Cựu “Việt Cộng” Tám Tiền đi Mỹ

Thứ Hai, 23/01/2017, 06:00
Ông Tám Tiền ở Long Hồ – Vĩnh Long, được khá nhiều cựu binh Mỹ biết đến, không chỉ vì ông là chủ của Điểm đến Du lịch vườn cây ăn trái Sông Tiền, mà bởi ông là một Cựu chiến binh “Việt Cộng” chính cống, từng “trở về từ cõi chết”.

Hơn thế, giáp Tết mấy năm trước, ông còn được mời sang Mỹ dự hội thảo Hòa Bình, nổi tiếng khắp năm châu. Và mỗi lần nhớ lại chuyến đi ấy, “Hai Lúa” Tám Tiền cứ cười ngất: “Hóa ra bên Mỹ cũng thường thôi, nhiều thứ không bằng quê mình đâu!”.

“Từ cõi chết trở về” làm trang trại kinh tế

Ông Tám Tiền, tên đầy đủ là Lâm Văn Tiền, sinh 1947 tại Cà Mau. Thời trẻ, Tám Tiền từng là thầy giáo dạy tiểu học trong vùng kháng chiến xã Khánh Bình Tây - Trần Văn Thời. Năm 1965, Tám Tiền gia nhập lực lượng vũ trang địa phương, trực tiếp tham gia hàng chục trận đánh ác liệt bảo vệ vùng căn cứ Cách mạng.

Trong một trận càn của địch sau Tết Mậu Thân - 1968, cùng một số đồng chí khỏe mạnh, Tám Tiền xung phong ở lại chặn địch cho các đồng chí mình rút lui. Bắn hết đạn, thì cũng là lúc ông bị thương bể mạng sườn, để lộ cả ruột ra ngoài. Xung quanh là đầm lầy, sông nước mênh mông của vùng Đồng Tháp Mười, Tám Tiền tự cột vết thương, rồi lặng lẽ bơi và bò vào một nhà người dân trong ấp chiến lược. Anh bình tĩnh nói thẳng mình là chiến sĩ quân giải phóng.

Rất may, đó là gia đình một người dân yêu nước, có cảm tình với Cách mạng. Bởi vết thương quá nặng, lại không có điều kiện cứu chữa, thuốc men, nên anh xác định mình sẽ hi sinh. Tám Tiền không ngần ngại nhờ gia đình người dân đó chuyển cây súng hết đạn cho đơn vị và chuyển chiếc nhẫn vàng cha mẹ kỷ niệm về cho gia đình…

Điều kỳ lạ là sau khi cây súng đã về tới đơn vị, chiếc nhẫn về tới gia đình, đơn vị ông đã làm lễ truy điệu và gia đình đều lập bàn thờ hương khói cho Tám Tiền... Nhưng nhờ may mắn kỳ diệu mà Tám Tiền đã không chết. Anh đã được một đơn vị khác đi ngang qua cứu được và đưa về căn cứ vùng xa để phẫu thuật và cứu chữa. Tám Tiền đã mất ba chiếc xương sườn. Hơn nửa năm sau, khi cái bụng đã lành sẹo, anh trở về đơn vị cũ trong sự ngỡ ngàng, kinh ngạc của đồng đội và gia đình.

Ông Tám ôm hôn chia tay một đoàn khách cựu binh Mỹ khi đến thăm gia đình ông, tháng 12-2016.

Cảm mến tinh thần dũng cảm chiến đấu, không sợ hi sinh của Tám Tiền, cô gái đẹp người đẹp nết Ngô Thanh Thủy đã đem lòng yêu ông, rồi họ thành vợ thành chồng. Chị Thủy từng tham gia "đội quân tóc dài" và bị cảnh sát chính quyền Sài Gòn bắt giam nhiều lần... Sau 30-4-1975, vợ chồng anh Tám Tiền tiếp tục công tác tại huyện Trần Văn Thời tỉnh Cà Mau hàng chục năm trời…

Đó cũng là thời gian kinh tế đất nước gặp nhiều khó khăn, khi quân Khơ Me Đỏ gây chiến tranh ở Biên giới Tây Nam… Năm 1985, vì hoàn cảnh gia đình và cũng là tạo điều kiện cho con cái dễ dàng trong việc học hành, dù đều là thương binh, sức khỏe hạn chế nhưng vợ chồng Tám Tiền vẫn quyết định chuyển hết gia đình về lập nghiệp tại ấp An Thạnh, xã An Bình, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long.

Năm 2000, miền Tây có lũ lớn, nhiều nhà vườn ở Vĩnh Long thiệt hại, riêng 5 công nhãn của vợ chồng Tám Tiền vẫn trúng mùa. Khách xa gần kéo đến mua nhãn, ăn tại vườn rất đông. Vậy là vợ chồng bàn nhau mở khu du lịch sinh thái... Đó cũng là năm tổ chức "Trái tim người lính" ở Mỹ được thành lập để giúp đỡ những người bị hội chứng sang chấn tâm lý - PTSD sau chiến tranh.

