Đăng kiểm: Con voi chui lọt lỗ kim

Thứ Sáu, 01/11/2013, 08:05

Với phương thức hoạt động như hiện nay, khó có thể tin vào một kết quả trung thực về chất lượng của một chiếc xe hơi, cho dù nó đã qua hoạt động đăng kiểm, được phép lưu hành hẳn hoi. Xe mới, xe cũ qua "cửa" đăng kiểm đều phải mất tiền nếu không muốn bị "lên bờ xuống ruộng" đã là câu chuyện chẳng mới mẻ gì. Chủ phương tiện bỏ tiền ra mua lấy hiểm họa cũng là rất dở. Nhưng câu chuyện lá đơn tố cáo lình xình mới đây, về một khoản "thu tô" cố định mà các trạm đăng kiểm phải nộp hằng ngày (?) phải được coi là dịp để người có trách nhiệm trong ngành nhìn lại công tác tổ chức các hoạt động đăng kiểm, vốn đã tai tiếng bấy lâu nay.

Cuối giờ sáng, chúng tôi đưa xe vào một trung tâm đăng kiểm tại quận Thanh Xuân, Hà Nội. Giờ này không có nhiều xe vào làm thủ tục đăng kiểm tại đây. Một chiếc xe buýt loay hoay mãi trong đường kiểm tra chính của trạm, hết tiến lại lùi, có những lúc nhả khói đen kịt. Khoảng 3 chiếc xe con đỗ chờ ở ngoài, sau đó được giải quyết đi vào kiểm tra tại đường kiểm tra thứ hai sát dãy nhà điều hành.

Cho đến tận lượt của những chiếc xe tiếp theo của đường kiểm tra thứ hai đã qua, chiếc xe buýt vẫn thấy ì ạch chưa ra được. Trời Hà Nội mùa thu mà mấy đăng kiểm viên toát mồ hôi hột với chiếc xe to kềnh không ngừng nhả khói đen kịt kia…

Bởi mục đích chính không phải đi đăng kiểm, nên tôi đánh xe nép vào một bên, rồi sà vào quán nước bên ngoài. Trong quán có vài người nữa, có vẻ như là nhân viên của hãng xe đi làm đăng kiểm "hộ" khách hàng. Trong câu chuyện của họ nhắc đến tên của một vài một người, áng chừng là người trong trung tâm đăng kiểm thì phải, bữa nay làm việc "kém chuyên nghiệp" quá, bắt anh em phải đợi lâu?

Câu chuyện một hồi lại thấy nhắc đến vụ chiếc xe khách 43S-6320 gặp tai nạn ở Khánh Hòa hồi tháng 6, vào đúng ngày lẽ ra phải đưa xe đi kiểm định bắt buộc tại trung tâm đăng kiểm. Chiếc xe chở tập thể đoàn cán bộ, giáo viên của Trường tiểu học Hòa Phước 2 thuộc xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng đi tham quan thì bị mất phanh, đâm vào vách núi gây nên tai nạn thảm khốc kia. Tội nghiệp cho những thầy, cô xấu số, hoàn cảnh vốn chẳng dư dả gì, tích cóp mãi mới được một chuyến đi chơi thì lại bị hành vi tắc trách, coi thường pháp luật làm hại.

Chủ phương tiện đưa xe đi kiểm định chẳng lạ gì về một khoản lệ phí bất thành văn nếu muốn cho xong chuyện.

Ngồi thêm một lúc nữa, thêm một vài vị khách, lại thấy nhắc đến vụ lình xình mới đây của ngành đăng kiểm về việc giám đốc một trung tâm đăng kiểm ở TP HCM tố cáo ông Cục trưởng của ngành "ăn tiền, nuôi bồ nhí". Chuyện người tố cáo, người bác đơn rồi dọa sẽ kiện người đâm đơn tội vu khống nói qua nói lại được một lúc thì ầm ĩ cả quán như sắp đánh nhau tới nơi. Tiếng tranh luận át cả tiếng máy gầm rú của chiếc xe buýt đang vật vã kiểm tra trong kia.

