Đằng sau ánh hào quang nghề huấn luyện, biểu diễn xiếc thú

Thứ Ba, 04/04/2017, 08:30
Liên đoàn xiếc Việt Nam nổi tiếng trong và ngoài nước với nhiều tiết mục biểu diễn xiếc đặc sắc. Tuy nhiên, để có những thành công ấy, người nghệ sĩ gắn bó với loại hình nghệ thuật độc đáo, hấp dẫn này đã phải có những đánh đổi không nhỏ...

Vài chục năm trở lại đây, Rạp xiếc Trung ương đã trở thành địa chỉ quen thuộc với nhiều thế hệ khán giả Thủ đô Hà Nội. Nhưng, ít ai biết, chỉ cách khu vực biểu diễn vài chục bước chân, khắp 3 tầng cũ kỹ phía sau lại chính là khu nhà tập thể đặc biệt của một tập thể “nghệ sĩ” biểu diễn đặc biệt: 200 con thú thuộc gần 30 loài khác nhau đang được Liên đoàn xiếc Việt Nam nuôi dưỡng và huấn luyện hằng ngày.

Bỏ bên ngoài tất cả những ồn ào của dư luận sau vụ diễn viên biểu diễn xiếc thú nghiệp dư bị cá sấu cắn rách mặt từ Nam Định đang dồn dập dội về, ngăn tất cả mưa phùn và cái rét cuối mùa đang khiến người đi đường run rẩy lạnh, gần 12 giờ trưa, bên trong sân khấu Rạp xiếc Trung ương, 67 Trần Nhân Tông, Hà Nội, vẫn ấm sực hơi người.

Từ hàng ghế khán giả, hàng ngàn đôi mắt trẻ thơ háo hức đợi chờ. Khu vực hậu trường, từ nhiều giờ đồng hồ trước, trên nhiều sân tập luyện của Liên đoàn xiếc Việt Nam, một số diễn viên vẫn mướt mồ hôi trên sàn tập. Đôi ba công nhân vẫn tranh thủ hoàn thiện nốt một số phần việc.

Những diễn viên hóa trang chú hề xanh đỏ sặc sỡ, diễn viên kiêm huấn luyện thú “đóng bộ” cho mình và cho bạn diễn. Những chú gấu đen lực lưỡng, voi lừng lững chậm chạp ngày thường trở nên linh hoạt khác thường trong phục trang biểu diễn. Đàn khỉ con như đám trẻ lau chau lóc chóc chưa thôi hiếu động bên các dụng cụ biểu diễn nhỏ xinh...

Ngay sau rạp xiếc, hàng trăm con thú lớn nhỏ nhiều chủng loại khác thảnh thơi trong các gian buồng san sát suốt 3 tầng nhà sau rạp. Những công nhân, diễn viên cuối cùng trong các sân tập luyện cũng lục tục rời về nghỉ trưa. Tranh thủ phút rảnh rỗi, nghệ sĩ Nguyễn Văn Hoàn, trưởng đoàn xiếc thú đi kiểm tra chốn ăn, nghỉ của hàng trăm con thú biểu diễn đang được Liên đoàn xiếc Việt Nam nuôi dưỡng, huấn luyện.

Phó Giám đốc Liên đoàn xiếc Việt Nam, ông Phạm Xuân Quang.

Khắp tầng 3 và tầng 2 của tòa nhà, mỗi loài sở hữu một ngăn buồng sắt kiên cố như những căn phòng tập thể độ lớn nhỏ tùy thuộc vào từng kích cỡ cơ thể  và số lượng “thành viên” mỗi phòng.

Hình như đã quá quen với người nên dù có sự hiện diện của khách lạ, các chủ nhân của khu nhà tập thể đặc biệt này chỉ “liếc mắt” nhìn qua rồi ai làm việc nấy. Thế nhưng, trưởng đoàn Nguyễn Văn Hoàn khẽ búng tay, ngay lập tức, 3 chú gấu đen lừng lững trong chuồng nhận ra người thân, thay đổi thái độ, chạy cả về phía cửa, chào đón, đợi chờ. Một “căn phòng” khác, 5 chú lợn con cũng ủn ỉn ra chào.

Sân khấu tập luyện xiếc thú sát cạnh, hai công nhân cuối cùng vừa hoàn tất chiếc khung sắt nhỏ. Nghệ sĩ Nguyễn Văn Hoàn cho biết, chiếc khung sắt là đạo cụ đoàn tự chế chuẩn bị cho đề án biểu diễn xiếc lợn. 5 con lợn nhỏ trong chuồng là những thành viên mới nhất của đoàn, tuyển chọn về cách đây hơn nửa năm, vừa đưa vào huấn luyện được 4 tháng.

Theo kế hoạch xây dựng đề án này, tiết mục sẽ chính thức ra rạp vào cuối năm 2017. Từ nay đến thời điểm tổ chức diễn báo cáo hội đồng thẩm định, nghệ sĩ huấn luyện phải làm sao để các “diễn viên” này thành thục tất cả các động tác nhảy cầu, nhảy đống gié và... chơi bóng”.