Trong một chuyến tổ chức cựu binh Mỹ sang thăm lại Việt Nam, họ coi nhà ông Tám Tiền là một địa chỉ độc đáo. Và hơn 10 năm qua, gia đình ông đã đón tiếp hàng trăm đoàn khách với hàng ngàn cựu binh Mỹ cùng thân nhân của họ đến ăn ngủ tại nhà mình..

Còn gì thú vị hơn khi những cựu binh Mỹ được đến thăm, giao lưu và ngủ lại ở ngay trong gia đình một cựu "Việt Cộng" chính cống, một thời là đối thủ tìm cách tiêu diệt nhau. Bây giờ là đối tác làm ăn kinh tế, là bạn... Tám Tiền thường ôm cây đàn măng đô luyn, vừa gảy vừa hát vang những bài ca cách mạng “tủ” của ông như “Tiểu đoàn 307” bài “Đồng chí”…

Những cựu binh Mỹ tuy không hiểu hết, nhưng vẫn hào hứng sôi nổi vỗ tay họa theo… Người viết bài này đã chứng kiến một đêm không ngủ của các cựu binh Mỹ như thế. Họ khóc, họ cười và họ hát say sưa. Và sau đó, ai cũng nhẹ lòng vì cảm giác đã được tha thứ với những lỗi lầm trước đây.

Cựu “Việt Cộng” Tám Tiền được mời đi Mỹ

Đó là vào cuối năm 2010, khi trường đại học danh tiếng Case Western University, thuộc bang Ohio tổ chức một cuộc hội thảo khoa học về hòa bình, Tổ chức sáng kiến Trái tim người lính đã quyết định đề nghị Ban Tổ chức mời ông Tám Tiền đi dự cuộc hội thảo này và được chấp nhận. Đoàn Việt Nam có 4 đại biểu chính thức: Ông Lâm Văn Tiền (cựu “Việt Cộng” Tám Tiền), bà Huỳnh Ngọc Vân (Giám đốc Bảo tàng Chứng tích chiến tranh), Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Thái (Đại học Quốc gia Hà Nội) và ông Trần Đình Song (Trưởng đoàn, kiêm phiên dịch).

Nhưng việc lấy visa cho ông Tám Tiền đi Mỹ hết sức khó khăn. Lúc đầu, Tổng lãnh sự Mỹ tại Thành phố Hồ Chí Minh kiên quyết không cấp thị thực cho ông Lâm Văn Tiền, vì họ chỉ biết đó là một cựu “Việt Cộng” không phải là nhà nghiên cứu khoa học, cũng không liên quan đến hội thảo. Phải mất cả buổi thuyết phục, rằng đây là một “nhân chứng lịch sử độc đáo vì hòa bình” và nhờ tác động can thiệp từ chính quốc, Tổng lãnh sự Mỹ mới miễn cưỡng chấp nhận.

Tám Tiền cho biết: Trước chuyến đi Mỹ, ông là một “Hai Lúa” thật sự, vì ông chưa bao giờ được ngồi ô tô đường dài, chưa hề đi máy bay, thậm chí còn chưa nhìn thấy cái nhà nào cao quá 2 tầng lầu và tiếng Anh thì dĩ nhiên là mù tịt không biết gì. Bởi thế, khi lên máy bay, cả đoàn Việt Nam đã thay nhau giải thích, hướng dẫn Tám Tiền đủ thứ và dặn đi dặn lại mà vẫn lo ông quên.

Trục trặc đáng nhớ nhất là tại sân bay quốc tế Newark, bang New Jersey. Khi đoàn Việt Nam tiến hành phải làm thủ tục nhập cảnh và kiểm tra Hải quan trước khi bay tiếp tới bang Ohio. Trưởng đoàn Trần Đình Song dặn Tám Tiền: Luật Mỹ nghiêm lắm, họ khám xét rất kỹ, mà ông lại không biết tiếng, nên tốt nhất là khi họ ra hiệu chỉ vào thứ gì là mình phải nhanh chóng cởi bỏ thứ đó ra cho họ xét và soi qua máy. Nếu phản ứng sai, họ có thể rút súng bắn luôn đó. Tám Tiền gật đầu “Ok” – Câu tiếng Anh duy nhất mà ông học được khi sang Mỹ. Tới lúc qua cổng kiểm tra an ninh, lưu dấu vân tay xong, nhân viên an ninh Mỹ chỉ vào thắt lưng quần ông Tám Tiền, ông lúng túng vội vàng cởi… quần ra.

Bà Minh Thái là người đầu tiên phát hiện ra điều bất nhã đó. Chính bà cũng không biết tiếng Anh, nên vội la to bằng tiếng Việt: “Ối trời ơi, họ đang bắt ông Tám cởi quần kìa!”. Ông Song đã nhìn thấy cũng vội kêu lên: “Không cần cởi quần! Ông Tám đừng cởi quần! Hãy mặc vào đi!”.

