Đạo diễn NSND Hải Ninh: “Bây giờ, tôi sống bằng ký ức”

Chủ Nhật, 29/05/2011, 13:50

Nhắc đến Đạo diễn NSND Hải Ninh, người đã góp công lớn xây nên thành trì vững chãi của nền điện ảnh cách mạng Việt Nam bằng những thước phim vô giá ngay từ buổi ban đầu, từ đề tài chống Pháp với “Một ngày đầu thu”, “Người chiến sĩ trẻ”. Sang thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, ông tiếp tục có những bộ phim đi sâu vào lòng người và lan tỏa qua nhiều thế hệ như: “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”, “Em bé Hà Nội”, “Mối tình đầu”…

Đến lúc chiến tranh biên giới ông lại cho ra tác phẩm điện ảnh đầy ấn tượng “Đất mẹ”.

Chính ông là người giới thiệu điện ảnh Việt Nam ra thế giới để bạn bè quốc tế biết được bản anh hùng ca đầy hào sảng và bi tráng của dân tộc trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Tất cả những điều tuyệt vời đó được xây dựng và mô phỏng qua những bộ phim ăm ắp tính nhân văn và chiều sâu nghệ thuật của người đạo diễn lão thành tài hoa này. Ngay sau khi xem “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm” và “Em bé Hà Nội” nhiều bạn bè quốc tế bật khóc. Và, một số người Mỹ đã tự hỏi: “Chiến tranh để làm gì?”.

Nhà của đạo diễn NSND Hải Ninh không ở trong những con phố Hà Nội ồn ào mà đi qua cây cầu vắt ngang dòng sông Hồng đỏ nặng phù sa. Trên triền đê lộng gió có lối xuống con ngõ dẫn vào nhà của người đạo diễn lão thành. Ông ở đây trong một không gian riêng tách biệt với thế giới bên ngoài, với diện tích lý tưởng 150 mét mặt sàn, một nửa xây nhà và một nửa để làm vườn. Ngôi nhà ba tầng ấm áp được thiên nhiên bao bọc với vườn cây đủ loại cây xanh mướt mát và màu hoa đỏ nồng nàn, tất cả đều tự tay ông chăm sóc. Hẳn ông sẽ có những phút giây thư thái khi sống trong một không gian lắng đọng và trữ tình.

Điều đặc biệt là tuy ngôi nhà quá rộng so với 3 người, hai vợ chồng NSND Hải Ninh và chị giúp việc, nhưng, không khí ấm cúng bao trùm. Thiết kế ngôi nhà nhìn từ ngoài vào đã rất đẹp, nhưng khi bước chân vào không gian bên trong còn hấp dẫn hơn nhiều. Khi tôi đang quá ư bỡ ngỡ và nắc nỏm với không gian "sống cho ra sống" thì ông đã lên tiếng:

NSND Hải Ninh: Nhà này là của Thanh Vân và Nhuệ Giang, trước khi làm đạo diễn thì hai đứa học ở Trường đại học Kiến trúc nên khi xây nhà đã tự thiết kế. Hoàn thành xong ngôi nhà lại không ở mà mời bố mẹ về đây sống, còn hai đứa ở bên phố…

Hai cha con đạo diễn NSND Hải Ninh và đạo diễn, NSƯT Thanh Vân.

Căn nhà ở phố của Thanh Vân và Nhuệ Giang nằm trên căn gác tầng hai của một ngõ nhỏ trên con phố Tây, Hà Nội. Vì nhỏ nhắn, xinh xắn mà  một nhà báo khi ghé thăm tổ ấm của hai vợ chồng đã gán cho nó cái tên rất ngộ là "tổ chim". Cách đây vài tháng tôi đã tiếp xúc với đạo diễn Thanh Vân tại phòng làm việc của anh ở Hãng phim truyện Việt Nam thì thấy nơi ấy quá ư tuềnh toàng, tạm bợ. Tôi cứ ngỡ anh là người đơn giản và không ưa hình thức. Đến khi bước chân vào đây, lại nghe ông nói về con trai của mình thiết kế tầng hai dành riêng cho ông chứa đựng "những ký ức thời gian" tôi mới hiểu vợ chồng anh đã dành công chăm chút kỹ lưỡng cho cha mẹ mình đến như thế nào.

