Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung: Mỗi bên một “võ”
- Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: Cơ hội và thách thức đối với ASEAN
- Không ai được lợi từ Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung
Phương án này chưa có quyết định cuối cùng nhưng chắc chắn sẽ gia tăng áp lực lên đàm phán thương mại Mỹ-Trung, cơ hội thỏa hiệp giữa hai nền kinh tế lớn nhất ngày càng xa vời...
Thông tin trên như "đổ thêm dầu vào lửa" trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang ở giai đoạn "căng như dây đàn" mà theo giới chuyên gia phân tích có thể dẫn tới một cuộc chiến tranh thương mại và làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Theo các nguồn tin đăng trên tờ Washington Post và Blommberg, Tổng thống Donald Trump ban đầu dọa áp thuế 10% đối với lượng hàng hóa nhập khẩu bổ sung trị giá 200 tỷ USD của Trung Quốc, song mức thuế xem xét hiện nay đã được nâng lên 25%.
Trong phản ứng đầu tiên, ngày 31-7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng khẳng định mọi sức ép từ phía Mỹ sẽ không có tác dụng đối với Trung Quốc. Ông cảnh báo Bắc Kinh chắc chắn sẽ đưa ra các biện pháp đáp trả để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình.
Các chuyên gia nhận định, Trung Quốc cũng đã chuẩn bị cho tình huống này bằng việc giảm giá đồng nhân dân tệ. Việc này giúp Trung Quốc loại bỏ phần nào ảnh hưởng tiêu cực từ việc Mỹ áp thuế trừng phạt 25% lên 34 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc đầu tiên. Tuy nhiên, nếu quy mô Mỹ áp thuế trừng phạt tăng lên 200 tỷ USD thì câu chuyện có thể sẽ khác.
Nhật báo Phố Wall cho biết thêm, kiến nghị nêu trên do một số cố vấn kinh tế của ông Trump đưa ra và một trong những mục đích của nó là nhằm loại bỏ ảnh hưởng từ việc đồng nhân dân tệ giảm giá nhanh chóng trong những tháng gần đây. Nếu tính từ giữa tháng 4 đến hết tháng 7-2018, đồng nhân dân tệ đã giảm giá 8% so với đồng USD.
Chuyên gia về Trung Quốc Derek Scissors, thuộc Viện Doanh nghiệp Mỹ đồng thời là Cố vấn của chính quyền Donald Trump cho rằng một khi Mỹ quyết tâm sử dụng biện pháp thuế để "ra đòn" nhằm vào Trung Quốc, mức thuế 25% tốt hơn so với mức 10%.
Thông tin đăng tải trên báo Kinh tế số ra ngày 1-8 cho biết, ban đầu ông Donald Trump đe dọa áp thuế trừng phạt 25% lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc nhưng chỉ với quy mô 100 tỷ USD nhằm giảm tác động ảnh hưởng đối với người tiêu dùng Mỹ, sau đó Washington đã giảm mức thuế trừng phạt xuống 10% nhưng lại nâng quy mô áp thuế trừng phạt.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: hindustantimes.com. |
Tuy nhiên, đề xuất mới nhất lại nâng mức thuế trừng phạt lên 25% và cuộc điều trần liên quan tới việc áp thuế trừng phạt đối với 200 tỷ USD hàng hóa khác nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ được tiến hành trong khoảng từ ngày 20-23/8 tới.
Sở dĩ Mỹ phải nâng mức thuế trừng phạt thì mới có thể đối phó được với việc đồng nhân dân tệ giảm giá nhằm bảo đảm biện pháp thuế sẽ giáng đòn mạnh vào Trung Quốc, buộc nước này phải trở lại bàn đàm phán và nhượng bộ Mỹ nhiều hơn trong vấn đề thương mại.
Ngoài ra, mục đích của Mỹ không chỉ nhằm giảm thâm hụt thương mại với Trung Quốc mà còn đánh mạnh vào chiến lược “Sản xuất tại Trung Quốc 2025” với đích đến “tự mình đảm bảo” về công nghệ then chốt vào năm 2025.
Có thể thấy rõ, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc không phải là hiện tượng mới. Từ khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2001, hai nước đã 35 lần đâm đơn kiện lẫn nhau trong cơ chế này. Các động thái đánh thuế hàng nhập khẩu lẫn nhau gần đây giữa hai nước cho thấy căng thẳng leo thang và có thể kéo dài.
Nhiều chuyên gia Trung Quốc từng dự báo rằng, để có kết quả tốt trong cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 tới, Mỹ sẽ “mềm mỏng” hơn với Trung Quốc trong vấn đề thương mại. Thế nhưng, những tín hiệu phát đi từ Washington lại không cho thấy khả năng này. Mỹ sẽ thay đổi lập trường. Washington liên tục phát đi tín hiệu rằng cục diện bế tắc trong tranh chấp thương mại với Trung Quốc sẽ không được giải quyết nhanh chóng.
Trả lời phỏng vấn hãng CNBC vào cuối tháng 7 vừa qua, Cố vấn kinh tế cấp cao Nhà Trắng Larry Kudlow cho biết giới chức Mỹ đang thảo luận về khả năng "gặt hái" thành quả (trong tranh chấp thương mại với Trung Quốc) trong 6 đến 12 tháng tới. Bộ trưởng Tài chính Mnuchin cũng nói rằng Bắc Kinh vẫn chưa đưa ra nhượng bộ thực chất làm hài lòng phía Mỹ mà ở đây cụ thể là Tổng thống Trump.
Ông Mnuchin nói thêm, hiện nay, Mỹ và Trung Quốc vẫn tiếp tục một số trao đổi bí mật, nếu Bắc Kinh đến với đàm phán bằng hành động nghiêm túc thì Washington luôn sẵn sàng.
Bên cạnh những ý kiến cho rằng Mỹ đang chịu thiệt hại thì cũng có một số ý kiến cho rằng, chính quyền Tổng thống Donald Trump đang có nhiều lợi thế. Kinh tế Mỹ vẫn có biểu hiện mạnh mẽ với tăng trưởng GDP quý II/2018 đạt 4,1%, gần gấp đôi so với quý I/2018. Tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Trump trong các cuộc điều tra dân ý gần đây thường xuyên đạt mức cao nhất kể từ khi lên cầm quyền.
Lập trường cứng rắn của ông Trump trong chiến tranh thương mại với Trung Quốc không chỉ giành được sự ủng hộ của người dân Mỹ mà còn nhận được sự hậu thuẫn của cả lãnh đạo đảng Dân chủ đối lập.
Chuck Schumer, lãnh đạo đảng Dân chủ tại Thượng viện Mỹ và thượng nghị sỹ Elizabeth Warren trước đây vốn phản đối ông Donald Trump quyết liệt thì hiện nay cơ bản ủng hộ cách ông Trump xử lý vấn đề Trung Quốc. Ngay cả Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross, người được coi là có thái độ ôn hòa với Trung Quốc, gần đây cũng thay đổi, cho rằng những biểu hiện tốt của kinh tế giúp Mỹ có chỗ dựa vững chắc để gây sức ép với Trung Quốc.
Và nếu chiến tranh thương mại xảy ra, chính quyền của Tổng thống Donald Trump tự tin giành phần thắng trong cuộc đối đầu với Trung Quốc cũng như trước thềm bầu cử giữa nhiệm kỳ.