Cuộc "so găng" giữa những đại gia

Thứ Năm, 07/06/2018, 14:26
Thương mại toàn cầu đang chao đảo bởi các nước đối tác thương mại lớn nhất thế giới. Ngày 31-5, Mỹ tuyên bố áp đặt các mức thuế quan đối với sản phẩm nhôm và thép nhập khẩu từ EU, Canada và Mexico, chấm dứt thời hạn miễn trừ kéo dài 2 tháng.

Động thái tương tự sắp được đưa ra với Trung Quốc khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng Mỹ chuẩn bị thực hiện áp đặt thuế quan đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc. Không chỉ có vậy các cuộc chiến thương mại “chéo” giữa EU-Trung Quốc càng khiến hệ thống thương mại thế giới hỗn loạn.

Khi đồng minh trở thành đối thủ

Phát biểu trước báo giới, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross khẳng định kế hoạch áp thuế 25% đối với sản phẩm thép nhập khẩu và 10% đối với nhôm nhập khẩu từ EU, Canada và Mexico sẽ có hiệu lực kể từ 4 giờ GMT ngày 1-6.

Giới phân tích cho rằng quyết định của Washington tiếp tục làm dấy lên những lo ngại về một cuộc chiến thương mại trên toàn cầu, gây ra những tác động không nhỏ với các nền kinh tế.

Giải thích về quyết định trên, Bộ trưởng Thương mại Mỹ cho rằng các cuộc đàm phán với EU đã không đạt được một thỏa thuận thỏa đáng nhằm thuyết phục Washington tiếp tục miễn trừ các mức thuế đối với châu Âu. Trong khi các cuộc đàm phán với Canada và Mexico nhằm sửa đổi Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) diễn ra lâu hơn so với kỳ vọng, thậm chí không có thời hạn cụ thể để kết thúc đàm phán. Vì vậy, việc miễn trừ cũng sẽ bị bãi bỏ. Thông báo từ Bộ Thương mại Mỹ ngay lập tức đã được Tổng thống Donald Trump xác nhận.

Sau khi Mỹ tuyên bố áp thuế nhập khẩu thép, nhôm từ EU, Canada và Mexico, các đối tác thương mại này của Mỹ đã chỉ trích gay gắt. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker tuyên bố quyết định của Washington là không thể chấp nhận và EU sẽ áp đặt các biện pháp trả đũa.

Trong khi đó, Ủy viên phụ trách thương mại của EU Cecilia Malmstrom cho biết EU sẽ bắt đầu kích hoạt cơ chế giải quyết tranh chấp tại Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Bà Malmstrom khẳng định các biện pháp đáp trả của EU sẽ cân xứng và phù hợp với quy định của WTO.

WTO đang được cho là lu mờ trước diễn biến nghiêm trọng của thương mại toàn cầu. Ảnh: Chicago Tribune .

Trong một phản ứng, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã chỉ trích quyết định của Mỹ áp mức thuế nhập khẩu mới đối với mặt hàng nhôm và thép từ EU là "bất hợp pháp và sai lầm", đồng thời cảnh báo EU sẽ đáp trả "một cách mạnh mẽ và thích hợp".

Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire thì khẳng định, thương mại thế giới không nên là một cuộc "đọ súng" giữa các nước. Trong khi đó, một người phát ngôn của Chính phủ Anh lấy làm thất vọng khi Mỹ lấy lý do vì "an ninh quốc gia" để áp thuế các đồng minh.

Canada và Mexico cũng đã công bố các biện pháp đáp trả Mỹ. Ngoại trưởng Canada Christia Freeland nhấn mạnh “Đây sẽ là hành động trả đũa thương mại cứng rắn nhất của Canada kể từ thời hậu chiến. Mexico cũng thông báo sẽ áp đặt các biện pháp trả đũa với nhiều loại hàng hóa của Mỹ, bao gồm thép và một loạt mặt hàng nông phẩm, bao gồm thịt lợn, táo và các loại phô mai khác nhau. Mexico cho rằng các biện pháp thuế mà Mỹ khẳng định nhằm bảo vệ an ninh quốc gia là "vô lý và không phù hợp".

