Cứu voi châu Phi bằng… hạt tagua

Thứ Tư, 28/06/2017, 10:27
Doanh nhân Hà Lan 48 tuổi Onno Heerma van Voss cho biết ông không bao giờ có ý định trở thành nhà hoạt động bảo tồn động vật hoang dã song đang cố gắng giúp cứu sống loài voi châu Phi có nguy cơ tuyệt chủng vì nạn săn giết lấy ngà.

Giải pháp của Heerma van Voss là bán hạt tagua - có màu trắng đục như ngà voi nên được gọi là “ngà thực vật” - để chế tác thành đồ mỹ nghệ hay trang sức hết sức độc đáo thay thế cho ngà voi.

Số lượng voi trong thiên nhiên hoang dã đang sụt giảm nghiêm trọng - ước tính có khoảng 100 con bị bọn săn bắt lậu giết chết mỗi ngày để lấy ngà cung cấp cho thị trường bất hợp pháp trên thế giới. Hiện nay chỉ có khoảng 451.000 con voi châu Phi trên khắp đại lục, tức sụt giảm 5 triệu con so với cách đây một thế kỷ - theo số liệu từ tổ chức chiến dịch toàn cầu phi lợi nhuận Quỹ Thế giới Bảo tồn thiên nhiên hoang dã (WWF) đặt trụ sở chính tại thành phố Gland (Thụy Sĩ).

Onno Heerma van Voss.

Và, để bảo vệ loài voi hoang dã, Heerma van Voss cung cấp cho thị trường hạt tagua (hay còn gọi là hạt cây cọ ngà - Ivory Palm) có tên khoa học là Phytelephas marcocarpa, một loại cây nhiệt đới mọc nhiều tại lưu vực sông Amazone của Bolivia, Ecuador và Peru. Hạt tagua dài khoảng 9cm và trở nên rất cứng chắc khi khô do chứa chất hemicellulose. Giống như ngà voi, hạt tagua có thể được sử dụng để đánh bóng và chạm khắc, chế tác thành đồ mỹ nghệ hay trang sức cho phụ nữ.

Từ trụ sở ở thủ đô Quito của Ecuador, Công ty Naya Nayon của Heerma van Voss xuất khẩu hạt tagua được 16 năm và công cuộc kinh doanh đang phát triển mạnh. Hiện nay, Heerma van Voss xuất khẩu hạt tagua đến 70 quốc gia trên thế giới bao gồm: Trung Quốc, Nhật Bản và Singapore để sử dụng làm nguyên liệu thay thế cho ngà voi.

Sau khi chính quyền Trung Quốc cam kết sẽ đóng cửa thị trường nội địa tiêu thụ ngà voi vào cuối năm 2017, Heerma van Voss hy vọng nhu cầu sử dụng hạt tagua thay thế sẽ bùng nổ mạnh. Thực ra, ý tưởng dùng hạt tagua làm nguyên liệu thay thế ngà voi không có gì là mới. Bắt đầu từ thế kỷ 19, châu Âu đã tìm nơi để đặt mua nguyên liệu thô giống như ngà voi để chế tác một số món đồ như: nút áo, quân cờ và chân cắm nến.

Sản phẩm làm từ hạt tagua.

Heerma van Voss không nghe nói gì về hạt tagua cho đến khi ông đến thăm Ecuador năm 2000 và từ đó quyết định thành lập doanh nghiệp Naya Nayon ngay tại nước này. Một năm sau, Heerma van Voss nhận được cuộc gọi đặt mua hàng đầu tiên từ một phụ nữ người Anh sống ở Pháp.

Hiện nay, Heerma van Voss bán được lượng hàng tagua, mà ông thu mua trực tiếp từ nông dân, trị giá 200.000 USD/năm với Pháp là thị trường tiêu thụ lớn nhất. Ông phơi khô tagua và cắt thành lát chuẩn bị cho công đoạn chạm khắc. Tagua cắt lát này được bán lẻ với giá 30USD/kg còn hạt thô có giá chỉ 6USD/kg. Trong khi đó, 1 kg ngà voi có giá đến 1.100 USD ở Trung Quốc.

Sản phẩm làm từ hạt tagua.

Tuy nhiên, Heerma van Voss gặp phải 2 trở ngại lớn khi xuất khẩu tagua đến thị trường Trung Quốc. Thứ nhất, những hạt tagua dài nhất vẫn ngắn hơn chiều dài trung bình của ngà voi. Thứ hai, hạt tagua không có được tính chất đặc biệt của ngà voi.

Hongxiang Huang, nhà báo Trung Quốc và nhà hoạt động chống sử dụng ngà voi, giải thích: “Khi trở nên giàu có hơn, người ta muốn mua những món đồ xa xỉ và ngà voi là một trong những thứ mà họ luôn mong muốn sở hữu. Đó là tình huống ở Trung Quốc”.

Đối với những người tiêu dùng chọn loại khác thay thế ngà voi thì có thể tìm mua ngà đông lạnh từ voi mammoth ở Siberia đã chết cách đây hàng ngàn năm. Người ta ước tính có khoảng 60 tấn ngà voi mammoth được tiêu thụ mỗi năm. Ngà voi mammoth được bán với giá trung bình 350USD/kg năm 2014, theo số liệu từ tổ chức từ thiện Save the Elephans.

Hạt tagua khô được cắt thành lát và đồ trang sức bằng hạt tagua được tô màu sắc phong phú (ảnh nhỏ).

Chuyên gia về ngà voi John Frederick Walker đánh giá: “Những nghệ nhân chạm khắc bậc thầy thường thích ngà voi hiện nay hơn bởi vì dễ xử lý. Thực ra, người ta vẫn có thể tạo ra những món đồ tuyệt vời từ ngà voi mammoth”. Nhưng, xu hướng hiện nay là thay thế ngà voi mammoth ở Siberia bằng hạt tagua.

Ngà voi mammoth.

Marion Andron, đồng sở hữu công ty kim hoàn Pháp Novoda, bán được những sản phẩm trang sức trị giá hơn 320.000 USD năm 2016. Andron, 27 tuổi, bay đến Ecuador 2 lần mỗi năm để giám sát việc sản xuất hạt tagua. Ngoài 2 thị trường lớn nhất là Pháp và Anh, Novoda còn xuất sản phẩm chế tác từ hạt tagua đến châu Á. Trước lệnh cấm buôn bán ngà voi tại Trung Quốc, trong thời gian sắp tới Andron hy vọng đây sẽ là cơ hội mở rộng kinh doanh quý báu cho cô.

Duy Ân (tổng hợp)
.
.