Đằng sau một “liên minh thực thi quyền tự do hàng hải”

Thứ Ba, 16/07/2019, 17:39
Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, Tướng Joseph Dunford hôm 9-7 cho biết Mỹ và các đồng minh đang thảo luận việc thành lập "một liên minh các quốc gia để thiết lập hệ thống thực thi quyền tự do hàng hải trong khu vực" trong tình hình mà theo như Mỹ nói là mối đe dọa từ Iran đang gia tăng.

Kế hoạch này đã được chính giới Mỹ thảo luận trong những ngày qua và được giới quan sát nhìn nhận như một bước đi khá táo bạo của Washington trong bối cảnh khu vực vịnh Persia dường như đang nóng lên từng giờ. Tuy nhiên, người ta cũng không khỏi hoài nghi về mục đích thực sự của Washington.

Các Ngoại trưởng Đức, Anh, Pháp cùng Cao ủy Đối ngoại châu Âu.

Phát biểu với báo giới sau buổi lễ trao giải cho người đồng cấp Phần Lan, tướng Joseph Dunford nói rằng các tàu hải quân của Mỹ và đồng minh sẽ hộ tống các tàu thương mại có cùng quốc tịch nếu tình hình có biến động, nhằm đảm bảo tự do hàng hải ở eo biển Hormuz và Bab el Mandeb.

Ông nói: "Việc hộ tống trong các sự kiện bình thường sẽ được thực hiện bởi các quốc gia mang cùng lá cờ, vì vậy một con tàu được gắn cờ của một quốc gia cụ thể sẽ được hộ tống bởi chính quốc gia đó và tôi nghĩ những gì Mỹ có thể hỗ trợ là thông tin về lãnh hải, tình báo, giám sát, trinh sát và sau đó là phối hợp tuần tra cho các tàu khác trong khu vực mà chủ yếu là tàu của liên minh".

Nước Anh đi đầu

Tình hình Vịnh Ba Tư dường như ngày càng nóng thêm với vụ 5 tàu của Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran có vũ trang đã không thành công khi cố bắt giữ một tàu chở dầu của Anh ở Persia hôm 10-7. Vụ việc này là một "điểm cháy" khác trong một loạt sự cố hàng hải liên quan đến Iran, diễn ra chưa đầy một tuần sau khi thủy quân lục chiến Hoàng gia Anh tấn công một tàu của Iran bị tình nghi chở dầu đến Syria.

Mới tháng trước, căng thẳng giữa Mỹ và Iran leo thang suýt xảy ra xung đột quân sự sau khi một máy bay không người lái của Mỹ bị Iran bắn hạ ở eo biển Hormuz.

Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan.

Theo các quan chức Mỹ, tàu chở dầu Heritage của Anh đang rời khỏi vịnh Persia và băng qua eo biển Hormuz thì bị các tàu Iran áp sát. Các quan chức Iran đã lệnh cho tàu chở dầu thay đổi hướng đi và dừng lại ở vùng lãnh hải Iran gần đó. Tàu khu trục HMS Montrose của hải quân Hoàng gia Anh đã theo sau để hộ tống tàu chở dầu.

Tàu này đã chĩa pháo vào tàu Iran và đưa ra cảnh báo yêu cầu tàu Iran rút lui. Khu trục HMS Montrose vốn được trang bị các khẩu pháo 30 mm thiết kế đặc biệt để đánh đuổi những chiếc tàu nhỏ. Trước đó, các quan chức Anh đã xác nhận rằng Montrose ở trong khu vực này để thực hiện "nhiệm vụ an ninh hàng hải".

Trong một tuyên bố, Bộ Quốc phòng Anh nói rằng: "Đi ngược lại luật pháp quốc tế, 3 tàu của Iran đã cố gắng cản trở tàu thương mại Heritage của Anh đi qua eo biển Hormuz". Tuyên bố nêu rõ: "HMS Montrose đã buộc phải đặt mình vào vị trí giữa các tàu Iran và tàu Heritage của Anh", "Chúng tôi lo ngại về hành động này và tiếp tục kêu gọi chính quyền Iran làm dịu tình hình căng thẳng trong khu vực".