Hai tiếng kêu bất ngờ, phản ứng theo bản năng của một người đàn bà và đàn ông Việt khiến cho mọi người xung quanh đều chú ý xôn xao, vì không hiểu có chuyện gì. Tất cả những nhân viên an ninh Mỹ đứng gần đó đều đặt tay lên súng và sẵn sàng hành động…

Ông Lâm Văn Tiền - Tám Tiền (bên phải) và nhà văn Đặng Vương Hưng.

Có lẽ do hành động khác thường của ông Tám Tiền, cộng với cách ăn mặc “Hai Lúa”, đã khiến các nhân viên an ninh Mỹ ách lại, không cho nhập cảnh. Trưởng đoàn Trần Đình Song vội quay lại, nhưng chính ông cũng bị các nhân viên an ninh Mỹ làm khó dễ. Cả hai bị đưa tới một phòng riêng. Lúc này, ông Tám Tiền chỉ còn biết nói tiếng ta với người Tây và ra hiệu, trong bộ dạng quần áo xộc xệch và mệt mỏi. An ninh Mỹ nghi ngờ là đúng.

Họ không tin hội thảo khoa học Quốc tế ở một trường đại học danh tiếng lại mời người đàn ông hành động kỳ dị này và “Mr. Lam Van Tien” không phải là người được mời, chắc chắn là có sự gian dối! Trưởng đoàn Trần Đình Song phải vận dụng tất cả khả năng, giải thích và thuyết phục các nhân viên an ninh Mỹ mất cả tiếng đồng hồ, cuối cùng ông Tám Tiền mới được nhập cảnh. Nhưng lúc đó, chuyến bay chở theo hành lý của cả đoàn đã cất cánh từ lâu, nghĩa là họ đã lỡ chuyến bay tới bang Ohio.

Cả đoàn hội ý, rồi thống nhất để ông Song và bà Vân, hai người giỏi tiếng Anh quay lại bộ phận hải quan cửa khẩu để… kiện các nhân viên an ninh Mỹ. Lý do họ đưa ra là vì thủ tục an ninh mà đoàn lỡ chuyến bay và yêu cầu phải… đền vé! Người Mỹ rất sòng phẳng, sau khi hiểu ra vấn đề, họ đã trao đổi thống nhất với nhau và xin ý kiến cấp trên, rồi chấp nhận đề nghị đền 4 vé, nhưng chậm chuyến bay tới 4 tiếng so với dự kiến ban đầu. Ông Song buộc phải điện cho Ban Tổ chức hội thảo lùi thời gian đón đoàn tại sân bay, nhưng cũng vui, vì không phải phát sinh chi phí.

Thời gian tham dự hội thảo là một tháng. Cả đoàn mệt nhoài vì phải phục vụ Tám Tiền với những yêu cầu hết sức “Hai Lúa”: Không ăn đồ Tây, mà phải có cơm, có rau, có canh chua, chả giò, cá kho và cả nước mắm… nên phải cử một người chuyên nấu cơm cho ông. Lại nữa, lần đầu tiên ông Tám được sử dụng đồ dùng, tiện nghi sinh hoạt hiện đại, nên khi tới khách sạn nào, các thành viên trong đoàn cũng phải hướng dẫn ông từng chi tiết nhỏ trong phòng vệ sinh.

Bài tham luận tại hội thảo quốc tế của ông Tám Tiền với nội dung về những bài học đau thương trong chiến tranh Việt Nam cho hòa bình thế giới. Văn bản chỉ dài 3 trang giấy, nhưng do cả đoàn chuẩn bị, sửa đi sửa lại. Bởi ông là đại biểu duy nhất đại diện cho quân đội “Việt Cộng” từng thắng Mỹ, các đoàn khách quốc tế đều rất quan tâm và trân trọng. Đi tới đâu, ông cũng cầm cờ Việt Nam và đứng hàng đầu tiên.

Khi giao lưu với đại biểu các nước và sinh viên Mỹ, ông Tám Tiền rất tự nhiên ôm cây đàn măng đô luyn và hát vang bài “Tiểu đoàn 307” và “Tình đồng chí”, khi ông Song dịch ý và hát theo, các đại biểu đều đứng lên vỗ tay tán thưởng và cùng họa theo giai điệu. Ông Tám Tiền như một nhân tố mang lại niềm vui cho cả đoàn…

Khi ông Tám Tiền từ Mỹ trở về Việt Nam thì đã là những ngày cuối năm 2010. Cả cái Tết ấy, ông kể chuyện đi Mỹ với bà con quê nhà và đồng đội cũ, rồi cuối cùng kết luận một câu: “Nước Mỹ hiện đại, giàu có lắm, nhưng không đâu sống tình cảm yêu thương nhau bằng quê mình đâu!”.

Vĩnh Long - Hà Nội, cuối năm 2016

Nhà văn Đặng Vương Hưng
.
.