Đào hầm chống bão, làm ghe chống lụt - Đơn giản mà hữu ích

Thứ Ba, 07/12/2010, 14:35
Đã có không ít cuộc hội thảo, hội nghị đưa ra những giải pháp tối ưu cho công tác phòng chống thiệt hại về người và tài sản trong bão, lụt trên mảnh đất miền Trung, nơi hàng năm thường xuyên phải hứng chịu những trận cuồng phong từ biển thổi vào và lũ cuốn ầm ầm từ đại ngàn Trường Sơn tràn xuống gây thiệt hại lớn về người và của. Vì sao tồn tại mãi hậu quả đau lòng đó? Người dân miền Trung cần phải được trang bị những gì để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản trong bão, lũ?...

Từ cái hầm tránh bom đạn trong chiến tranh...

Có thể nói rằng, với những người dân đã trải qua một thời chiến tranh, hứng chịu mưa bom, bão đạn của kẻ thù để bám trụ quê hương "một tấc không đi, một ly không rời" nuôi giấu cán bộ cách mạng, du kích địa phương ở các làng mạc trên dải đất miền Trung, không ai xa lạ với những căn hầm chìm, hầm nổi. Đó là những căn hầm dùng để tránh đạn bom. Những chiếc bao tải loại xác rắn được đổ đầy cát xếp từ hai đến ba lớp, vây thành hình vuông trong mỗi góc nhà tạo thành cái hầm nổi để mỗi gia đình làm chỗ ngủ qua đêm.

Loại hầm này chủ yếu đề phòng đạn lạc. Khi giặc bắn phi pháo hoặc thả bom, mọi người di chuyển xuống hầm chìm, căn hầm được đào sâu trong lòng đất, vách xây bằng gạch, mái là những tấm sắt dày, cong vòm mà quân đội Mỹ đưa sang Việt Nam để phục vụ xây dựng đồn bốt khi chiếm đóng. Song, nó vẫn được tuồn ra ngoài cho các nhà buôn và đồng bào ở vùng "trắng" (vùng giặc không chiếm đóng được nên liên tục ném bom, nã pháo) mua về sử dụng làm hầm chìm trụ bám. Nhưng, không chỉ có sắt tấm, những vùng chiến khu cách mạng bị giặc khoanh chì đỏ, ngày đêm dội bom đạn hòng tiêu diệt sự sống bộ đội và người dân đào hầm chữ A bám trụ đánh giặc. Hầm sâu trong lòng đất chừng 5m, gỗ, tre được xếp dày làm vách và làm nóc chữ A rất vững chãi.

Từ kinh nghiệm làm hầm tránh bom, đạn trong chiến tranh, có nhiều vùng ở miền Trung, người dân đã xây hầm tránh bão. Có nơi xây hầm nổi, có nơi đào hầm chìm; cũng có người làm hầm nửa chìm, nửa nổi cho tiện đi lại. Tránh bão, đồng nghĩa với việc tìm chỗ an toàn tránh cây đổ, tôn bay, nhà sập... không ít gia đình còn nảy ra sáng kiến làm ra hầm "2 trong 1". Có nghĩa người ta xây bê-tông cốt thép nhà bếp, nhà tắm... thành những căn hầm kiên cố. Cho dù bão có đổ bộ vào đất liền người dân vẫn có thể sinh hoạt. Còn những tài sản có giá trị, họ chuyển xuống hầm "2 trong 1" trú ẩn nên rất an toàn.

Mỗi mùa lũ lụt, lực lượng Công an phải sử dụng phương tiện canô đi cứu nạn, cứu hộ các vùng bị ngập nặng.

Chúng tôi về làng chài Phước Thiện, xã Bình Hải (Bình Sơn, Quảng Ngãi) sau đợt mưa to làm vỡ hồ trên núi Động Tranh dẫn tới hậu quả lở đất làm sập 9 ngôi nhà của ngư dân. Tới làng chài vào ngày mưa gió bời bời mới biết, khoảng 150 hộ dân đang trong nguy cơ sập nhà do biển xâm thực, bởi vách sau của mỗi căn nhà đều dựa lưng vào... chân sóng.

Anh Phạm Duy Phúc, Công an viên xã Bình Hải cũng là người dân của làng chài Phước Thiện nói rằng, ngày trước biển có bãi rộng nên ngư dân làm nhà dọc theo triền núi quay lưng ra biển để tránh gió thốc vào nhà. Nào hay vài năm gần đây biển xâm thực mạnh nuốt chửng bãi, tiến sát làng, làm sập, nứt không ít ngôi nhà. Tối 13 rạng sáng 14/11, mưa to làm nước tràn hồ trên núi, rồi hồ vỡ nước ầm ầm chảy xuống như thác dữ, xói lở con đường đi ra biển của ngư dân thành mương nước, dẫn đến hậu quả sập đổ 9 ngôi nhà, rất may các gia đình kịp thời sơ tán nên không thiệt hại về người. Điều rất lạ là ở đây ngư dân đều tự tin rằng, họ tránh được những cơn bão biển dữ dội nhất khi nó đổ bộ vào.