Rạp xiếc trung ương chật kín khán giả nhí giữa trưa mưa, rét của Hà Nội.

Toàn bộ khu tầng 1 là “lãnh địa” do nghệ sĩ Thắng “trăn” (nghệ sĩ xiếc nổi tiếng Tống Toàn Thắng) phụ trách với các thành viên gồm voi, trăn và... vịt. Trong chiếc chuồng nuôi vịt nhỏ xíu ngay cạnh lối đi vào trụ sở của Liên đoàn chỉ có độc một con vịt trắng. Nghệ sĩ Tống Toàn Thắng đùa vui đây là con vịt độc nhất vô nhị trên cả nước vì chỉ có nó mới được đứng trên sân khấu cùng các nghệ sĩ xiếc, biểu diễn phục vụ hàng vạn khán giả. Ngay từ khi anh còn cách chuồng vài chục mét, “nàng” đã càng cạc chào, trong khi, hàng chục lượt người đi qua trước đó, chuồng vịt này yên ắng như chốn trống không...

Tại căn phòng dành cho trăn, 4, 5 con trăn hạng trung nằm chung 1 chuồng, lim dim dưới ánh sáng vàng vọt yếu ớt của ngọn đèn nhỏ. Bên dưới, một chiếc thùng gỗ lớn đến nỗi, một người lực lưỡng, nổi bật với các cơ bắp rắn chắc trên sân khấu như nghệ sĩ Tống Toàn Thắng cũng khá vất vả khi dịch chuyển. Cứ ngỡ anh mở thùng tìm thức ăn cho bạn diễn hay đại loại giới thiệu một dụng cụ biểu diễn đặc biệt nào khác, chúng tôi thò tay đẩy phụ.

Mãi đến khi chiếc thùng bật mở, ngọn đèn rọi vào, chúng tôi mới hoảng hốt nhận ra chủ nhân của chiếc thùng là một con trăn da hơi vàng, nặng đến gần 1 tạ. Mặc khách nổi da gà, ớn lạnh dọc sống lưng, nghệ sĩ Tống Toàn Thắng điềm nhiên bế từng “chàng, nàng” Vàng, Nâu, Đen lên vỗ về, cưng nựng và cho thoải mái... chụp hình.

Nghệ sĩ Nguyễn Văn Hoàn bên bạn diễn trong khu nhà tập thể dành cho thú biểu diễn tại Hà Nội.

Nghệ sĩ Phạm Xuân Quang, Phó Giám đốc Liên đoàn xiếc Việt Nam, người có thâm niên hơn 35 năm trực tiếp gắn bó với nghề tự hào chia sẻ rằng, những con thú được nuôi dưỡng tại trụ sở là lực lượng không thể thiếu để làm nên thành công cho xiếc Việt Nam. Khoảng 200 đầu thú thuộc hơn 30 loài vật đang được nuôi dưỡng là tài sản quý giá của liên đoàn cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Một số thú quý hiếm, bị thế giới cấm buôn bán: gấu, voi, sư tử...

Muốn sở hữu, đơn vị phải mất hàng năm trời xây dựng đề án, trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các cơ quan, ban ngành liên quan, phải được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, dùng danh nghĩa của Nhà nước mới đưa được thú về. Sau đó, nghệ sĩ phải mất thêm nhiều năm để làm quen, nghiên cứu tâm tính, phát hiện năng khiếu của từng con để có chương trình huấn luyện cho phù hợp.

Người nghệ sĩ biểu diễn ở các lĩnh vực khác, mỗi năm có thể tham gia xây dựng nhiều tiết mục, nhiều vở diễn và diễn xong một thời gian rồi bỏ nhưng với nghệ sĩ xiếc thú, có khi, xây dựng một tiết mục biểu diễn cả đời. Nếu “bạn diễn” có mệnh hệ gì, coi như công sức đổ sông đổ biển. Muốn làm tiếp phải tìm bạn diễn mới. Như thế thì coi như làm lại từ đầu. Hành trình này không hề đơn giản.

Ngay với các loài phổ thông như chó, lợn, vịt và gần đây là đà điểu, chọn được con thú có khả năng biểu diễn không dễ. Khán giả thích thú xem đà điểu kéo xích lô, nhảy cầu, nhảy gié, cho khỉ thoải mái nô đùa trên lưng nhưng hiếm ai biết, đây là thành quả nhiều năm ròng của cả một tập thể.

Để có con thú đáp ứng yêu cầu, các nghệ sĩ và bác sĩ thú y của liên đoàn phải lặn lội lên trại giống đà điểu của Sơn Tây (Hà Tây cũ), phối hợp với các chuyên gia chọn từng quả trứng sáng, trong nhất, có nhiều khả năng nở ra đà điểu con khỏe mạnh, đặt trại ấp, nuôi theo chế độ riêng. Khi đà điểu được 10kg mới đưa về liên đoàn. Đáp ứng yêu cầu này, quy trình trại cho ra đời lứa đà điểu dài gấp đôi so với quy trình nuôi một lứa đà điểu thông thường.

