“Cuộc sống đang cần cái gì, nhà trường làm cái đó”

Thứ Ba, 20/11/2007, 15:05
“Nội dung nhà trường đang đào tạo do ai quyết định: trường hay doanh nghiệp? Lâu nay chủ yếu do nhà trường quyết định, nên đào tạo của ta vẫn nặng theo khả năng, nghĩa là trường có cái gì, thiết bị gì, thầy biết gì thì dạy cái đó. Sắp tới phải nêu ngược lại: cuộc sống đang cần gì nhà trường làm cái đó…” - trích ý kiến của Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân.

Đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp đang là vấn đề cấp bách trong quá trình hội nhập. Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã tổ chức Hội thảo "Đào tạo nhân lực, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp" với sự tham gia của lãnh đạo nhiều Bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn, tổng công ty trong và ngoài nước cùng 111 trường đại học, cao đẳng, dạy nghề phía Bắc.

Nhân dịp này, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân đã trả lời phỏng vấn của Chuyên đề ANTG xung quanh vấn đề này.

PV: Thưa Phó thủ tướng, thực tế các doanh nghiệp trong nước có nhu cầu rất lớn về lao động kỹ thuật nhưng sự tham gia của họ trong các trường cao đẳng và đại học để đào tạo vẫn rất hạn chế. Trong thời gian tới, chúng ta có giải pháp  gì để khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào việc đào tạo nhân lực?

Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân (PTT Nguyễn Thiện Nhân): Doanh nghiệp kinh doanh, nên cái gì thực sự có ích cho họ, họ sẽ làm. Vừa qua, doanh nghiệp tham gia vào đào tạo vẫn ít vì có rất nhiều doanh nghiệp mới chỉ ở phương thức gia công cho nước ngoài; thiết kế mẫu ở nước ngoài, máy móc có thể nhập khẩu, cho nên nhu cầu nhân lực trình độ cao vẫn ít, doanh nghiệp tự đào tạo lấy cũng được.

Nhưng gần đây khi đầu tư nước ngoài tăng, doanh nghiệp phát triển sản phẩm mới, nhiều hơn thì xuất hiện nhu cầu. Trước hết, doanh nghiệp phải cảm thấy cần.

Tôi cho rằng doanh nghiệp cần ngày càng nhiều lao động trình độ cao. Các nhà đầu tư nước ngoài đến đầu tư vào lĩnh vực điện tử vi mạch, công nghệ thông tin nhưng họ không tìm được nhân lực phù hợp nên rất bức xúc.

Chính trong thời điểm này, Chính phủ thông qua hai Bộ GD&ĐT và Lao động - Thương binh & Xã hội (LĐ-TB&XH) chủ trương các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề gắn với doanh nghiệp để đào tạo theo nhu cầu của họ. Phương thức đầu tiên là ký các hợp đồng đào tạo. Đây là việc mà những năm trước chưa bao giờ các trường làm.

Năm nay, Bộ GD&ĐT tổ chức 3 cuộc hội thảo đào tạo nhân lực theo nhu cầu. Lần thứ nhất hồi tháng 2, ký 14 hợp đồng; lần thứ 2 vào tháng 10, ký 24 hợp đồng; lần thứ 3, chỉ ký tượng trưng 38 hợp đồng vì nhiều quá. Chỉ riêng số lượng ấy cũng đủ thấy các doanh nghiệp ngày càng quan tâm tới đào tạo.

Nhiều hợp đồng lớn là của các doanh nghiệp nước ngoài ký với các trường đại học, cao đẳng của chúng ta, như vậy cho thấy nhu cầu và khả năng cung ngày càng có cơ hội gặp nhau. Tuy nhiên, chúng ta phải suy nghĩ để có một chính sách khuyến khích ở cấp Nhà nước.

Tôi nghĩ có mấy hướng:

Thứ nhất, ở cấp địa phương, doanh nghiệp phải có chỗ “đặt hàng”. Từ trước tới nay không có địa chỉ, doanh nghiệp không thể đi gõ cửa tất cả các trường đại học, trường dạy nghề được. Phải có một mối, doanh nghiệp “đặt hàng” và nơi đó đi tìm đào tạo cho doanh nghiệp.

Hiện nay đang phát triển mô hình Trung tâm hỗ trợ đào tạo và cung ứng nhân lực, và đã thành lập ở Bắc Giang, Thái Bình. Phấn đấu từ nay về sau nhiều địa phương có trung tâm này, các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ, chỉ cần đến trung tâm “đặt hàng” với yêu cầu cụ thể trình độ như thế nào và phải cam kết nhận lao động về làm việc.

Như vậy, sắp tới người học sẽ có động cơ để học; nếu không có tiền đi học thì Nhà nước cho vay qua quỹ cho vay mà Thủ tướng đã ban hành; còn địa chỉ để đi học, nếu không biết sẽ được giới thiệu đầy đủ, đi làm thì có chỗ đi làm. Như vậy, trung tâm này kết nối được 3 yêu cầu đó.