Chiến hạm HMS Montrose của Anh.

Đáp lại, Văn phòng báo chí của Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho biết Tổng thống Rouhani hôm 10-7 đã cảnh báo rằng Anh "sẽ gánh hậu quả" sau khi các quan chức Gibraltar và thủy quân lục chiến Anh bắt giữ một tàu chở dầu của Iran đang trên đường đến Syria hồi tuần trước. Phát biểu trong một phiên họp nội các, ông Rouhani nói: "Tôi đã nói với người Anh rằng họ là người khởi xướng tình trạng bất an và các bạn sẽ biết hậu quả của việc này".

Nhật Bản thận trọng

Giới chức Nhật Bản cho biết nước này sẽ cân nhắc các lựa chọn nếu Mỹ tìm kiếm sự hợp tác trong việc đảm bảo an toàn cho các chuyến tàu thương mại tại Trung Đông, sau khi xảy ra các vụ tấn công gần đây nhằm vào nhiều tàu chở dầu tại điểm nóng này. Giới chức Nhật Bản cho biết Tokyo đang liên lạc với Mỹ về kế hoạch của Tổng thống Donald Trump.

Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 11-7, Tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF), ông Koji Yamazaki xác nhận: "Đúng là Nhật Bản và Mỹ đang liên lạc với nhau về một loạt vấn đề liên quan đến tình hình (ở eo biển Hormuz)".

Mô tả eo biển ngoài khơi Iran và Oman là "khu vực cực kỳ quan trọng về an ninh năng lượng" của Nhật Bản, ông Yamazaki cho biết Chính phủ Nhật Bản đang "theo dõi chặt chẽ các diễn biến" về các trao đổi giữa các nước liên quan. Tuy nhiên, quan chức này từ chối tiết lộ về cuộc đàm phán với người đồng cấp là tướng Joseph Dunford - Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, cũng như việc liệu nội dung thảo luận có bao gồm kế hoạch cử các binh sỹ SDF tới Trung Đông hay không.

Hiện không chắc liệu Tổng thống Mỹ Donald Trump có kêu gọi Nhật Bản giúp đỡ hay không. Ông Trump từng nhận xét rằng hiệp ước an ninh song phương Mỹ-Nhật "không công bằng" và cần phải được thay đổi, song cũng bác bỏ khả năng ông sẽ xóa bỏ hiệp ước này. Một quan chức cấp cao thuộc Bộ Ngoại giao Nhật Bản tỏ ra e dè nói: "Chúng tôi không biết liệu Mỹ có muốn sự hợp tác của Nhật Bản hay không".

Theo Hiến pháp Nhật Bản, nước này dường như sẽ chỉ có các lựa chọn giới hạn như cung cấp hỗ trợ hậu cần theo một đạo luật đặc biệt, như đã từng làm tại thời điểm sau các vụ tấn công khủng bố nhằm vào nước Mỹ ngày 11-9-2001. Mặt khác, theo Luật An ninh được ban hành dưới thời chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe  hồi  năm 2015, Nhật Bản hiện có thể viện trợ cho các đồng minh như Mỹ ngay cả khi chính Nhật Bản chưa bị tấn công, trong cái gọi là "sử dụng tự vệ tập thể".

Theo đó, SDF có thể được điều động nếu một tình huống phát sinh, trong đó một cuộc tấn công vào một quốc gia khác đe dọa đến sự tồn vong của Nhật Bản.

Nước Mỹ dàn quân

Ngày 13-6, tàu Kokuka Courageous được cho là bị tấn công khi đang trên đường chở 25.000 tấn methanol đến cảng Khor Fakkan của Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UEA). Một tàu chở dầu khác là Front Altair của Na Uy cũng trong tình trạng tương tự cùng ngày. Mỹ và các đồng minh cáo buộc Iran thực hiện các vụ tấn công và Washington đã lập tức điều tàu khu trục USS Mason đến Vùng Vịnh.

