“Cuộc chiến màu sắc” giữa 2 hãng sản xuất sôcôla hàng đầu thế giới

Thứ Tư, 11/06/2014, 07:45

Tòa phúc thẩm thành phố London (Anh) vừa ra phán quyết, y án sơ thẩm đối với đơn kiện của Hãng Nestle (Thụy Sĩ) đòi Công ty Cadbury của Anh không được sử dụng độc quyền màu sắc bao bì truyền thống, do đã vi phạm quy chế cạnh tranh bình đẳng theo Công ước quốc tế.

Đây là một trong những vụ kiện tụng dai dẳng kéo dài trong lịch sử Tư pháp Anh thời hiện đại, được giới truyền thông gọi là "cuộc chiến màu sắc" giữa 2 đại công ty nổi tiếng thế giới qua các sản phẩm sôcôla, đặc biệt là loại kẹo sữa sôcôla vốn được ưa chuộng khắp nơi.

Ngay từ đầu năm 2004, Công ty thực phẩm và nước giải khát đa quốc gia Nestle SA, cũng là công ty thực phẩm lớn nhất thế giới tính theo doanh thu thường niên có trụ sở tại thị trấn Vevey (Thụy Sĩ), đã khởi kiện ra Tòa án thành phố London là nơi đặt trụ sở của Công ty Cadbury, hãng sản xuất bánh kẹo đa quốc gia đứng hàng thứ 2 thế giới sau Công ty Wrigley của Mỹ, vì sử dụng độc quyền màu sắc bao bì sản phẩm bất hợp pháp.

Hãng Nestle chính thức nộp đơn kiện,  ngay sau thời điểm Cục Sở hữu trí tuệ Anh (IPO) cấp bằng sáng chế số 2865C theo yêu cầu của Công ty Cadbury, liên quan đến màu sắc bao bì của sản phẩm kẹo sữa sôcôla mang nhãn hiệu Dairy Milk do Cadbury sản xuất.

Phiên xử kéo dài suốt 4 năm ròng, đến giữa năm 2008, Tòa sơ thẩm đã ra phán quyết, buộc Công ty Cadbury không được dùng màu tím như là "vũ khí truyền thống" cho thương hiệu của mình, nhằm gạt bỏ các đối thủ cạnh tranh trên trường quốc tế.

Đại diện bị đơn Cadbury liền đệ đơn kháng cáo lên Tòa phúc thẩm London, khiếu nại án sơ thẩm là "phiến diện và không công bằng". Nhóm luật sư biện hộ cho Công ty Cadbury lập luận rằng, màu tím đặc trưng đã được sử dụng trên bao bì sản phẩm của hãng kể từ đầu thế kỷ XX và người tiêu dùng mặc nhiên chấp nhận điều này. Đây không phải là sự lựa chọn một cách ngẫu nhiên.

Lúc sinh thời doanh nhân John Cadbury (1802-1889), người sáng lập ra Cadbury đã chọn màu tím nhằm tôn vinh Nữ hoàng Victoria (1819-1901), bởi đó là sắc màu ưa thích của Nữ hoàng cũng là màu biểu tượng đặc biệt của Hoàng gia. Tuy nhiên, Hội đồng xử án phúc thẩm gồm 3 thẩm phán cao cấp khi xem xét bằng sáng chế số 2865C do IPO cấp, cho thấy ngôn từ sử dụng trong văn bằng không đề cập rõ những yêu cầu nghiêm ngặt về đăng ký bản quyền nhãn hiệu.

"Lời văn quá chung chung, chưa đáp ứng các điều kiện tiên quyết để được cấp bằng sáng chế độc quyền", phán quyết nêu rõ.

Kẹo sữa sôcôla Dairy Milk có màu sắc "bắt mắt" so với các sản phẩm tương tự khác

Còn ông Paul Bulcke, Giám đốc điều hành của Nestle SA một mặt tỏ ý hoan nghênh quyết định của Tòa phúc thẩm London; mặt khác cũng cho báo giới biết rằng Công ty Nestle chưa có ý định sử dụng màu tím gây tranh cãi trong tương lai gần, nhưng vẫn theo đuổi vụ kiện đến cùng vì lợi ích của cộng đồng doanh nghiệp toàn cầu, nhất là với các hãng thực phẩm chuyên sản xuất bánh kẹo.

Lịch sử pháp lý quốc tế từng ghi nhận những "cuộc chiến màu sắc" quanh thương hiệu bản quyền khác. Tiêu biểu là trường hợp của nhà thiết kế giày dép cao cấp nổi tiếng người Pháp Christian Louboutin, kiện Hãng Thời trang Yves Saint Laurent (YSL) danh tiếng, do đã tung ra các kiểu giày cao gót có đế màu đỏ trên thị trường Mỹ. Căn cứ vào bản quyền sở hữu trí tuệ đã đăng ký của C. Louboutin, Năm 2008 Tòa phúc thẩm New York đã buộc chi nhánh Công ty đa quốc gia YSL tại Mỹ phải bồi thường thiệt hại cho nguyên đơn số tiền là 1 triệu USD.

Đến thời điểm hiện tại tuy sắp hết hạn theo luật định, nhưng đại diện Tòa án London cho biết vẫn chưa nhận được đơn kháng án lên cấp cao hơn của Công ty Cadbury. Còn theo nhận định từ giới quan sát am hiểu, thì thông lệ ở Anh nếu các phiên xử sơ thẩm và phúc thẩm trước đó vẫn y án như nhau, thì cấp giám đốc thẩm tối cao cũng sẽ đưa ra phán quyết tương tự. Có thể vậy nên Hãng Cadbury chấp nhận thua cuộc?

Trần Hồng (tổng hợp)
.
.