Cuộc chiến chống lãng phí thực phẩm toàn cầu

Thứ Tư, 05/12/2018, 07:03
Theo Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO), đến năm 2030, mỗi giây trên thế giới sẽ có khoảng 66 tấn thực phẩm bị vứt bỏ, tương đương 30% lượng thực phẩm được sản xuất.

Tình trạng lãng phí thực phẩm không chỉ gây ảnh hưởng đến kinh tế, xã hội mà còn gây áp lực nặng nề đối với môi trường khi các hoạt động xả thải thực phẩm chiếm tới 8% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính - nguyên nhân gây biến đổi khí hậu trái đất. Để giải quyết tình trạng này, nhiều sáng kiến thiết thực đã được hiện thực hóa nhằm cắt giảm lượng thực phẩm lãng phí tính trên đầu người.

Chưa hết, trong thời công nghệ số, các ứng dụng thông minh ra đời, giúp người bán giảm lượng rác thực phẩm và tăng doanh thu, trong khi người tiêu dùng dễ dàng chọn được nhiều sản phẩm phù hợp với nhu cầu.

“Food For All Ghana” ra đời từ cảm hứng trong các chiến dịch thu lượm thức ăn thừa ở các nước phương Tây.

“Ngân hàng” thực phẩm

Mỗi năm, người tiêu dùng, nhà bán lẻ và các doanh nghiệp ở Nhật Bản đang vứt bỏ hàng triệu tấn lương thực, gây tổn thất nặng nề đến lợi nhuận. Trong bối cảnh này, một số công ty và tổ chức ở Nhật Bản đưa ra những biện pháp riêng để làm giảm lãng phí thực phẩm.

Công ty kinh doanh thực phẩm SHJ đã thành lập “ngân hàng” thực phẩm đầu tiên ở Nhật Bản để tái phân phối hàng nghìn tấn thực phẩm còn bảo đảm chất lượng cho người tiêu dùng. SHJ đã tạo ra hệ thống mang tên “Đáp ứng nhanh” để bảo đảm rằng thực phẩm không chỉ được cung cấp tới đúng đối tượng, mà còn có thể thu hồi toàn bộ sản phẩm nếu cần thiết.

Trong khi đó, nhóm kỹ sư thuộc Hội thời tiết Nhật Bản (một công ty khí tượng học tư nhân) đã phát triển một hệ thống sử dụng kết quả dự báo thời tiết để giúp các công ty kinh doanh thực phẩm phân tích nhu cầu sử dụng các loại thực phẩm nhất định của người tiêu dùng. Căn cứ vào dữ liệu dự báo thời tiết, công ty đã dự báo chính xác nhu cầu của người tiêu dùng và đã làm giảm chi phí cho sản phẩm.

Cũng mang dáng dấp những “ngân hàng” thực phẩm, hiệu ứng truyền thông tại Pháp đang thúc đẩy mạnh mẽ sáng kiến “tủ lạnh đoàn kết”. Đây là nơi các chủ nhà hàng “cất giữ” món ăn còn thừa, hay thực phẩm như sữa, các loại nước uống, trái cây, rau hay đồ hộp không bán hết, để bất kỳ ai có nhu cầu đều có thể lấy về dùng, nhất là những người có hoàn cảnh khó khăn.

Bắt đầu ở Paris, “tủ lạnh đoàn kết” nhanh chóng lan ra nhiều thành phố trên toàn nước Pháp, thậm chí hoạt động quyên góp lắp thêm tủ lạnh đang diễn ra vô cùng sôi nổi. Những chiếc tủ lạnh còn mang một thông điệp đầy ý nghĩa của người dân Pháp, đó là chống lãng phí thực phẩm không đơn giản chỉ là giảm lượng thức ăn thừa, mà còn đồng nghĩa với việc giúp đỡ những người khó khăn có thêm một chút thức ăn, đồ uống để tiếp tục cuộc sống.

Tan Jun Yuan đã khởi nghiệp với ứng dụng “11th Hour”.

Bếp ăn hết “date”

Trong khi đó, xu hướng đưa rau củ quả và thức ăn mới hết “date” (hạn sử dụng) tới các bếp ăn từ thiện nhận được những đánh giá tích cực từ dư luận xã hội vì trên thực tế, các sản phẩm này vẫn nguyên vẹn và đảm bảo chất lượng. Thế nên, chẳng có lý do gì mà những người khốn cùng không được hưởng chúng thay vì phải tìm kiếm thức ăn thừa ở các nhà hàng, hay đi lục tìm ở bãi rác.

Bước ngoặt đối với các nhà hoạt động xã hội và từ thiện trong nỗ lực giải quyết vấn nạn lãng phí thực phẩm diễn ra khi nhiều quốc gia ở châu Âu thông qua luật để thực phẩm quá “date” trở nên hữu ích hơn thay vì bị bỏ vào sọt rác.

Theo xu hướng, một bếp ăn từ thiện từ những nguyên liệu không còn “date” đã ra đời tại khu phía đông thủ đô London do tổ chức từ thiện FoodCycle điều hành. Sau đó, những tiệm cà phê và cửa hàng cung cấp thực phẩm quá “date” xuất hiện ngày càng nhiều ở nước Anh. Phần lớn lợi nhuận thu được đều dành cho các quỹ từ thiện giúp đỡ người nghèo.

Thực phẩm quá “date” cho người nghèo cũng có mặt trong các tiệm cà phê cao cấp bên cạnh các sản phẩm “chuẩn”. Ngoài ra, các tình nguyện viên cũng nghĩ tới biện pháp sấy khô hoa quả tươi đã quá “date” để giữ chúng được lâu hơn thay vì vứt bỏ.