Thứ hai, chúng ta phải khuyến khích nếu doanh nghiệp đầu tư vào đào tạo bằng cách cho người của họ đi học thì có chính sách ưu đãi. Chúng tôi đang dự kiến giao Bộ Tài chính cùng Bộ LĐ-TB&XH, Bộ GD&ĐT kiến nghị có chính sách ưu đãi về thuế với doanh nghiệp bỏ tiền đầu tư vào đào tạo; những chi phí đào tạo theo khoản mục Nhà nước đã xác định thì chi phí đó được tính vào chi phí trước thu nhập chịu thuế.

Một biện pháp mới được Chính phủ quyết định là sẽ ưu đãi cho đầu tư nghiên cứu khoa học. Doanh nghiệp nghiên cứu khoa học thì cũng được tính là chi phí và được miễn trong khoản doanh thu tính thuế. Chính phủ đã thông qua tuần vừa rồi, chỉ còn hoàn thành văn bản.

Thứ ba, là khuyến khích các trường và những doanh nghiệp tương đối lớn thành lập trường dạy nghề. Hiện có hai hướng. Một là có thể cho vay ưu đãi; doanh nghiệp xây trường thì Nhà nước cho vay một phần chi phí đầu tư với lãi suất thấp hoặc không lãi suất. Hai là Nhà nước cùng tham gia đầu tư với doanh nghiệp thành lập trường.

Nhà nước sẽ góp một tỉ lệ vốn trong đó, khi hoạt động sẽ kiểm tra, nếu hoạt động hiệu quả thì Nhà nước sẽ không rút số tiền đầu tư đó ra nữa. Cái này còn phải bàn, nhưng tôi thấy đã đến lúc chúng ta phải thiết kế nhanh hệ thống giải pháp khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo. Nhưng cái gốc là doanh nghiệp phải thấy được cái lợi. Thấy lợi cho cả doanh nghiệp và xã hội thì Nhà nước phải hỗ trợ; gắn bó lợi ích của doanh nghiệp, Nhà nước và cơ sở đào tạo.

PV: Thưa Phó thủ tướng, vấn đề đào tạo theo nhu cầu của xã hội và doanh nghiệp đã được nhận thức từ lâu, tại sao bây giờ chúng ta mới bàn đến?

PTT Nguyễn Thiện Nhân: Nói đào tạo theo nhu cầu thì lý luận nhận thức đã có từ lâu nhưng biện pháp triển khai thì không có. Từ xưa, chúng ta vẫn nói học gắn với hành, đấy là nói từ phía học. Còn nói đào tạo theo nhu cầu là xuất phát từ phía nhu cầu, nhưng nhu cầu phải định lượng rõ và đến với nhà trường. Trước kia chưa được như bây giờ.

Bây giờ xác định lại, nhà trường phải hỏi: Nội dung nhà trường đang đào tạo do ai quyết định: trường hay doanh nghiệp? Lâu nay chủ yếu do nhà trường quyết định, nên đào tạo của ta vẫn nặng theo khả năng, nghĩa là trường có cái gì, thiết bị gì, thầy biết gì thì dạy cái đó.

Sắp tới phải nêu ngược lại: cuộc sống đang cần gì nhà trường làm cái đó. Tất nhiên, cái đó chỉ trúng 80% nên nhà trường phải dạy cái cuộc sống chưa có, chứ chỉ dạy cái cuộc sống có sẵn thì ra là hỏng. Cho nên phải kết hợp dạy về nền tảng khoa học để đi được xa, nhưng thực hành thì phải gắn được ngay bây giờ. Nhà trường vừa phải đảm bảo sứ mạng đào tạo cơ bản giúp sinh viên tự học để đi xa sau này, đồng thời phải có kỹ năng kiến thức sẵn sàng vận hành được ngay. Cho nên gắn đào tạo theo nhu cầu là như vậy.--PageBreak--

PV: Nhưng thưa Phó thủ tướng, lâu nay vẫn có tình trạng đào tạo không theo nhu cầu xã hội, những ngành cần thì không đào tạo...? 

PTT Nguyễn Thiện Nhân: Năm nay Bộ GD&ĐT mở cuộc vận động cho các trường đại học tiến hành hai rà soát:

Thứ nhất, đào tạo có chuẩn không? Bộ GD&ĐT đặt vấn đề đào tạo theo chuẩn và theo nhu cầu của xã hội thì có hai vế: chuẩn có tính khoa học thì chưa chắc doanh nghiệp đã nêu được ra mà nhà trường phải đưa ra, bởi nếu không có cái chuẩn khoa học mà cứ theo đặt hàng thì thay đổi liên tục.

