Cứu sâm Ngọc Linh thoát khỏi nguy cơ tuyệt diệt

Thứ Hai, 03/09/2012, 23:30

Đã có một thời gian dài, cây sâm Ngọc Linh bị săn lùng ráo riết đến mức cạn kiệt và có nguy cơ tuyệt chủng. May sao, trong khi đó lại có những con người tâm huyết ngày đêm âm thầm mày mò ươm mầm, cấy giống tìm cách phục hồi trở lại loài cây quý. Một tương lai đã mở ra với nguồn thu về tính bằng tỉ đôla từ loài sâm này là điều có thật.

Loài sâm quý số 1 thế giới

Sâm Ngọc Linh mọc tự nhiên chỉ có ở 9 xã của hai huyện Đăkglei, Tumơrông tỉnh Kon Tum và huyện Trà My, tỉnh Quảng Nam. Theo tiến sĩ Nguyễn Bá Hoạt, Phó viện trưởng Viện Dược liệu Việt Nam, các nghiên cứu phân tích đến thời điểm này đã xác định được trong sâm Ngọc Linh có 52 chất saponin, 17 axít amin, 20 chất khoáng vi lượng. Saponin chính là thành phần quý nhất của loài sâm.

Điều độc đáo là, 26 chất saponin trong các loại sâm Mỹ, Nhật và đặc biệt là sâm Triều Tiên đều có trong sâm Ngọc Linh, nhưng trong sâm Ngọc Linh có 26 chất saponin khác mà tất cả các loài sâm khác không có được.

Từ rất xa xưa sâm Ngọc Linh đã được các dân tộc thiểu số xung quanh vùng sử dụng như một loại thuốc trong những bài thuốc cổ truyền dùng để cầm máu, lành vết thương, làm thuốc bổ, chống sốt rét, đau bụng, phù thũng. Theo tiến sĩ Nguyễn Bá Hoạt, những kết quả nghiên cứu dược lý thực nghiệm sâm Ngọc Linh đã chứng minh tác dụng chống stress vật lý, stress tâm lý và trầm cảm, kích thích hệ miễn dịch, chống ôxy hóa, lão hóa, phòng chống ung thư, bảo vệ tế bào gan.

Nghiên cứu dược lý lâm sàng của sâm Ngọc Linh cũng cho kết quả tốt: bệnh nhân ăn ngon, ngủ tốt, lên cân, tăng thị lực, hoạt động trí tuệ và thể lực cải thiện, gia tăng sức đề kháng, cải thiện các trường hợp suy nhược thần kinh và suy nhược sinh dục, nâng cao huyết áp ở người bị huyết áp thấp.

Theo dược sĩ Đào Kim Long, sâm Ngọc Linh còn có những tính năng khác như tăng lực, phục hồi sự suy giảm chức năng; kháng các độc tố gây hại tế bào, giúp kéo dài sự sống của tế bào và tăng các tế bào mới. Và điều đặc biệt đáng quý là sâm Ngọc Linh có những tính năng mà sâm Triều Tiên không có là tính kháng khuẩn, chống trầm cảm, giảm lo âu, chống ôxy hóa và hiệp lực tốt với thuốc kháng sinh, thuốc trị bệnh tiểu đường. Chính vì thế, các nhà khoa học, y học đã khẳng định, sâm Ngọc Linh quý hơn cả sâm Triều Tiên. Hiện tại trên thị trường, giá sâm Ngọc Linh luôn cao gấp đôi nhân sâm Triều Tiên tự nhiên cùng năm tuổi.

Củ sâm Ngọc Linh tự nhiên nhiều năm tuổi.

Chính vì những công dụng quý giá trên đây mà từ xưa đến nay, người dân vùng Kon Tum, Quảng Nam quanh chân núi Ngọc Linh vẫn gọi cây này là cây thần dược. Nhưng cũng chính vì giá trị đó mà cây sâm bị săn lùng ráo riết, có lúc tưởng đã sắp bị tuyệt diệt.