Hệ lụy của “lá chắn bảo hộ” - Dân nghèo chịu thiệt nhiều nhất

Theo các nhà phân tích, quyết định tăng thuế nhập khẩu với thép và nhôm được Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra được cho là bước đi mới trong nỗ lực thúc đẩy chính sách bảo hộ của chính quyền Mỹ, song cũng có nguy cơ tiềm tàng tạo ra cuộc chiến thương mại toàn cầu, gây "rối loạn nghiêm trọng" thị trường thế giới, cũng như dẫn tới sự kết thúc của hệ thống thương mại đa phương dựa trên các nguyên tắc của WTO và khiến nhiều nền kinh tế bị thiệt hại.

Cụ thể, đối với Mỹ, cựu quan chức Phòng Thương mại Mỹ và hiện là Phó Chủ tịch Viện Nghiên cứu chính sách Asia Society, bà Wendy Cutler, cho rằng mức áp thuế đề xuất, cụ thể là 25% đối với sản phẩm thép và 10% đối với nhôm, có thể sẽ làm rung chuyển nền kinh tế Mỹ và "thổi bay" một số lợi ích mà những khoản giảm thuế gần đây đem lại.

Những lĩnh vực sử dụng thép như sản xuất ô tô, máy bay và đóng tàu thuyền sẽ phải mua nguyên liệu với giá cao hơn, trong khi người lao động trong những ngành này có thể bị mất việc làm do chi phí tăng trong khi doanh thu giảm. Các đối tác thương mại của Mỹ cũng có thể có những biện pháp trả đũa tương xứng đối với hàng xuất khẩu của Mỹ hoặc khiếu kiện lên WTO gây tổn hại cho nền kinh tế Mỹ.

Với EU, nhà sản xuất thép lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc, các mức thuế mới sẽ hạn chế số lượng hàng hóa được xuất sang Mỹ, trong khi lượng thép bị cấm nhập khẩu vào Mỹ sẽ tràn vào thị trường nội địa, khiến nguồn cung dư thừa. Riêng tại Anh, hiện nay, 7% sản lượng thép xuất khẩu của Anh, trị giá 360 triệu bảng, là sang thị trường Mỹ.

Các nhà sản xuất thép của Anh cho rằng việc Mỹ áp thuế sẽ không chỉ gây thiệt hại cho ngành thép của Anh mà cả nền kinh tế Mỹ.

Theo số liệu của Hiệp hội Các hãng chế tạo và buôn bán ô tô Anh (SMMT), xuất khẩu ô tô từ Anh sang Mỹ trong năm 2017 tăng 7% lên 210.000 chiếc. Đối với Đức, các dòng xe được sản xuất tại nước này thậm chí còn chịu thiệt hại lớn hơn trong trường hợp xảy ra cuộc chiến thương mại với Mỹ. Với Canada và Mexico, quyết định áp thuế nhôm và thép của Mỹ sẽ tác động tới công nhân, các nhà sản xuất và ngành công nghiệp nhôm, thép của cả hai nước.

Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde cảnh báo những người nghèo sẽ là đối tượng phải chịu đựng nhiều nhất một khi giao thương giữa các nước bị ngưng trệ và niềm tin giữa các đối tác kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Đòn phản công của EU

Trước tình hình này, châu Âu có thể phản công Mỹ tăng thuế nhôm và thép như thế nào? Liên minh châu Âu (EU) có thể sẽ đưa ra 3 phương án để đối phó: Đó có thể là kiện lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), tăng thuế đối với một số sản phẩm của Mỹ và các biện pháp dự phòng.

Về phương án thứ nhất, Ủy ban châu Âu (EC) ngày 1-6 đã kiện Mỹ lên WTO để phản đối biểu thuế mới của nước này mà Brussels đánh giá là “vô căn cứ”. Tuy nhiên, quá trình xem xét kiểu khiếu nại “nhằm giải quyết một tranh chấp thương mại” có thể mất vài năm. Một ví dụ cụ thể là trong cuộc xung đột thương mại về thép giữa EU và Mỹ năm 2002, quá trình xem xét kéo dài một năm rưỡi.

