Trung Quốc đang tăng tốc mua bất động sản tại Mỹ

Thứ Hai, 08/08/2016, 17:31
Một nghiên cứu công bố hôm 16-5 của tổ chức Asia Society và Công ty Rosen Consulting Group (Mỹ), cho thấy người Trung Quốc đang tăng tốc mua nhà ở và bất động sản thương mại ở Mỹ. Trong giai đoạn 2010-2015, tổng số tiền người Trung Quốc bỏ ra lên đến 110 tỉ USD.


Các nhà nghiên cứu cho rằng con số thực tế có thể lớn hơn nhiều do không xác định được các giao dịch qua những công ty bình phong cũng như các quỹ đầu tư mờ ám.

Hãng tin Bloomberg còn cho biết, các công ty Trung Quốc đã rót hơn 15 tỷ USD vào 171 thương vụ tại Mỹ trong năm 2015. Báo cáo nhận định: Trong năm 2016 này, Trung Quốc sẽ đầu tư hơn 30 tỷ vào các thương vụ và dự án tại Mỹ, thiết lập một kỷ lục mới. Dòng vốn đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ là một phần trong làn sóng đầu tư ra nước ngoài của các công ty Trung Quốc.


Cùng trong ngày 16-5, Ngân hàng nhà nước Trung Quốc ICBC Standard Bank, ngân hàng lớn nhất thế giới tính theo tài sản, thông báo đang tiến hành mua hầm chứa kim loại quý khổng lồ ở thủ đô London, Anh của Ngân hàng Barclays.

Căn hầm nói trên thuộc loại lớn nhất châu Âu, nằm tại một địa điểm bí mật ở London và có thể cất trữ 2.000 tấn vàng cùng các kim loại quý khác. Nó chứa được số vàng trị giá lên tới 90 tỉ USD theo thời giá hiện tại. Thương vụ dự kiến hoàn tất vào tháng 7 được tiết lộ chưa đầy 1 tuần sau khi ICBC Standard tham gia hệ thống thanh toán bù trừ kim loại quý tại London.

Động thái trên giúp ICBC Standard - được thành lập năm 2015 sau khi Ngân hàng Công Thương Trung Quốc (ICBC) mua cổ phần kiểm soát Ngân hàng Standard Bank (Nam Phi) - trở thành ngân hàng đầu tiên của Trung Quốc sở hữu một hầm chứa vàng ở London. Điều đó không chỉ giúp nó tiến gần thị trường bán buôn vàng không qua sàn giao dịch (OTC) lớn nhất thế giới (về khối lượng giao dịch) mà còn dễ dàng tiếp cận khách hàng phương Tây hơn.

"Thỏa thuận này sẽ giúp Trung Quốc tăng khả năng truy cập vào thị trường vàng London, mở rộng vai trò của cường quốc châu Á này trong kinh doanh vàng. Barclays trước đó công bố họ thay đổi mảng kinh doanh kim loại quý. Ngân hàng mở hầm trữ vàng này vào năm 2012. Được biết, London là thị trường bán buôn vàng lớn nhất thế giới tính theo khối lượng giao dịch. Ước tính có 5.000 tỉ USD giá trị vàng được giao dịch ở đây mỗi năm. Kim loại quý này được giao dịch ở London trong 300 năm qua. Song hiện Đại lục đang chiếm ưu thế về kinh doanh vàng vật chất. Nhập khẩu vàng vào Trung Quốc tăng hơn 700% kể từ năm 2010, nước này vượt Ấn Độ trở thành nước tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới vào năm 2013. Theo ngân hàng Mỹ Wells Fargo, quốc gia Đông Á tiêu thụ khoảng 40% số vàng được khai thác khỏi lòng đất mỗi năm.

Trong khi đó, dự án tuyến đường sắt lớn nhất châu Phi trị giá 13,8 tỉ USD do Tổng Công ty Cầu đường Trung Quốc (CRBC) tiến hành tại Kenya cũng đang hoàn thiện giai đoạn đầu tiên, tức kết nối cảng Mombasa của Kenya ở Ấn Độ Dương với thủ đô Nairobi. Đây được xem là dự án tham vọng nhất tại Kenya kể từ khi quốc gia Đông Phi này giành độc lập năm 1963.