Sau một hồi, câu chuyện đi đến kết luận cuối cùng, rằng chưa có kết luận cuối cùng chính thức nào từ phía cơ quan thanh tra chuyên ngành cả. Hãy đợi đấy! Câu chuyện cứ thế là chìm xuống. Các bên tham gia tranh thủ lúc dứt cuộc đấu khẩu, ngồi thở phì phò…

Đáp lại lời bình phẩm khơi chuyện của tôi sao hôm nay có vẻ vắng, chị hàng nước buông một câu: Chẳng có gì! Rằng đợt này lượng xe đến như thế là bình thường, có ngày nhiều hơn, ít hơn một tí, trung bình khoảng hai, ba chục chiếc một ngày. "Chẳng bù cho đợt trước, ngày có đến cả trăm xe. "Quân" đăng kiểm ra đây lúc nào cũng thấy kêu mệt nhưng mặt tươi như hoa ấy…". Bà chủ quán vừa nói vừa cười, khóe mắt đầy ẩn ý.

Kiểm định không đơn giản chỉ là một khâu để xe được lưu hành. Nó liên quan tới sự an toàn của chính người sử dụng chiếc xe đó.

Cái "đợt trước" mà chị nói, tôi cũng biết, vì Hà, một người bạn của tôi cũng phải đi đăng kiểm xe vào thời điểm ấy. Đó là vào dịp tháng 6 vừa qua, đặc biệt là những ngày cuối tháng. Đấy là thời điểm sau khi phí trước bạ sang tên đổi chủ ôtô giảm và có thông tin về hạn cuối cùng trong lộ trình xử phạt xe quá hạn sang tên đổi chủ và chủ xe chưa nộp phí bảo trì đường bộ. Thời điểm ấy, hầu như điểm đăng kiểm nào trên địa bàn Hà Nội cũng quá tải. Lượng xe vào làm thủ tục có lúc lên tới hơn trăm xe mỗi ngày. Nhiều chủ xe cũng chưa hẳn đã hết hạn đăng kiểm, nhưng vì sang tên, làm lại đăng ký nên cũng phải đi làm lại đăng kiểm luôn.

Những trường hợp đúng hạn đăng kiểm như xe của Hà thì còn đỡ, bởi theo quy định, xe đến hạn phải được đăng kiểm, nên vì thế mà cũng được ưu tiên giải quyết cho nộp phí bảo trì đường bộ trước. Có nhiều người chỉ đi nộp phí bảo trì đường bộ cho xe, đợi từ sáng đến chiều chưa đến lượt. Tại trung tâm Hà đến, thời điểm ấy người ta phát cho người chỉ đi nộp phí bảo trì đường bộ những tấm tíc-kê có đánh số. Nhiều hôm đến cuối giờ sáng, con số trên tíc-kê vẫn còn lên tới vài chục, chưa kể lượt người mới sẽ đến vào buổi chiều…

Một trong những yêu cầu bắt buộc để được làm thủ tục đăng kiểm là chủ xe phải xuất trình được giấy bảo hiểm trách nhiệm dân sự còn thời hạn. Vì thế nên ở bất cứ trung tâm đăng kiểm nào cũng có một cán bộ bán bảo hiểm thường trực, sẵn sàng bán cho những người chưa có hoặc đã hết hạn.--PageBreak--

Sau khi tham khảo kỹ các "thông tin liên quan", Hà đã yên tâm chuẩn bị một khoản… "lót chân", theo "kinh nghiệm" của những người mách bảo, gọi là để cho đăng kiểm viên "nhẹ chân ga" hơn khi ngồi lên xe của mình? Kỳ thực, nói một cách công bằng, cũng có người đã nói với Hà rằng nếu tin rằng xe mình chuẩn, thì khoản “lót chân” kia không có cũng không sao. Nhưng mà "mấy chú ấy sẽ không được vui"?

