Cuộc di dân “lịch sử” khỏi Kinh thành Huế

Thứ Ba, 09/04/2019, 10:59
Sau nhiều năm đợi chờ, hàng ngàn hộ dân “sống treo” ở khu vực 1 di tích Kinh thành Huế sẽ được tỉnh Thừa Thiên-Huế di dời đến khu tái định cư (TĐC) để bảo tồn, tu bổ di tích. Cuối tháng 3-2019, UBND TP Huế đã tổ chức gặp gỡ 523 hộ dân ở Thượng Thành, Kinh đô Huế để công bố chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.

Cuộc di dân này được đánh giá là “có một không hai” trong lịch sử địa phương, bởi trước đó đã nhiều lần không thực hiện thành công do thiếu nguồn kinh phí và sự đồng thuận từ người dân.

Sống mòn trên di tích

Kinh thành Huế - nơi đóng đô của triều đại nhà Nguyễn trong suốt 143 năm từ năm 1802 đến khi vua Bảo Đại thoái vị vào năm 1945. Năm 1803, vua Gia Long bắt đầu cho khảo sát và chọn vùng đất rộng bên bờ Bắc sông Hương cùng một phần của 2 con sông Bạch Yến và Kim Long để xây thành. Về mặt phong thủy, tiền án kinh thành là núi Ngự Bình như bức bình phong thiên nhiên che chắn trước kinh thành. Hai bên cồn Hến và cồn Dã Viên làm tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ (thế rồng chầu hổ phục).

Đến năm 1805, vua Gia Long khởi công xây kinh thành và được hoàn chỉnh vào năm 1832 dưới thời vua Minh Mạng. Đây được xem là công trình lịch sử, quy mô với hàng vạn lượt người tham gia thi công, hàng triệu khối đất đá với khối lượng công việc khổng lồ kéo dài trong suốt 30 năm dưới triều Nguyễn. Với 3 vòng thành lần lượt là Kinh thành, Hoàng thành và Tử Cấm Thành, hiện Kinh thành Huế là di tích thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào năm 1993.

Những căn nhà tạm này sẽ được giải tỏa trong năm 2019 để thực hiện bảo tồn, tu bổ di tích Kinh thành Huế.

Tuy nhiên, chiến tranh cộng với sự khắc nghiệt của thời tiết đã khiến nhiều hạng mục trên di tích Kinh thành Huế bị xuống cấp nghiêm trọng, cần bảo tồn tu bổ khẩn cấp. Đặc biệt từ trước và sau ngày đất nước giải phóng, hàng trăm hộ dân vì không có chỗ ở đã xâm chiếm nhiều vị trí sát bờ tường Kinh thành dựng nhà tạm sinh sống. Qua hàng chục năm, thế hệ này nối tiếp thế hệ khác, số hộ dân sống bám trên di tích tăng đột biến, trong đó chỉ tính riêng khu vực Thượng thành - Eo Bầu có hơn 1.200 hộ dân “sống treo” thuộc các phường Thuận Hòa, Thuận Thành, Thuận Lộc, Tây Lộc (TP Huế).

Để hiểu rõ cuộc sống các hộ dân sống treo trên Thượng thành, Kinh thành Huế, chúng tôi tìm đến khu phố Ông Ích Khiêm, Xuân 68 là 2 tuyến đường nằm ở phía Nam và phía Đông Kinh thành. Trên khu đất sát với bờ tường Kinh thành là những căn nhà tạm nối nhau san sát. Lúc chúng tôi đến, anh Trần Ty (45 tuổi) đang cần mẫn bào gỗ bên trong xưởng mộc được dựng ngay trước mặt nhà. Anh Ty kể, trước năm 1975, gia đình mẹ vợ anh là bà Phan Thị Thí (70 tuổi) tìm về khu vực đường Xuân 68 sát với Kinh thành dựng căn nhà nhỏ trên 200m2 đất làm nơi sinh sống cho cả gia đình.

“Hơn 40 năm với “vật đổi sao dời” nhưng căn nhà chúng tôi ở vẫn như thế. Do nhà nằm trong đất của di tích, không được phép cơi nới, sửa chữa nên nhà xuống cấp, hư hỏng không biết phải làm sao. Điều đáng nói, vì cuộc sống khó khăn, không có điều kiện mua đất làm nhà ở riêng nên cả gia đình 3 thế hệ gồm 10 nhân khẩu đành chấp nhận tá túc trong căn nhà nhỏ này để chờ đợi đến lúc được di dời”, anh Ty trải lòng.

Tương tự, gia đình bà Võ Thị Mai (54 tuổi, ở khu vực 3, phường Thuận Thành) có 8 nhân khẩu suốt hàng chục năm qua vẫn ở trong căn nhà xây bằng bờ lô lợp mái tôn ngay trước khu đất sát với Kinh thành. Trong khi đó, khu nhà bếp và nhà vệ sinh được gia chủ xây dựng ngay sát bờ thành di tích.

