Khai mạc Liên hoan Sân khấu toàn quốc về "Hình tượng người Chiến sĩ CAND" lần thứ II

Cuộc hội ngộ của các anh tài Sân khấu

Thứ Sáu, 24/09/2010, 11:10
Người ta vẫn thường nói "lịch sử không bao giờ lặp lại", và dường như những dấu ấn đặc biệt không mờ phai trong tâm trí con người lại rơi vào thời khắc đáng nhớ, thời khắc trọng đại của đất nước, của dân tộc.

Khi cả nước đang chăm chú, háo hức hướng về thủ đô, trái tim của cả nước mong mỏi từng giờ tới ngày kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội. Thì trong những ngày này, 17 đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp của cả nước đã và đang tỏa sáng tại sân khấu bề thế và trang trọng bậc nhất - Nhà hát Lớn Hà Nội với 19 vở diễn sống động, hôi hổi tính thời sự về "Hình tượng người chiến sĩ CAND".

Đây phải chăng chính là mạch nối đầy ý nghĩa về văn hóa, chính trị khi mà chúng ta vừa long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 65 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống CAND,  5 năm Ngày hội "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc" và chỉ còn ít ngày nữa là tới thời khắc có một không hai trong lịch sử, ngày Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Sự kiện Liên hoan Sân khấu toàn quốc về "Hình tượng Người chiến sĩ CAND" như cây cầu bắc qua những sự kiện trọng đại của nước nhà. Cây cầu này đã được xây dựng từ tâm huyết, trách nhiệm, sáng tạo của cán bộ, chiến sĩ (CBCS) đang công tác trong Lực lượng CAND - Bộ Công an, và Bộ VH-TT&DL tạo điều kiện phối hợp chỉ đạo thực hiện, bên cạnh đó là sự cống hiến, nỗ lực của đông đảo nghệ sĩ từ nhiều đơn vị nghệ thuật trên khắp mọi miền của Tổ quốc.

Nhà hát Lớn Hà Nội nơi diễn ra liên hoan Sân khấu về "Hình tượng người chiến sĩ CAND".

Cuộc sống luôn có những điều bất ngờ và thi vị, trong một chừng mực nào đấy, nghệ thuật hẳn có phép nhiệm mầu. Trước nay, động đến đề tài về công an nhiều người còn e dè, ngại ngùng, TS Nghệ thuật Nguyễn Thị Minh Thái đã ví von và gọi đây là đề tài "khó nhằn". Tưởng “khó nhằn” là vậy sẽ có ít kịch bản để dàn dựng, nhưng thật  kỳ lạ, 50 cuốn kịch bản các loại xoay quanh chủ đề về "Hình tượng Người chiến sĩ CAND" tới tấp gửi về Báo CAND.

Trong chồng kịch bản khá đồ sộ ấy, đã có 19 kịch bản được chọn lựa dưới con mắt nhà nghề của hội đồng tuyển chọn. 17 đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp của cả nước hăng hái, nhiệt tình khi có trong tay kịch bản về CBCS CAND. Một sự khám phá thú vị với những người trong nghề "Ồ! Hóa ra đề tài về công an là mảnh đất màu mỡ, phì nhiêu để các nhà biên kịch, đạo diễn, diễn viên tha hồ thỏa thê sáng tạo...".

Tuy vậy, cũng phải sòng phẳng để nhìn nhận, tuy có nhiều người đến với mảng đề tài hấp dẫn này nhưng do đặc thù của Lực lượng Công an khá đặc biệt so với các ngành nghề khác, để viết có sức thuyết phục thì có lẽ không ai hiểu bằng chính người trong cuộc. Họ đã được sống trong bầu không khí ấy, lớn lên và trưởng thành, tôi luyện trong môi trường ấy, những bài học chiêm nghiệm về cuộc đời cũng sinh ra từ nơi đấy.

Trung tướng, nhà văn Hữu Ước có khối lượng tác phẩm viết về con người trong Lực lượng CAND nhiều hơn cả. Bởi lẽ cả cuộc đời ông đã gắn bó trong hàng ngũ Lực lượng CAND. Vở "Tiếng chuông chùa" của ông cách đây mấy năm đã được đạo diễn NSND Xuân Huyền dàn dựng cho Nhà hát Tuổi trẻ. Vở viết về đề tài nóng, căn bệnh thâm căn cố đế của xã hội, bệnh tham nhũng. Một kịch bản giàu kịch tính và chất triết lý, suy tưởng, cộng với dàn diễn viên tên tuổi và thêm một tấm phiếu bảo hành - Nhà hát thuộc hàng vơđét của sân khấu kịch nói nên ngay khi trình làng, vở kịch đã tạo nên cơn sốt, chiếm được cảm tình của đông đảo khán giả.

Một cảnh trong vở kịch “Từ một ngã tư đường phố”.

"Tiếng chuông chùa" - vở diễn khai mạc Liên hoan Sân khấu về "Hình tượng Người chiến sĩ CAND"  vào tối qua (21/9) là sự lựa chọn thực sự hợp tình, hợp lý. Trước đấy, 8h sáng cùng ngày, Đoàn kịch nói Quảng Ninh đã ra mắt công chúng khán giả thủ đô với một kịch bản cũng đầy chất lửa "Một người tự xé xác hay cuộc chiến" của đạo diễn trẻ Anh Tú. Trước khi tới tham gia Liên hoan sân khấu, Đoàn kịch nói Quảng Ninh đã từng đi nhiều nơi biểu diễn từ Hòn Gai, Cẩm Phả... Vở diễn đã mang lại hiệu ứng tốt cho công tác tuyên truyền và xây dựng hình ảnh cao đẹp về người chiến sĩ CAND trong lòng dân.

