Đạo diễn mang 2 dòng máu Pháp – Việt: Nửa thế kỷ “giải mã” cội nguồn

Thứ Ba, 11/06/2019, 14:33
Đã 65 năm trôi qua, kể từ khi quân đội viễn chinh Pháp buộc phải rút khỏi Việt Nam sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, nhiều dấu tích do chiến tranh trên dải đất hình chữ S cũng đã mờ dần theo năm tháng. Nhưng, có lẽ ít ai ngờ, vẫn còn có những vết thương nhức nhối ẩn sâu sau những lớp thịt da lành lặn mà không kém phần ám ảnh, day dứt của một thế hệ được sinh ra như một hệ quả tất yếu thời kỳ chiến tranh trên mảnh đất này.


Đạo diễn Philippe Rostan mang theo câu chuyện đó trở lại Việt Nam với bộ phim tài liệu “Người lạ, giống Pháp” - một trong số các tác phẩm được chú ý nhất tại Liên hoan Phim tài liệu châu Âu – Việt Nam năm 2019. Tuy nhiên, như chia sẻ của chính đạo diễn thì dù chuyện phim xoay quanh những câu chuyện nhỏ về những số phận con lai Âu – Á cụ thể nhưng ông mong muốn kể một câu chuyện lớn hơn, không chỉ của Việt Nam – Pháp.

Đạo diễn Philippe Rostan.

Đứa con lai

Trò chuyện với chúng tôi, đạo diễn Philippe Rostan tỏ ra khá cởi mở và không ngại khẳng định, so với nhiều người là con lai mà mẹ là người Việt, được sinh ra trên đất nước Việt Nam thời chiến tranh Đông Dương thì Philippe Rostan có may mắn hơn. Bởi, ông có cả cha lẫn mẹ và được họ chăm lo nuôi dạy ở cả Việt Nam và Pháp. Những người con lai có mẹ là người Việt, cha có thể là người Pháp, dù được công nhận là công dân Pháp bị mặc định là trẻ mồ côi, từng bị miệt thị là con hoang có hàng ngàn.

Đã có thời gian Chính phủ Pháp cố phớt lờ sự tồn tại của họ. Những đứa con ngoài giá thú từng bị coi như là hiểm họa đối với xã hội Pháp. Sự tồn tại của họ không chỉ xóa mờ ranh giới giữa thực dân và người bản xứ mà còn bởi, rất nhiều người Pháp đã có vợ con từ trước khi sang Việt Nam. Việc thừa nhận và công khai danh tính rộng rãi của những người con lai này có thể gây đảo lộn đời sống nhiều gia đình Pháp.

Tuy nhiên, dưới áp lực của một tổ chức từ thiện, Chính phủ Pháp đã buộc phải chấp nhận những người con lai này. Một sắc lệnh được ban hành cho phép người lai Á – Âu được lấy quốc tịch Pháp. Sắc lệnh này đã làm thay đổi số phận của hàng ngàn người. Bất chấp thái độ của các bà mẹ Việt, những người con lai được đưa về Pháp, bị cắt đứt mọi thông tin về Việt Nam. Sang đất Pháp, ngay cả anh chị em ruột cũng bị chia cắt, mỗi người một nơi.

Duy chỉ có điều, tất cả những nỗ lực nhằm biến họ thành người Pháp đúng “chuẩn” Pháp có vẻ như chỉ thành công trên bề nổi. Sau nhiều chục năm, những người con lai ấy, dù thành đạt, có người trở thành bác sĩ, người trở thành cảnh sát, giáo viên, nghệ sĩ… song cội nguồn Việt Nam vẫn như hạt giống nằm sâu trong tiềm thức với những hối thúc tìm về. Như chính tựa đề của bộ phim tài liệu mà Philippe Rostan thực hiện: “Người lạ, giống Pháp”.

“Ở Việt Nam, chúng tôi được coi như người Pháp còn ở Pháp, chúng tôi lại được coi như người Việt Nam”. Đạo diễn Philippe Rostan chia sẻ. Ngày nhỏ, ông không ý thức điều này một cách rõ ràng mà chỉ lờ mờ cảm nhận được sự khác biệt của mình. Sinh ra trong một gia đình đông anh chị em tại Buôn Mê Thuột, cha của ông là người Pháp, mẹ là người gốc Huế. Gia đình có đồn điền rộng lớn, sống tách biệt trong khu vực chỉ dành cho người Pháp hoặc gia đình có vợ là người Việt.

