Đám đông hung hãn và sự mù quáng trên mạng xã hội

Thứ Năm, 07/06/2018, 17:50
Cách đây vài tuần, một diễn đàn du lịch trên mạng xã hội Facebook có bài viết hỏi các thành viên khác về kinh nghiệm, địa danh đi chơi xuyên Việt bằng xe hơi, trong đó có lịch trình ghé thăm làng quê dọc đường đi.

Tất nhiên đây chỉ là bài viết hết sức bình thường, đáng chú ý có một ý kiến đóng góp rằng "Nhớ in decal chữ to, dễ đọc, màu đỏ và dán 2 bên hông xe ghi rõ là Tôi không bắt cóc trẻ con và ăn trộm chó".

Câu trả lời này nhận được sự tán thưởng nhiều hơn cả bài viết chính, bởi sự hài hước lẫn cay sống mũi về một hiện tượng, vấn đề tương đối đau lòng lẫn khó lý giải, đó là sự hung hãn đến mù quáng của đám đông sau nhiều vụ việc hành hung những người bị cho là "bắt cóc trẻ con" vì có hành động lạ lùng, tự nhiên thăm hỏi đã xảy ra tại nhiều địa phương.

Một phụ nữ bị đám đông hành hung vì cho là “bắt cóc trẻ con”.

Hiệu ứng đám đông hung hãn không chỉ xảy ra ở nông thôn mà nó cũng có thể hâm nóng những bắp tay trong thành phố. Đơn cử, một vụ tai nạn giao thông, kẻ gây tai nạn bẻ lái bỏ chạy và cuộc truy đuổi trên phố bắt đầu, tất nhiên với mật độ xe cộ chen nhau từng centimet thì tư duy sẽ chạy thoát trong đường phố Hà Nội là một sai lầm nghiêm trọng trong hành vi lẫn nhân cách.

Trong sự hoảng loạn bế tắc, trên đường trốn chạy với phía sau là hàng chục gương mặt bức xúc kèm tiếng còi xe máy truy đuổi inh ỏi dồn kẻ gây tai nạn vào một tình huống hoảng loạn nguy hiểm và lại tiếp tục gây tai nạn dọc đường. Các sai lầm nối tiếp nhau, cộng hưởng thành đám đông hỗn loạn.

Họ dừng được chiếc xe, dùng những viên gạch nhặt bên lề đường đập nát cửa kính, lôi kẻ gây tai nạn ra đánh cho một trận thừa sống thiếu chết. Lúc này đừng nói đúng sai, chỉ còn vọng ra từ đám đông lố nhố giữa đường với tiếng chân tay và chửi thề, lời khuyên can của người lớn tuổi lọt thỏm trong sự ồn ã. Khi công an xuất hiện, đám đông  giải tán để lại trên lòng đường một tấm thân tả tơi lẫn với đất cát và máu.

Vụ án tài xế ô tô bán tải đâm, kéo lê người đi xe máy hàng trăm mét ở ngã 6 Ô Chợ Dừa (quận Đống Đa, Hà Nội) hôm 11-4-2018 là một ví dụ điển hình. Đêm đó, thông tin về vụ lái xe ô tô bán tải Madza biển số 29C-817.27 đâm vào xe máy người đi đường rồi kéo lê cả người và xe hàng trăm mét ở Ô Chợ Dừa lan truyền trên mạng xã hội.

Người xem không thể hình dung được về sự dã man, hãi hùng đó khi một chiếc ô tô "điên" phóng tốc độ cao cuốn theo người và xe máy đến tóe lửa dưới gầm. Ngày 13-4, cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an quận Đống Đa đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự giết người và ra lệnh bắt khẩn cấp đối với Vũ Hoàng Dương, đối tượng duy nhất có mặt trên xe ô tô bán tải, đã cầm lái đâm, kéo lê người đi xe máy hàng trăm mét.

Nhưng tại thời điểm Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Đống Đa thi hành lệnh bắt khẩn cấp, đối tượng Vũ Hoàng Dương vẫn đang phải điều trị trong bệnh viện vì đa chấn thương, giảm thị lực, ho ra máu sau trận đòn chân tay kinh khủng của đám đông người đi đường.

Có lẽ bài học ứng xử trong văn hóa giao thông này không chỉ dành riêng cho Dương, đó cũng là lời cảnh tỉnh cho không ít lái xe thiếu kiềm chế khi tham gia giao thông, những người luôn có sẵn tâm lí "ăn miếng trả miếng", thậm chí dùng sức mạnh cơ bắp để giải quyết, khi có va chạm, mâu thuẫn bột phát trên đường.

Trong các bối cảnh tương tự nhưng khác về tình huống diễn ra tại địa phương khác, hai người phụ nữ đi bán tăm cũng bị đám đông hành hung thâm tím mặt mày chỉ vì nghi ngờ "bắt cóc trẻ con". Đó là bà Lê Thị Bảy (41 tuổi, ở xã Lê Thanh, huyện Mỹ Đức, Hà Nội), một trong hai nạn nhân bị đánh oan thâm tím mặt mũi, người phù nề và phải điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Sóc Sơn. Bà Nguyễn Thị Phúc (52 tuổi, xã Sơn Công, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) được đưa về nhà điều trị.

Tương tự vậy, vận đen đến với hai người đàn ông đi tìm mua đồ gỗ tại thôn Đồng Hởi, xã Hồng Lạc, huyện Thanh Hà, Hải Dương khi bị vu vạ thôi miên, bắt cóc. Ngoài trận đòn hơn kẻ thù, họ còn bị đốt rụi chiếc xe hơi ngay trên đường làng. 

Hai nạn nhân là Trịnh Mạnh Hải, giám đốc kinh doanh của Công ty Sản xuất thức ăn chăn nuôi DANREDS ở xã Tân Trường (Cẩm Giàng) cùng lái xe Lê Văn Nam (sinh năm 1988, trú tại Chương Mỹ, Hà Nội) đi xe ô tô về nhà vợ ở xã Tân Việt (Thanh Hà) chơi. Trên đường về, hai anh này đã vào cửa hàng của vợ chồng anh Phạm Đăng Bắc (sinh năm 1984, trú tại thôn Đồng Hởi) hỏi mua đồ gỗ. Anh Bắc đã chỉ cho anh Hải sang kho nhà mình gặp chị Quyên (vợ anh Bắc) để xem đồ nội thất.

Trong khi đang trao đổi với anh Hải, chị Quyên thấy chóng mặt, mệt mỏi, nghĩ mình bị thôi miên như một số thông tin đã đọc trên mạng xã hội, chị Quyên chạy ra ngoài tri hô mọi người đến cứu. Thấy chị Quyên cầu cứu, nhiều người đã kéo đến đánh hai người và sau đó là đốt cả xe.

Có lẽ trước đây những vụ việc tương tự như vậy ở nông thôn gần như không bao giờ xảy ra. Cho đến khi nạn trộm chó, rồi các thông tin thất thiệt lan truyền chóng mặt về bắt cóc, thôi miên trên mạng xã hội đã đánh gãy niềm tin, lý trí phân tích của con người.

Trí Minh
.
.