Người dân lấn chiếm đất di tích dựng nhà sát bờ tường Kinh thành.

“Cách đây nhiều năm, có đoàn cán bộ về đo đạc đất đai, kiểm kê tài sản để chuẩn bị phương án di dời các hộ dân sống trên Kinh thành, nhưng đến bây giờ, chúng tôi mới nghe tin vui là sắp được di dời. Do nhà cửa xuống cấp nên vào mùa mưa bão rất vất vả, gia đình và hàng xóm đều phải di dời xuống trường Tiểu học Trần Quốc Toản để trú ngụ nhằm đảm bảo an toàn”, chồng bà Mai - ông La Văn Quê nói.

Cách đó không xa là căn nhà dựng bằng mấy tấm ván gỗ, tôn lợp hoen gỉ của vợ chồng ông Nguyễn Cư và bà Hồ Thị Lành. Không có đất cắm dùi nên sau ngày cưới, vợ chồng ông Cư, bà Lành dắt díu nhau lên bờ Kinh thành dựng nhà tạm ở từ năm 1977 đến nay.

Ông Cư thổ lộ: “Vợ chồng chúng tôi, người thì đạp xích lô, kẻ thì bán hàng rong, được bao nhiêu tiền chỉ đủ lo cho mấy đứa con. Nay các con lớn đi học nghề và có việc làm tạm ổn định nên cuộc sống đỡ vất vả hơn trước. Ước nguyện dời chỗ này để đến nơi ở mới của gia đình có từ lâu nhưng không thực hiện được vì không có tiền mua đất, giá đất lại liên tục tăng cao. Mới đây, khi nghe tỉnh nhà sẽ thực hiện dự án di dời hàng ngàn hộ dân ở khu vực 1 Kinh thành Huế, trong đó có gia đình tôi thì chúng tôi rất phấn khởi. Vẫn biết trước sau gì cũng phải trả lại đất cho di tích nên thà muộn còn hơn sống trong cảnh chờ đợi, âu lo chú à!”.

Hơn 4.200 hộ dân sẽ được di dời

Thực hiện chủ trương của Thủ tướng Chính phủ về đề xuất cơ chế đặc thù di dời, hỗ trợ tái định cư cho người dân trong khu vực 1 di tích Kinh thành Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tổ chức khảo sát hiện trạng sử dụng đất, thực trạng đời sống dân cư tại khu vực di tích. Đến tháng 3-2019, công tác thu hồi đất của các hộ dân sống ở khu vực di tích Thượng Thành thuộc địa bàn các phường Thuận Lôc, Thuận Thành, Thuận Hòa, Tây Lộc (TP Huế) đang được UBND TP Huế gấp rút triển khai để thực hiện dự án di dân, giải phóng mặt bằng nhằm tiến hành công tác bảo tồn, tu bổ Kinh thành Huế.

Ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch UBND TP Huế cho hay, để triển khai thực hiện dự án bảo tồn, tu bổ Kinh thành Huế, chính quyền địa phương sẽ di dời 4.201 hộ dân đến các khu tái định cư với tổng mức đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng. Trong đó kinh phí giải phóng mặt bằng khoảng 2.735 tỷ đồng, xây dựng khu tái định cư 1.362 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ 2019 đến 2025.

“Đây là dự án di dân lớn nhất trên địa bàn tỉnh mà trước đây, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương chưa thể thực hiện được. Và trong năm 2019 này, TP Huế sẽ tiến hành thu hồi diện tích đất gần 166.000 m2 ở 4 phường thuộc khu vực Thượng thành để di dời 523 hộ dân sống tại đây ra khu tái định cư Hương Sơ 1.

Hiện thành phố đã tổ chức hội nghị gặp gỡ các hộ dân, công bố các quyết định, khung chính sách bồi thường, hỗ trợ nhằm giúp người dân nắm rõ. Qua đây, chính quyền thành phố và các cấp sẽ lắng nghe tâm tư nguyện vọng của bà con để thực hiện việc di dời nhanh chóng, đảm bảo công tâm, khách quan và đúng quy định”, ông Thành nói.

để thực hiện công tác di dời dân cư, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã xây dựng khung chính sách bồi thường hỗ trợ và tái định cư cho các hộ dân ở khu vực 1 Kinh thành Huế và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong đó, giai đoạn năm 2019 sẽ giải tỏa người dân ở khu vực Thượng thành với hơn 500 hộ dân. Năm 2020 tiếp tục giải tỏa khu vực Eo Bầu, năm 2021 giải tỏa khu vực Hộ Thành Hào, tuyến phòng lộ.

Nhiều thế hệ gia đình bà Võ Thị Mai sinh sống trong căn nhà tạm thuộc đất kinh thành Huế.