Với chọn “diễn viên” lợn, đoàn công tác phải về trại lợn giống ở An Lão, Hải Phòng - một trong số các trại lợn giống lớn nhất cả nước. Lợn huấn luyện cũng không thể chọn lợn Việt Nam vì đây là giống tăng trưởng nhanh, nặng vài tạ thì khó nuôi dưỡng, huấn luyện. Lợn được chọn là các giống của Úc, Nga, Đài Loan, nhỏ con, cân đối, mặt sáng, thông minh, tính lỳ. Con nào nhát tính, động vào là kêu, chạy cũng bị loại vì chúng dễ hoảng loạn, khó huấn luyện.

Khi đưa về, các diễn viên này buộc phải tuân theo chế độ ăn chuẩn đã nghiên cứu. Ngoài đảm bảo về lượng, thức ăn đáp ứng đúng yêu cầu về mặt bổ dưỡng. Nhân viên và huấn luyện đều thuộc “nằm lòng” quy định không được cho ăn tạp, dễ khiến thú lớn vượt chuẩn hoặc mắc bệnh.

Một “gian phòng” khác dành cho ngựa biểu diễn trong khu nhà nuôi thú của Liên đoàn xiếc Việt Nam.

Thông thường, phải mất từ 1 đến 2 năm, thú mới có thể đứng trên sân khấu biểu diễn. Đây cũng là thời gian người huấn luyện và công nhân vất vả nhất. Vì phải dành rất nhiều thời gian làm quen, giúp thú thích ứng với môi trường sống mới nên gần như trong suốt 3-4 tháng đầu, người diễn viên kiêm huấn luyện ăn, ngủ cùng thú là chuyện bình thường.

Nhiều huấn luyện viên đà điểu chia sẻ, tuy mang tiếng là làm hành chính nhưng có những thời điểm huấn luyện viên phải sống chung với chúng cả ngày đêm, chăm hơn chăm con. Ở nhà, con ốm đau có vợ, có ông bà, người thân phụ giúp cho ngủ nghỉ nhưng thú ốm thì phải trực tiếp chăm sóc vì mình là người thân thiết nhất. Cả ngày quanh quẩn với thú nhưng nếu có bất thường, nửa đêm cũng vẫn phải ngồi cạnh vỗ về. Có đêm, nghe thú kêu là bật cả dậy. Không khí phố phường chưa quen dễ khiến chúng hoảng loạn.

Khi huấn luyện, phải  làm sao để thú làm theo ý đồ của người huấn luyện nhưng phải làm theo một cách tự nguyện, vui vẻ, nếu không, ra sân khấu, chúng dễ phá tiết mục. Có những con thú bắt ép thế nào cũng không làm theo động tác của huấn luyện. Khi ấy, huấn luyện viên phải “vắt óc” nghiên cứu động tác khác phù hợp.

Kinh nghiệm nhiều năm trong nghề cho thấy, con thú cũng có nhiều điểm giống con người. Có người sợ độ cao, có người thích chông chênh phía trên. Cái tinh của người huấn luyện là khai thác được khả năng của từng con thú. Muốn huấn luyện phải hiểu được tâm tính con thú nên quan sát, gần gũi càng nhiều càng tốt. Khi thú đã thành thục thì thư nhàn hơn, có thể giao cho công nhân vệ sinh nhưng thời gian đầu, người huấn luyện phải trực tiếp cho thú ăn, vệ sinh, tắm rửa, dắt chúng đi chơi.

Nhiều huấn luyện viên gấu, huấn luyện chó, ngoài tắm, vệ sinh, ngủ nghỉ còn phải dắt đi chơi thường xuyên. Thời gian đầu, trong túi huấn luyện viên gấu rất hay có đồ ngọt. Đi chơi thì thưởng cho ăn như con trẻ. Khi tập, một miếng đường nhỏ là phương tiện hữu ích để những chú gấu to lớn làm theo ý của người huấn luyện một cách... vui vẻ. Những gấu con ốm yếu, được huấn luyện viên đưa cả lên giường ngủ chung, những con ngựa bị đầy hơi khiến huấn luyện viên thức suốt đêm lọc cọc dắt đi loanh quanh cho thoát khí hoặc giả bác sĩ thú y bận việc xa chưa về kịp, huấn luyện viên phải thò tay vào hậu môn lôi phân ra cấp cứu cho kịp thời là chuyện bình thường ở chốn này.

Các huấn luyện viên xiếc thú của Liên đoàn xiếc Việt Nam cũng đùa vui rằng sau nhiều năm gắn bó, họ đã trở thành bác sĩ thú y bất đắc dĩ. Nhìn con thú mệt thì phải biết vì sao nó mệt. Phải vạch... phân tìm hiểu xem chúng có bị đi ỉa chảy hay táo bón, xem mắt, soi tai, răng lợi xem có viêm không, nắn bụng xem chúng có đau không, nếu ổ bụng có vấn đề thì phải dắt ngay sang phòng chiếu, chụp phim... Vất vả và kỳ công như thế nên với huấn luyện viên, thú bị bệnh hoặc nghiêm trọng hơn là không may chết là một... bi kịch.

Minh Hà
.
.