Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn còn nan giải

Thứ Ba, 23/09/2008, 16:00
...Quá trình thanh tra bắt đầu từ ngày 15/9 đến ngày 20/9.  Sau những ngày đầu thanh tra ở khu vực kinh doanh sữa lớn nhất là phố Hàng Buồm, Hà Nội và đường Nguyễn Thông, TP HCM kết quả cho thấy, không có sản phẩm sữa nào của Công ty Tam Lộc. Tuy  nhiên, sữa trôi nổi không có xuất xứ  và sữa “xách tay” không có nhãn phụ bằng tiếng Việt vẫn có...

Sau khi Trung Quốc phát hiện sản phẩm sữa Sanlu của Công ty Tam Lộc và 22 công ty khác nữa có chất melamine – loại hóa chất gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người sử dụng, người tiêu dùng Việt Nam thực sự hoang mang không biết loại sữa này có mặt trên thị trường không và có là nguyên liệu để chế biến những sản phẩm liên quan đến sữa không. Phóng viên Chuyên đề ANTG đã có cuộc trao đổi với ông Trần Quang Trung, Chánh thanh tra Bộ Y tế về vấn đề này và về cả một số vấn đề khác liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm.

Sữa lậu không quản lý được

Phóng viên (PV): Thưa ông, sau khi Trung Quốc phát hiện sản phẩm sữa của Công ty Tam Lộc không bảo đảm chất lượng, Thanh tra Bộ Y tế đã có động thái gì để trấn an tinh thần đang rất hoang mang của người tiêu dùng Việt Nam hiện nay?

Ông Trần Quang Trung (Ông TQT): Là nước láng giềng và nhập khẩu nhiều loại hàng hóa từ Trung Quốc, đặc biệt là theo đường tiểu ngạch, nên  lập tức sau “vụ” sữa Sanlu của Trung Quốc được thông tin rộng rãi, Thanh tra Bộ Y tế đã triển khai ngay việc thanh tra các mặt hàng sữa ở hai thành phố lớn Hà Nội và TP HCM để xác định có sản phẩm sữa Sanlu và những loại sữa khác không có nguồn gốc trôi nổi trên thị trường không. Quá trình thanh tra này bắt đầu từ ngày 15/9 đến ngày 20/9.  Sau những ngày đầu thanh tra ở khu vực kinh doanh sữa lớn nhất là phố Hàng Buồm, Hà Nội và đường Nguyễn Thông, TP HCM kết quả cho thấy, không có sản phẩm sữa nào của Công ty Tam Lộc. Tuy  nhiên, sữa trôi nổi không có xuất xứ  và sữa “xách tay” không có nhãn phụ bằng tiếng Việt vẫn có.

Cụ thể ngày 17/9, đoàn thanh tra đã phát hiện một bao bì nặng mấy chục kilôgam sữa không có nguồn gốc tại một cửa hàng kinh doanh ở Hà Nội. Còn ở TP HCM thì nhiều hơn.

PV: Vậy những sản phẩm sữa đó đã về Việt Nam bằng con đường nào?

Ông TQT: Với những mặt hàng sữa không có nguồn gốc chắc chắn chỉ nhập qua con đường tiểu ngạch, cụ thể là nhập lậu. Còn nếu là hàng có nhãn hiệu, xuất xứ thì theo nguyên tắc đã phải qua Cơ quan Hải quan rồi mới vào Việt Nam. Và những mặt hàng như vậy là chính thống và bảo đảm chất lượng vì đã được cơ quan chức năng của Việt Nam kiểm định.

Về nguồn gốc, tôi muốn giải thích thêm, không có loại sữa nào là không có nguồn gốc. Phải có nơi sản xuất, nơi xuất khẩu nó... Và người kinh doanh biết điều đó. Nhưng cốt yếu ở chỗ họ có muốn cho người tiêu dùng biết không. Vì qua kinh nghiệm cũng như thực tế khảo sát trong nước và nước ngoài,  tôi biết, một số trường hợp, chủ doanh nghiệp “phi tang” xuất xứ. Bởi sản phẩm của họ có thể hết hạn sử dụng hoặc thuộc sữa thứ phẩm thậm chí là loại sữa dùng chăn nuôi cho gia súc. Nhưng khi nhập về, họ lại bán cho người sử dụng. Mà kinh doanh những sản phẩm sữa như vậy rất có lãi do giá thành nhập khẩu rẻ, giá bán lại cao như giá của loại sữa bảo đảm chất lượng. Cho nên sữa trôi nổi chắc chắn không thể có chất lượng.

