Đại bàng xuống phố

Thứ Bảy, 02/03/2013, 15:45

Con đại bàng thuộc dòng Đông Hoàng đế được nhập về từ Anh, có giá hơn 12 nghìn bảng đập cánh bay theo vòng xoắn ốc lên không trung. Cứ mỗi lần thay đổi độ cao, đại bàng bay chậm lại để ngóng hiệu lệnh từ chủ. Không nghe hiệu lệnh gọi về, nó cứ đập cánh bay cao mãi cho đến lúc chỉ còn là một chấm đen trên bầu trời.
Lúc này, chủ chim mới dùng còi rúc lên một hơi dài, lanh lảnh. Nhận được tín hiệu, đại bàng lao theo chiều thẳng đứng xuống đất. Khi sắp chạm đất, lại bay vút lên theo vòng cánh cung, đậu thẳng vào tay chủ.
Không có mỹ từ nào có thể miêu tả được cảm giác kiêu hùng mà đại bàng tạo ra lúc này…

Đẳng cấp chim đại bàng

Gần 4 năm trước, giới chơi chim tại Sài Gòn bắt đầu để ý đến những giống chim dữ, được gọi với biệt danh là chim săn mồi. Ban đầu, đa phần dân chơi chim chỉ quanh quẩn với các loại chim thường phổ biến, như: diều, cắt, ưng… Về sau, đẳng cấp ngày càng được nâng lên. Đại bàng, có thể là đẳng cấp cuối cùng.

Tiếp cận với giới chơi chim đại bàng "gốc" cực khó, phải thông qua nhiều người giới thiệu có uy tín. Đơn giản, họ ngại tiếp xúc với những người không thuộc dạng đam mê, đặc biệt, là nhà báo. Còn vì sao gọi họ là chơi đại bàng "gốc", đại bàng "gốc" nghĩa là true eagle hay còn gọi là đại bàng thực sự khác với đại bàng ưng là bởi đại bàng của họ đều là đại bàng nhập từ nước ngoài về, có nguồn gốc xuất xứ của trang trại cung cấp, có giấy khai sinh, kiểm dịch, độ lai tạp… của từng con riêng. Họ chơi đúng nghĩa là để thỏa niềm yêu thích của mình.

Tôi ngồi với hai anh em sinh đôi N.A. và V.A. một tối đầu năm mới. N.A. và V.A. là hai tay chơi đại bàng có số trong hội chơi chim săn tại Sài Gòn. Trước khi chơi thuần đại bàng, N.A. và V.A. đã chơi dòng ưng Ấn Độ. Tuy nhiên, dòng ưng Ấn Độ dữ tính, lại vô cùng mẫn cảm với những tiếng động lạ. N.A đã từng bị ưng Ấn Độ tấn công một lần, nên cả hai chỉ tập trung chơi dòng đại bàng.  Hiện tại, V.A và N.A có 3 con đại bàng, gồm: một con dòng Đông Hoàng đế, một đại bàng ưng và một đại bàng thảo nguyên. Riêng con đại bàng ưng, đã có thể đi săn được.

Đại bàng ưng là loại đại bàng nhỏ, có hình dáng khá giống với chim ưng, sinh trưởng ở vùng châu Á. Lông ở đầu, lưng đuôi và cánh thay đổi từ màu trắng, vàng, nâu đến đen tùy từng con khác nhau và tùy từng độ tuổi. Con cái có trọng lượng lớn hơn so với con đực. Cổ chân có  nhiều lông. Có thể săn được những con mồi nhỏ, như chuột, thỏ...

Huấn luyện cho đại bàng.

