Cuộc “kết hôn” giữa cà phê Trung Nguyên và sữa Vinamilk

Chủ Nhật, 19/09/2010, 12:35
Sáng ngày 13/9 vừa qua, tại khách sạn Sheraton (TP HCM), hai thương hiệu Việt hàng đầu hiện nay là cà phê Trung Nguyên và sữa Vinamilk đã chính thức công bố hợp tác chuyển nhượng dự án Nhà máy Cà phê Sài Gòn. Đây được hy vọng là cái bắt tay chặt nhằm có thể đưa thương hiệu cà phê Việt Nam vượt khỏi phạm vi của một quốc gia.

Nhà máy Cà phê Sài Gòn được đặt tại tỉnh Bình Dương, trên diện tích rộng 6 hécta với dây chuyền sản xuất cà phê từ rang, xay, hòa tan cho đến cà phê đóng lon đều bằng công nghệ tiên tiến nhất của châu Âu. Ông Lê Tuyên, Giám đốc tiếp thị và truyền thông của Trung Nguyên nói việc chuyển nhượng này đối với Trung Nguyên là một bước chuẩn bị của cuộc hành trình dài để xóa bỏ những ám ảnh về nghịch lý bất công của ngành cà phê Việt Nam.

Theo thống kê thì tỉ lệ tiêu thụ cà phê nội địa tại Việt Nam rất thấp, chỉ khoảng 0,5kg/người/năm. Trong khi đó, ở các nước Bắc Âu thì tỉ lệ tiêu thụ của người tiêu dùng là khoảng 12 kg/người/năm, tức một tháng tiêu thụ cà phê của họ đã gấp 2 lần khối lượng tiêu thụ cà phê của người Việt trong một năm. Điều nghịch lý là ở chỗ, đất nước chúng ta có sản lượng xuất khẩu cà phê đứng thứ hai thế giới, nhưng lại chỉ dừng lại ở mức xuất khẩu thô. Hạt cà phê Robusta được công nhận là cà phê ngon nhất thế giới, nhưng lại không có thương hiệu cà phê Việt nào được thế giới biết đến. Thứ nữa, người nông dân trồng cà phê tại Việt Nam luôn bị đặt trong tình trạng cuộc sống không đảm bảo do sự "nhảy - nhót" của giá cà phê.

Thế cho nên, với mong muốn xóa bỏ những bất công ám ảnh ấy, phía Trung Nguyên đã bỏ ra hẳn 5 năm với một chiến lược dài hơi từ hoàn thiện hệ thống nhà máy công nghệ và bí quyết pha chế với kinh phí đầu tư khoảng 2.200 tỉ đồng chỉ với một khát vọng duy nhất là chinh phục thực khách thế giới bằng thương hiệu cà phê Việt. Và việc tiếp nhận Nhà máy Cà phê Sài Gòn cũng nằm trong chiến lược này của Trung Nguyên.

Đến nay, Trung Nguyên đã sở hữu một hệ thống gồm 4 nhà máy chế biến cà phê lớn nhất châu Á, gồm: 2 nhà máy chế biến cà phê rang xay và 2 nhà máy chế biến cà phê hòa tan. Việc tiếp nhận nhà máy mới do Vinamilk nhượng quyền thì tổng công suất sản xuất cà phê hòa tan của Trung Nguyên sẽ được nâng lên gấp 3 lần so với sản lượng cà phê hòa tan của một hãng cà phê là đối thủ chính tại thị trường trong nước, ông Lê Tuyến cho biết.

Bên cạnh đó, vào tháng 6/2009, Trung Nguyên cũng đã cho khởi công xây dựng nhà máy chế biến cà phê rang xay hiện đại nhất thế giới tại Buôn Ma Thuột với mức đầu tư gần 40 triệu USD. Song song với sự đầu tư này, Trung Nguyên cũng đã xây dựng và đảm bảo nguồn nguyên liệu tốt nhất và ổn định bằng kế hoạch trồng 3.500 hécta cà phê theo tiêu chuẩn UTZ. UTZ chính là chứng nhận nguồn gốc lẫn các nguyên tắc tiêu chuẩn trồng cà phê để từ đó người tiêu dùng có thể yên tâm rằng cà phê mình đang thưởng thức được đảm bảo về chất lượng từ khâu trồng cho đến sản xuất. Dự tính từ 3 cho đến 5 năm tới, Trung Nguyên sẽ chính thức ngồi vào "ngôi vương" trong lĩnh vực cà phê rang xay tại châu Á.

