Đằng sau những bộ phim quái vật của Hollywood

Thứ Ba, 26/11/2019, 14:07
Bộ phim kinh dị kinh điển mang tiêu đề “Frankenstein” công chiếu vào năm 1931 có cảnh bác sĩ Frankenstein đang đứng trên con quái vật gớm ghiếc được tạo ra từ các bộ phận của những tử thi được khai quật.

Bối cảnh là một đêm tối với ánh chớp lóe sáng bầu trời và sấm rền vang. Các vật liệu kim loại rít lên tia lửa điện khi nhà khoa học điên rồ bỏ đi một mạch vào phòng thí nghiệm âm u như hang động, ở đó ông ta cố gắng dùng dòng điện làm sống lại con quái vật.

Đột nhiên, Quái vật của Frankenstein cử động những ngón tay dài ngoằng, xương xẩu rồi nhấc một cánh tay lên. Tiếng bác sĩ Frankenstein rú lên: “Nó sống rồi! Sống rồi! Hồi sinh rồi!”.

Sự khai sáng điện ảnh kinh dị

Bộ phim của Hãng Universal Pictures vốn được chuyển thể kịch bản từ tiểu thuyết kinh dị “Frankenstein” hay tên gọi khác là “Prometheus hiện đại” của nữ nhà văn Mary Shelley (1797-1851) viết năm 1818, với nam diễn viên Boris Karloff trong vai quái vật. Doanh thu phòng vé cao chưa từng thấy. Khán giả lên cơn sốt với đề tài điện ảnh kinh dị và dọn đường cho Hãng Universal Pictures phát hành loạt phim về đề tài quái vật trong suốt nhiều năm sau đó, bao gồm “Xác ướp”, “Ma cà rồng” và “Thủy quái đầm lầy đen”.

Cho dù những con quái vật này chui ra từ đầm lầy, quách đá Ai Cập hay một kiểu sinh vật lắp ráp như Frankenstein thì tất cả chúng đều bắt nguồn từ niềm đam mê của cả cộng đồng đối với khoa học (và đôi khi là cả nỗi ghê rợn về khoa học).

Mặc dù hình dáng các con quái vật tuy có vẻ là công việc sáng tạo thuần thục của một đội ngũ các nhà thiết kế y phục, nghệ sĩ trang điểm hay các nhà thiết kế đạo cụ của Hãng Universal Pictures nhưng sự hiểu biết khoa học khá giới hạn của cộng đồng về các loài lưỡng cư, xác ướp và mổ xẻ đã khiến họ lên cơn khiếp hãi.

Bà Beth Werling, quản lý bộ sưu tập về lịch sử tại Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Los Angeles, nơi đang tổ chức sự kiện triển lãm mang tiêu đề “Lịch sử kinh dị tự nhiên” nhằm giúp cộng đồng hiểu hơn về yếu tố điện ảnh đằng sau những bộ phim quái vật nổi như cồn, giải thích: “Nếu không có ngành khoa học thực tiễn, bản thân những con quái vật này sẽ không đáng sợ đến thế. Dù ở góc độ nào thì tất cả những con quái vật này đều có nguồn gốc khoa học”.

Nhà thiết kế Milicent Patrick trong phòng hóa trang bộ phim “Thủy quái đầm lầy đen”. Ảnh: Universal Studios Licensing LLC.

Khoa học tăng hiệu ứng phim kinh dị

Nhà văn Mary Shelley tiếp bước nghiên cứu từ khoa học gia sinh sống vào thế kỷ 18 là Luigi Galvani, bà đã dùng các nghiên cứu của ông Galvani để tạo nên hình tượng bác sĩ Frankenstein. Cùng thời kỳ đó, các nhà khoa học cũng bắt đầu tìm hiểu về bản chất của hồi sức và làm thế nào những người suýt chết ngạt lại có thể sống lại thông qua cách ép khí vào khí quản của họ và thực hành ép bụng.

Những thí nghiệm ban đầu thường liên quan đến người chết đuối và mổ xẻ động vật đã gặt hái nhiều sự hiểu biết quý giá về mối quan hệ giữa hô hấp và sinh lý. Bản thân mẹ của Shelley cũng từng suýt chết hụt sau khi nhảy xuống cầu Putney thuộc sông Thames (London) để tự sát và được cứu mạng nhờ hồi sức.

