Đánh thức di tích bằng công nghệ số

Thứ Bảy, 06/01/2018, 15:15
Thay vì chỉ trưng bày các hiện vật và bảng biểu hướng dẫn theo cách làm truyền thống, việc diễn giải các hiện vật bằng những trải nghiệm thực tế sống động, trải nghiệm qua phim tư liệu, phục dựng di tích, quá khứ của hiện vật nhờ công nghệ 3D, sử dụng công nghệ phóng chiếu để tái hiện chức năng của một di tích, hiện vật, thậm chí khách tham quan có thể nhập vai vào đời sống quá khứ thông qua thế giới ảo đang được kỳ vọng sẽ phát huy tối đa giá trị của các hiện vật bảo tàng, di tích.

Từ câu chuyện người thật, việc thật đến sự hỗ trợ của kỹ thuật số

Những ngày này, khách ghé thăm Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam tại Thủ đô Hà Nội vô cùng thích thú và ngạc nhiên khi có dịp khám phá thế giới của voi ở Tây Nguyên. Phục vụ nhu cầu khám phá thế giới voi này không chỉ có các hiện vật quý được lựa chọn từ bộ vật dụng của “Vua voi” cuối cùng ở Tây Nguyên, ông Y Prông Êban (1910 - 2012) mà còn có hệ thống bài viết, hình ảnh và phim tư liệu đã được các cán bộ công nhân viên của bảo tàng thực hiện, sưu tầm suốt 1 năm ròng trước đó.

Tại không gian trưng bày “Voi ở Tây Nguyên”, cùng với các hiện vật, các hình ảnh, bài viết, phim tư liệu cung cấp đến người xem “bức tranh” rất sống động. Không bắt buộc có kiến thức nền nhất định hay phải chờ hướng dẫn viên thuyết minh, thông qua các bài viết, hình ảnh, phim tư liệu đi kèm các hiện vật, khách tham quan có thể chủ động khám phá rất nhiều điều thú vị từ thế giới voi ở Tây Nguyên: các tập tính của voi, hoạt động bắt và thuần dưỡng voi rừng, chăm sóc voi cho đến vai trò của voi trong đời sống kinh tế, xã hội, văn hóa qua tri thức dân gian, những câu chuyện được chia sẻ của người dân Tây Nguyên hay các hoạt động khám phá trưng bày, trình diễn của người Mnông...

Ông Võ Quang Trọng, Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cho biết, đây không hẳn là cách làm hoàn toàn mới mẻ. Nhiều năm trước, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cũng từng thử nghiệm tổ chức hẳn một không gian riêng phục vụ học sinh phổ thông cơ sở có những trải nghiệm trực tiếp về di sản Hà Nội. Trong một phần khuôn viên tầng áp mái tòa nhà Trống đồng, các không gian hẹp từ cầu thang lên xuống đến diện tích trưng bày gợi cho người xem cảm giác lạc vào một khu nhà trong phố cổ, ngõ nhỏ, phố.

Khách tham quan không gian trưng bày “Voi ở Tây Nguyên” tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam.

Như lời chị Vũ Thị Hà, một trong 4 cán bộ bảo tàng trực tiếp tham gia hướng dẫn học sinh thì đây chính là cách tương tác trực tiếp giữa cộng đồng để thêm yêu di sản. Khi chia sẻ những câu chuyện, cảm xúc về Hà Nội, mỗi học sinh  mang đến cho lớp học nhiều lĩnh vực khác nhau, nhiều lát cắt khác nhau về Hà Nội. Học sinh ở phố cổ chia sẻ cuộc sống trong phố cổ, các em ngoại thành sẽ chia sẻ cuộc sống ngoại thành.

Trong suốt quá trình tham gia nhóm làm trưng bày, dưới sự hướng dẫn của cán bộ bảo tàng, học sinh có cơ hội tham quan nhiều địa danh nổi tiếng, thăm các làng nghề ven đô, khu phố cổ và cả mô hình những gia đình truyền thống ở Hà Nội. Các em được vẽ, được viết, được chụp lại những gì mình cho là ấn tượng nhất trong mỗi chuyến đi, sau đó ngồi lại cùng nhau, sắp xếp, tranh luận để xây dựng nội dung trưng bày. Những điều này khiến các thành viên hiểu hơn về cuộc sống ở Hà Nội và yêu hơn cuộc sống đa dạng ở Hà Nội.