Và từ cái sự không vui ấy, có thể họ sẽ kiểm tra rất kỹ và rất lâu, hoặc là khi kiểm tra mở máy lạnh xe tối đa nhưng lại hạ hết kính xuống chẳng hạn, hoặc là vặn nhạc tối đa, hoặc tiến lùi mà không đóng cửa xe… Tất nhiên là anh bạn tôi cũng như nhiều chủ xe khác chẳng thể tự tin lắm, mình có phải dân kỹ thuật đâu mà biết họ bắt lỗi mình thế nào? Ngoài ra, ai chẳng muốn nhanh? Với những kinh nghiệm thu thập được, Hà để khoản lót chân trên tablô xe như đã được bày trước, tự tin tiến vào làm thủ tục.

Theo công bố của Đăng kiểm Việt Nam, từ 1/9 đến 30/9/2013, toàn bộ các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới cả nước đã kiểm định được 166.486 lượt phương tiện. Trong đó, số lượt đạt tiêu chuẩn An toàn khí thải & Bảo vệ môi trường (ATKT & BVMT) là 135.975 lượt, chiếm 81,67%, số lượt không đạt tiêu chuẩn ATKT & BVMT là 30.511 lượt chiếm 18,33%. So với cùng kỳ năm 2012 (tháng 9/2012) số lượt kiểm định tăng 40.834 lượt, 32.50%.

Phân tích về chất lượng phương tiện vào kiểm định trong tháng 9/2013 cho thấy: Tỷ lệ phương tiện không đạt ngay lần kiểm định lần thứ nhất chiếm 21,00%.

Trong đó, tỉ lệ không đạt tiêu chuẩn theo từng nhóm hạng mục kiểm tra là:

- Hệ thống phanh: 51,80%.

- Hệ thống lái: 29,60%.

- Bánh xe: 11,50%.

- Khí thải: 54,50%.

So với cùng kỳ năm 2012, số phương tiện không đạt do khí thải tháng 9/2013 cao hơn 2,50% (tháng 9/2012 là 52,00%). 

Thực ra đấy không phải là lần đầu tiên Hà đi làm thủ tục đăng kiểm cho chiếc xe của mình. Lần đăng kiểm đầu tiên, đó là khi mua xe, trước đấy đúng 30 tháng. Thời điểm ấy, Hà đã cho xe vào một trung tâm kiểm định thuộc quận Ba Đình. Về cơ bản, khi mua xe, chủ xe có thể "nhờ" chính đại lý bán xe cho mình làm dịch vụ đăng ký, đăng kiểm luôn, với một mức phí thỏa thuận trước. Những thủ tục này thực ra cũng đơn giản, không lấy gì làm phức tạp như người ta vẫn thường nghĩ, và mất một chút thời gian. Nhưng Hà đã quyết định sẽ tự trải nghiệm từng công đoạn. Không ngoại trừ có viện dẫn một chút quen biết, lần đầu tiên đăng kiểm ấy cũng khá suôn sẻ.

Đến công đoạn cuối cùng, dán tem, người kiểm định viên ngồi nghỉ trong xe Hà khá lâu, có vẻ như đi dán nhiều xe khiến anh ta cảm thấy mệt mỏi? Sau một hồi ngồi im lặng bên ghế phụ, đăng kiểm viên lẳng lặng mở cửa ra khỏi xe, không quên một cái đóng cửa rất mạnh, cảm giác như chiếc xe mới cóng, chắc chắn là thế cũng phải rung lên bần bật…

Rút kinh nghiệm lần đầu tiên ấy, lần này, và cũng là vì xe đã qua 30 tháng sử dụng, Hà "chuẩn bị" đầy đủ, với mong muốn mọi việc được suôn sẻ. Tuy nhiên, sau khi nhận lại hồ sơ và được thông báo mang sang phòng kiểm định viên để làm thủ tục đưa xe vào kiểm tra, người kiểm định viên ở đây đã trực tiếp gợi ý, rằng anh em làm việc nắng nôi vất vả, anh xem thế nào "hỗ trợ" các cậu ấy làm việc cho tốt hơn? Hà đáp: Có. Tôi đã chuẩn bị, và để ở ngoài xe rồi! Không. Anh cứ để đây. Và Hà bạn tôi đã làm theo như gợi ý. Trước khi đi ra, người ngồi trong phòng còn nói với theo: Anh cất "cái" ở ngoài xe đi nhá!

