Đa nhiệm Lê Tâm

Thứ Ba, 12/11/2013, 21:40

Ngày 3/11 vừa qua, cuộc thi “Thiết kế những trang báo đẹp Việt Nam 2013”. Do Bộ Thông tin và truyền thông phối hợp với Đại sứ quán Thụy Điển tổ chức đã trao cho Chuyên đề ANTG cuối tháng - giữa tháng giải C. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện cùng họa sĩ Lê Tâm, người tạo phong cách cho hầu hết các ấn phẩm của báo CAND trong đó có chuyên đề ANTG cuối tháng - giữa tháng với những đặc điểm ấn tượng trong làng đồ họa báo chí.

Phóng viên (PV): Thưa họa sĩ Lê Tâm, Giải “Thiết kế những trang báo đẹp Việt Nam” là một trong những giải thưởng uy tín trong lĩnh vực đồ họa báo chí Việt Nam đã ghi nhận những sáng tạo của anh. Nhưng lâu nay, với tư cách là người tạo nên “phong cách đồ họa” cho những trang báo ANTG nói riêng và các ấn phẩm của Báo CAND nói chung, anh đã tạo những cảm hứng đồ họa cho làng đồ họa trình bày báo. Anh có thể giúp độc giả hiểu sự rõ sự thành công phải đạt điều gì?

Họa sĩ Lê Tâm: Với người tạo phong cách thị giác thì sự thành công là bán được hàng. Có vẻ thị trường quá nhỉ? Nhưng đúng là như vậy. Nếu cái đẹp không làm độc giả thích và chọn thì vai trò của tôi vô nghĩa. Hãy tạm gác cái đẹp chung chung lại. Cái đẹp của đồ họa ấn phẩm là người mua phải thích. Vậy thì tôi đang làm công việc giúp cho sự giao tiếp của tờ báo và người đọc trở nên dễ dàng. Bán được là thắng, là thành công. Độc giả phải nhìn thấy tờ báo của tôi đầu tiên khi đứng trên sạp báo "muôn hồng nghìn tía". Tôi vinh dự được nằm giữa chuỗi công việc "bán hàng" này.

Nằm trong hệ thống của một tổ hợp báo chí bán chạy nhất Việt Nam. Tôi hạnh phúc có được sự thống nhất từ thủ trưởng đến các cộng sự kỹ thuật như họa sĩ Ngọc Mai, Trần Anh Tuấn, Quỳnh Thục, Phạm Hữu Tuấn, Nguyễn Đình Hoàng Lâm đã làm việc ăn khớp. Đây là những cộng sự rất chuyên nghiệp có tính kỷ luật và điều quan trọng là họ rất say nghề. Thực sự thì cốt lõi là tôi may mắn được thủ trưởng tin cậy và sử dụng. Những người phụ trách đều ủng hộ những ý tưởng của tôi. Có gì chưa tốt thì cũng nhắc ngay. Mình quá đà nhấn ga thì đã có người "phanh hộ".

Giấy chứng nhận giải C cuộc thi “Thiết kế những trang báo đẹp Việt Nam 2013”.

PV: Đã đành luôn có công sức tập thể trong mỗi thành công nhưng thực sự thì không thể phủ nhận công lao của người giữ nhịp. Còn nhớ thời kỳ anh làm style cho tờ ANTG Cuối tháng, phong cách đen trắng này đã tạo cảm hứng cho làng báo. Anh có gặp phải những "trục trặc" nào thuở ban sơ ấy để có một phong cách riêng đặc biệt cho ấn phẩm này cho tới bây giờ không?

Họa sĩ Lê Tâm: Tôi bắt tay vào việc theo yêu cầu của thủ trưởng Hữu Ước như sau: Một tờ báo khổ A3, đen trắng, Các bài viết sâu về quốc tế và trong nước mang tính chính luận, nhân văn… Đó chính là tờ ANTG Cuối tháng. Với một họa sĩ chuyên nghiệp thì rất hào hứng với đơn đặt hàng này bởi vì cách đặt hàng rất rành mạch.

Số báo đầu tiên ra đời vẫn có những trục trặc nhưng thực sự gây ấn tượng. Khi đó thị trường toàn báo màu mà lại gặp một tờ đen trắng thì người ta thấy lạ lắm. Đen trắng là hắc bạch phân minh nên đem lại cảm giác tin cậy cao. Té ra đen trắng làm cho độc giả thích thú mà in ấn lại tiết kiệm. Tất nhiên việc bán chạy của nó là sức hấp dẫn của các bài viết xuất sắc, đồ họa dù sao cũng là gia vị đưa đẩy thôi.

Khi ấy nhóm ANTG Cuối tháng dường như có sự ưu ái riêng kiểu nghệ sĩ. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều vừa nhả khói vừa say sưa phác ý tưởng cùng nhà thơ Hồng Thanh Quang. Tôi và phóng viên Việt Đông thỉnh thoảng chen ngang rất hào hứng. Dường như bộ phận ANTG Cuối tháng được chiều chuộng như một ốc đảo kiểu nghệ sĩ.