Elijah Amoo Addo - một chủ nhà hàng ở Gha-na - đã thành lập Tổ chức Food For All Ghana (Lương thực cho người dân Ghana) lấy cảm hứng từ các chiến dịch thu lượm thức ăn thừa ở các nước phương Tây. Theo đó, Food For All Ghana đã kêu gọi các nhà máy và xưởng chế biến thực phẩm trong nước hãy quyên góp các sản phẩm dư thừa để tổ chức xử lý hoặc nấu chín mà vẫn bảo đảm chất lượng vệ sinh.

Vào cuối tuần, các tình nguyện viên của Food For All Ghana sẽ tới các trường học, bệnh viện, trại trẻ mồ côi và các tổ chức cộng đồng khác để phân phát số thực phẩm trên cho người nghèo. Với sự giúp đỡ của Food For All Ghana, nhiều trẻ em Ghana đã có được những bữa ăn ngon, đủ chất dinh dưỡng hơn.

Ứng dụng “Too Good To Go” kết nối với hàng ngàn nhà hàng, quán ăn, cửa hàng để luân chuyển lượng thức ăn vào cuối ngày đến tay khách hàng.

Ứng dụng kết nối

Trong thời công nghệ số, nhiều ứng dụng đã ra đời giúp người tiêu dùng và các siêu thị, cửa hàng ăn uống kết nối với nhau dễ dàng. Được triển khai rộng rãi nhất ở châu Âu là ứng dụng “Too Good To Go” (TGTG) ra đời tại Đan Mạch, kết nối với hàng ngàn nhà hàng, quán ăn, cửa hàng để luân chuyển lượng thức ăn vào cuối ngày đến tay khách hàng.

Chỉ cần tải ứng dụng miễn phí về điện thoại, người dùng sẽ nhận được thông tin về các cửa hàng gần nơi họ có mặt, số suất ăn mà cửa hàng còn vào giờ đóng cửa, giờ khách có thể đến lấy thức ăn mang về, giá của suất ăn hay địa chỉ cửa hàng. Thông qua ứng dụng, trung bình 9.000 suất ăn được bán rẻ vào cuối mỗi ngày thay vì vứt bỏ, với giá chỉ bằng 1/4 giá một suất ăn mua trong ngày.

Riêng tại Thụy Điển, ứng dụng Karma rất nổi tiếng với quy tắc là thực phẩm vẫn phải còn hạn sử dụng, giá giảm dưới 50% so với giá gốc, từ đó giúp giảm lượng thực phẩm tồn dư bằng cách phân phối cho hơn 350.000 người dùng. Khi đã chọn được món ưng ý, bước tiếp theo là thanh toán qua ứng dụng trước khi hết giờ. Còn ở Séc, sáng kiến tạo ra ứng dụng di động phân phối lại lượng thức ăn dư thừa từ các nhà hàng cho phép kết nối với các tình nguyện viên thuộc Ngân hàng Thực phẩm Praha rất được hoan nghênh.

Ngoài ra, ứng dụng cho phép trao đổi thông tin về việc xưởng bánh nào phân phát miễn phí số bánh mì chưa bán hết trong ngày, và ở đâu người bán hàng có nhã ý biếu tặng hay giảm giá số thực phẩm dư thừa cho những đối tượng có nhu cầu.

Trong khi đó, chàng thanh niên Singapore Tan Jun Yuan đã khởi nghiệp với ứng dụng “11th Hour”, lấy cảm hứng từ thách thức lãng phí thực phẩm trong ngành F&B (thực phẩm và đồ uống). Yuan tạo ra ứng dụng này hướng đến những thương gia trong ngành F&B, để họ có thể chạy các khuyến mãi ngay tại cửa hàng mà không cần đến các outlet (trung tâm bán hàng giảm giá) và chờ đợi để bán các thực phẩm còn dư.

Hiệu ứng truyền thông tại Pháp đang thúc đẩy mạnh mẽ sáng kiến “tủ lạnh đoàn kết”.

Bên cạnh sự thuận lợi cho các chủ cửa hàng, “11th Hour” còn giúp người dùng nhìn thấy và theo dõi các khuyến mãi được cung cấp bởi các cửa hàng ở gần mình. Chỉ trong vòng hơn một tháng sau khi ra mắt, ứng dụng thu hút 200 doanh nhân và khoảng 7.000 người dùng đăng ký, và kiếm được 2.400 USD. Nhóm nghiên cứu đặt mục tiêu có 1.000 doanh nghiệp tham gia ứng dụng vào cuối năm nay.

Mới đây nhất, Hiệp hội HopHopFood tung ra ứng dụng cùng tên. Nhưng khác với các ứng dụng khác làm nhịp cầu kết nối những đơn vị kinh doanh ăn uống và người tiêu dùng hay các hiệp hội từ thiện, ứng dụng “HopHopFood” cho phép các cá nhân trao đổi với nhau những món ăn hoặc thực phẩm không dùng hết, ngoại trừ thực phẩm tươi sống dễ hỏng như thịt và cá. Mục tiêu chính của “HopHopFood” là chống lãng phí, nhưng quan trọng hơn là giúp đỡ những người trong hoàn cảnh khó khăn có thêm thức ăn.

Ứng dụng “HopHopFood” đã được thử nghiệm trong nhiều tháng ở thành phố Sceaux (ngoại ô Paris) - nơi tập trung tới trên 10.000 sinh viên, và ở Palais de la Femme thuộc quận 11 - một trung tâm lưu trú tạm thời của 600 phụ nữ trong hoàn cảnh bấp bênh, trước khi được triển khai trên toàn nước Pháp.

Việt Dũng
.
.