Phòng của NSND Hải Ninh ở tầng hai và đây là một thế giới riêng  lưu giữ những đồ lưu niệm gắn liền với cuộc đời hoạt động điện ảnh của ông. Rất nhiều tranh, ảnh đều được lồng trong khung, treo trang trọng kín 4 bức tường, thể hiện chủ nhân của ngôi nhà là người rất trân trọng quá khứ. Mỗi một đồ vật mang một màu sắc riêng biệt và dường như chúng đều có linh hồn.

NSND Hải Ninh: Tôi bây giờ chỉ sống bằng ký ức…

Phóng viên (PV): Ngoài 5 poster của 5 bộ phim đã đưa tên ông vào danh sách Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2007, rất đẹp treo ở không gian sát kia thì tôi thấy trong căn phòng này còn có rất nhiều ảnh và cả tranh vẽ nữ NSND Trà Giang…

NSND Hải Ninh: Đây, để tôi giới thiệu một chút cho cô nhé. Bức tranh này là của Trà Giang vẽ tặng. Trà Giang cũng đã có nhiều cuộc triển lãm hội họa. “Em bé Hà Nội” cũng học vẽ, năm ngoái tôi 80 tuổi, con bé (NSND Lan Hương-pv) vẽ tặng bức "Hoa hướng dương". Con bé nói làm mình cứ buồn cười,  bảo: "Cháu coi bác như bông hoa hướng dương nên cháu vẽ đôi tay xin dâng bác". Hồi đi đóng phim mới là cô bé con mới 10 tuổi, sau một năm đóng xong mới 11 tuổi. Thế mà thấm thoát đã mấy chục năm rồi, giờ cô ấy đã thành NSND. Mỗi một đồ vật trong phòng là lại gợi đến kỷ niệm.

(Nói rồi, ông chỉ tay vào một bức ảnh đen trắng đã cũ được phóng to)

Đây là ảnh tôi và Hồng Sến ở sân bay Tân Sơn Nhất vào ngày giải phóng Sài Gòn. Trước đấy, sau đợt học xong lớp quay phim thì tôi và Hồng Sến nhận kết nghĩa anh em. Tôi vẫn coi Sến như người trong gia đình mình. Còn bức ảnh thứ hai là tôi với Khánh Dư chụp vào ngày 30-4 trước Dinh Độc Lập cùng với Quân đoàn 2. Còn đây là những đồ lưu niệm mini từ ngày bộ phim tôi làm đạo diễn đi dự LHP quốc tế cách đây gần nửa thế kỷ…

PV: Vâng, xin bắt đầu với câu hỏi của quá khứ. Trong 5 bộ phim để xét Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2007 có phim mà đến giờ nhiều người vẫn xì xầm thắc mắc nhỏ to về chuyện của ngày xưa. Làm sao bộ phim kinh điển của điện ảnh Cách mạng Việt Nam ngày ấy “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm” khi đưa sang Liên hoan phim (LHP) Quốc tế ở Moskva 1973 đã lấy được cảm tình của cả những giám khảo khó tính nhất và được Hội đồng chấm giải cho điểm 10 tuyệt đối và giành được giải của Hội đồng Hòa bình thế giới. Trà Giang trong vai chị Dịu cũng giành được giải Nữ diễn viên xuất sắc nhất tại LHP Quốc tế. Vậy mà cũng bộ phim ấy trước khi đem đi dự LHP Quốc tế hình như ở trong nước không được giải? Chuyện này là như thế nào, thưa ông?

NSND Hải Ninh: Ồ! Đây là một câu chuyện, mà qua mấy chục năm tôi chưa từng kể rộng rãi cho ai cả.

Ông Hà Xuân Trường lúc bấy giờ là Chủ tịch của Hội đồng chấm giải thưởng LHP Việt Nam, cả Hội đồng trước khi bỏ phiếu thì xác định "Vĩ tuyến 17 ngày và đêm" sẽ là bộ phim đoạt giải vàng. Đúng buổi chiều bỏ phiếu thì đồng chí Chủ tịch hội đồng chấm giải phải vắng mặt vì lên Trung ương họp. Khi chấm giải bộ phim thiếu nửa điểm. Và, có một điều xáo động là Trà Giang lại không được giải thưởng diễn viên mà trong một bộ phim khác người khác lại được giải.  Ông Hà Xuân Trường đi họp về rất ngạc nhiên vì kết quả của phim "Vĩ tuyến 17 ngày và đêm" không giống như thống nhất ban đầu, phim không có giải thưởng cho diễn viên mà chỉ đoạt giải Bạc.

