Đạo đức nhà giáo: Phải được rèn luyện ngay từ giảng đường đại học
Bước vào năm học 2007 - 2008, Bộ Giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) đã đưa vào cuộc vận động "hai không" (nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục). Thêm hai nội dung nữa là "Nói không với việc vi phạm đạo đức nhà giáo và việc để học sinh ngồi nhầm lớp". Trong bối cảnh nền giáo dục như hiện nay thì đây thực sự là những việc làm cần thiết và kịp thời để chấn hưng giáo dục đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới đất nước.
Để không vi phạm đạo đức nhà giáo là vấn đề không phải một sớm một chiều mà cần phải được rèn luyện, tu dưỡng một cách bền bỉ, kiên định và hết sức quyết liệt. Không phải khi đã đứng trên bục giảng rồi mới bắt đầu tập cho mình thói quen gương mẫu mà ngay từ khi vừa bước chân vào giảng đường đại học, mỗi sinh viên sư phạm cần phải rèn luyện mình cả về tác phong nhà giáo lẫn nghiệp vụ chuyên môn.
Có một thực tế đang diễn ra từ trước đến nay là, chính trường sư phạm là nơi đào tạo người thầy nhưng lại tuyển một số học sinh không hề thích sư phạm. Vậy nên mới có những chuyện bi hài xảy ra trong một bộ phận sinh viên, trong đó có sinh viên sư phạm, như sống chung, sống thử... vốn đang là vấn đề nhức nhối trong tầng lớp được coi là có tri thức của xã hội này.
Sinh viên sư phạm nhưng ý thức rèn luyện tác phong của một người giáo viên tương lai trong một số sinh viên lại không có, mà nếu có thì cũng quá kém. Vào bất cứ một dãy nhà trọ, một ký túc xá sinh viên nữ nào cũng thấy ngổn ngang "nội y"... treo tứ tung ở bất cứ chỗ nào miễn là có thể. Đó cũng là một nét văn hóa nhỏ thuộc vào phạm trù ý thức, những cô giáo tương lai không ý thức được một việc cỏn con như thế này thử hỏi sau này có đủ phẩm cách để giáo lý cho học sinh?
Thứ nữa, là việc rèn luyện nghiệp vụ sư phạm cho sinh viên hiện nay cũng có quá nhiều bất cập và chiếu lệ. Nghiệp vụ sư phạm cần phải được rèn luyện ngay từ khi mới bước chân vào giảng đường, và thậm chí là ngay từ khi vừa mới chớm ước mơ chứ không phải để đến năm cuối cùng trước khi thực sự bước vào nghề mới bắt đầu rậm rịch.
Nghiệp vụ sư phạm cũng phải được rèn luyện một cách toàn diện chứ không phải chỉ xoay quanh những tình huống sư phạm trên lớp, quanh bài giảng như từ trước đến nay nhiều trường đại học vẫn thường làm vậy. Có như vậy, người giáo viên tương lai mới thu nạp cùng một lúc nhiều kiến thức bổ trợ cho bản thân từ trong cuộc sống lẫn chuyên môn, để từ đó góp phần hoàn thiện được nhân cách bản thân.
Có được tiền đề vững chắc, người thầy sẽ đủ tự tin và năng lực để bước vào nhiệm vụ mới hết sức gian nan, khổ ải nhưng cũng đầy vinh quang: Sự nghiệp trồng người, sự nghiệp “làm tròn sứ mạng giáo dục thế hệ cách mạng cho đời sau”.
Một đức hạnh tốt sẽ là một nền tảng lý tưởng để chấn hưng nền văn hóa cho cả một cộng đồng. Nhiều tấm gương tốt sẽ đem lại nhiều thành quả lớn lao mà thiết nghĩ, chỉ có giáo dục mới làm được điều đó để vun góp cho xã hội mỗi ngày.
Chuyện nhân cách của người thầy không phải là chuyện nhỏ, để xứng đáng với sự tôn vinh “nhất tự vi sư, bán tự vi sư” thì ngay từ trên ghế giảng đường, mỗi sinh viên sư phạm hãy tập cho mình thói quen rèn luyện bản thân cả về trí tuệ, tâm hồn lẫn nhân cách ngay từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường để mai kia, khi phụng sự sự nghiệp trồng người cao quý, xứng đáng là một tấm gương sáng về đạo đức, xứng đáng với niềm tin mà xã hội giao phó cho mỗi người thầy