Cuộc chiến giá dầu: Ai được lợi?

Thứ Bảy, 04/04/2020, 15:15
Việc Nga từ chối tiếp tục cắt giảm thêm sản lượng khai thác để rồi sau đó Saudi Arabia thông báo gia tăng sản xuất dầu đã dẫn đến việc giảm giá mạnh trên thị trường dầu mỏ đầu tháng 3.

Hành động không nhượng bộ của Nga có đạt được mục đích hay sự leo thang của Saudi Arabia có thành công hay không sẽ không chỉ phụ thuộc vào khả năng “chịu đựng” của hai nước mà còn phụ thuộc vào nhu cầu dầu của thị trường và phản ứng điều chỉnh của các nhà sản xuất dầu khác, đặc biệt là ngành công nghiệp dầu đá phiến Mỹ.

Các quyết định của Nga và Saudi Arabia đã dẫn đến cú sốc về nguồn cung, trong giai đoạn mà nhu cầu về dầu giảm sút đang gây ra sự bất ổn trên thị trường dầu mỏ. Triển vọng tăng trưởng cho nền kinh tế toàn cầu ảm đạm do xung đột thương mại Mỹ - Trung Quốc và EU, cũng như do vấn đề Brexit và bây giờ là thêm đại dịch COVID-19. Nhu cầu về dầu mỏ đã giảm so với dự kiến trong năm 2019 và giá dầu brent Biển Bắc cũng đã giảm 15%.

Thực tế là trên các thị trường, mặc dù đã giảm tổng cộng 3,5 triệu thùng/ngày từ các nguồn cung của Iran, Libya và Venezuela, song cung vẫn dư thừa, do đã được bù đắp bằng việc gia tăng sản xuất tại Brazil, Iraq và đặc biệt là Mỹ. Sự tồn tại các rủi ro địa chính trị, các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với các quốc gia dầu mỏ đã dẫn đến giá dầu xuống thấp.

Mỹ hiện là nhà xuất khẩu rộng dầu mỏ và là nhà sản xuất dầu lớn nhất trên thị trường thế giới. Năm 2019, nước này sản xuất 12,3 triệu thùng mỗi ngày, trong đó 8,5 triệu thùng được khai thác từ đá phiến. Với sự tăng trưởng sản xuất dầu từ đá phiến, nguồn cung nói chung đã tăng đáng kể. Tuy nhiên, mức giá tương đối thấp khiến các quốc gia sản xuất phải tính đến những điều chỉnh.

Theo ước tính của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), do hậu quả của đại dịch COVID-19, nhu cầu dầu có thể giảm 2,5 triệu thùng/ngày trong quý I-2020. Tình trạng này khiến OPEC phải hành động, tuy nhiên, đã không thể buộc Nga cắt giảm thêm lượng dầu khai thác.

Quyết định tăng sản lượng khi giá đang giảm của Saudi Arabia, mà người có vai trò quyết định là Thái tử Mohammed bin Salman, đã đặt ra khá nhiều câu hỏi về khả năng cân bằng ngân sách và đảm bảo lợi ích của quốc gia này. Ngay cả trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, giá dầu trên thị trường đã được cho là thấp, so với cân đối ngân sách của quốc gia phụ thuộc rất lớn từ dầu mỏ như Saudi Arabia. Kể từ năm 2014, hơn 2/3 nguồn thu của Chính phủ Saudi Arabia đến từ xuất khẩu dầu.

Cuộc chiến giá dầu được cho là không có lợi cho cả Nga và Saudi Arabia.

Theo tính toàn của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), để cân bằng ngân sách năm 2019, nước này cần bán dầu ở mức 86,5 USD/thùng. Các biện pháp thắt lưng buộc bụng trong vài tháng qua có thể mang lại sự hỗ trợ tài chính nhất định cho năm 2020 nhưng không thể mang đến sự bền vững cho ngân sách. Một giả thuyết nữa được IMF công bố vào tháng 2 cho thấy các quốc gia Vùng Vịnh, bao gồm cả Saudi Arabia, có thể duy trì ngân sách ở mức trung bình vào năm 2034, nếu giá dầu ổn định lâu dài ở mức 55 USD/thùng.