Cho nên, đào tạo cái nền cơ bản là nhà trường phải xác định đúng và đào tạo theo nhu cầu xã hội có tính linh hoạt cao. Hôm trước tổ chức thảo luận, cũng có trường hỏi đào tạo theo chuẩn gì? Như thế nghĩa là trường đó không có chuẩn, cần phải xác định lại.

Với bậc đại học, Bộ GD&ĐT có khái niệm chương trình khung, đấy chính là chuẩn. Chương trình khung chỉ quyết định 60% nội dung; 40% của  trường, trường phải biết thiết kế để phù hợp với trường của mình.

Nếu xếp hạng là đại học nghiên cứu, cái chuẩn phải nặng về nghiên cứu; nếu là đại học bình thường, đào tạo phục vụ ứng dụng thì nội dung ứng dụng phải sâu hơn. Vì vậy, mỗi trường phải tự xác định vị trí của mình để đào tạo chuẩn.

Thứ hai, đào tạo theo nhu cầu là phải xem sinh viên của mình ra trường, đi làm họ suy nghĩ gì về nội dung đào tạo? Doanh nghiệp đánh giá thế nào? Để làm việc này, trong trường nên có một tổ gắn bó với doanh nghiệp. Hiện nay, chúng ta chưa có; một số trường mới chỉ có mức này, mức khác.

Hôm trước, tôi đến thăm Trung tâm đào tạo nghề quận 5 (TP HCM) mới nâng lên trường trung cấp, họ duy trì quan hệ thường xuyên với 200 doanh nghiệp. Hiện còn ít nơi làm như vậy. Để làm tốt đào tạo theo nhu cầu, về tổ chức, chúng ta phải có cơ quan chuyên trách việc này.

PV: Đề nghị Phó thủ tướng cho biết, cơ sở lý luận và thực tiễn để nước ta thành lập Trung tâm dự báo nguồn nhân lực quốc gia?

PTT Nguyễn Thiện Nhân: Để giải quyết đào tạo theo nhu cầu, mỗi trường phải xử lý. Nhưng nếu tự mỗi trường xử lý thì họ sẽ quá tải nếu nhu cầu lớn và như vậy sẽ chậm. Do đó phải có Trung tâm dự báo cấp quốc gia.

Chính phủ đã giao cho Bộ LĐ-TB&XH lập đề án hệ thống dự báo nhu cầu lao động của đất nước, đồng thời phải gắn với các trung tâm vùng. Tháng 12 năm nay, Bộ LĐ-TB&XH sẽ hoàn thành đề án này. Có trung tâm dự báo quốc gia để thấy ngành nghề nào thiếu thì công bố sớm, có như vậy tư nhân mới dám mở trường.

PV: Thưa Phó thủ tướng, Bộ GD&ĐT phụ trách lĩnh vực đào tạo, nhưng Tổng cục Dạy nghề và Trung tâm dự báo nguồn nhân lực lại ở Bộ LĐ-TB&XH, vậy có lặp lại tình trạng không liên thông trong việc đào tạo nghề bậc trung cấp của Bộ LĐ-TB&XH với đào tạo nghề bậc đại học của Bộ GD&ĐT. Tại sao không đưa Tổng cục Dạy nghề về Bộ GD&ĐT để nhất quán trong quản lý việc đào tạo và liên thông dạy nghề?

PTT Nguyễn Thiện Nhân: Sẽ không xảy ra và chúng ta không nên lập hai trung tâm ở hai Bộ GD&ĐT và Bộ LĐ-TB&XH. Tôi phụ trách cả hai lĩnh vực này trong Chính phủ; trước khi quyết định, đã bàn tính nên đặt ở đâu và thấy trung tâm đặt ở Bộ LĐ-TB&XH nhưng dự báo nhu cầu từ sơ cấp tới đại học vẫn đảm bảo liên thông.

Nếu có hai trung tâm, sẽ xảy ra tình trạng hai trung tâm cùng phát phiếu điều tra, một doanh nghiệp, hôm nay trung tâm này đến hỏi cần kỹ sư gì; mấy hôm sau trung tâm kia lại đến hỏi cần công nhân gì, như vậy sẽ rất lãng phí.

Thực tế, Bộ GD&ĐT và Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp và có ký thỏa thuận, trong đó có thỏa thuận về liên thông đào tạo và thống nhất chuẩn. Hiện nay, hai bộ nhưng quá trình đào tạo do Chính phủ quản lý thống nhất, tôi không phụ trách Bộ LĐ-TB&XH, nhưng riêng lĩnh vực đào tạo nghề thì được Thủ tướng phân công phụ trách.

Việc để chung hay riêng đã bàn lâu rồi, nhưng cần thẩm định kỹ vì còn liên quan tới nhiều vấn đề nhất là về cơ cấu. Trong khi việc đào tạo phải quyết định ngay và bằng cách hợp tác. Thông qua thực tiễn, cái gì hợp lý sẽ được thực hiện. 

PV: Xin cảm ơn Phó thủ tướng!

Nguyễn Thiêm (thực hiện)
.
.