Đánh thức giấc ngủ thành phố dưới biển sâu

Thứ Ba, 08/10/2013, 06:45

Thành phố Thonis-Heracleion chìm dưới biển Địa Trung Hải trong hơn 1.200 năm là cửa ngõ của Ai Cập và trung tâm thương mại hàng hải trọng yếu vào giai đoạn cuối của đế chế cổ Ai Cập (664 cho đến 332 trước Công nguyên). Thonis-Heracleion cũng được so sánh với thành phố cảng Alexandria cổ xưa. Những dấu vết đầu tiên của thành phố được Viện Khảo cổ dưới nước châu Âu (IEASM) phối hợp với giáo sư người Pháp Franck Goddio ở Trung tâm Khảo cổ học hàng hải Oxford thuộc Đại học Oxford (Anh) tìm thấy cách bờ biển 6,5km ở độ sâu 9m trong vịnh Aboukir của Ai Cập.

Thonis-Heracleion (một tên ghép - người Hy Lạp gọi là Heracleion, còn với người Ai Cập gọi là Thonis) là thành phố đã mất, nằm giữa truyền thuyết và hiện thực. Trước khi thành phố Alexandria được thành lập vào năm 331 trước Công nguyên, Thonis-Heracleion được coi là cảng vào Ai Cập bắt buộc cho mọi chiếc tàu đến từ Hy Lạp. Thành phố cũng có tầm quan trọng về tôn giáo do sự tồn tại của đền thờ thần Amun cũng như nhiều đền thờ khác.

Người ta cho rằng thành phố được thành lập vào khoảng thế kỷ VIII trước Công nguyên, đã trải qua nhiều thảm họa thiên nhiên khác nhau và kết cục bị chìm hoàn toàn dưới Địa Trung Hải vào thế kỷ VIII. Trước khi được đoàn khảo cổ của IEASM phát hiện năm 2000, hoàn toàn không có dấu vết gì của Thonis-Heracleion được tìm thấy. Tên gọi thành phố hầu như không còn lưu giữ trong ký ức con người, ngoại trừ trong các văn bản cổ cũng như những câu văn hiếm hoi khắc trên đá được các nhà khảo cổ phát hiện.

Phần đầu của bức tượng khổng lồ bằng đá hoa cương đỏ (cao 5,4 mét) mô tả Hapi, thần lũ lụt sông Nil.

Theo ghi chép của nhà sử học Hy Lạp Herodotus (thế kỷ V trước Công nguyên), một ngôi đền thờ lớn được xây dựng ở Thonis-Heracleion để thờ Herakles sau khi vị anh hùng - á thần nổi tiếng này lần đầu tiên đặt chân đến Ai Cập - do đó có tên gọi Heracleion phỏng theo tên vị á thần. Herodotus cũng cho biết mỹ nhân Helen cùng với người tình từng viếng thăm thành phố trước khi nổ ra cuộc chiến tranh thành Troy.

Hơn 4 thế kỷ sau cuộc viếng thăm của sử gia Herodotus đến Ai Cập, nhà địa lý học Strabo cũng tìm đến Thonis-Heracleion. Với các trang thiết bị dò tìm tinh tế nhất, giáo sư Franck Goddio và đoàn chuyên gia đến từ IEASM tiến hành xác định vị trí, lập bản đồ và khai quật từng phần của thành phố Thonis-Heracleion.

Với khám phá ngoạn mục của mình, giáo sư Franck Goddio đã giải quyết được một bí ẩn lịch sử làm rối trí những nhà Ai Cập học trong suốt nhiều năm dài - các cổ vật khai quật được tiết lộ Thonis-Heracleion là thành phố có thật chứ không nằm trong trí tưởng tượng của con người!

Các cổ vật tìm thấy cho biết bộ mặt xinh đẹp và một thời vinh quang của Thonis-Heracleion, với những đền thờ lớn và rất nhiều bằng chứng lịch sử - những bức tượng khổng lồ (bao gồm tượng nữ thần Ai Cập Isis, tượng thần Hapi và một tượng pharaon Ai Cập), những câu văn khắc, chi tiết kiến trúc, đồ trang sức, đồ gốm, những đồ vật sử dụng trong nghi lễ tôn giáo, công cụ cân hàng và tiền vàng cổ. Chất lượng cũng như số lượng của những cổ vật tiết lộ một thời hoàng kim của Thonis-Heracleion kéo dài từ thế kỷ VI đến thế kỷ IV trước Công nguyên.

Hơn 700 cái neo cổ mang nhiều hình dạng khác nhau và 64 xác tàu đắm của người Ai Cập có niên đại từ thế kỷ VI đến thế kỷ II trước Công nguyên cũng là bằng chứng mạnh mẽ về hoạt động hàng hải rầm rộ từng diễn ra ở Thonis-Heracleion thời xa xưa, nơi có nhiều lưu vực rộng lớn và hoạt động như một trung tâm thương mại quốc tế.

Các nhà khảo cổ cho rằng hàng hóa của tàu biển nước ngoài được dỡ xuống để kiểm tra và đánh thuế trước khi được chuyển sang các tàu của người Ai Cập để vận chuyển vào đất liền. Một điều bất ngờ là những xác tàu đắm được bảo quản tốt trong lớp bùn dưới đáy biển. Một tấm bia khổng lồ khắc chữ tượng hình cũng được các nhà khảo cổ dưới biển tìm thấy hy vọng sẽ tiết lộ thông tin về sinh hoạt tôn giáo, chính trị và đời thường của người dân Thonis-Heracleion.

Giáo sư Franck Goddio với tấm bia khổng lồ còn nguyên cao 1,90 mét.

Tiến sĩ Damian Robinson - Giám đốc Trung tâm Khảo cổ học hàng hải Oxford - đánh giá sự khám phá thành phố cổ Thonis-Heracleion là thành tích nổi bật nhất của thế kỷ XXI. Robinson giám sát công việc khai quật một trong những xác tàu được gọi là Ship 43 và cho rằng người Ai Cập cổ có kỹ thuật đóng tàu độc nhất vô nhị. Ông cũng nhận xét những xác tàu có lẽ bị cố tình đánh đắm và đặt giả thuyết là người Ai Cập cố tình làm thế để chặn các tàu địch xâm nhập vào lãnh thổ.

Khi nghiên cứu phân tích hơn 300 bức tượng nhỏ, nữ chuyên gia khảo cổ Sanda Heinz, Đại học Oxford cho biết, tuyệt đại đa số đều mô tả các vị thần Ai Cập như Osiris, Isis và con trai Horus của họ. Heinz cũng cho rằng những bức tượng nhỏ được người cổ Ai Cập sản xuất hàng loạt và đó là bằng chứng cho thấy chúng được người nước ngoài mua để sử dụng trong những ngôi đền thờ của họ. Đoàn khảo cổ của giáo sư Franck Goddio sử dụng các số liệu điều tra để thành lập mô hình Thonis-Heracleion 3 chiều trên máy tính.

Ông Goddio còn cho biết: "Cuộc nghiên cứu của chúng tôi chỉ mới ở giai đoạn đầu mà thôi. Có lẽ, chúng tôi còn phải  tiếp tục công việc cho đến khi nào mọi bí ẩn của Thonis-Heracleion được tiết lộ hoàn toàn"

An An (tổng hợp)
.
.