Hơn một thế kỷ sau khi nhà văn Mary Shelley tìm thấy nguồn cảm hứng từ khoa học thực tiễn, Hãng Universal Pictures đã dịch cuốn tiểu thuyết của bà, chuyển thể nó thành bộ phim “Frankenstein” và sau đó là một cuốn tiểu thuyết kinh dị khác được chuyển tải thành phim: tác phẩm kinh dị “Xác ướp” năm 1932.

Một lần nữa, nam diễn viên Boris Karloff lại thủ vai xác ướp nhà tư tế Imhotep. Bộ phim kể câu chuyện về một linh hồn bị chôn sống như là một sự trừng phạt và vô tình được hồi sinh nhờ một cuốn sách ma thuật. Năm 1922, nhà khảo cổ học người Anh-Howard Carter và nhóm cộng sự của mình đã mở lăng mộ vua Tutankhamun, nơi vốn “bất khả xâm phạm” trong suốt hơn 3.000 năm.

Sự kiện này đã thu hút trí tưởng tượng của hàng triệu người từ khắp nơi trên thế giới, đồng thời khơi dậy niềm đam mê về Ai Cập cổ đại. Một thập niên sau đó khi bộ phim “Xác ướp” được công chiếu, sự quan tâm của nhân loại vẫn chưa hạ nhiệt.

Bà Sarah Crawford, quản lý cấp cao về thiết kế và phát triển trưng bày của Bảo tàng Lịch sử tự nhiên, giải thích: “Khán giả bị ám ảnh bởi vua Tutankhamun vì thế họ mặc định những lời nguyền Ai Cập là có thật khi bộ phim được công chiếu”. Còn ông Leo Braudy, tác giả cuốn sách “Chuyện dị thường: Hồn ma, Phù thủy, Ma cà rồng, Zombie và các quái vật của những thế giới tự nhiên và siêu hình”, phát biểu: “Các bộ phim quái vật và phim kinh dị là một dạng kích thích nỗi sợ hãi vô thức ở khán giả và làm lan truyền nó cho số đông người xem”.

Hiệu ứng đám đông thể hiện qua nỗi sợ hoang hoải về vết cắn của ma cà rồng đã đến từ bộ phim “Ma cà rồng” chiếu năm 1931. Bộ phim dựa trên tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Bram Stoker viết năm 1897 và vở kịch “Ma cà rồng” diễn năm 1924 bởi sự dàn dựng của 2 đạo diễn Hamilton Deane và John L. Balderston. Giới khoa học tin rằng các đợt dịch tả và lao làm chết người vào giữa thập niên 1800 có thể là căn nguyên gây nên nhiều báo cáo về các vết cắn của ma cà rồng.

Đối với bộ phim “Thủy quái đầm lầy đen” công chiếu năm 1954, nhà thiết kế Milicent Patrick đã kỳ công nghiên cứu về các sinh vật biển và động vật thời tiền sử (loài bò sát và lưỡng cư từng sống trên trái đất từ 400 triệu năm trước) để tạo nên hình dáng con thủy quái Gill-Man.

Mặt khác, khoa học còn liên quan đến các thí nghiệm và phát minh thực sự trong kỹ nghệ làm phim. Trong bộ phim “Frankenstein”, nhà thiết kế đạo cụ Kenneth Strickfaden đã sử dụng các kỹ thuật để làm ra điện và tiếng sét. Hay nghệ sĩ Jack Pierce phải mất 8 tiếng đồng hồ ở phim trường Universal để hóa trang thành công hình tượng xác ướp với nhiều tầng đất sét, bông được ngâm hóa chất và 150 miếng băng gạc. Sau rốt, khoa học đằng sau các bộ phim quái vật của Hollywood là nỗi khiếp sợ được kích đại đến mức cùng cực.

ác giả Leo Braudy kết luận: “Hơn bất kỳ thể loại phim nào khác, phim kinh dị luôn “đẻ” ra nhiều phần tiếp theo. Vì sao? Bởi vì quái vật dù trong tưởng tượng hay ngoài đời thật đều là thứ không thể bị đánh bại”.

Nguyễn Thanh Hải (tổng hợp)
.
.