Bộ Văn hóa thì ngay từ đầu đã ngắm bộ phim này sẽ đi dự LHP Quốc tế ở Moskva, nhưng bộ phim lại chỉ đoạt giải Bạc, vậy thì phải làm thế nào?! Nếu đưa một bộ phim chỉ đoạt giải Bạc đi dự LHP Quốc tế (LHP Moskva năm 1973) thì nước bạn sẽ nghĩ rằng Việt Nam chúng ta làm như thế là không coi trọng LHP Quốc tế, mà cuộc thi ở trong nước còn có giải Vàng cơ mà.

Do đó Bộ Văn hóa vận động tôi nên rút lui không nhận giải Bạc. Chưa bao giờ một tổ chức lại vận động đoàn làm phim không nhận giải thưởng. Cũng vì mục đích chung của Bộ thôi, tôi cũng xin thôi không nhận giải Bông sen Bạc.

PV: Vâng, đấy là cái cớ cần thiết cần phải có lúc bấy giờ…

NSND Hải Ninh: Trước khi dự thi, bộ phim được chiếu trên đồi Lênin ở Moskva. Sau khi xem xong bộ phim thì đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn đến ôm Trà Giang và xúc động nói: "Cô đóng giỏi lắm". Biết tôi là đạo diễn của bộ phim mà mình lại ngồi ngay bên cạnh Trà Giang, Tổng Bí thư nói với tôi một câu mà đến bây giờ tôi vẫn nhớ: "Phàm làm những công trình gì mà công phu thì bao giờ cũng đưa đến kết quả mà phim của đồng chí là như vậy".

PV: Có lẽ cũng rất cần một lời giải thích nữa của ông khi bộ phim "Mối tình đầu" của ông ra mắt lần đầu vào năm 1977 và tạo nên cơn chấn động trong dư luận, được giới phê bình đánh giá là một trong những phim được yêu thích nhất vào thập niên 70 của thế kỷ XX. Bộ phim tâm lý chiến tranh này chỉ được giải Bông sen Bạc trong LHP Việt Nam năm 1980. Lại có gì trục trặc ở đây chăng?

NSND Hải Ninh: Có một điều lạ mà không biết mọi người có để ý đến không?! Bộ phim "Mối tình đầu" dự LHP Việt Nam khi đấy thì toàn bộ cá nhân đều đoạt giải Vàng hết, từ đạo diễn cho đến diễn viên mà phim lại không được giải Vàng.

Bộ phim này đã có một nhận định mà cái nhận định ấy của ông Bành Bảo, ông nằm trong Hội đồng chấm giải. Trong lịch sử điện ảnh phải nói cho rõ lại. Sau khi chiếu "Mối tình đầu" ông Bành Bảo có phát biểu: "Một tác phẩm trong đất nước Xã hội chủ nghĩa thì nhân vật chính có thể là một nhân vật tiêu cực không?". Nói ra điều đấy thì đầy quan điểm giai cấp, tôi mới nói lại: "Một tác phẩm nghệ thuật khán giả xem chủ đề tư tưởng chứ sao lại chỉ nói về nhân vật. Chủ đề nói lên tác phẩm. Và nhân vật phục vụ cho chủ đề". Tôi cũng đã thẳng thắn nói với anh: "Anh học ở VGIK, anh thấy tác phẩm "Hai chị em" nhân vật chính là sĩ quan Bạch vệ chứ đâu  phải  sĩ quan  Hồng quân khác. Lúc đấy ông Bành Bảo vừa học ở Liên Xô về thành ra không có ai có trình độ đi học ở Liên Xô về như thế, nhiều người trong Hội đồng nghe theo vì anh nào cũng sợ "lập trường"…

PV: Vậy nên thôi, cho bộ phim giải Bạc cho yên tâm.

NSND Hải Ninh: (cười) Cho giải Bạc cho yên tâm…

PV: Gần đây, ông có xem phim của những người trẻ không?

