Đài Loan: Sản phẩm làm từ tre lên ngôi

Thứ Hai, 12/05/2014, 17:45

Tre có mặt khắp nơi trong văn hóa người Trung Hoa. Cứng cáp và bền dai cho nên tre cũng là biểu tượng cho sức mạnh và đức hạnh. Tre là loại cây có tác động sâu sắc đến cuộc sống thường ngày, văn hóa và tinh thần của người Trung Hoa. Trong quá khứ, rất đa đạng các sản phẩm được làm từ tre - từ ngói lợp mái nhà cho đến giày dép, đồ dùng nội thất và công cụ nông nghiệp. Sau vài thập niên bị hắt hủi do người tiêu dùng quay sang chọn những sản phẩm nhựa và giả gỗ rẻ tiền hơn, tre bắt đầu được ưa chuộng trở lại giúp thị trường dành cho loài cây này phát triển mạnh lại.

Đài Loan hiện nay có khoảng 240 doanh nghiệp kinh doanh các sản phẩm làm từ tre. Và, có lẽ không nơi đâu nổi bật hơn thị trấn Zhushan - hay còn gọi là thị trấn "Núi Tre" - ở miền Trung Đài Loan, nơi mà hàng trăm gia đình dùng cây tre để làm ra đủ loại sản phẩm.

Yang Chun-hsien, Giám đốc cơ quan tái trồng rừng của Cục Lâm nghiệp Đài Loan, cho biết: "Trong quá khứ, mỗi khu vực trên đảo Đài Loan đều có người làm việc trong ngành công nghiệp tre, nhưng thời gian sau này, tre bị thay thế bởi chất dẻo hay thép để làm ra mọi loại sản phẩm như là sào phơi quần áo, giường cũi trẻ con và đồ dùng trong gia đình".

Sản phẩm tre do Công viên Văn hóa Tre của Chen Ching-fu sản xuất.

Thập niên 70 thế kỷ XX là khoảng thời gian phát triển thịnh vượng nhất của ngành công nghiệp tre với hơn 13 triệu cây tre được thu hoạch mỗi năm và thu nhập từ tre - không bao gồm các sản phẩm hoàn chỉnh - lên đến 3, 5 triệu USD/năm. Nhưng, sau đó 1-2 năm, thu hoạch tre hàng năm chỉ vào khoảng 1,67 triệu cây tre và doanh thu sụt giảm còn 456.000 USD/năm.

Tuy nhiên, sau trận động đất ngày 21/9/1999 ở tỉnh Nantou, miền Trung Đài Loan, chính quyền Đài Loan quyết định khuyến khích sử dụng tre trở lại dẫn đến sự phục hồi của ngành công nghiệp này. Và, để giúp ngành công nghiệp tre phát triển trở lại, chính quyền Đài Loan cho thành lập Viện Nghiên cứu Công nghệ Công nghiệp (ITRI) và tổ chức này nhanh chóng trở thành một trong những trung tâm sáng tạo công nghệ lớn nhất Đài Loan với hơn 1.000 bằng sáng chế mỗi năm. Hiện nay, tre được sử dụng để sản xuất những sản phẩm vốn trước đây chưa hề tồn tại - như xà phòng, thuốc diệt côn trùng, tất, găng tay.

Chen Ching-fu, Tổng Giám đốc Công viên Văn hóa Tre.

ITRI phát triển một công nghệ carbon hóa cây tre để tạo ra loại than tre chất lượng cao được sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau. Được xử lý cách ly tự nhiên, than tre có thể chuyển hóa thành sợi để dệt ra vải từ đó sản xuất ra các sản phẩm như nón, găng tay, tất. Than tre cũng được xử lý tạo ra mỹ phẩm chăm sóc cơ thể như kem dưỡng da.