PV: Vậy thì làm sao có thể quản lý được chất lượng các sản phẩm sữa này, thưa ông?

Ông TQT: Đúng là rất khó quản lý, đặc biệt là cơ quan của chúng tôi. Vì như đã nói, chủ yếu những mặt hàng sữa kém chất lượng đều nhập lậu vào thị trường trong nước. Mà nhập lậu thì cơ quan quản lý trực tiếp còn khó khăn nữa là...  Để cụ thể, có thể hình dung như những hình ảnh mà truyền hình đã phát, tại những khu vực biên giới, người buôn lậu vận chuyển hàng hóa bằng tất cả những hình thức có thể: buộc vào người từ đầu đến chân, vác trên vai, đội trên đầu, chồng chất lên xe máy... rồi đi qua những lối mòn trong rừng cây hoặc trên núi, trên sông... Đối với cơ quan quản lý phát hiện hàng lậu vận chuyển dưới hình thức như vậy còn khó thì  huống chi chúng tôi, chỉ chịu trách nhiệm về kiểm định chất lượng làm sao quản lý được.

PV: Như thế có nghĩa là chúng ta phải chấp nhận tình trạng có sữa lậu kém chất lượng?

Ông TQT: Có thể hiểu như vậy.

PV: Trở lại với việc thanh tra, ông có thể cho biết bên cạnh tiến hành kiểm tra các sản phẩm sữa trôi nổi, ngành y tế có kiểm định lại chất lượng của tất cả các loại sữa đang có mặt một cách chính thống trên thị trường Việt Nam không?

Ông TQT: Có chứ, và chúng tôi đang tiến hành. Vì sữa Sanlu của Trung Quốc thực tế là sản phẩm của một công ty lớn thứ ba Trung Quốc. Thế mà còn có chất melamine thì chắc gì những sữa khác không có. Hơn nữa, có nhiều “công nghệ” chuyển giao từ Trung Quốc vào nước ta lắm. Thực tế đã cho thấy điều ấy. Do đó, để bảo đảm chất lượng sữa đang có mặt trên thị trường Việt Nam, chúng tôi không chỉ tiến hành lấy mẫu xét nghiệm của các hãng sữa bột mà còn lấy mẫu xét nghiệm của cả sữa tươi nhập khẩu để xem có chất melamine không.

PV: Thưa ông, như vậy là chỉ kiểm tra chất melamine?

Ông TQT: Khi kiểm định mỗi chất có trong sữa hay các thực phẩm khác nói chung, đều có công thức hóa học riêng. Vì vậy phải biết chắc chắn có chất gì thì mới kiểm định chất đó. Xét nghiệm sữa lần này, chúng tôi chỉ kiểm tra melamine.

PV: Qua “sự kiện” chất melamine trong sữa của Trung Quốc và kẹo bột đá phát hiện vừa rồi ở nước ta, ông có thể đánh giá bản chất của những hành vi ấy là gì?

Ông TQT: Tôi có thể khẳng định ngay là vì lợi nhuận. Còn họ không ý thức được hóa chất họ cho vào sản phẩm gây tác hại gì. Qua lời khai của họ là thấy: như sản xuất kẹo chủ cơ sở nói cho bột đá vào để trọng lượng của kẹo tăng. Mà trọng lượng của kẹo tăng thì lợi nhuận cũng tăng vì giá thành sản xuất ít đi. Còn với sữa Sanlu, thực tế Công ty Tam Lộc hoàn toàn không có lỗi. Nếu có chỉ là anh đã không kiểm định cẩn thận.  Trách nhiệm thuộc về người cung cấp nguyên liệu. Và những người này cũng đã bị bắt quả tang và khai: do không được Công ty Tam Lộc thu mua liên tục vì không đạt tiêu chuẩn dinh dưỡng, họ đã cho melamine vào sữa nguyên liệu để được Tam Lộc thu mua. Khi Tam Lộc thu mua, chắc chắn họ mới lãi.