NSND Hải Ninh: Tôi cũng xem nhiều và thấy thú vị với hai đạo diễn Bùi Thạc Chuyên hay Phan Đăng Di. Khi Thanh Vân về mở phim "Rừng Na Uy" của đạo diễn Trần Anh Hùng, tôi bảo Vân mở cho bố phim "Bi đừng sợ" trước đi đã. Tôi muốn xem cái đó còn hơn những bộ phim bom tấn thời thượng.

 Vì tôi mong muốn nhân tài xuất hiện. Sau khi xem phim song tôi đã nói với con, lúc đấy chưa có ý kiến của Nguyễn Thanh Sơn, tôi chấp nhận Di. Tôi quan niệm, cuộc sống có ánh sáng và cả bóng tối. Trước đây dòng phim của ta phần lớn chỉ phản ánh phía có ánh sáng thôi. Nhưng cuộc sống còn những uẩn khúc, những khó khăn, ngột ngạt, những tâm trạng u uất của con người là những mảng tối mà bên ánh sáng thì người ta sống và làm việc, còn phút lặng ấy thì như thế nào. Chính những phút lặng ấy bổ sung cho mặt tích cực.

 Phim đề cập đến những mặt tiêu cực để con người suy nghĩ. Đấy là một cách. 

PV: Bộ phim có nhiều luồng quan điểm trái chiều. Một đạo diễn có tiếng kiêm nhà báo đã phán rằng không hiểu sao bộ phim này lại đoạt giải thưởng quốc tế, vì vị đạo diễn nọ xem phim không hiểu gì…

NSND Hải Ninh: A, bài báo đấy tôi cũng đã có đọc, anh cứ nói phét thế chứ. Một bộ phim được giải trong nước đã khó khăn chứ đâu phải giải quốc tế bèo bọt như thế. Để có giải quốc tế là khó lắm.

Có những bộ phim mà một số người đang đổ xô đi làm hàng nhái thì không để làm gì cả. Còn có bộ phim của đạo diễn Việt kiều mà tôi cũng rất kính trọng như "Dòng máu anh hùng"…

(Người đạo diễn đáng kính giọng nhỏ lại…).

Tôi sống đến giờ còn làm được cái gì thì làm, lúc nào cũng mong muốn nền điện ảnh của đất nước phát triển và chờ đợi những thành phẩm trong đó có con mình. Bây giờ tôi sống chỉ như thế và đấy là niềm vui lớn nhất, chứ không còn gì khác. Nếu như điều đó mà không có thì mình buồn lắm.

(Nói rồi, ông lấy cho tôi một cuốn kịch bản dày 68 trang đánh máy).

Tôi vừa hoàn thành xong kịch bản "Người mẹ Hà Nội". Câu chuyện kể về người mẹ với vong hồn của tên phi công bị chết ở đằng sau ngôi vườn của bà. Bà mẹ có cái miếu thờ thằng Tây đằng sau vườn. Qua đó để thấy phẩm chất của người mẹ rất bao dung. Chấp nhận cả kẻ thù tuy rằng nó đã chết nhưng chấp nhận và coi nó là cư dân của thế giới âm.

PV:  Hà Nội là mảnh đất đặc biệt mà ông đã kỳ công góp phần làm đẹp Thủ đô khi xây dựng nên những tác phẩm qua năm tháng như: “Em bé Hà Nội”, “Đêm hội Long Trì”, “Kiếp phù du”, giờ lại có thêm một kịch bản mới cũng về đất và người Hà Nội…

NSND Hải Ninh: Tôi có cảm giác khi không làm gì thì như không còn tồn tại trên cõi đời này nữa. Sống cho đến giờ, quả thực tôi không còn có tham vọng gì. Những danh hiệu cao quý nhất đối với người nghệ sĩ: Nghệ sĩ Nhân dân và Giải thưởng Hồ Chí Minh thì tôi cũng đã đạt được rồi. Tất cả công việc mình làm thế này không để chờ đợi một tham vọng gì mới mà là một sự cống hiến tiếp tục, do nhu cầu tự thân thôi.

Hiện nay tôi sống tự do hoàn toàn, muốn viết lúc nào thì viết. Các con về thăm bố mẹ chúng bảo cứ ngồi với bố thì lại thấy bố chỉ cứ nhắc đến điện ảnh thôi. Bây giờ có tuổi rồi, sức khỏe cũng đã yếu đi nhiều, có thời gian để viết những điều mình thích thú cũng là niềm vui…

Trần Mỹ Hiền (thực hiện)
.
.