Nguy cơ tuyệt chủng

Tin ông A Jung ở làng Ngọc La, xã Măng Ri, huyện Tumơrông trúng được củ sâm nửa ký bán được 15 triệu đồng khiến buôn làng xôn xao. Người ta lại tiếp tục đổ xô ra rừng đào bới tìm sâm. 

Thực ra thì trước A Jung, từ cách đây vài chục năm, người dân các buôn làng xung quanh chân núi Ngọc Linh đã biết đào củ sâm. Tuy nhiên, đồng bào Xê Đăng rất quý rừng. Họ luôn luôn có ý thức giữ gìn để rừng không bị mất. Đồng bào chỉ lấy những cây sâm có củ 7-10 sẹo trở lên, tức sâm khoảng 7-10 tuổi. Những thân củ chỉ 3-4 tuổi được giữ lại. Nhờ đó mà bao nhiêu năm qua dù khai thác, cây sâm Ngọc Linh vẫn luôn luôn sinh trưởng, rừng sâm phát triển tốt tươi.

Hồi ấy người đồng bào dân tộc đào sâm chỉ để dùng khi trong làng có người già, trẻ em ốm yếu, suy nhược. Thỉnh thoảng, nếu quá thiếu thốn, thì đem ra các vùng người Kinh đổi lấy muối, kim chỉ và các vật dụng khác chứ không đào đem bán. Người Tây Nguyên không bán rừng của mình.

Nhưng từ những năm 1990 về sau này có nhiều người tìm mua sâm Ngọc Linh với giá rất cao. Tiền bán một ký sâm mua được cả con trâu. Từ xưa đến giờ phát cái nương, làm cái rẫy chỉ đủ ăn, giờ tự nhiên có tiền nhiều, người đồng bào thích lắm. Vậy là người làng đổ vào rừng đào sâm. Ban đầu là sâm nhiều tuổi bán giá cao, sau đó sâm ít tuổi hơn cũng bán được. Lúc này thì người ta không còn giữ gìn bảo vệ cây sâm nữa. Họ đào tất những cây sâm lớn nhỏ, cây lâu năm hay mới mọc vài năm.

Giám đốc một công ty chuyên nghề rừng tại Kon Tum kể, những năm đó việc đi đào sâm diễn ra cứ như người ta đi thu hoạch vụ mùa. Từ lưng chừng núi lên đến tận đỉnh Ngọc Linh cao vời vợi, bất cứ nơi đâu cũng có dấu chân người. Sâm Ngọc Linh bị dồn vào đường cùng. Suýt nữa loài sâm tốt nhất thế giới này bị tiêu diệt bởi bàn tay con người.

Giành giật lại nguồn gien quý

Trong khi vẫn có rất nhiều người làng ngày ngày vào rừng đào củ khiến cho loài sâm ngày càng cạn kiệt, thì năm 2006, ông A Nô ở làng Măng Rương, xã Ngọc Lây (huyện Tumơrông, tỉnh Kon Tum) đã bán 2 con trâu để mua 2.000 cây sâm con về trồng trong rừng. Bắt chước A Nô, nhiều người khác cũng bán trâu, gom tiềm mua sâm giống về trồng. Từ đó đến nay, nhiều người đồng bào dân tộc sống quanh đỉnh núi Ngọc Linh ở hai tỉnh Kon Tum và Quảng Nam đã biết mua sâm về trồng và nhiều nhà đã khá lên nhờ bán củ sâm. Ở Kon Tum, người làng Lộc Bông trồng sâm sớm nhất và nhiều nhất. A Thi, người làng Lộc Bông đã có thu nhập vài chục triệu mỗi năm từ việc bán củ sâm trồng.

Nhưng nơi đầu tiên trồng sâm thì phải nói đến xã Trà Linh, huyện Trà My, tỉnh Quảng Nam. Từ năm 1993, người dân ở làng Măng Lùng đã có được củ sâm trồng 7 tuổi. Quảng Nam là nơi xây dựng được trại dược liệu Trà Linh từ rất sớm, đã ươm và trồng được sâm giống và cung cấp cho dân quanh vùng. Điều đáng quý mà Quảng Nam đã làm được là hỗ trợ cây giống cho người dân, nên việc trồng sâm của người dân địa phương rất thuận lợi.