N.A nói chơi đại bàng nghiện ghê lắm. Bởi đại bàng thông minh, giữa chủ và chim có mối quan hệ "đối tác" hơn là quan hệ "chủ - tớ". Để huấn luyện đại bàng, dân chơi chim có kinh nghiệm thường nâng cao phần thưởng cho chim tùy theo độ khó của bài tập. Dân chơi có kinh nghiệm sẽ có những phương pháp huấn luyện chuyên sâu cho từng loại khác nhau, từng giai đoạn huấn luyện cho đến các bài tập nâng cao thể lực và rèn luyện kỹ năng săn bắt. Vậy nên chế độ ăn và kiểm soát cân nặng cũng khác nhau tùy theo loài, độ tuổi và từng giai đoạn huấn luyện. Mỗi người chơi sẽ có những kinh nghiệm và bí quyết riêng.

Thường dân chơi chim đại bàng thích lựa dòng chim bổi để huấn luyện. Chim bổi tức là những con chim đã rời tổ và biết săn mồi ngoài tự nhiên, dân chơi thường thích chim bổi dưới 1 năm tuổi và chưa đổi màu mắt. Chơi đại bàng bổi, sau giai đoạn thuần sẽ bắt đầu huấn luyện và đi săn. Phức tạp nhất có lẽ là cách thuần đại bàng bổi và dòng chim săn nói chung chịu đứng và ăn trên tay chủ. Còn nuôi từ chim non lên, người chơi phải tốn thêm nhiều thời gian để hướng dẫn chim cách đi săn, tập thể lực... Thông thường, dân chơi đại bàng tập cho đại bàng nhận biết nhiều loại hiệu lệnh khác nhau, như ký hiệu bằng tay, màu sắc bao da, độ rúc dài ngắn của còi…

Phức tạp nhất, có lẽ vẫn là dạy đại bàng cách chịu đứng trên phần giữa đầu ngón tay và cổ tay. Có những con đại bàng khó tính, dân chơi chim phải chấp nhận cho đại bàng đứng trên tay 24/24 giờ. Tay cứ lồng vào bao da, đại bàng cứ bấu chặt móng vào. Ăn ngủ, đi đứng, tiếp xúc gì đó, dân chơi đại bàng vẫn phải để tay nguyên tư thế như vậy.

Công phu hơn, có những dân chơi đại bàng sẵn sàng hy sinh ưng xám (shikra) bổi, già rừng để tích lũy kinh nghiệm thuần dòng chim săn mồi nói chung. Ưng xám bổi già rừng là loại cực kỳ nhát, khó thuần và dễ mất khi bay tự do. Nói như N.A thì "Bỏ ít thời gian và tiền bạc để thà mất con ưng xám nhằm lấy kinh nghiệm nuôi đại bàng là quá rẻ".

Và không phải con đại bàng nào cũng nuôi để đi săn. Bởi những dòng đại bàng lớn như Đông Hoàng đế, Tây Hoàng đế… với con mồi thường là hươu non, cừu non... thì dân chơi đại bàng nuôi chủ yếu là để ngắm sự oai vệ của chim khi bay bởi thứ mồi này của đại bàng lớn khó kiếm ở Việt Nam. Riêng loại đại bàng có tên Diều Hoa, một loại đại bàng có tên trong Sách đỏ, dân chơi đại bàng dẫu có thích đến mức nào cũng tuyệt không dám chạm đến vì sợ rắc rối. Còn loại đại bàng chuyên săn khỉ như ở Philippines thì… hoàn toàn không dám mơ đến.

Ngoài ra, trọng lượng của đại bàng phải được "đóng khung". Đại bàng không được tăng cân quá nhanh, cũng như giảm cân quá cỡ. Một con đại bàng đẹp phải bao gồm cả hình dáng và trọng lượng chuẩn. Cái khó của dân chơi đại bàng là căn bệnh lở miệng. "Miệng đại bàng lở thì gần như vô phương cứu chữa. Vết lở ăn sâu vào trong xương, chim đói mà chết. Nhìn đau lòng vô cùng", V.A nói vậy. Kinh nghiệm của V.A để ngăn tình trạng đại bàng lở miệng, là thức ăn dành cho chim phải được cắt vừa tầm, tránh băm nhuyễn thức ăn, đại bàng dễ bị mắc xương. Đại bàng ăn xong, phải nhanh chóng dùng bình xịt rửa sạch chân và miệng cho đại bàng.