WTO đã xử EU thắng kiện và Tổng thống Mỹ George W.Bush lúc đó đã buộc phải từ bỏ việc tăng thuế hải quan. Bất đồng thương mại lần này có quy mô lớn hơn vì Tổng thống Donald Trump đã đe dọa rời WTO và ngăn việc bổ nhiệm những đại diện mới của Mỹ vào tòa trọng tài của tổ chức quốc tế.

Đối với phương án đánh thuế một số mặt hàng Mỹ, cách đây vài tuần, EC đã lập một danh sách các mặt hàng Mỹ với tổng giá trị là 2,8 tỷ euro (tương đương 3,3 tỷ USD) để có thể áp thuế trừng phạt nhằm đáp trả biện pháp của Washington. Biện pháp trả đũa EU có thể có hiệu lực sớm nhất là từ ngày 20-6. Tuy nhiên, trước hết, EC còn phải trình lên 28 nước thành viên một đề xuất chi tiết và cập nhật, trong đó ấn định mức thuế quan đối với mỗi sản phẩm.

Phương án thứ ba là sử dụng các biện pháp “dự phòng”. Theo quy định của WTO, có thể áp dụng các biện pháp được gọi là “dự phòng” nếu khối lượng nhập khẩu đột nhiên bị xáo trộn nghiêm trọng hoặc đe dọa xáo trộn nền công nghiệp của một quốc gia. Các thành viên của WTO có thể “tạm thời hạn chế việc nhập khẩu một sản phẩm nào đó”. Điều này được thực hiện thông qua việc áp dụng hạn ngạch hoặc tăng thuế nhập khẩu.

Cuộc chiến Trung - Mỹ chưa kết thúc?

Sau khi tạm đạt được thỏa thuận với Trung Quốc cách đây mấy tuần, giờ đây vì sao Tổng thống Donald Trump đe dọa áp đặt thuế quan đối với Trung Quốc khi nói rằng Mỹ chuẩn bị thực hiện lời đe dọa áp đặt thuế quan đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc đồng thời có những bước đi khác nữa để hạn chế Bắc Kinh tiếp cận những công nghệ nhạy cảm của Mỹ?

Theo thông báo của Nhà Trắng, muộn nhất là ngày 15-6 tới, Mỹ sẽ công bố một danh sách hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, trị giá khoảng 50 tỷ USD, có khả năng chịu mức thuế 25%, nếu Bắc Kinh không giải quyết được bất đồng về vấn đề sở hữu trí tuệ.

Trung Quốc đã lập tức lên tiếng chỉ trích việc Mỹ tiếp tục theo đuổi các biện pháp hạn chế thương mại đối với nước này. Bộ Thương mại Trung Quốc cho rằng động thái này đi ngược lại sự đồng thuận mà hai bên đã đạt được sau các vòng tham vấn mới đây, đồng thời cảnh báo Bắc Kinh đã chuẩn bị sẵn sàng để bảo vệ lợi ích quốc gia.

Theo tờ The Wall Street Journal, động thái này khiến nhiều nhà quan sát bất ngờ bởi suốt mấy ngày qua, Nhà Trắng đã quảng bá rùm beng về những nét chính của một thỏa thuận, theo đó gác lại mọi cuộc chiến mậu dịch với Trung Quốc. Theo nguồn tin này, trong các cuộc đàm phán mới đây tại Washington, phía Mỹ cũng bày tỏ với đoàn Trung Quốc rằng chính quyền Donald Trump "đang bị gây áp lực rất lớn" và buộc phải hành động cứng rắn đối với Trung Quốc.