Thành công của Quảng Nam đã khuyến khích phía Kon Tum bắt tay vào việc nhân giống, ươm trồng loài cây quý này. Từ năm 1995 đến 1997, Kon Tum đã lập dự án "Xây dựng mô hình áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật phát triển cây sâm Khu 5, kết hợp với sản xuất nông lâm nghiệp và nâng cao đời sống đồng bào thuộc xã Măng Xăng, huyện Tumơrông, tỉnh Kon Tum", trồng thành công 5.000m2 cây sâm giống. Vườn sâm này hiện do Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Đắk Tô (Công ty Đắk Tô) quản lý và tiếp tục công việc phát triển.

Theo Giám đốc Công ty Đắk Tô Nguyễn Thành Chung, việc trồng cây sâm không quá khó, vì sâm được trồng chính tại quê hương nơi nó đã từng sinh trưởng nên tỷ lệ sống rất cao. Khó nhất là nguồn giống ban đầu. Giám đốc Chung kể những ngày đầu tiên góp nhặt từng cây giống vô cùng gian nan. Ông và các cộng sự phải vào tận làng bản, đặt mua từng hạt. "Dăm bảy hạt cũng mua, có hạt nào mua hạt nấy" - Giám đốc Công ty Đắk Tô nhớ lại. Nhưng khi cây sâm bị tận diệt thì hạt đâu có nhiều mà mua, nên công ty mua củ, cắt ra để ươm mầm. Tiền không có nhiều, chỉ dám mua những loại củ nhỏ. Đến nay vườn sâm của công ty sau hơn chục năm, giờ đã lên đến 8ha.

Cây sâm Ngọc Linh mọc tự nhiên trong rừng.

Ở độ cao gần 2.000m so với mặt nước biển, tuy núp dưới tán cây rừng cổ thụ dày đặc, nhưng vườn sâm 160ha của Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum (Công ty Ngọc Linh) vẫn trải dài ngút tầm mắt. Cách đây 12 năm, Giám đốc Công ty khi ấy là Trần Hoàn, lúc đó mới 24 tuổi, đã táo bạo quyết định trồng sâm. Ông Lê Ngọc Thảo, Giám đốc Công ty Duy Tân và là thành viên góp vốn vào Công ty Sâm Ngọc Linh, cũng nói rằng, thời kỳ ban đầu vô cùng gian nan về giống. Giải được bài toán này là thành công.

Trại Dược liệu Trà Linh của Quảng Nam tuy thành công nhưng không thể nào cung cấp đủ nguồn giống, nhất là với một nơi "ngốn" giống cực kỳ lớn như Công ty Ngọc Linh. Nên ngoài việc mua giống từ trại Trà Linh, Công ty Ngọc Linh đã cho người mang tiền vào tận các làng, buôn thuộc 3 huyện Tumơrông, Đắkglei và Trà My của hai tỉnh Kon Tum và Quảng Nam, đặt cọc trước, mua cả hạt lẫn củ. Mỗi lần như vậy phải mang đi cả tỉ đồng. "Có lúc giá củ sâm đến 50 triệu đồng/kg, vẫn phải cắn răng mà mua", ông Thảo kể.

Tuy nhiên, mua sâm củ tuy tốn nhiều tiền nhưng được cái là cây sâm ươm giống từ đây mọc lên cho thu quả sớm hơn là sâm mọc từ hạt, có khi chỉ ngay năm đầu tiên cây đã cho hạt. Nhờ đó mà chỉ trong vòng 12 năm, vườn sâm của Công ty Ngọc Linh đã đạt diện tích 160ha. "Quả thật là con số ngoài mong đợi", ông Thảo nói trong niềm phấn khởi.

Còn hiện tại, tuy đã có sâm trồng đến 12 năm, nhưng công ty chưa khai thác mà vẫn tiếp tục giữ để lấy hạt làm giống. Khi đã có vườn cây rộng lớn, nguồn giống thuận lợi hơn nhờ thu hạt. Từ đầu năm đến nay, công ty thu được 1 tạ hạt giống, trồng được trên dưới 10ha. Tuy vậy, với quy mô mở rộng vườn cây, đến thời điểm này công ty vẫn phải mua giống từ bên ngoài.

