Ở bìa "The Death of French Culture"(cái chết của nền văn hóa Pháp).

Bài báo không chỉ khiến người Pháp thấy "rát mặt" mà còn khiến những ai từng biết về nước Pháp cũng thấy sửng sốt. ngay sau đó, rất nhiều tờ báo hàng đầu của Pháp đã có những bài phản bác tạp chí Time, thậm chí đã mở cả những diễn đàn tranh luận về vấn đề tiem nêu ra. 

Pháp và Mỹ là hai nước đồng minh thân thiện từ lâu, và quan hệ ngoại giao đã nồng ấm trở lại sau khi Nhà Trắng niềm nở đón tiếp vị khách đến từ nước Pháp, ông Nicolas Sarkozy.

Tuy nhiên, sự kiện tạp chí Time nêu ra dường như được coi là “đến hẹn lại lên”, vài năm một lần, hai bên lại công kích nhau. Và báo chí chính là diễn đàn để “thổ lộ” mọi mũi dùi gửi đi rồi đáp trả.

Năm nay, Mỹ nổ phát súng đầu tiên. Tạp chí Time số ra ngày 3/12 cho biết trong khoảng 500 đầu sách mà Pháp đã xuất bản năm 2007 thì chỉ vài cuốn là thu hút được dư luận toàn thế giới.

Hơn nữa, Pháp không có tên trong danh sách 10 trung tâm văn hóa nổi tiếng nhất thế giới do tạp chí Forbes bình chọn năm 2007, trong khi Mỹ chiếm tới 4/10.

Đáp lại bài báo trên của Time, báo chí Pháp có cách lý giải riêng mà xem ra cũng rất hợp lý: sách của Pháp gặp phải vấn đề ngôn ngữ. Số người biết tiếng Pháp trên toàn thế  giới chẳng thấm tháp vào đâu so với số người nói tiếng Anh - Mỹ.

Đề mục mà người Mỹ lớn giọng chê bai người Pháp là phim ảnh. Người Pháp cũng khó để phản bác trực diện lại điều này vì đã nhiều năm nay và có thể còn kéo dài trong thời gian tới, phim Mỹ vẫn được khán giả thế giới đón nhận nhiều hơn phim Pháp.

Pháp thậm chí còn bị cho là sản xuất 200 phim mỗi năm nhưng hầu hết là những phim hạng trung bình, có kinh phí “tầm tầm” để cung ứng cho thị trường địa phương. Theo thống kê, một nửa số vé bán ra tại Pháp trong năm 2007 là để đi coi phim Mỹ.

Điều này càng khiến người Mỹ cảm thấy tự đắc hơn bao giờ hết. Time “chiếu cố” nêu ra một phim Pháp tạm gọi là thành công trên phương diện thương mại, mới nhất là phim "Ratatouille" nhưng không quên khẳng định: đó là một tác phẩm do Pixar quay... tại Mỹ.

Báo chí Pháp thì cho biết họ cũng có những phim rất thành công đấy chứ, chẳng hạn như "La Marche de L'Empereur" (thu về 77 triệu USD), "Le Fabuleux Destin d'Amélie Poulain" (33 triệu USD) "La Môme" (10 triệu USD).

Người Mỹ luôn cho tiếng Pháp là ngôn ngữ rườm rà. Nhưng người Pháp lại rất tự hào về ngôn ngữ trau chuốt của mình. Người Gaulois lặng lẽ bảo tồn nét văn hóa thể hiện qua ngôn ngữ bằng cách đi truyền bá, khuyến khích cư dân các quốc gia học tiếng Pháp.

Dù người Mỹ chê bai thế nào thì Pháp vẫn coi tiếng mẹ đẻ là thiêng liêng và phải được bảo tồn mãi mãi trước trào lưu đơn giản hóa ngôn ngữ cho phù hợp với nếp sống hiện đại gấp gáp mọi lúc, mọi nơi.

Ca nhạc cũng không phải là thế mạnh văn hóa của đất nước hình lục lăng. Time tự hỏi có bài hát tiếng Pháp nào đủ sức mạnh lan tỏa toàn cầu như “Baby once more time”?

Đáp trả câu hỏi này, tờ Le Point của Pháp viết: "Đâu phải âm nhạc của đất nước được mệnh danh là cái nôi văn hóa của toàn thế giới này không còn đất sống. Khán giả thế giới vẫn mê đắm về những ca từ đầy chất thơ lãng mạn, ngọt ngào và trữ tình như phong cách Pháp ngàn đời nay đó thôi!”.

Tờ Libération thì cho rằng người Pháp có những thế mạnh khác như nông sản, rượu, nghệ thuật ẩm thực, nước hoa, thời trang... mà người Mỹ còn phải chạy thật lâu mới mong rút ngắn khoảng cách chứ chuyện đuổi kịp và sánh ngang thì chắc vô cùng khó.

Sự phản pháo rằng “hữu xạ tự nhiên hương”, Pháp không cần phải đi lấy con số thống kê đầy đủ xem một năm bao nhiêu chai rượu vang đã xuất vào lãnh thổ Mỹ. Nghệ thuật ẩm thực của Pháp còn mang lại công việc làm ăn khấm khá cho rất nhiều nhà hàng của Mỹ.

Pháp vẫn mãi là một điểm đến có sức quyến rũ hàng đầu thế giới. Du khách bị mê mẩn bởi tháp Eiffel, Bảo tàng Louvre, nhà thờ Nôtre Dame... Đó là nét hấp dẫn của lịch sử và cả văn hóa nữa.

Báo chí Pháp cũng không quên liệt kê vài nhân vật nổi tiếng cho văn hóa của họ như René Gérard, Giáo sư đại học Stanford, Californie, 84 tuổi, tác giả cuốn sách về nhân chủng và triết lý được dịch ra 25 thứ tiếng; Natalie Dessay, 43 tuổi, giọng soprano của Pháp vừa mở màn tại New York trong chương trình Luca di Lammermoor của Donizetti...

Tờ Figaro của Pháp nhận định: “Còn nhiều điểm nữa mà người Mỹ lấy làm căn cứ để giễu cợt người Pháp nhưng sự thoái trào mà Mỹ gán cho văn hóa Pháp hoàn toàn là võ đoán. Văn hóa Pháp không hề tàn lụi mà chỉ là vắng bóng hơn và đi vào chiều sâu hơn”.

Bài xã luận của tờ Le Monde, nhật báo hàng đầu của Pháp, viết: “Trong cuộc chiến văn hóa này, người Pháp chẳng nên căng thẳng. Hãy cứ xuất phát từ bức tượng Nữ thần tự do được đặt trên cảng New York - Bức tượng như là một cử chỉ hòa hảo, hữu hảo mà người Pháp muốn giữ gìn chứ không muốn phá bỏ” 

Giang Khuê (tổng hợp)
.
.