Để chứng minh cáo buộc, Mỹ tung ra đoạn clip ghi lại hình ảnh lực lượng Vệ binh cách mạng Iran đang gỡ một số vật thể được cho là mìn còn sót lại được gắn bên hông tàu Kokuka Courageous. Đáp lại, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif chỉ trích việc Mỹ cáo buộc Tehran tấn công tàu chở dầu ở Vùng Vịnh là "vô căn cứ" và nằm trong chiến dịch "ngoại giao phá hoại". Thậm chí, Tehran bày tỏ nghi ngờ chính Mỹ đứng đằng sau vụ tấn công 2 tàu chở dầu trên.

Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan cho rằng các động thái của Iran đang đe dọa lợi ích và các lực lượng Mỹ trong khu vực.

Tháng trước, Tổng thống Donald Trump đã tạm dừng kế hoạch tấn công quân sự chống Iran nhằm trả đũa vụ bắn hạ một máy bay không người lái của Mỹ, mà ông Trump nói là khó có thể tin rằng đó là một hành động "cố ý".

Sau khi có tin Iran đã vượt cấp độ urani làm giàu mà nước này được phép theo thỏa thuận hạt nhân Iran, Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố trên trang cá nhân Twitter rằng các lệnh trừng phạt đối với Iran sẽ "sớm được tăng cường về thực chất!". Chính quyền Tổng thống Donald Trump từ trước đã lập luận rằng thỏa thuận hạt nhân mà họ từ bỏ hồi năm 2018 là không thỏa đáng vì nó không bao gồm các tên lửa đạn đạo hoặc các hoạt động trong khu vực của Iran.

Tiếp tục thể hiện sự cứng rắn

Việc Iran tuyên bố từ ngày 7-7 bắt đầu làm giàu urani vượt mức tối đa cho phép 3,67% trong thỏa thuận hạt nhân, là bước đi đã được báo trước và có tính toán của Tehran, cho thấy sự kiên quyết của quốc gia Hồi giáo trong việc bảo vệ các lợi ích của mình.

Truyền thông Iran hôm  9-7 cũng dẫn lời Tư lệnh Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) Hossein Salami khẳng định quân đội nước này đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể và lực lượng bộ binh của Iran hiện đã đủ mạnh để đánh bại kẻ thù trong bất kỳ cuộc chiến tranh trên bộ nào. Phát biểu trong cuộc họp với các tư lệnh và chỉ huy lực lượng bộ binh thuộc IRGC, tướng Salami khẳng định rằng lực lượng bộ binh của Iran là một đơn vị chiến lược của nước Cộng hòa Hồi giáo, đồng thời là một trong những lực lượng mặt đất thiện chiến nhất trên thế giới, đặc biệt về năng lực sáng tạo.

Trong những năm qua, Iran đã đạt được những bước đột phá lớn trong lĩnh vực quốc phòng và quốc gia này đã có thể tự sản xuất nhiều trang thiết bị quân sự bất chấp các lệnh trừng phạt và sức ép kinh tế mà Mỹ nhằm vào Tehran.

Tàu chở dầu của Iran bị bắt giữ tại Gilbrantar.

Tư lệnh IRGC nhấn mạnh, những kẻ thù của Iran đang phát động một cuộc chiến tranh toàn diện nhằm vào nước Cộng hòa Hồi giáo, trong đó có kết hợp cả yếu tố quân sự, kinh tế, xã hội, chính trị và văn hóa. Trong khi đó, Tehran hiện duy trì năng lực quân sự của mình chủ yếu nhằm mục đích phòng vệ và không tạo ra bất kỳ mối đe dọa nào đối với các quốc gia khác.

Tư lệnh lực lượng bộ binh thuộc IRGC Mohammad Pakpour cũng nói rằng, Iran đã thực sự trở thành một thế lực của khu vực và việc Iran bắn hạ thành công máy bay không người lái của Mỹ là một tác nhân thay đổi có lợi cho nước Cộng hòa Hồi giáo này.