Cũng nhằm mục đích hấp dẫn công chúng, phát huy giá trị của hiện vật trưng bày, hiện nay, các cán bộ của bảo tàng còn ấp ủ một dự án hấp dẫn hơn là đưa công nghệ 3D trong diễn giải các hiện vật. Tuy nhiên, theo Giám đốc Võ Quang Trọng thì dự án này vẫn cần cân nhắc kỹ lưỡng vì khá... xa xỉ trong điều kiện tài chính của bảo tàng hiện nay.

Cũng theo ông Trọng, ứng dụng công nghệ 3D không hẳn là cách làm quá mới mẻ vì thế giới họ đã thực hiện từ rất lâu. Hiện nay, nhiều quốc gia đã ứng dụng công nghệ rất hiện đại trong diễn giải hiện vật nhằm thu hút công chúng hơn. Với công nghệ này, trong không gian 3 chiều, tính trải nghiệm cho khách tham quan sẽ cao hơn rất nhiều. Với công nghệ này, bảo tàng, thậm chí là cả các khu di tích sẽ không còn là nơi chỉ để cung cấp tri thức về quá khứ mà khách tham quan còn có thể trở thành một thành viên tham gia vào câu chuyện của quá khứ...

Thực tế, những bước tiến dài trong lĩnh vực công nghệ đã, đang tích cực tham gia vào bảo tồn, phát huy di sản và đây cũng là xu hướng tất yếu của các quốc gia nếu muốn bắt nhịp kịp cùng thời đại. Đó là khẳng định của Tiến sĩ Russell Staiff, giảng viên Khoa Khoa học xã hội và tâm lý, Đại học Tây Sydney, Australia.

Ông cho biết, bên cạnh cách diễn giải truyền thống là sử dụng các bảng thông tin, hướng dẫn thuyết minh thủ công hay các tập thông tin, sách hướng dẫn du lịch..., rất nhiều bảo tàng, di tích nổi tiếng thế giới đang áp dụng rất hiệu quả bằng các trung tâm diễn giải hiện đại, hệ thống hướng dẫn bằng âm thanh hay các hoạt động kể chuyện, trình diễn.

Tại công viên quốc gia và di sản thế giới Kakadi, Australia, những người kể chuyện và trình diễn bản địa luôn tạo nên sức hấp dẫn lớn cho du khách. Rất nhiều bảo tàng nổi tiếng thế giới như Confluences, Lyon, Pháp, Bảo tàng Di sản Do Thái Hoa Kỳ lại chọn cách diễn giải hấp dẫn bằng các kiến trúc cảnh quan, các trưng bày được thiết kế chuyên nghiệp mà sự quyến rũ đối trọng với giáo khoa chủ nghĩa. Nhưng, diễn giải bằng công nghệ đang là xu thế vượt trội.

Nhà tắm La Mã - Bath đã 2.000 năm tuổi thu hút một triệu khách mỗi năm.

Công nghệ số khuếch đại khả năng thuyết minh của các hiện vật, các khu di sản thông qua chuyện kể bằng hình ảnh, lời nói, trình diễn, “kể” được nhiều lớp chuyện, từ thần thoại, lịch sử, khảo cổ, khoa học đến giả tưởng. Với công nghệ số, khách tham quan có thể lựa chọn thể loại thuyết minh mà họ mong muốn được trải nghiệm. Sự tiện lợi và những tác động vào toàn diện hơn vào các giác quan tạo nên sức hấp dẫn cho hiện vật trong bảo tàng, di tích hơn với số đông công chúng.

Một khoảng cách rất xa...

Điển hình về thành công trong ứng dụng công nghệ này phải kể đến khu di sản thế giới - Nhà tắm La Mã Bath ở nước Anh. Khi ông đến tham quan, di sản 2.000 năm tuổi này vẫn tiếp tục sửa chữa nhưng vẫn được đưa vào khai thác và đang thu hút khoảng 1 triệu du khách mỗi năm.

Cách đây 2 năm, khu di sản từng tạo nhiều ngạc nhiên và thú vị khi sử dụng kỹ thuật toàn ảnh hologram để tái hiện chức năng của các khu di tích khảo cổ, khiến khách tham quan như được thực sự sống trong quá khứ dù đang đứng trên một tàn tích. Ví dụ, tại phòng tắm xông hơi của nữ, trên phần còn lại của di tích, người ta sử dụng kỹ thuật hologram chiếu lại những hình ảnh con người đang sử dụng phòng tắm.