Trong khi đó, Bắc Kinh cũng nhận định rằng chính quyền Mỹ đưa ra tuyên bố trên là nhằm gây sức ép đối với Trung Quốc. Trung Quốc cảnh báo việc Mỹ áp thuế sẽ phá hỏng mọi thỏa thuận thương mại đạt được. Ngày 3-6, phía Trung Quốc đã ra tuyên bố sau khi kết thúc cuộc tham vấn lần thứ 3 về kinh tế và thương mại giữa phái đoàn Trung Quốc do Phó Thủ tướng Lưu Hạc đứng đầu và phái đoàn Mỹ do Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross dẫn đầu, trong 2 ngày 2 và 3-6 tại Bắc Kinh.

Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã nóng trở lại sau khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 29-5 đe dọa áp thuế đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc đồng thời có những bước đi khác nữa để hạn chế Bắc Kinh tiếp cận những công nghệ nhạy cảm của Mỹ.

Phá vỡ trật tự thương mại thời hậu chiến

Năm 2001 đánh dấu sự đồng thuận thương mại thời hậu chiến lên mức cao nhất. Việc khởi động Vòng đàm phán Doha năm 2001 được dựa trên giả định rằng việc mở ra các cơ hội thương mại trong khuôn khổ các luật lệ được nhất trí là có lợi đều cho các nước đang phát triển và phát triển và rằng hệ thống đa phương có thể trở nên mang tính bao trùm hơn. Tuy nhiên, tiến trình này không thành công.

Một lý do chính đó là sự kiện lớn khác tại Doha năm 2001 - Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Sự trỗi dậy nhanh chóng của Trung Quốc như cường quốc thương mại lớn trong các năm sau đó và sự phản ứng trước thực tế này, cho thấy bản chất “mong manh” của đồng thuận Doha. Xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ đã duy trì sức mua của người tiêu dùng nhưng cũng làm dấy lên những lo ngại về sự cạnh tranh và thâm hụt thương mại.

Ngành công nghiệp hàng không được cho là chịu hậu quả nặng nề sau các quyết định tăng thuế của Mỹ. Ảnh: Kcur.

Mới đây, sáng kiến đa phương quan trọng nhất là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), vốn là sự tiếp nối thành công của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sau khi Mỹ rút lui. Trong khi đó, Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) vẫn đang trong tiến trình tái đàm phán kéo dài. Bên cạnh đó là chương trình nghị sự thương mại của ASEAN, khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA), và Thỏa thuận Thương mại tự do châu Phi.

Mặt khác, các thỏa thuận song phương lớn, như của EU-Nhật Bản và EU-Canada cũng mang tầm quan trọng không chỉ cho chiều sâu và quy mô thương mại mà thỏa thuận bao trùm. Chúng cũng giúp EU đảm nhiệm vai trò lãnh đạo lớn hơn trong chính sách thương mại mà các nhà lãnh đạo, đặc biệt là Tổng thống Pháp Macron và Thủ tướng Đức Merkel, dường như đang quyết tâm theo đuổi.

Sau 10 năm chuyển động theo hướng “ly tâm”, hệ thống thương mại giờ đây trở nên rạn nứt hơn bao giờ hết kể từ năm 1945. Các cuộc đàm phán đã vượt ra khỏi khuôn khổ đa phương và bao gồm đàm phán về các luật lệ thương mại mới. Điều này tạo ra vấn đề đan xen chồng chéo như “bát mỳ spaghetti” mà các chuyên gia đã cảnh báo từ lâu. Tệ hơn nữa, chức năng quan trọng và không thể thay thế của hệ thống WTO - cơ chế giải quyết tranh chấp - đang gần chạm mức khủng hoảng do việc Mỹ tiếp tục dùng quyền phủ quyết để bác những bổ nhiệm mới của Cơ quan Phúc thẩm (AB).

Điều rõ ràng ở đây là nếu thế bế tắc này không được giải quyết trước tháng 10-2018 thì AB - và do đó là cơ chế giải quyết tranh chấp - sẽ không thể hoạt động. Đây là mối đe dọa nghiêm trọng với hệ thống thương mại dựa trên luật pháp hơn cả mối đe dọa chiến tranh thương mại.

Nguyễn Hòa
.
.