Đại Bàng thảo nguyên trong nhà một tay chơi đại bàng.

Vừa chơi vừa phập phồng

Tôi không bàn đến những con đại bàng được dân có tiền mua về cắt cánh, thả cho đi lòng vòng trong sân nhà hay nhốt vào lồng sắt. Bởi không ai lại chơi đại bàng theo kiểu kỳ lạ này. Tôi chỉ viết về những đam mê đúng nghĩa.

Ở các nước khác, nhất là Mỹ và châu Âu chơi đại bàng đã trở thành môn thể thao được cấp phép hẳn hoi. Người mới nhập môn, phải cắp tráp theo huấn luyện viên nuôi đại bàng đúng 2 năm để có được mảnh giấy chứng nhận trước khi bắt đầu chơi chim. Đại bàng được nuôi trong các trang trại được kiểm soát chặt chẽ, mỗi con đại bàng xuất trại đều có hồ sơ đi kèm theo chim. Riêng ở Việt Nam, cứ nhắc đến chim đại bàng là đã lởn vởn ý nghĩ đây là dòng chim cấm. Bất chấp đó là những con đại bàng được nuôi và sinh sản trong hoàn cảnh chuồng trại. Nên chỉ có ai chơi nấy biết, rảnh thì í ới gọi nhau, thậm thậm thụt thụt tổ chức một buổi họp mặt vài người, chủ yếu là để khoe độ oai dũng của chim.

Người chơi chim đại bàng, có thể vào các trang web của những trang trại chim để xem hình ảnh, lựa dòng chim mình muốn mua. Chọn được chim ưng ý, gửi tiền qua tài khoản visa card cho chủ trang trại. Chim sẽ được đóng gói gửi về Việt Nam. Đến Việt Nam, tùy theo mối quan hệ mà chủ chim sẽ được mang chim về nhà dưới sự chứng nhận của các cán bộ thuộc cơ quan quản lý. Một con đại bàng được đặt hàng tại Anh gửi về Việt Nam, tối đa từ lúc chuyển tiền cho đến khi chủ nhận được chim là khoảng 8 ngày. Trong thời gian bị đóng gói đi máy bay, chim chỉ… nhịn đói. Sức sống lẫn sự thích nghi môi trường mới của đại bàng là cực tốt.

Tôi hỏi N.A là "Có con đại bàng giá trên dưới 5 triệu, nhưng cũng có con hơn nửa tỉ đồng. Nhưng dẫu vài triệu hay vài trăm triệu, thì đó vẫn là giống chim dành cho dân lắm tiền chơi, đúng không?".

"Thật ra nếu anh chơi thuần túy, cũng không tốn kém lắm. Nhưng chơi cho tới thì đúng là phải có tiền mới chơi được. Không chỉ là giá cho một con chim bao nhiêu tiền, mà còn chi phí nuôi dưỡng chim, phụ kiện theo chim…", N.A trả lời.

Để có những phụ kiện chơi đại bàng đúng chuẩn, người chơi chim phải đặt mua hàng từ nước ngoài về. Tại các quốc gia phát triển về thú chơi này, có những nhà xưởng sản xuất riêng cho từng loại phụ kiện, như: miếng găng tay bằng da kangaroo được may bốn lớp, còi, vòng chống xoắn, cân điện tử, cầu, chuông…

Nhằm theo dấu chim, dân chơi còn lùng mua được thiết bị định vị chim theo đúng kiểu mấy tay làm phim về thế giới động vật hay sử dụng. Thiết bị này được gắn vào thân chim, để chẳng may chim ham mồi bay ra ngoài vùng nghe được tín hiệu từ còi, chủ chim có thể nương theo thiết bị này mà tìm lại chim. Khoảng cách để định vị của thiết bị trên là trong bán kính 80km, được bán với giá gần 2.000USD.

Mũ chụp đầu cho đại bàng ưng.