Nói về việc chuyển nhượng rất quan trọng này, lãnh đạo của Trung Nguyên cho rằng, lý do quyết định để đi đến sự hợp tác giữa Vinamilk và Trung Nguyên là sự tương đồng về các giá trị và quan điểm kinh doanh giữa hai doanh nghiệp, đó là khát khao hành động nhằm mang lại sự giàu mạnh bền vững cho đất nước thông qua sự tự chủ về kinh tế. Và đây cũng là một bước tiên phong để xóa bỏ truyền thống cá nhân, phân chia cục bộ trong kinh doanh nhằm hướng đến sự hợp tác cùng phát triển với mục tiêu chung là đưa thương hiệu Việt ngày càng lớn mạnh, hướng đến chinh phục thị trường thế giới.

Bà Ngô Thị Thu Trang, Giám đốc Điều hành Công ty  Sữa Vinamilk cho biết thêm, Vinamilk hy vọng Trung Nguyên sẽ sớm cùng Vinamilk có tên trong danh sách các thương hiệu hàng đầu khu vực. Vinamilk là doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên được Tạp chí uy tín Forbes Asia bình chọn là 1 trong 200 doanh nghiệp vừa và nhỏ hàng đầu châu Á.

Đại diện Ban Giám đốc Trung Nguyên và Vinamilk trao bản ký kết hợp tác.

Không chỉ dừng lại ở sự đầu tư về trang thiết bị, Trung Nguyên còn xây dựng câu chuyện thương hiệu Việt toàn cầu bằng cách làm việc với Tổ chức SAIN & COMPANY, một tập đoàn tư vấn kinh doanh hàng đầu thế giới đã đưa nhiều thương hiệu vươn xa ra khỏi phạm vi quốc gia. Câu chuyện này có thể gói gọn theo biểu đồ hình tròn tương tác lẫn nhau là Thương hiệu - Biểu tượng và Điểm thu hút. Đúng theo trình tự là sản phẩm cà phê - hệ thống quán cà phê và tư tưởng cà phê. Dĩ nhiên, biểu đồ lập ra thì đơn giản nhưng để thực hiện được điều này không phải là điều dễ dàng nếu không có những nỗ lực vượt bậc từ lãnh đạo cho đến nhân viên của Trung Nguyên.

Cũng cần nói thêm rằng, đối với Trung Nguyên cà phê không chỉ là sản phẩm thương mại mà đây còn là sản phẩm gắn liền với những giá trị văn hóa. Và lắm khi, nó cũng trở thành biểu tượng ngoại giao của Việt Nam thông qua các buổi dạ tiệc ngoại giao cà phê Trung Nguyên với tên gọi "M'jor caphe", "Đêm thế giới cà phê"...

Trong Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN 17 vào tháng 10 tới đây, Bộ Ngoại giao  đã chính thức chọn cà phê chồn Trung Nguyên là sản vật đặc biệt của Việt Nam làm quà tặng cho 20 nguyên thủ quốc và và lãnh đạo các tổ chức quốc tế tham gia Hội nghị.

Thông tin từ phía Trung Nguyên cho hay Dự án Bảo tàng cà phê thế giới với hơn 10.000 hiện vật do Trung Nguyên sưu tầm và mua lại của các bảo tàng cà phê lớn nhất thế giới tại Đức, với chi phí ước tính hơn 5 triệu USD sẽ về đến Việt Nam vào cuối tháng 9 năm nay, và chính thức mở cửa đón khách vào tháng 3/2011 trong Lễ hội Cà phê.

Dự án thành phố cà phê cũng đang trong giai đoạn hoàn tất những bản vẽ cuối cùng và dự kiến khởi công trong năm 2010. Với hàng loạt kế hoạch đang được triển khai, Trung Nguyên coi đó là sự khẳng định mạnh mẽ nhất, quyết tâm nhất để thực hiện hai nhiệm vụ chính là thống trị thị trường nội địa - Chinh phục thế giới và Việt Nam sẽ là "Thủ phủ cà phê toàn cầu"

N.N.Hữu
.
.