Ngày ấy, những đứa trẻ Pháp hoặc con lai Pháp như Philippe Rostan được gửi đi học trường Pháp tại Đà Lạt và Sài Gòn. Người dân và cả đám trẻ cùng thời không coi ông là người Việt mà gọi là người Pháp. Ông chỉ trở về nhà vào các ngày lễ, tết và kỳ nghỉ hè. Phần lớn thời gian, Philippe Rostan và anh chị em sống ở Sài Gòn, dưới sự chăm sóc hàng ngày của 2 người Việt, trong đó có một người phụ nữ còn trẻ, người Hà Nội, ông vẫn nhớ tên là chị Lưu. Chị biết tiếng Pháp, sống cùng ông từ nhỏ tới tận khi gia đình hồi hương về Pháp năm 1975.

Thời điểm ấy, Philippe mới 11 tuổi, chưa cảm nhận được cảm giác mất mát của người cha, nỗi buồn xa xứ của mẹ. Ông chỉ thấy vui khi được đi ra nước ngoài, nhất là đến Paris, nơi ông mới chỉ được biết qua các câu chuyện của ba mẹ sau mỗi kỳ nghỉ hàng năm. Ngày đặt chân lên nước Pháp, nơi đây đang mùa đông. Lần đầu được cảm nhận thế nào giá rét, nhìn hơi thở như những làn khói mỏng thoát ra từ miệng mỗi khi nói chuyện, Philippe vô cùng thích thú.

Ông và người em trai chạy lên chạy xuống theo thang cuốn sân bay không biết mệt. Những chuyến đi vào siêu thị mua sắm như mở ra những chân trời mới lạ. Ông chỉ thoáng nhận ra sự khác biệt của mình vào 2 tuần sau khi đặt chân đến Pháp, khi các anh chị em phải đến trường. Ở đấy, lũ trẻ không coi ông là người Pháp vì Philippe da vàng. Đây cũng là thời điểm nam diễn viên võ thuật gốc Hoa - Lý Tiểu Long đang rất nổi tiếng,  có da vàng giống ông nên lũ trẻ vừa tò mò, vừa có vẻ e dè. Chúng cho rằng Philippe cũng giỏi võ như Lý Tiểu Long, càng không dám bắt nạt.

Những người con lai Âu – Á trong tư liệu phục vụ phim tài liệu “Người lạ, giống Pháp” của Philippe Rostan.

Tuy nhiên, mẹ của ông thì khác. Bà ý thức rất rõ sự khác biệt. Bà luôn nhắc nhở các con, nếu trẻ con Pháp cố gắng 1 thì các con phải cố gắng gấp đôi. Bởi lẽ sau này, khi đi làm, nếu phải lựa chọn, bao giờ người ta cũng sẽ ưu tiên người Pháp trước. Bà chưa bao giờ khiến các con quên mình còn có gốc gác Việt Nam. Sau giờ học ở trường, về nhà, bà yêu cầu tất cả thành viên trong gia đình phải giao tiếp bằng tiếng Việt. Bà tự  dạy các con học đọc, viết tiếng Việt, nấu các món ăn Việt.

Dấu ấn Việt Nam còn hiện diện trong gia đình bằng rất nhiều cuốn sách, bản nhạc nổi tiếng qua các băng cassette bà mang về Pháp, những kỷ niệm của các anh chị em về những chuyến theo cha vào rừng săn thú, loay hoay nấu nướng cả ngày trời ở Buôn Mê Thuột, kỷ niệm những lần về Huế thăm gia đình ngoại, thoải mái ăn các món bánh Huế do chính tay bà ngoại làm…

Khát khao giải mã bí mật nguồn cội

Đạo diễn Philippe Rostan nhớ lại, thời điểm gia đình ông trở về Pháp, những người con lai Pháp – Việt đã được đón nhận cởi mở hơn. Nhưng nhiều anh chị em họ của ông sang Pháp thì không được như thế. Có người không biết cha mình là ai. Mẹ ở lại Việt Nam, rất ít có liên lạc, thậm chí có người mất liên lạc hoàn toàn. Họ được nuôi dạy trong trại trẻ mồ côi.

Thân phận của họ được giữ kín, như một bí mật của gia đình cho đến tận nhiều chục năm sau đó. Cũng mãi sau này ông mới được biết, cùng với những người anh chị em họ của mình còn có hàng ngàn đứa trẻ là con lai khác, có mẹ là người Việt, cha là lính viễn chinh Pháp. Dù được nuôi dạy đầy đủ nhưng những cô cậu bé này khi đó bị cắt đứt tất cả các mối quan hệ với Việt Nam. Họ bị  buộc quên đi ngôn ngữ của mình, được nuôi dạy để trở thành một người Pháp. Nhằm thực hiện mục đích này một cách triệt để, nhiều cặp anh chị em, khi sang Pháp bị tách ra mỗi người một nơi, đến tận hôm nay vẫn thất lạc.