Than tre cũng được sử dụng trong công nghiệp để thanh lọc nước và không khí. Tuy nhiên, có một ứng dụng khá khác thường của than tre là chế biến món đậu phộng bọc một lớp than tre. Những người chưa quen dùng cảm thấy khó chịu thậm chí buồn nôn nhưng người Đài Loan tin rằng món ăn này có lợi cho sức khỏe!

Chen Ching-fu, Tổng Giám đốc Công viên Văn hóa Tre ở Zhushan - nhà sản xuất các sản phẩm làm từ tre có tiếng của Đài Loan, cho biết: "Khi còn nhỏ, tôi thường chơi đồ chơi được  làm từ tre. Tre có mặt khắp nơi và tôi chưa bao giờ mường tượng nổi ngày nay tre có thể được ứng dụng làm ra đủ loại sản phẩm như thế".

Lin Li-wei và sản phẩm bằng tre do doanh nghiệp gia đình sản xuất.

Giống như các doanh nghiệp khác, Công viên Văn hóa Tre của Chen Ching-fu hiện đang chào bán không chỉ các đồ dùng gia đình truyền thống mà còn bao gồm các loại sản phẩm khác như sáp thơm và quần áo. Người Đài Loan còn dùng nguyên liệu tre để sản xuất các tấm panel lát sàn, bút, móc treo quần áo và cả vỏ laptop. Các sản phẩm tre xuất khẩu cũng như bán trong nội địa của Đài Loan hiện đạt đến 100 triệu USD/năm.

Một trong những xu hướng giúp cho công nghiệp tre luôn phát triển là sự tham gia của tuổi trẻ thế hệ thứ 2 hay thứ 3 để giúp điều hành doanh nghiệp gia đình. Đó là trường hợp của Lin Li-wei, 36 tuổi, làm việc tại một bưu điện ở Đài Bắc với mức lương chỉ 600 USD/tháng sau khi tốt nghiệp đại học. Li-wei quyết định bỏ việc ở bưu điện để trở về giúp gia đình quản lý doanh nghiệp nhỏ sản xuất đồ dùng bằng tre như đồng hồ, đèn treo tường v.v…

Lin Li-wei tâm sự: "Cha tôi luôn ủng hộ tôi đổi mới các loại sản phẩm bằng tre. Chúng tôi nhận thức doanh nghiệp gia đình chỉ phát triển khi biết sáng tạo đổi mới và làm đa dạng sản phẩm". Hiện nay, Li-wei và cha của anh kiếm được 5.000 USD/tháng nhờ bán sản phẩm bằng tre. Nhiều cơ sở khác ở Zhushan cũng cung cấp cho thị trường những sản phẩm bằng tre rất đa dạng về mẫu mã.

Xà phòng sản xuất từ than tre.

Tre lớn nhanh - chỉ 5 năm là trưởng thành - và được coi là một trong những loài cây thân thiện với môi trường nhất để làm ra sản phẩm tiêu dùng. Giới lãnh đạo công nghiệp hy vọng trong tương lai tre có thể thay thế gỗ và chất dẻo.

ang Chung-hsien nhận định: "Chất dẻo rẻ hơn và có thể sử dụng lâu hơn nhưng sản phẩm làm từ tre thân thiện với môi trường hơn. Các sản phẩm làm từ tre không sử dụng hóa chất và cây được trồng trong tự nhiên không cần thuốc diệt côn trùng hay phân bón. Tre cũng hấp thu nhiều carbon dioixide giúp giảm thiểu khí nhà kính".

Đến với Công viên Văn hóa tre của Chen Ching-fu, học sinh hay du khách có thể được hướng dẫn cách tạo ra than tre và tự tay làm ra các sản phẩm bằng tre.

Chen Ching-fu khẳng định: "Đài Loan không thể không có tre bởi vì đó là vật liệu giúp chúng tôi sống qua nhiều thế hệ. Tôi muốn giúp mọi người hiểu được tầm quan trọng và lợi ích mà cây tre mang lại cho cuộc sống"

Duy Ân (tổng hợp)
.
.