“Bệnh từ miệng mà vào”

PV: Cũng liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm, thực tế tại các chợ hiện nay ở Hà Nội xảy ra tình trạng, kiểm tra thịt lợn trước khi bán ra cho người dân với phương thức: người bán thịt trả tiền. Còn người kiểm tra chỉ đóng “cộp” con dấu lên thịt  mà thậm chí không cần nhấc qua lại để kiểm tra chất lượng? Ông giải thích như thế nào về hiện tượng này?

Ông TQT: Chúng tôi đã phân cấp quản lý và việc đó thuộc về trách nhiệm của ngành thú y. Nhưng với tư cách Chánh thanh tra Bộ Y tế, mặc dù lĩnh vực đó không thuộc quản lý trực tiếp của tôi, tôi vẫn có thể khẳng định việc làm đó là thiếu trách nhiệm, cần phải xử lý cán bộ vi phạm.

PV: Tương tự như vậy, sản phẩm thực phẩm chức năng hiện nay, nhiều người, nhất là những người bán hàng đa cấp, “thần dược” hóa sản phẩm này chữa được bách bệnh, kể cả bệnh nan y như ung thư... Ông có ý kiến về vấn đề này như thế nào?

Ông TQT: Đó là hành vi lừa đảo. Chúng tôi đã quan tâm đến hiện tượng này nhưng chưa có chứng cứ để xử lý những doanh nghiệp, cá nhân sai phạm. Cụ thể chứng cứ ở đây phải là tài liệu giấy trắng mực đen, chứ chỉ lời nói thì “khẩu chứng vô bằng” chúng tôi không xử lý được.

PV: Trước tình trạng nhiều thực phẩm hiện nay không bảo đảm an toàn vệ sinh, theo ông, để giải quyết cần phải những giải pháp gì? 

Ông TQT: Vệ sinh an toàn thực phẩm kém xuất phát từ một số nguyên nhân: điều kiện kinh tế xã hội còn khó khăn, nếp sống, văn hóa của người Việt. Đây là những nguyên nhân rất thực tế, ví dụ như nếp sống, từ trước tới nay người Việt sinh hoạt theo thói quen. Ví như ăn phở, nếu mà mua về nhà ăn, nhiều người cho rằng mất ngon do bánh phở nát, nước không nóng sốt... nên phải ăn ngay ở hàng. Quán hàng đó có thể ở bất cứ đâu. Điều này, nếu trong quá khứ có thể chấp nhận. Nhưng trong tình trạng môi trường ô nhiễm như hiện nay, vệ sinh thực phẩm lại không bảo đảm thì chắc chắn sinh hoạt  ấy không duy trì được.

Hay như văn hóa chợ. Chợ của người Việt phần lớn là chợ cóc. Người Việt chưa có thói quen đi siêu thị mà thích đi chợ cóc. Đi làm hoặc đi đâu về có thể tạt ngay vào chợ cóc bên đường mua thức ăn. Vì vậy, để hướng người dân đến ý thức sử dụng thực phẩm vệ sinh  thì phải thay đổi những thói quen, văn hóa đó. Cùng với đó, đời sống kinh tế của người dân phải được nâng cao. Vì nếu không ví dụ đi chợ, họ chỉ thích đi chợ cóc chứ không thích mua hàng ở siêu thị. Bên cạnh thay đổi ý thức, nâng cao đời sống, tuyên truyền cũng là yêu tố quan trọng trong việc giữ gìn vệ sinh thực phẩm. Nói tóm lại để giải quyết vấn đề này, cần nhiều giải pháp đồng bộ của mọi thành phần trong xã hội, trong đó, luật pháp cũng vô cùng quan trọng. Hiện Luật Thực phẩm đang được xây dựng để dựa trên cơ sở đó, người dân có thể thực hiện theo Luật.

P.V: Xin cảm ơn ông!

Tú Anh (thực hiện)
.
.