Vì sợ lấy phải người thân, nhất là anh chị em ruột của mình nên khi trưởng thành, những người con lai này không bao giờ lấy nhau và cũng không dám lấy người Việt làm vợ hoặc chồng. Có những người nhớ thương mẹ, người thân ở Việt Nam nhưng không có cách nào liên lạc được. Có những người mang trong mình mặc cảm bị cha mẹ bỏ rơi.

Có người lại cố lừa dối bản thân rằng họ vẫn còn có người mẹ đang rất mực yêu thương mình ở Việt Nam. Bà buộc phải cho con sang Pháp vì nghèo khổ và mong con có điều kiện sống tốt hơn. Nhưng dù nghĩ như thế nào thì tất cả những điều ấy, họ đều giữ cho riêng mình, không chia sẻ với ai, kể cả những người cùng hoàn cảnh.

Sau nhiều chục năm, chủ trương của Chính phủ Pháp nhằm biến những người con lai thành người Pháp đã thành sự thật, ít nhất là cũng ở phần bên ngoài, khi hầu hết những người con lai ấy đều trưởng thành, có nghề nghiệp ổn định, trở thành những công dân đàng hoàng, được coi trọng trong xã hội. Nhưng, bi kịch của họ và dấu ấn còn sót lại của những gì thuộc về nguồn cội Việt thì vẫn được cất sâu, khóa kỹ đâu đó trong ký ức.

Như chính sự thừa nhận của các nhân vật chính trong phim “Người lạ, giống Pháp” thì dấu ấn Việt vẫn luôn thấp thoáng trong tiềm thức. Có người, dù đã không còn nghe, nói được tiếng Việt nhưng vẫn nhớ những giai điệu âm nhạc Việt mà người mẹ đã hát cho họ nghe thủa thiếu thời. Họ vẫn cố gắng nấu những món ăn Việt chỉ nhờ vào cảm thức của bản thân. Khoảng thập niên 90, tổ chức từ thiện đưa họ hồi hương về Pháp để nuôi dạy thành các công dân Pháp đã tan rã, những người con lai ấy vẫn tiếp tục gắn bó với nhau, tập hợp thành tổ chức riêng của mình. Họ vẫn liên lạc, tổ chức các hoạt động chung.

Không đành lòng để sự thật và những bi kịch của những người con lai mãi bị giấu kín, Philippe Rostan khi đã theo đuổi sự nghiệp điện ảnh, quyết định làm một bộ phim tài liệu về họ, trong đó có cả bản thân ông. Tuy nhiên, quyết định này vấp phải sự phản đối quyết liệt của chính những người trong cuộc. Gốc tích con lai bị cất kỹ như một bí mật gia đình. Ngay cả con cháu họ cũng không được biết. Mãi đến khi họ về hưu, con cái trưởng thành, có cuộc sống riêng, một số người thân cận với ông mới chịu đồng ý hợp tác, kể lại chuyện đời mình.

Một năm sau phim được trình chiếu, thu hút sự chú ý của công chúng và truyền thông tại Pháp, nhiều cánh cửa bí mật tiếp tục được mở ra. Có người mạnh dạn về Việt Nam, may mắn tìm lại được mẹ và người thân. Có người phát hiện ra rằng lâu nay họ không hẳn mồ côi mà vẫn có một người cha Pháp đang ngày ngày dõi theo từng bước đường trưởng thành của mình. Nhưng, người cha này, vì nhiều lý do, trong đó có những lo ngại phản đối từ gia đình của ông tại Pháp nên đã không công khai chăm lo cho người con riêng với người vợ Việt…

Một số con cháu của những người con lai này cũng đã về Việt Nam tìm lại người thân. Dù chưa nhiều người có được kết quả như mong muốn nhưng điều mà đạo diễn như ông cảm thấy vui và được động viên hơn cả là số lượng những người con, người cháu của họ đã tự tìm về Việt Nam thông qua các kỳ nghỉ, hay lựa chọn những công việc bán thời gian để có thời gian tìm thân nhân và tự “giải mã” những bí mật nguồn cội của mình ngày càng nhiều hơn.

Riêng bản thân ông, dù đã trở đi trở lại Việt Nam nhiều lần, đã làm khá nhiều phim tài liệu về Việt Nam, nhưng quê mẹ vẫn luôn là chốn bình yên và thân thuộc mà ông muốn tìm về, không chỉ để được hòa mình vào cuộc sống nơi đây, mà còn mong muốn được tìm hiểu cặn kẽ hơn, giới thiệu rộng rãi hơn với bạn bè quốc tế thông qua các tác phẩm điện ảnh của chính mình.

Minh Hà
.
.