Tuy nhiên, dự án vẫn chưa hết gây tranh cãi vì nó chạy qua khu bảo tồn thiên nhiên hoang dã của Kenya. Ngoài ra, hàng tỉ USD cũng được các doanh nghiệp Trung Quốc vung ra nhằm thâu tóm cảng biển trên khắp thế giới, từ cảng Piraeus lớn nhất Hy Lạp cho đến các cảng quan trọng ở Algeria, Úc, Canada, Pakistan…

Trong khi các nhà máy tại Hoa Kỳ gồng mình hoạt động thời hậu suy thoái, các chính khách Hoa Kỳ đang mải mê chạy đua vào Nhà Trắng, thì Trung Quốc đang tiến bước. Một đội quân triệu người đang di chuyển không mệt mỏi xuyên qua châu Phi và Mỹ Latin và giờ là châu Âu nhằm thâu tóm các nguồn tài nguyên thiên nhiên chiến lược của các quốc gia, thao túng toàn bộ các thị trường mới nổi, ngăn chặn các quốc gia như Hoa Kỳ, Âu châu, Nhật Bản, và các nền kinh tế khác của thế giới bên ngoài tiếp cận các nguồn lực cho sự thịnh vượng tương lai của họ.

Đối với những người Nga ở thủ đô Moscow và các thành phố phía tây, sự xuất hiện của nông dân Trung Quốc trên lãnh thổ nước này ở vùng Viễn Đông đang làm dấy lên những quan ngại về sự thống trị của Trung Quốc. Nỗi ám ảnh đó vẫn hiện hữu trong tâm trí rất nhiều người dân Nga dù mối quan hệ tổng thể giữa hai quốc gia được đánh giá là nồng ấm hơn bao giờ hết trong giai đoạn nước Nga đang bị nhiều nước phương Tây trừng phạt và phong tỏa trên thương trường.

Người Trung Quốc bắt đầu đổ đến các khu vực Viễn Đông dọc sông Hắc Long Giang để canh tác kể từ khi Liên Xô tan rã hồi năm 1991. Những dòng người di cư ồ ạt, thiếu kiểm soát đã làm dấy lên nhiều phong trào phản đối bắt nguồn từ các nhà hoạt động chính trị có tư tưởng dân tộc ở Moscow.

Vladimir Zhirinovsky, Phó Chủ tịch Duma Quốc gia, đã yêu cầu trục xuất tất cả người nhập cư Trung Quốc khỏi khu vực Viễn Đông của Nga. Stanislav Govorukhin, một nhà làm phim, còn thực hiện hẳn một đoạn video với nội dung khuyến cáo rằng người Trung Quốc đang đổ bộ ồ ạt vào lãnh thổ Nga.

Ông cũng viết một cuốn sách miêu tả viễn cảnh người Trung Quốc lấn át người Nga ở khu vực Viễn Đông. Khi chính quyền vùng Trans-Baikal dọc biên giới Trung Quốc tuyên bố sẽ cho một công ty Trung Quốc thuê 285.000 ha đất không sử dụng để trồng lúa mỳ, làn sóng biểu tình phản đối đã bùng lên ở hầu hết các khu vực Viễn Đông. Kế hoạch này sau đó phải ngừng lại.

Công bằng mà nói, nước Nga cho đến nay khá thành công trong việc kiểm soát dòng người di cư từ Trung Quốc sang. Họ sử dụng hệ thống hạn mức visa đối với lao động Trung Quốc và giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh xuyên quốc gia qua các tổ chức do nhà nước điều hành. Song tình trạng tham nhũng khiến quá trình thực thi quy định trên gặp không ít khó khăn.

Ngoài ra, nỗi lo về việc người Trung Quốc thâu tóm những vùng đất Viễn Đông đã ăn sâu vào tiềm thức của dân chúng Nga, ông Ivan Zuenko, nhà nghiên cứu tại Đại học Liên bang Viễn Đông thuộc khu vực Vladivostok, nhận xét.

Lý do khiến nông dân Trung Quốc đổ xô sang vùng Viễn Đông bắt nguồn từ một thực tế là khu vực này còn rất nhiều đất canh tác. Vùng Viễn Đông thuộc Nga rộng bằng 2/3 diện tích nước Mỹ nhưng chỉ có khoảng 6,1 triệu người.

Việc nhiều người dân Nga bỏ xứ đi tìm kiếm cơ hội việc làm ở nơi khác cũng góp phần tạo ra tình trạng nhiều mảnh đất màu mỡ nhưng không có ai canh tác. Dọc biên giới phía Trung Quốc là một quang cảnh hoàn toàn trái ngược. Tất cả các mảnh đất, dù không có tiềm năng, vẫn được đưa vào canh tác. Dân số tăng nhanh khiến vấn đề khát đất nông nghiệp càng trở nên trầm trọng.

Khi nhìn vào bức tranh toàn cảnh này, ai cũng sẽ thấy Trung Quốc không chỉ đang hướng đến một cuộc "chiến tranh nhân dân" trên vùng Biển Đông mà còn đang thôn tính mạnh mẽ những thị phần, những vùng đất tiềm năng khác trên tất cả các phần của thế giới.

M.Q. (tổng hợp)
.
.