Trong vòng 1 năm kể từ khi Mỹ tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đã xác nhận Iran vẫn tuân thủ các cam kết của nước này trong JCPOA. Tuy nhiên, căng thẳng liên quan tới vấn đề hạt nhân Iran không được tháo gỡ khi Mỹ ngày càng siết chặt chính sách "gây sức ép tối đa", trong khi Liên minh châu Âu (EU) thực sự "bó tay" không có hành động để ngăn Iran khỏi hứng chịu thiệt hại.

Như đánh giá của Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov, động thái của Iran là "hệ quả tự nhiên" của các sự việc gần đây, cũng như bởi "sức ép chưa có tiền lệ" từ phía Mỹ. Về phía Iran, nước này đang tỏ ra thiếu kiên nhẫn và trở nên bất chấp hơn bao giờ hết. Điều đó cho thấy nước Cộng hòa Hồi giáo này không hề nao núng trước lời đe dọa “đang đùa với lửa” của ông Trump.

Trong diễn biến gần đây, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cảnh báo rằng Iran sẽ bắt đầu làm giàu urani ở bất kỳ mức độ nào mà Tehran mong muốn, trong khi phía châu Âu đang phải chạy đua với thời gian để cứu vãn thỏa thuận hạt nhân năm 2015.

Tuy nhiên, cũng như những lần trước, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif một lần nữa khẳng định tất cả các biện pháp của Iran nhằm thu hẹp các cam kết của nước này đối với thỏa thuận hạt nhân năm 2015 vẫn "có thể đảo ngược" nếu các nước châu Âu tham gia ký kết JCPOA hoàn thành những nghĩa vụ của mình.

Động thái "ra điều kiện" mới của Iran nhằm thúc ép hành động của các bên còn lại tham gia ký thỏa thuận hạt nhân, gồm 3 nước thành viên EU là Anh, Pháp, Đức cùng với Nga và Trung Quốc. Trong trường hợp cụ thể này, động thái của Iran rõ ràng muốn trực tiếp nhắm tới EU.

Có thể nói căng thẳng trong vấn đề Iran đã leo thang lên cấp độ nguy hiểm mới. Sự mất kiên nhẫn của cả Mỹ và Iran có nguy cơ đẩy Trung Đông tới bờ vực chiến tranh. Cho đến nay, phong cách đối đầu trực diện của ông Trump đang tạo ra nhiều kẻ thù hơn năng lực đối phó của Mỹ.

Nếu Mỹ muốn kiềm chế thành công Iran, họ không thể hành động đơn độc. Hơn hết, Mỹ cần sự hỗ trợ của châu Âu và sự ủng hộ của Liên Hiệp Quốc. Trong bối cảnh hiện nay, EU vẫn được coi là bên duy nhất có thể tháo ngòi nổ xung đột, bởi EU là bên có lợi ích lớn nhất khi căng thẳng Mỹ-Iran được tháo gỡ. 

Tuy nhiên, khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo gặp gỡ các nhà lãnh đạo châu Âu tại Brussels giữa tháng 5 vừa qua để chia sẻ với họ những thông tin tình báo về các mối đe dọa từ Iran, các đối tác châu Âu lại bày tỏ sự quan ngại đến thỏa thuận hạt nhân với Tehran hơn là các cuộc tấn công nhằm vào tàu chở dầu ở Vùng Vịnh.

Bản thân các đồng minh châu Âu cũng cảm thấy không hài lòng với việc ông chủ Nhà Trắng đơn phương rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran ký kết năm 2015 mà không hề tham vấn các đối tác châu Âu. Việc tháo gỡ căng thẳng Mỹ-Iran lúc này được xem là "phép thử" năng lực ngoại giao của EU và qua đó cũng cho thấy Mỹ không thể một mình áp đặt cuộc chơi.

Nam Sơn
.
.