Dạo ấy trời nắng nóng. Xe đỗ ngoài bãi chờ dán tem chỉ một lúc mở cửa ra thì đã nóng hầm hập. Tay cầm tập tem, người dán tem đăng kiểm gọi tên từng chủ xe, yêu cầu mở máy, bật điều hòa trước khi dán tem. Mặc dù đã làm đủ "thủ tục", cũng như lần trước, người dán tem lại ngồi nghỉ trong xe của anh bạn tôi khá lâu. Chắc có lẽ do mệt và nóng, nên muốn ngồi thêm một lúc cho mát chăng? Phải đến khi bạn tôi gợi ý khéo, người dán tem ấy mới rời khỏi xe, vẫn chẳng nói câu nào. Có khác chăng, đó là cửa được đóng nhẹ nhàng hơn.

Có những đợt cao điểm, một ngày hơn trăm xe đến trạm.

Câu chuyện của anh bạn tôi đi đăng kiểm xe không phải là duy nhất. Chỉ cần với cụm từ khóa "đăng kiểm xe ôtô" và một cú nhấn chuột sẽ có ngay cả chục ngàn kết quả từ trang tìm kiếm Google "chia sẻ" về những trải nghiệm khi đi đăng kiểm xe ôtô. Tuy nhiên, hãy khoan đếm số đầu xe để tính ra tiền mặt của khoản lậu phí các trung tâm đăng kiểm thu được mỗi ngày ấy, mà để nhìn thấu đáo vấn đề hơn, rằng sự tha hóa - tạm gọi như thế - của những người làm công tác đăng kiểm chính là do… các chủ phương tiện mà thành!

Một cách công bằng, đăng kiểm một chiếc xe chính là gián tiếp bảo đảm an toàn cho người sử dụng chiếc xe ấy. Với lý ấy, thì xe càng được kiểm tra kỹ càng bao nhiêu, càng được thử thách kỹ bao nhiêu thì tính an toàn mà nó đem lại cho chủ xe càng tốt bấy nhiêu. Nếu loại trừ những hành vi tiêu cực, sách nhiễu của các kiểm định viên, thì việc các chủ xe học nhau cái cách "bôi trơn" các công đoạn đăng kiểm bằng khoản “lót chân” kia, dù có là để ngoài tablô xe, trên mặt đồng hồ hay hộc tì tay, thậm chí là cả trực tiếp cho đăng kiểm viên, chẳng khác nào tự chuốc lấy mối hiểm họa về phía mình.

Cũng đã có không ít lời chia sẻ về các công đoạn của hoạt động đăng kiểm xe cùng lời khuyên các chủ xe nên tốt nhất tự xử lý trước những vấn đề của chiếc xe mình đang sử dụng để tránh bị gặp khó khăn khi đi đăng kiểm. Chẳng hạn như nên bảo dưỡng xe trước khi đưa đến trạm đăng kiểm. Song, gần như những chia sẻ ấy bị chôn vùi bởi những mách nước làm thế nào cốt để đăng kiểm cho nhanh, cho trót lọt. Tâm lý đám đông, một lối tư duy kiểu khôn lỏi cộng với sự tắc trách của hoạt động đăng kiểm và các đăng kiểm viên rõ ràng là một cách gián tiếp gia tăng các hiểm họa an toàn giao thông, với mọi phương tiện lưu thông trên các cung đường

Mai Khuê
.
.