Bên cạnh đó, các nhà khoa học vẫn tiếp tục nghiên cứu để nhanh chóng có nguồn giống. Viện sinh học Tây Nguyên (tỉnh Lâm Đồng) và Phòng Nghiên cứu triển khai thuộc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum đang nghiên cứu nhân giống sâm vô tính bằng phương pháp cấy mô và hiện đã đưa ra trồng thử nghiệm. Nếu phương pháp này đạt hiệu quả thì đây sẽ là tin vui lớn, vì sẽ không còn lo lắng gì về nguồn giống nữa.

Các cán bộ lãnh đạo, các nhà khoa học, doanh nghiệp trồng sâm ở hai tỉnh Quảng Nam và Kon Tum giờ có thể khẳng định rằng, việc phục hồi nguồn gien quý đã thực sự thành công. Có nghĩa là đã đến lúc tìm giải pháp để trồng cây sâm đại trà, để cây sâm thành cây hàng hóa. Tỉnh Kon Tum và Quảng Nam đều đưa vào nghị quyết phát triển cây này thành sản phẩm chủ lực trong việc xóa đói giảm nghèo cho người dân bản địa và xuất khẩu, làm giàu cho tỉnh nhà trong tương lai.

Chi Cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum vừa qua đã xây dựng "Phương án tổng quan quy hoạch vùng có khả năng trồng sâm". Theo kết quả khảo sát, vùng phân bố của cây sâm có diện tích khoảng 38.000ha. Phương án này quy hoạch vùng có khả năng phù hợp để trồng sâm là 24.000ha..

Hiện Công ty Đắk Tô đang đề xuất tỉnh Kon Tum giao 100ha rừng để vừa mở rộng vườn cây giống, vừa bắt đầu trồng sâm cho củ. Công ty Sâm Ngọc Linh cũng đã lập dự án diện tích hơn 5.000ha, và đã được UBND tỉnh phê duyệt. Trong số này, diện tích thực trồng xác định khoảng 1.700ha. Sẽ có 2.000 người dân địa phương được giải quyết việc làm. Đó là chưa kể, công ty mở ra cơ hội để người dân cùng với công ty hợp tác trồng sâm theo phương thức ăn chia. Tuy nhiên hiện nay đang có vướng mắc là mặc dù đã được UBND tỉnh đồng ý chủ trương và giao cho các ngành liên quan thực hiện, nhưng đến nay việc giao đất vẫn không tiến hành được vì Sở Tài chính Kon Tum định giá thu tiền quá cao.

Theo phép tính toán của Sở Tài chính Kon Tum thì rừng chuyển đổi mục đích thu tiền với mức 16 triệu đồng/ha. Đó là một khó khăn lớn khi một lúc công ty phải nộp vài chục tỉ đồng, trong khi việc trồng sâm dưới tán rừng lại chính là giữ gìn, quản lý bảo vệ rừng, vì không khai thác, không  tác động làm thay đổi trạng thái rừng, tức không thuộc diện rừng chuyển đổi mục đích. Tỉnh Kon Tum đã có chủ trương phát triển cây sâm nhưng nếu thu tiền theo mức này thì sẽ rất khó kêu gọi đầu tư vào dự án trồng sâm.

Một tầm nhìn xa khác, hiện nay tỉnh Kon Tum và Quảng Nam đang lập dự án xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sâm Ngọc Linh. Đây là điều cần thiết phải làm vì theo dự báo, việc sản xuất sản phẩm hàng hóa sẽ phát triển trong một tương lai không xa. Theo tính toán của dự án của Công ty Sâm Ngọc Linh, thu hoạch 400kg/ha sẽ bán được 12 tỉ đồng. "Thành công là chắc chắn. Tới năm 2025 thì xuất khẩu sâm sẽ tính tỉ đô chứ không phải là triệu đô nữa"- Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Đắk Tô quả quyết

Đặng Vỹ
.
.