Một vấn đề nữa, đó là chương trình cải cách “Tầm nhìn 2030” mà Thái tử Mohammed bin Salman công bố vào năm 2016, có nội dung đầy tham vọng là trong 10 năm tiếp theo làm cho nền kinh tế của Saudi Arabia giảm lệ thuộc quá nhiều vào doanh thu từ dầu mỏ, đang bị đe dọa nghiêm trọng. Một khi đã đầu tư tất cả “vốn liếng chính trị” vào việc thực hiện hóa tầm nhìn này, thì việc xoay xở sao cho phù hợp với tình hình hiện nay của Thái tử là điều không dễ dàng.

Đối với nước Nga, cuộc chiến giá dầu cũng không có lợi cho xuất khẩu của họ. Một là thị phần hiện nay có thể sẽ bị Saudi Arabia chèn ép, đồng thời, giá dầu sụt giảm kéo theo tổng thu từ xuất khẩu có nguy cơ bị giảm. Tổng kim ngạch xuất khẩu dầu thô và khí tự nhiên của Nga mặc dù thấp hơn mức 86% của Saudi Arabia nhưng cũng đạt mức khoảng 60%. Doanh thu hoạt động tài chính của Nga vẫn phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu năng lượng.

Giá dầu giảm đương nhiên là cũng không có lợi đối với doanh thu tài chính của Nga. Mặc dù Nga và Trung Quốc đã ký nhiều hợp đồng dài hạn nhưng giá của các hợp đồng dài hạn không cố định mà điều chỉnh theo biến động thị trường. Do đó, mặc dù chịu tác động không nhiều bởi thị phần, chắc chắn doanh thu tài chính của Nga cũng sẽ giảm theo đà sụt giảm của giá dầu.

Đối với Mỹ, vấn đề lớn nhất là thiệt hại của các công ty khai thác dầu đá phiến. Từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Donald Trump đã duy trì nới lỏng phê duyệt khai thác năng lượng hóa thạch, phát triển ngành chế tạo của Mỹ và thúc đẩy độc lập năng lượng, không muốn phụ thuộc vào dầu thô ở Trung Đông. Thế nhưng, giá dầu giảm mạnh không chỉ tác động đến lợi nhuận của các công ty khai thác dầu đá phiến mà còn khiến các công ty này đối diện với nguy cơ phá sản do các khoản nợ đáo hạn. Ai cũng biết, việc khai thác dầu đá phiến rất tốn kém.

Ngoài ra, trong trường hợp Saudi Arabia và Nga không giảm sản lượng thì việc các đơn vị khác mất một phần thị trường là hoàn toàn có thể xảy ra. Mặc dù có thể nhập khẩu dầu thô nặng từ Canada, Mexico hay Trung Đông, giá thành nhập có thể giảm thiệt hại nhưng với ngành khai thác dầu đá phiến và các khoản nợ không bền vững thì tổn thất được cho là sẽ nhiều hơn lợi ích mang lại. Hơn nữa, tổn thất tiềm tàng trong trường hợp này còn là cuộc cách mạng năng lượng mới và tiến bộ khoa học kỹ thuật.

Tình trạng giá dầu thấp làm chậm bước tiến của cách mạng năng lượng mới và tiến bộ khoa học công nghệ, Trung Quốc cũng không ngoại lệ. Chỉ đứng sau Mỹ, mức tiêu thụ dầu của Trung Quốc khoảng 14 triệu thùng/ngày, trong đó 72% từ nhập khẩu. Giá dầu thấp mặc dù có lợi cho Trung Quốc nhập khẩu trong ngắn hạn nhưng về trung hạn lại không có lợi cho tiến bộ khoa học kỹ thuật năng lượng, thậm chí ảnh hưởng đến nỗ lực giảm mức độ phụ thuộc vào nguồn năng lượng của nước ngoài, bất lợi đối với an ninh quốc gia.

Giải thích theo góc độ kinh tế học, chi tiêu của người này là thu nhập của người khác. Các quốc gia tiêu thụ dầu trên thế giới giảm chi tiêu về năng lượng sẽ khiến thu nhập từ năng lượng của các quốc gia sản xuất sụt giảm. Và thu nhập giảm sẽ phát sinh các khoản nợ, hình thành vòng tuần hoàn tiêu cực, dẫn đến khủng hoảng nợ có tính giảm phát. Điều này dường như đang diễn ra và nếu thế, có vẻ như chẳng ai có lợi cả!

Huy Thông (Tổng hợp)
.
.