Nghe N.A và V.A kể chuyện đại bàng thú vô cùng. Móng giữa của đại bàng, thường gọi là móng "giết" có cạnh cực sắc, cứ như một lưỡi dao được giấu dưới chân. Từng có người chơi đại bàng bị móng này cấu đến đứt gân tay. Để duy trì độ sắc bén của móng giết, đại bàng dùng mỏ để mài móng. Đưa móng vào giữa mỏ, giật liên tiếp, giật đến mức "cứ thon thót người vì sợ rớt chim rớt móng". Cái mỏ lâu ngày được dùng mài móng, tạo thành ngạnh, kiểu như một cái răng đặc biệt. Từ cái răng này lại trở thành thứ vũ khí để hạ sát con mồi. Do nuôi nhốt, suốt ngày chỉ đứng trên cầu sắt bọc da, không có điều kiện để mài mỏ, nên mỏ đại bàng dài ra liên tục, quặp xuống. Dân chơi đại bàng phải dùng kìm để bấm mỏ hay dùng khoan được sử dụng trong nha khoa để mài mỏ đại bàng.

Có tay chơi đại bàng ở tận Tây Ban Nha, thông qua mạng Internet đánh tiếng với N.A. rằng, tay chơi này sẽ cung cấp kinh nghiệm để N.A. nuôi ép đại bàng sinh sản trong môi trường tự nhiên. N.A tỏ ra hào hứng với dự định này lắm, nhưng còn ngại.

"Gần như là em sẽ có thể khiến đại bàng sinh trưởng trong môi trường nhân tạo. Nhưng có điều, chuyện này phải chờ đợi thiện chí từ nhà quản lý. Em đang tìm cách trình bày ý tưởng với mấy chú ở Chi cục Kiểm lâm, để thuận lợi về mặt luật pháp. Chỉ cần mấy chú đồng ý, là em tiến hành liền. Theo em, điều này sẽ góp phần bảo tồn và hạn chế việc khai thác chim từ tự nhiên", N.A nói.

Theo thông tin mà tôi có được, ngoài hai con đại bàng đỉnh của N.A và V.A thì tại Sài Gòn, còn có 2 con đại bàng đỉnh khác thuộc dòng Đại bàng vàng.

"Thế nhưng ở Sài Gòn chật chội vậy, thì đại bàng lấy đâu khoảng không để săn mồi?", tôi hỏi. "Dạ, có chứ anh. Ngoài khu Hóc Môn, Củ Chi hay vùng Bình Dương vẫn còn nhiều khoảng trống để chơi đại bàng mà. Tụi em cứ 3 người 2 con chim, lủi thủi chạy xe gắn máy đi huấn luyện chim", N.A cho biết.

Nghe loáng thoáng thì Hiệp hội Huấn luyện chim săn mồi thế giới đang làm giấy tờ để xin Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa thế giới (UNESCO) công nhận huấn luyện đại bàng săn mồi là văn hóa phi vật thể. Ông phó chủ tịch của hiệp hội này cũng đã gửi thư đề nghị nhóm chơi đại bàng của N.A và V.A gia nhập hội. V.A và N.A đang chần chờ, bởi tại nước mình còn quá nhiều thứ vướng víu liên quan đến thú chơi đại bàng.

Quan điểm riêng, tôi cho rằng nên thông cảm mới những xu hướng giải trí mới của giới trẻ. Miễn sao, xu hướng đó không ảnh hưởng đến truyền thống lẫn luật định. Đại bàng được cấp giấy nguồn gốc xuất xứ, kiểm dịch… đâu phải là đại bàng tự nhiên. Cấm đoán mà làm gì.

Hơn nữa, ngay trong tự nhiên, chỉ khoảng 25% chim săn mồi nói chung, kể cả đại bàng sống sót và phát triển qua một năm đầu đời. Đương nhiên, điều này không có nghĩa là thỏa hiệp với những gã thương lái trói gô đại bàng từ vùng cao mang về phố bán kiếm lời

N.N.Hữu (ngokinhluan83@gmail.com)
.
.