Tiếp đây, ngày nối ngày, vừa vặn chục hôm liền tại sân khấu Nhà hát Lớn, mỗi đoàn nghệ thuật sẽ mang đến những vở diễn ly kỳ về cốt truyện. Đó chính là sự đấu tranh giữa các tuyến nhân vật và xung đột nội tâm dai dẳng, dưới sự thể hiện của các nghệ sĩ chuyên nghiệp đang công tác tại các nhà hát uy tín trên cả nước. Tất cả tạo nên sự hấp dẫn cho vở kịch. Ý nghĩa cốt truyện và tư tưởng chủ đề của mỗi vở khác nhau nhưng đều có chung tiêu chí, hướng con người đến những điều tốt đẹp, ca ngợi phẩm chất của người CBCS CAND.

Nghệ thuật chính là phản ánh chân thực cuộc sống, tái hiện lịch sử, hay lắp ghép các mảnh đời khác nhau trong cuộc sống. Từ chất liệu ngồn ngộn của cuộc sống thường ngày, những nhà biên kịch đã tạo ra những kịch bản có nội dung phong phú. Qua bàn tay phù thủy của đạo diễn từ đạo diễn nhà nghề đình đám NSND Lê Hùng đến đạo diễn trẻ năng động tên tuổi như NSND Lan Hương, NSƯT Anh Tú,  NSND Hoàng Dũng... cùng dàn diễn viên đầy bản lĩnh, sáng tạo, những buổi diễn của kỳ liên hoan này đã hứa hẹn nhiều điều thú vị, hấp dẫn...

GS, TS, NSND Đình Quang, cây đa của nền sân khấu nước nhà làm trưởng ban giám khảo. Vị trưởng bối với tâm trạng xúc động đã bộc bạch đôi điều: "Xã hội còn nhiều nhiễu nhương, con người nhiều khi rơi vào trạng thái bất ổn và mất cân bằng. Trong bối cảnh hiện thực xã hội như vậy việc đặt ra sống có kỷ cương, luật pháp là thực sự cần thiết. Việc chống tiêu cực, đẩy lùi những tệ nạn xã hội càng cần phải được quan tâm đúng mực. Kinh tế đất nước phát triển, đời sống khá hơn nhưng an ninh trật tự rất đáng lo ngại. Công an đóng vai trò chủ chốt thay mặt người đại diện cho nhà nước, chính quyền để đến với nhân dân, mang lại sự an lành, bình yên trong không khí xã hội. Việc có nhiều vở diễn về "Hình tượng Người chiến sĩ CAND" đã thực sự là một tiếng kèn đồng rền vang báo hiệu sinh khí cho nền sân khấu, đồng thời thông qua hình tượng nghệ thuật của tác phẩm xây dựng một tượng đài sừng sững về Hình tượng Người chiến sĩ CAND".

Mới qua một hôm diễn, với độ nhạy cảm nghề nghiệp, NSND Lê Tiến Thọ, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL có một niềm tin mãnh liệt: "Đây là dịp thích hợp để tuyên truyền sâu rộng cho nhân dân hiểu thêm về hình tượng Người chiến sĩ Công an trong thời kỳ đổi mới". Đồng thời, ông đã khẳng định chắc chắn liên hoan lần này sẽ tạo được một dấu ấn mạnh mẽ  đối với nhiều khán giả yêu sân khấu, đặc biệt đối với Lực lượng CAND.

Đáp lại sự mong mỏi của các cán bộ lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các ban, ngành, đoàn thể, các khán giả thủ đô... 17 đoàn nghệ thuật tham gia vở diễn cho Liên hoan, trong nhiều tháng qua đã hăng say luyện tập để cống hiến và cháy hết mình trên sàn diễn. Những ngày này, sẽ là sự hội tụ, giao lưu gặp gỡ của kịch nói 3 miền Bắc - Trung - Nam. Ngoài ra, đây thực sự là bữa đại tiệc hoành tráng bao gồm nhiều thể loại nghệ thuật truyền thống, kịch hát dân tộc, chèo, cải lương,  dân ca...

Trong từng cốt truyện, từng vở diễn, đã, đang và sẽ còn nhiều diễn viên hóa thân vào CBCS CAND, Liên hoan sẽ có thêm một tặng thưởng (bên ngoài giải thưởng) cho diễn viên vào vai người chiến sĩ CAND hay nhất, đạt nhất.

Với sự đìu hiu của sân khấu kịch trường phía Bắc đang rơi vào khủng hoảng trong những năm gần đây, kỳ liên hoan này thực sự đã góp phần đem lại sinh khí và sức sống thanh tân cho quang cảnh sân khấu nước nhà. 19 vở diễn sẽ không chỉ sáng đèn trên sân khấu Nhà hát Lớn mà sau kỳ liên hoan này còn được các đoàn nghệ thuật đi lưu diễn nhiều nơi trên khắp mọi miền của Tổ quốc đem đến cái nhìn toàn diện về những người chiến sĩ CAND, những con người đang ngày đêm chiến đấu không ngơi nghỉ vì sự bình yên của Tổ quốc. Thêm vào đó, Liên hoan sân khấu như món quà đầy ý nghĩa đến với khán giả thủ đô vào dịp 1000 năm Thăng Long - Hà Nội

Trần Mỹ Hiền
.
.