Trên tàn tích gồm những bàn đá, bồn tắm đá, mạch nước nóng, hình ảnh con người được dựng bằng ánh sáng và không gian 3 chiều đang sử dụng khu nhà tắm của 2.000 năm trước sống động và rõ ràng thực sự đã thay thế toàn bộ bảng chỉ dẫn hay hướng dẫn viên.

Phòng tắm xông hơi nữ tái hiện chức năng thuở xa xưa trên nền tàn tích.

Tại di sản thế giới - hang động Magao, Dunhuang, Trung Quốc, vô cùng hấp dẫn nhưng có những khu vực hang động nguy hiểm, không phải khách nào cũng đủ sức khỏe và dũng cảm để trải nghiệm. Nhờ khoa học công nghệ, khách tham quan có thể dùng một chiếc kính để khám phá khắp hang cùng ngõ hẻm của địa danh này, ngắm nghía từng viên sỏi, từng gờ đá...

Rất nhiều hiện vật vốn thuộc về các khu đền ở Campuchia đang trưng bày ở các bảo tàng châu Âu nhưng hoàn toàn có thể bằng kĩ thuật hình ảnh dựng lại ở chính nơi hiện vật đã tồn tại...

Cũng theo Tiến sĩ Russell Staiff, ứng dụng công nghệ đang trở thành một phần không thể thiếu của công tác bảo tồn phát huy di sản và trải nghiệm công nghệ số là một hợp phần không thể tách rời trong chiến lược thu hút khách, phát triển khách tham quan. Đây cũng là phần không thể thiếu trong nghiên cứu di sản bởi khối lượng dữ liệu khổng lồ được công nghệ tạo ra có thể được các nhà bảo tồn và khoa học sử dụng.

Hình ảnh chăm sóc voi nhà bị thương trong phim tư liệu tại không gian trưng bày “Voi ở Tây Nguyên”.

Không thể phủ nhận công nghệ hiện đại đang có những tác động lớn và thu hút cộng đồng quan tâm hơn đến di sản. Nhờ công nghệ, những người làm bảo tồn đang có sự hỗ trợ vô cùng hiệu quả. Công nghệ phục dựng di tích, hiện vật bằng kỹ thuật số 3D.

Các trang tư liệu sẵn có cho khách tham quan, xác định phương hướng, địa điểm bằng nhân vật, avatar, GPS, sự tương tác kỹ thuật số đã đạt đến trình độ cao khắc phục được rất nhiều hạn chế trong phát huy giá trị của hiện vật, di sản trong bảo tàng, di tích lâu nay.

Chỉ với 1 điện thoại thông minh, khách tham quan dễ dàng khám phá quá khứ. Với tỷ lệ người sử dụng điện thoại thông minh một cách thành thục cao như ở Việt Nam thì ứng dụng công nghệ để tạo sức hấp dẫn cho bảo tàng, di tích là “mảnh đất” vô cùng nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, công nghệ cũng đặt ra nhiều thách thức với người làm công tác bảo tàng, di tích kiểu truyền thống.

Nếu trước đây, người làm hướng dẫn ở bảo tàng, di tích được cho là nắm rõ những câu chuyện liên quan đến chúng nhất, là nơi cung cấp thông tin tin cậy và là địa chỉ bắt buộc phải tìm đến với người có nhu cầu tìm kiếm thông tin thì hiện nay, những người làm công việc này buộc phải cạnh tranh với nhiều nguồn thông tin, nhiều người cung cấp thông tin khác nhau.

Qua các trang thông tin, người đến với bảo tàng, di tích có nhiều thông tin, nhiều kiến thức, nhiều sản phẩm để so sánh mà người làm nhiệm vụ diễn giải, nếu không đủ trình độ, phương tiện sẽ tạo ra các sản phẩm khó đáp ứng được yêu cầu của du khách. Chưa kể, kinh phí đầu tư cho cơ sở vật chất cũng là một áp lực lớn mà trong điều kiện hiện nay của Việt Nam, đây là một áp lực không dễ được giải quyết.

Minh Hải
.
.