Thêm một huyền thoại về doanh nhân kiệt xuất đất Việt:

Đang ở chốn nào, bức tượng đồng cụ Bạch Thái Bưởi?

Thứ Năm, 17/04/2008, 10:00
Ông Mang Tấn Phong hết sức kinh ngạc và mừng rỡ khi thấy bức tượng Bạch Thái Bưởi cao 50cm, đúc đồng nguyên chất, nặng gần 18kg. Đây là một tác phẩm nghệ thuật. Không hiểu vì nguyên cớ nào, bức tượng lại nằm trong một nhà dân thuộc một làng quê ở Lâm Đồng, một người làm nghề thu mua đồng nát dạo đã được người giữ bức tượng bán với giá... 18kg đồng.

Câu chuyện bắt đầu từ khi ông Mang Tấn Phong - người sưu tập cổ vật nổi tiếng tại thành phố biển Nha Trang tình cờ mua lại được bức tượng đồng cụ Bạch Thái Bưởi đúc từ năm 1934. Điều trùng hợp kỳ lạ là sự việc diễn ra chỉ sau vài ngày cụ Bạch được tôn vinh là nhà doanh nghiệp lớn của đất nước nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10/2004.

Những tưởng, bức tượng cụ sẽ được đặt đúng chỗ  sau 70 năm lưu lạc, nhưng những gì tiếp diễn từ bấy đến giờ cho thấy, dường như "vòng luân hồi" của bức tượng nhà tư sản dân tộc đã trở thành huyền thoại này cho đến nay vẫn chưa dừng lại...

Trao đổi với chúng tôi, ông Mang Tấn Phong cho biết: Việc tìm thấy được tượng đồng cụ Bạch Thái Bưởi quả là “cơ duyên” của ông. Trước đó không lâu, một người từ Đà Lạt báo cho ông biết là trong tay họ có tượng đồng chân dung Bạch Thái Bưởi, nếu ông đồng ý mua thì họ sẽ đem xuống.

Ban đầu, ông Phong nghĩ, đây chỉ là một “câu chuyện đùa” của một người cùng giới chơi đồ cổ nào đó, vì đã từng nghiên cứu rất nhiều tài liệu về cụ Bạch, ông không thấy nói đến bức tượng đúc chân dung cụ.

Nhưng khi bức tượng được cột trong bao bố mở ra trước mặt thì ông hết sức kinh ngạc và mừng rỡ. Với con mắt chuyên nghiệp của mình, ông Phong nhận ra ngay bức tượng Bạch Thái Bưởi là một tác phẩm nghệ thuật với chất đồng nguyên vẹn. Bức tượng cao 50cm, đúc đồng nguyên chất, nặng gần 18kg.

Theo “bản lý lịch” được khắc sau lưng tượng, thì tượng được họa sĩ Goerge Khánh, nguyên sinh viên khóa 1 (1925 /1930), Trường Mỹ thuật Đông Dương (cùng thời với các danh họa Lê Văn Đệ, Nguyễn Phan Chánh, Lê Phổ...) phác thảo mẫu và được đúc xong năm 1934 bởi nghệ nhân Nguyễn Hữu Hạc.

Bức tượng ghi rõ năm sinh và năm mất của ông Bạch Thái Bưởi: 1874/1932. Như vậy tượng được đúc sau khi ông qua đời hai năm.

Không hiểu vì nguyên cớ nào, bức tượng lại nằm trong một nhà dân thuộc một làng quê ở Lâm Đồng, một người làm nghề thu mua đồng nát dạo đã được người giữ bức tượng bán với giá... 18kg đồng.

Khi người thu mua đồng nát đem bức tượng này về, đã bán lại cho người khác và người này đem tượng bán cho ông Phong với giá 1,2 triệu đồng, “các” thêm một ghè và hai chiếc lu cổ Trung Quốc.

Ngay sau khi mua được bức tượng, ông Mang Tấn Phong đã sửa lễ, khấn cụ Bạch Thái Bưởi, rằng: “Cụ quê ngoài Bắc, lưu lạc vào đây thì xin cụ an tâm tạm trú ở nhà con một thời gian. Sau đó, con sẽ tìm cách rước cụ về quê hương bản quán...”, đồng thời, bố trí một nơi trang trọng để hàng ngày khói nhang.

Để thực hiện tâm nguyện với cụ Bạch, ông Phong đã nhờ nhà văn Khuê Việt Trường viết bài đăng trên báo với mục đích “nghe ngóng” phản hồi từ phía con cháu hậu sinh của cụ cũng như từ các cơ quan quản lý văn hóa. Từ thời điểm đó trở đi, ông Phong luôn sống trong tâm trạng chờ đợi.

Tuy nhiên, thời gian sau đó, dù đã nỗ lực tìm kiếm, chắp nối thông tin, song những gì mà ông Phong chờ đợi vẫn chỉ là con số không tròn trĩnh. Trong khi đó, mỗi ngày, những bình luận ì xèo, rồi những đề nghị trao đổi, mua bán bức tượng của những người cùng giới chơi đồ cổ, đặc biệt là tâm trạng bất an lại dày thêm khiến ông Phong “rối đầu óc” (nguyên văn lời ông Mang Tấn Phong - PV).

Lúc này, ông Phong nghĩ, có lẽ mình không may mắn “có duyên” với cụ Bạch Thái Bưởi. Vậy là, sau khi “thỉnh” ý kiến cụ, đầu tháng 2/2006, ông đã chuyển giao bức tượng cho một nhà sưu tập có tiếng tại Hà Nội để “cụ về quê hương bản quán” như ý nguyện ban đầu của mình.

Tâm sự với chúng tôi, ông Mang Tấn Phong khẳng định việc chuyển giao bức tượng đồng cụ Bạch Thái Bưởi cho người khác hoàn toàn không xuất phát từ mục đích tài chính. Việc “trao đổi ngang giá” chỉ được thực hiện bằng những “món đồ xưa”. Sau khi “rước” cụ Bạch về quê, ông đã thuê thợ đúc một phiên bản bằng thạch cao để tiếp tục hương khói trong nhà.

Tuy nhiên, khi chúng tôi đề nghị cho biết danh tính người được chuyển giao thì ông Phong nói, vì những lý do tế nhị, ông không thể tiết lộ. Ông chỉ cho biết chung chung rằng: “Một nhà sưu tập ở khu vực Tràng Thi (Hà Nội) đã rước cụ về”...

Như vậy, sau non 2/3 thế kỷ lưu lạc, bức tượng đồng của nhà tư sản có tinh thần dân tộc nổi tiếng, người làm rạng danh nền công thương nước Việt Bạch Thái Bưởi lại tiếp tục con đường phiêu du.

Và chặng đường tha hương phía trước xem ra còn nặng gánh trần ai...

Trong hàng “tứ đại gia” giàu có nhất nước vào những năm đầu của thế kỷ XX (Nhất Sĩ, nhì Phương, tam Xường, tứ Bưởi), Bạch Thái Bưởi được coi là một doanh nhân kiệt xuất của đất Việt. “Ông vua đường thủy” này đã khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng.

Sau hơn 20 năm ngang dọc trên thương trường, ngày 22/7/1932, một cơn đau tim đã vật ngã “Bậc anh hùng kinh tế thứ nhất trong kinh tế giới nước nhà” (Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố - một bậc túc nho trong Hội truyền bá chữ Quốc ngữ viết về Bạch Thái Bưởi trong tạp chí Đông Thanh), để lại cho lịch sử doanh thương Việt Nam một tên tuổi đã trở thành kinh điển.

Thái Bình
.
.