Thế nhưng cũng có lúc thiết quân luật. Tôi đã có một lần sai hẹn với thủ trưởng Hữu Ước 30 phút. Thế là phải ngồi chịu trận nghe thủ trưởng sạc 1 giờ đồng hồ về thế nào là nguyên tắc làm việc. Sau đó thủ trưởng lại rót rượu bảo mày uống với tao. Tao nói thế thôi. Thế là vui vẻ trở lại.

PV: Cùng một lúc, anh chăm sóc phong cách cho cả một tổ hợp báo ngày, báo tuần như CAND, ANCT Cuối tháng - Giữa tháng, VNCA, CSTC với hơn 40 số/tháng. Anh có ba đầu sáu tay chăng?

Họa sĩ Lê Tâm, Đạt Tăng và sân khấu chương trình nghệ thuật “CAND vì nước quên thân vì dân phục vụ”.

Họa sĩ Lê Tâm: Nếu làm đơn chiếc thủ công, xét về mặt thời gian cơ học và sức khỏe thì tôi không thể làm được. Nhưng vai trò của tôi là người tạo mới và kiểm soát phong cách chứ không phải trang nào cũng đụng vào. Thế mới làm nổi và hiệu quả. Cụ thể là ngăn không cho các ấn phẩm bị lẫn lộn phong cách của nhau. Tờ CAND phải chính thống, tờ VNCA phải phong nhã, tờ CSTC phải cuồn cuộn hơi thở đời sống, tờ ANTG Cuối tháng - Giữa tháng phải hòa trộn giữa chính luận thậm chí binh lửa với chất nhân văn. Điều này quan trọng với  hiệu quả phát hành. Với những trang nhấn mạnh thì tôi phải tự làm, kể cả các kỹ xảo phức tạp.

Đơn cử, để có những trang nhất mạnh mẽ và ấn tượng về nhiều chủ đề từ trong nước tới quốc tế, buộc phải hiểu nhiệt độ kinh tế, chính trị, phải hiểu rõ nguồn cơn các xung đột trên thế giới, tôi phải đọc bài kỹ hoặc trao đổi ý tưởng với tác giả và tự tìm không dưới hàng trăm ảnh cho một trang. Với yêu cầu này, tôi phải là người hiểu kỹ vấn đề và đọc lượng tài liệu không hề nhỏ.--PageBreak--

PV: Thực ra, nói tới Lê Tâm là nói tới một kẻ “đa nhiệm”. Anh làm rất nhiều việc ở phía hậu trường gắn liền với những thành công của tên tuổi Báo CAND mà không phải ai cũng biết. Không chỉ trong lĩnh vực đồ họa mà ngay cả tổ chức các sự kiện, thiết kế sân khấu cho các chương trình lớn của báo như “Hồ Chí Minh - Cả một đời vì nước vì dân”, “Công an nhân dân, vì nước quên thân vì dân phục vụ”… Anh có thể cho biết, từ một cái màn hình máy tính với các công cụ đồ họa, anh đã “xoay chuyển” bằng cách nào để ra với sân khấu lớn chứa được hàng nghìn người…?

Họa sĩ Lê Tâm: Cái máy tính dù tối tân đến đâu, xét cho cùng, nó là một ôsin tốt cho người sử dụng mà thôi. Tôi vốn được đào tạo về thiết kế sân khấu chuyên nghiệp, nhưng rồi cũng tình cờ làm báo và theo báo cho đến nay. Tình cờ báo ta lại luôn tổ chức các sự kiện lớn, và cũng tình cờ là thủ trưởng Hữu Uớc tin là tôi làm được nên mới giao phó. Tôi không có bí quyết gì cả. Tôi chỉ là người luôn tìm ra những cộng sự tốt nhất, để cùng nhau đưa các yêu cầu phức tạp thành đơn giản và tiết kiệm.

Thí dụ như để làm chương trình “Hồ Chí Minh - Cả một đời vì nước vì dân” với một sân khấu dài 75 mét chứa hơn 1.000 diễn viên cùng lúc thì tôi đã kết hợp với họa sĩ Nguyễn Đạt Tăng. Hai anh em là một nhóm làm việc phản biện lẫn nhau rất sòng phẳng từ phác thảo đến thi công. Thậm chí thực hiện những việc tưởng như không thể khi lắp toàn bộ sân khấu trong vòng 5 ngày đêm cùng 65 tấn thiết bị. 5 ngày đó, tôi cháy nắng, 5 đêm đó, tôi thức trắng lang thang ở quảng trường.

