Đạo diễn, NSND Nhuệ Giang: Tự biết cân bằng

Thứ Ba, 29/08/2017, 16:23
Căn nhà của chị nhỏ nhắn, xinh xắn và đầy đủ tiện nghi, ở đó có đủ đầy các kỷ vật của cả cuộc đời làm nghề của chị và chồng, đạo diễn, NSND Nguyễn Thanh Vân. Hiếm có cặp đôi nào trong điện ảnh Việt Nam lại ấm êm và danh vọng như anh chị. Họ âm thầm đi cạnh cuộc đời nhau, bù đắp cho nhau, để vẹn nguyên là cặp đôi nghệ thuật nhiều người nhìn vào đầy ngưỡng vọng.

NSND Nhuệ Giang bước vào nghề khá muộn, khi đã là một kỹ sư xây dựng. Cha chị, cố NSND, đạo diễn Phạm Văn Khoa lúc bấy giờ đã là tác giả của những bộ phim nổi tiếng như "Làng Vũ Đại ngày ấy", "Chị Dậu", "Lửa trung tuyến", "Sau cơn bão", "Kén rể", "Khôn dại"... Mẹ chị là nghệ sĩ Bích Châu - một diễn viên sân khấu có tiếng của Nhà hát kịch Việt Nam.

Đạo diễn Nhuệ Giang.

Có lẽ ai cũng nghĩ, một người con được sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống như thế, lại được theo chân bố mẹ từ bé đi làm phim khắp nơi mọi chốn, ắt hẳn chị sẽ theo nghề bố mẹ. Nhưng dường như, số phận buộc chị phải đến muộn hơn, khi đã trải nghiệm cuộc sống của một người kỹ sư xây dựng.

Nữ đạo diễn Nhuệ Giang chia sẻ: “Trong suy nghĩ của tôi, bố là một người dũng cảm, sẵn sàng nhận cái khó về mình. Ông là người đi tiên phong trong nhiều thể loại phim, chuyển thể từ văn học và kịch bản sân khấu lên phim. Gia đình tôi thường có nhiều người làm điện ảnh lui tới, bàn bạc về phim. Nhà khá chật, tôi hay ngồi ở góc phòng để học, nhưng những đợt tuyển diễn viên của bố khiến tôi không sao chú tâm vào sách vở được.

Còn nhớ, khi tôi đã lớn, bố làm phim "Chị Dậu", có rất nhiều người viết thư đến xin đảm nhận vai chị Dậu nhưng ông lại chọn Lê Vân. Nhiều người không đồng ý với quyết định đó vì Lê Vân rất đẹp mà trong truyện thì chị Dậu chỉ là người đàn bà khoẻ mạnh và có duyên. Đến nhân vật Thị Nở, bố lại chọn cô Đức Lưu, một người đẹp ít ai sánh kịp. Có vẻ phi lý khi để một người đẹp như vậy vào vai một cô nàng xấu "ma chê quỷ hờn"? Song theo bố tôi nói thì ông tôn trọng thị hiếu khán giả vì ít người đến rạp xem phim để nhằm xem một người không đẹp chứ chưa muốn nói là xấu xí. Điều quan trọng là bố tôi thấy được vẻ đẹp về diễn xuất của Lê Vân cũng như Đức Lưu trong hai vai diễn đó.

Bố tôi thích hoạt động xã hội và ông dành thời gian cho công việc xã hội nhiều hơn gia đình. Dường như ông không bao giờ ở nhà tới một ngày, trừ khi ông phải viết lách hay bàn bạc kịch bản với đồng nghiệp. Hồi tôi muốn thi vào trường điện ảnh, ông phân tích cho tôi kỹ càng về nghề đạo diễn và không muốn con theo ngành này. Tuy nhiên, ông vẫn tôn trọng quyết định của tôi.

Bố tôi là người làm việc không mệt mỏi, ngoài 70 tuổi, ông vẫn rong ruổi theo các đoàn làm phim. Năm 74 tuổi, ông bị bệnh nặng phải nằm liệt giường, nhưng trong thời gian đó, ông vẫn viết một số sách về điện ảnh và hồi ký. Có thể nói, cả cuộc đời ông đã dành cho nghệ thuật, đó là điều tôi tự hào nhất về cha mình".

Chính sự cẩn trọng với nghề của cha mình, sau này nó đã ngấm vào tâm hồn chị, để rồi chặng đường tiếp nối thế hệ, đã có một Nhuệ Giang đầy chi chút cho những bộ phim đã đi vào làng điện ảnh Việt Nam với dấu ấn không thể mờ phai và những giải thưởng danh giá như các phim: "Bỏ trốn", Phim đoạt Giải B của Hội Điện ảnh Việt Nam năm 1996, Giải của Ban giám khảo Liên hoan phim Toàn quốc lần thứ 12 năm 1999; Phim "Thung lũng hoang vắng" đoạt giải "Bông sen bạc" tại Liên hoan phim Toàn quốc lần thứ 13 và giải "Fipresci cho các đạo diễn trẻ châu Á" của Liên đoàn Các nhà phê bình phim quốc tế tại Liên hoan phim quốc tế Melbourne lần thứ 51 năm 2002...