Giai đoạn 2022 đến 2025 sẽ giải tỏa khu vực hồ Tịnh Tâm, Học Hải, đàn Xã Tắc, Khâm Thiên Giám, Xiển Võ Từ, Lục Bộ, Trấn Bình Đài và khu vực Mang Cá. Cụ thể, các hộ dân sử dụng đất trước ngày 19-5-1976 có giấy tờ hợp lệ về quyền sử dụng đất sẽ được bồi thường theo quy định hiện hành; trường hợp đất có nhà ở do lấn chiếm từ năm 1976 đến 1993 được hỗ trợ 100% theo hiện trạng nhưng không vượt quá 200m2; xây dựng nhà trên mặt nước được hỗ trợ 100%; trường hợp sử dụng đất có nhà ở từ 1993 đến 2004 sẽ hỗ trợ 50% theo hiện trạng, nhà trên mặt nước được hỗ trợ 50%... Và phần lớn người dân ở khu vực 1 Kinh thành Huế đều tán thành với khung chính sách này.

Mong được an cư, lạc nghiệp

Chiều về, khi trời nhá nhem tối, chúng tôi trở lại phường Tây Lộc, là một trong số 4 phường có nhiều hộ dân sẽ được giải tỏa trong năm 2019 để đến nơi ở mới nhằm trả lại đất cho di tích, phục vụ công tác tu bổ. Bắt gặp hình ảnh những người phụ nữ trở về nhà lo cơm nước cho gia đình sau một ngày lao động vất vả mới thấy cám cảnh cho cuộc sống của các hộ dân nơi đây.

Bên trong những căn nhà lụp xụp ấy, còn có tiếng trẻ con cười đùa xen lẫn giọng nói của những người đàn ông khi họ ngồi quây quần bên nhau để cùng bàn về câu chuyện di dân sắp đến đang rất “thời sự” và ước mơ được an cư tại nơi ở mới.

Tình cờ bắt gặp chị Nguyễn Thị Thủy, Bí thư Chi bộ tổ 20, phường Tây Lộc, TP Huế khi chị đang cầm trên tay thông báo thu hồi đất và bảng chi tiết khung chính sách bồi thường, hỗ trợ đối với hộ dân di dời khỏi khu vực 1 Kinh thành Huế, mới thấy chị vẫn còn nhiều điều trăn trở.

Chị bày tỏ: “Vì nhiều lý do nên hiện có không ít đứa trẻ lớn lên ở khu vực Thượng thành không làm được giấy CMND, hộ khẩu và các giấy tờ cá nhân. Vì thế, rất mong chính quyền các cấp hỗ trợ tạo điều kiện cấp các giấy tờ tùy thân cho những hộ dân này khi đến nơi ở mới. Có như thế thì họ - những người từng sống bám trên di tích - mới có thể tìm được công việc tốt để ổn định cuộc sống”.

Cùng quan điểm với chị Thủy, ông Nguyễn Đức Thọ có hơn 4 thập niên sống trên khu vực Thượng thành, phường Tây Lộc cũng bày tỏ, yêu cầu chính quyền địa phương quan tâm tạo điều kiện giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân khi giải tỏa di dời đến nơi ở mới.

Ông Thọ lý giải: “Do ở nhà tạm nên sau cơn bão năm 1985 và trận lũ lớn năm 1999, rất nhiều hộ dân sống ở khu vực Thượng thành bị mất hoặc hư hỏng các giấy tờ liên quan đến nhân thân, đất đai, nhà cửa. Ví như giờ phường nói chúng tôi nộp giấy tờ chứng minh đã đóng thuế đất thì rất khó nên rất mong các cấp tạo điều kiện hỗ trợ cho người dân về các thủ tục hành chính”.

Trước những nguyện vọng chính đáng của người dân, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ khẳng định, ngoài số tiền Chính phủ hỗ trợ 100 tỷ đồng, tỉnh còn huy động thêm 150 tỷ đồng để có đủ nguồn kinh phí hỗ trợ, di dời dân ở khu vực Thượng thành, Kinh thành Huế trong năm 2019. Ngoài ra, tỉnh đang huy động thêm nguồn lực khác để có thêm nhiều chính sách, ưu đãi để người dân thuận lợi trong công tác di dời, bố trí tái định cư.

Bên cạnh đó, tỉnh còn yêu cầu chính quyền các cấp tập trung xử lý vướng mắc cho người dân, đảm bảo công khai, minh bạch để người dân di dời đến nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ, đảm bảo an sinh xã hội.

Và tin tưởng rằng, với sự nỗ lực của lãnh đạo cùng chính quyền các cấp, tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ đảm bảo “an cư, lạc nghiệp” cho hàng ngàn hộ dân trong cuộc di dân lịch sử ra khỏi Kinh thành Huế.

Chiều 29-3, trong chuyến công tác tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng đoàn công tác Chính phủ đã đến thăm các hộ dân thuộc diện di dời ở khu vực 1 Kinh thành Huế.

Chia sẻ khó khăn với người dân đang sinh sống trên Thượng thành, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm về công tác di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh thành Huế. Theo Phó Thủ tướng, ngoài ổn định đời sống cho người dân, việc di dời còn tạo điều kiện cho công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản Huế.

Anh Khoa
.
.