PV: Lê Tâm là một cái tên quen thuộc không chỉ với giới đồ họa, mà trong lĩnh vực báo chí, anh còn là người nổi tiếng… khó tính với những bài báo cẩn trọng, kỹ lưỡng và rất nghiêm ngắn về câu chữ. Ngoài ra, anh còn phụ trách cả một chuyên mục "Thứ ba là ngày đầu tuần với seria dài kỳ "Nam quốc dị truyện" trên tờ CSTC kiêm vẽ tranh biếm họa. Ngôn ngữ mục này trào lộng như không. Sao anh lại có thể hòa trộn giữa nghiêm cẩn và hài hước thế?

Họa sĩ Lê Tâm: Ngoài đời thì tôi cũng hay làm cho đồng nghiệp cười khi công việc căng thẳng, nên được đồng nghiệp đặt hàng chuyên mục này. Tôi viết với ngôn ngữ biền ngẫu chương hồi, thỉnh thoảng điểm vài câu thơ vè, miễn là sảng khoái, nhưng tất cả các bài châm biếm đều theo sát các vấn đề thời sự nhiều người quan tâm. Vì thế được đánh giá là ăn khách.

PV: Phải thú thật là ban đầu tôi biết đến anh trước năm 2000 với tư cách là một nhạc sĩ của một ban nhạc đình đám. Gần đây anh đoạt giải nhất ca khúc về "Trường Sa và biển đảo quê hương Khánh Hòa" với bài "Đồng hương Trường Sa của tôi". Không chỉ thế, anh viết rất nhiều ca khúc, riêng về thiếu nhi đã có hàng chục bài và liên tục xuất hiện trên Đồ Rê Mí. Trong đó có ca khúc “Phép lạ hàng ngày” đã lan rộng khắp toàn quốc nhiều năm nay… Nhiều việc thế anh lấy đâu ra thời gian để dành cho sáng tác âm nhạc?

Họa sĩ Lê Tâm: Tôi không tiến hành mọi việc đồng thời và tranh thủ kẽ thời gian. Ca khúc về Trường Sa thì nhân một chuyến đi công tác Trường Sa, biển động, tôi bị kẹt lại đảo nên có nhiều kỷ niệm với anh em lính. Tôi đưa toàn bộ những câu chuyện thật vào ca từ. Những câu chuyện thật bao giờ cũng có sức lan tỏa. Các bài hát khác thì tôi viết bất kỳ lúc nào. Các bài thiếu nhi thì viết từ cảm hứng về thằng nhóc nhà tôi. Nhiều bài viết vì bạn thách, có bài viết vì một trại hè nào đó yêu cầu. Tôi trở thành người luôn ngập đầu trong nợ những lời hứa. Nói ra thật xấu hổ quá.

Sân khấu chương trình nghệ thuật “CAND vì nước quên thân vì dân phục vụ” tại Tuyên Quang do họa sĩ Lê Tâm thiết kế.

PV: Như anh biết, hiện nay, có một lớp độc giả "ăn mạng, ngủ mạng" và điều đó làm nên cơn sốt trên cộng đồng Facebook. Bản thân Lê Tâm cũng là một Facebooker với nhiều status rất ấn tượng và bài viết cảm động. Trong số hơn 700 cái note, anh cảm thấy tâm đắc với những điều gì?

Họa sĩ Lê Tâm: Với một số người coi Facebook là một trang dành cho người rảnh rỗi tán dóc. Với tôi ngược lại. Xin mượn một câu của nhà thơ Hồng Thanh Quang "Facebook là trang bản thảo của tôi". Tôi sử dụng Facebook để giải phóng nhu cầu viết. Tôi bắt đầu đăng thơ và truyện ngắn từ năm 1989. Sau đó một thời gian, tôi tập trung vào việc khác.

Gần đây nhu cầu viết quay trở lại, tôi chọn Facebook vì nó tương tác rất tốt với bạn đọc. Tôi đã viết trên trang này khoảng 700 ghi chép ngắn dài. Ngắn thì vài trăm từ, dài nhất là hơn 4.000 từ. Khoảng 500 ghi chép là những câu chuyện ngộ nghĩnh từ cậu nhóc nhà tôi và chuyện gia đình. 200 ghi chép khác là những truyện ký, tản văn, bài báo về xã hội.

Có một nguồn thu nhập khi cộng đồng đăng nó trên báo và gửi cho nhuận bút. Nhưng điều quan trọng là qua Facebook, tôi tìm được những cộng sự giỏi giúp tôi trong các công việc đa nhiệm, thí dụ như giúp tôi hoàn thành các chương trình truyền hình cho ANTV nặng ký như "Giai điệu bạn bè" 90 phút, "Sao và Sao", 60 phút. Và tất nhiên, đối với việc trình bày báo sao cho đẹp và nhận phản hồi nhanh nhất để cải tiến tờ báo thì Facebook cũng giúp tôi đắc lực.

- Trân trọng cảm ơn họa sĩ Lê Tâm!

Trần Hoàng Thiên Kim (thực hiện)
.
.