Tuy nhận được sự cẩn trọng, chi chút và thậm chí hơi... khó tính giống cha, nhưng tâm hồn chị lại thuộc về mẹ. Chị đã từng làm một bộ phim về tình mẹ, một bộ phim nhựa về đề tài thiếu nhi nhưng lại ẩn chưa nhiều ý nghĩa sâu xa về tình mẫu tử. Đó là bộ phim "Tâm hồn mẹ", dựa trên tác phẩm văn học của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp.

NSND Nhuệ Giang đang đạo diễn phim "Thung lũng hoang vắng".

Chị chia sẻ: "Tôi thích cái tứ của truyện ngắn này, câu chuyện chỉ đơn giản xoay quanh cuộc sống của hai đứa trẻ, một cậu bé mồ côi mẹ và một cô bé có mẹ nhưng thiếu sự quan tâm yêu thương của tình mẫu tử. Vô tình, cô bé ấy đã bộc lộ những phẩm chất thường thấy ở một người mẹ, đó là sự bao bọc che chở, sự quan tâm chia sẻ và tấm lòng hết mực lo lắng yêu thương cho người bạn nhỏ của mình. Trong khi người lớn mải mê lao vào guồng quay của cuộc sống hiện đại xô bồ thì tâm hồn người mẹ trong đứa trẻ thơ ấy cứ hun đúc và lớn dần lên mạnh mẽ. Đó là điều khiến người lớn chúng ta phải suy nghĩ lại... Bộ phim cũng có giá trị không chỉ cho đời sống hôm nay, mà cho cả mai sau".

Một trong những dấu ấn cuộc đời làm phim của đạo diễn Nhuệ Giang có lẽ phải nói đến bộ phim "Thung lũng hoang vắng", bộ phim đã đánh dấu bước ngoặt  trong sự nghiệp đạo diễn của chị. Kịch bản này được nảy mầm sau khi tình cờ chị đọc được một chi tiết trong truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Quang Lập. Đấy là khi một cô bé học sinh bắt gặp cảnh yêu đương của cô giáo và một người con trai mình thích. Đây là một tình huống khá riêng biệt, rất thật, rất con người. Từ tình huống đó tôi liên tưởng đến không gian, thời gian, tính cá nhân và xã hội của phim. Điều này sẽ liên quan đến vấn đề giáo dục, và chị chọn bối cảnh ở vùng cao để đặt ra một khái quát chung về điều đó...

NSND Nhuệ Giang và chồng - NSND Thanh Vân.

Phim nói về việc "cõng chữ lên núi" của các cô giáo miền xuôi với bao hy sinh thầm lặng. Họ bắt đầu đầy khó khăn với cuộc sống của những giáo viên vùng rẻo cao. Phim gợi lên những xúc cảm đẹp mà buồn trong những cơn mưa rừng triền miên, tĩnh lặng đến buồn tẻ, rợn người. 3 con người, dũng cảm hay tự nguyện đã chung lưng gánh vác nhiệm vụ gieo chữ một cách trầy trật và khó nhọc. Họ bấu víu vào nhau để tồn tại, để cầm phấn, cầm cả sự cô đơn và những niềm cay đắng. Câu chuyện như một bài thơ đậm tính nhân văn về sự hy sinh những thầy cô giáo trên vùng cao hẻo lánh để đem cái chữ đến cho bao em thơ.

Hình ảnh hiện lên thật trong trẻo, chân chất: một người bố không cho con học vì sợ "người khôn xấu lắm, sớm muộn gì cũng bỏ vùng thung lũng này mà đi"; cậu học trò Long ngày ngày địu em đến trường để học dù thấy cô không đến lớp; cô bé Mị chớm một tình yêu tuổi mới lớn với anh chàng địa chất mà giận hờn cô giáo, bỏ lớp bỏ trường; là lũ học trò tíu tít những nụ cười, đứng xếp hàng háo hức chờ một thìa đường của thầy Tành ban thưởng...

Và những điều ấy đã níu chân người thầy, người cô mà đã từng có lúc muốn quay trở về xuôi vì những lo toan riêng tư, những bối rối tình cảm thoáng qua. Những thước phim có vẻ bình yên nhưng để lại nhiều dông bão trong lòng khán giả khi nó khép lại. Thông qua đó, chị muốn nói lên một xu hướng của xã hội cũng như con người trong thời hiện đại.

Đạo diễn, NSND Nhuệ Giang làm phim không nhiều, nhưng phim của chị có gu và để lại dấu ấn đậm nét cho người xem. Không chỉ con người, mà thiên nhiên chị luôn đẹp trong mỗi thước phim. Chị cho rằng, thiên nhiên là một nhân vật khá quan trọng trong phim của chị. Để chọn được bối cảnh ưng ý, chị mất nhiều tháng trời để chọn lựa.

Cảnh trong phim "Tâm hồn mẹ".

Chẳng hạn để quay được những thước phim đẹp trong phim "Tâm hồn mẹ", chị và chồng, NSND Thanh Vân, phó đạo diễn của phim hồi ấy đã phải vất vả lặn lội nhiều tháng trời lên tận bản Tả Giàng Phình ở Tây Bắc, xuống chân núi Phan-xi-pang, rồi lại ngược cả ngàn cây số vào rừng quốc gia Cúc Phương để tìm cái gam màu "lạnh" để hợp với nội dung bộ phim. Suốt mấy tháng trời thực đơn chỉ có su su và thịt luộc, trầm mình trong mưa dầm gió bấc nắng hanh, chị và đoàn làm phim đã thỏa nguyện khát khao ghi lại cuộc sống chân thực của người Mông trên rẻo cao.

Khổ nhất là đi chọn bối cảnh trường học nằm trên một đỉnh núi khá cao và chưa có điện, nên Đoàn đã phải thuê xe tải chở máy phát điện lên. Thế mà phải thuê đến cái thứ 3 thì máy nổ mới chịu chạy cho.

Chị quan niệm: "Mình là con người của công việc, mà đã là công việc thì phải hoàn thành bằng được. Có những người bảo rằng tôi quá khó tính khi làm phim, nhưng thú thật làm đạo diễn không bao giờ nghĩ đến khó hay dễ mà chỉ nghĩ đến những điều thú vị, hào hứng, những điều mình tâm đắc với bộ phim. Tới lúc đó rồi thì khó khăn mấy cũng vượt qua thôi".

Một điều hạnh phúc nhất đối với NSND Nhuệ Giang là chị có người chồng, đạo diễn NSND Thanh Vân luôn hiểu và yêu thương chị. Họ đồng hành với nhau trên chặng đường làm nghệ thuật và cả trong cuộc sống. Nền tảng văn hóa gia đình là một điều căn cốt làm nên con người.

NSND Thanh Vân là con trai của đạo diễn, NSND Hải Ninh và NSND Nhuệ Giang là con gái của đạo diễn, NSND Phạm Văn Khoa. Nói không sai khi nhiều người vẫn dùng cụm từ "hổ phụ sinh hổ tử" để dành cho họ.

NSND Nhuệ Giang chia sẻ: "Chuyện tình của chúng tôi gắn liền với biển, khi đi thực tập cùng đoàn làm phim "Đứng trước biển". Cả hai có 4 tháng làm việc cùng nhau và rồi lửa gần rơm lâu ngày cũng bén. Tôi hơn Vân 4 tuổi, nói như Vân là tình... trước chị sau em. Các bậc phụ huynh không vun đắp đâu, và đương nhiên phải dành quyền tự quyết cho con cái. Thanh Vân cũng phong kiến lắm, nhiều lúc muốn tôi phải giống như mẹ anh là nhất nhất theo nhà chồng.

Tuy nhiên, tôi có suy nghĩ khác... Trong gia đình, tôi không phải là người nội trợ giỏi giang và thua xa mẹ vì việc này cũng cần có khả năng thiên bẩm, không phải cứ cố gắng là được. Nhưng chúng tôi khá tâm đầu ý hợp trong cuộc sống, trong quan niệm sống và cả quan niệm nghệ thuật. Bởi vậy mà có lẽ, mọi cái gian nan, mọi ngáng trở đều vượt qua được. Chúng tôi ngoài tình nghĩa vợ chồng thì còn là tình đồng nghiệp.

Đôi khi hạnh phúc đơn giản lắm, vô cùng hạnh phúc khi ý tưởng đã "chạm" được nhau, mọi gian khổ khác tôi đều có thể vượt qua hết. Công việc đạo diễn là một công việc vất vả, nữ đạo diễn còn gặp nhiều vất vả hơn. Khi làm phim thì lúc nào cũng ở trong tình trạng nước sôi lửa bỏng vì ngoài việc dành hết thời gian cho phim, người ta còn phải lo toan những chuyện khác.

Phụ nữ còn thêm gánh nặng gia đình, con cái. Tôi không có con nên có thể dành toàn bộ tâm huyết cho công việc, còn những người khác, tôi nghĩ là họ phải hy sinh một trong hai thứ: công việc hoặc gia đình. Bởi thời gian làm việc đã chiếm trọn mười mấy tiếng một ngày, trở về nhà là lúc sức lực đã kiệt quệ. Khổ tâm lắm.

Ngoài ra còn phải có sức khỏe vì cái nghề này nó đòi hỏi phải nỗ lực hơn những nghề khác. Làm phim là sự kết hợp của rất nhiều thứ và lại tiêu tốn rất nhiều tiền nên luôn căng thẳng... Nhưng chúng tôi là người biết cân bằng cuộc sống. Và đó là điều căn cốt để mình biết cân bằng mình trong nghệ thuật, trong những thước phim...

Trần Mỹ Hiền
.
.