Anh Phúc cười: "Chứng minh rõ nhất là hơn 4 năm trở lại đây, làng không bị thiệt hại về người trong bão; dù là những cơn bão mạnh khủng khiếp. Cụ thể như năm 2009, cơn bão số 9, gió giật cấp 11, 12, huyện Bình Sơn được xác định là vùng tâm bão có gió cấp 13, vậy mà dân chài Phước Thiện vẫn thản nhiên bám làng. Đó là do rất nhiều gia đình ở làng chài đã xây hầm tránh bão chắc như... boongke".

Điển hình nhất trong phong trào làm hầm trú bão ở làng Phước Thiện phải kể đến hộ ông Nguyễn Trung Niên, đã dám bỏ ra 12 triệu đồng làm căn hầm nửa chìm, nửa nổi, vách đổ bê tông cốt thép dày 20cm. Căn hầm nhà ông Niên rộng 9,5m2 nên không chỉ mỗi gia đình ông trú bão mà còn là chỗ ẩn nấp an toàn cho nhiều bà con chòm xóm...

Mà không chỉ ở làng chài Phước Thiện, dọc vùng biển Quảng Nam, Quảng Ngãi thường niên bị ảnh hưởng của bão, hoặc bị bão trực tiếp đổ bộ vào, nhà nhà đều làm hầm trú ẩn. Ở thôn Châu Thuận Biển, thuộc xã Bình Châu, Bình Sơn, Quảng Ngãi, có gần 280 hộ dân đều xây hầm tránh bão.

Ở các xã vùng Đông, ven biển của tỉnh Quảng Nam như: Duy Nghĩa (Duy Xuyên), Bình Minh (Thăng Bình)... người dân rủ nhau làm hầm tránh bão kể từ sau trận bão Xangsane năm 2006. Ông Nguyễn Hoàng Diệu, nguyên Chủ tịch xã Duy Nghĩa, tâm sự rằng, trong trận bão Xangsane các gia đình đều sơ tán tránh bão, trở về nhà bị tốc mái khiến đồ đạc, tài sản trong nhà bị mưa ướt hết. Rút kinh nghiệm làm hầm tránh bom, đạn trong chiến tranh, các gia đình đều xây hầm tránh bão, cho nên từ đó trở đi dù có nghe tin đài báo bão sắp vào, người dân vẫn... bình chân như vại!

... đến chiếc thuyền nan trong lũ lụt

Trong những giải pháp phòng, chống lũ lụt ở miền Trung, có không ít người cho rằng nên làm đê bao các con sông như giống đê bao sông Hồng ở miền Bắc, để hạn chế lũ lụt, làm giảm thiểu thiệt hại. Có thể nói, phát ngôn như thế rõ ràng không hiểu biết gì về "tính nết" của lũ lụt miền Trung. Khắp miền Trung sông, suối dày đặc; nhiều nơi núi còn choài chân ra sát biển. Dãy Trường Sơn án ngữ phía tây các tỉnh miền Trung như tấm bình phong, nên mỗi khi có áp thấp nhiệt đới, hoặc gió bão làm mưa to kéo dài trên đại ngàn thì nước lũ ầm ầm theo sông, suối đổ về hạ lưu gây nên cảnh lụt lội.

Những em bé vùng lũ cũng được bố mẹ tập để bơi ghe nan vững chãi.

Nói vậy, Nhà nước sẽ phải bỏ ra bao nhiêu tiền để xây dựng đê bao khắp các sông suối miền Trung? Liệu các đê bao có hữu dụng khi độ dốc sông suối lớn, nước từ thượng nguồn tràn về như thác dữ?... Rõ ràng, cái giải pháp làm đê bao sông, suối, nói nghe hay, nhưng hoàn toàn phi thực tế!

Những năm gần đây, thủy điện bậc thang mọc lên ở khắp đại ngàn Trường Sơn, các nhà đầu tư thủy điện cho rằng, thủy điện sẽ điều hòa mực nước các con sông, hạn chế được lũ lụt ở hạ lưu; song đã làm được chưa? Ngược lại, lũ lụt ngày càng hoành hành hung bạo hơn. Chung quy, các nhà quản lý thủy điện vẫn tự... "vướng" ở khâu thực hiện quy trình xả lũ liên hồ. Khi có mưa to, mạnh thủy điện nào thủy điện ấy xả lũ. Việc làm đó cộng với nước lũ đã gây thiệt hại cho người dân...

Cảnh người dân dỡ mái ngói chui ra, vẫy tay chới với ở những căn nhà bị lũ ngập sâu tới nóc phát trên truyền hình đợt lũ lụt vừa qua đã làm xúc động bao tấm lòng đồng bào trong và ngoài nước. Rồi mọi người chung tay quyên góp giúp đỡ, sẻ chia nỗi đau thương mất mát của đồng bào miền Trung trong lũ lụt. Cảnh lũ lụt ở miền Trung tái diễn hằng năm và hằng năm các tấm lòng hảo tâm vẫn luôn hướng về miền Trung thân yêu sẻ chia hoạn nạn. Câu hỏi cứ canh cánh, sao không có một động thái hữu hiệu gì để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản trong mỗi mùa lũ lụt cho  đồng bào miền Trung?

Việc các thủy điện miền Trung xả lũ phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình vận hành liên hồ để giảm thiểu lũ lụt ở vùng hạ lưu có lẽ vẫn đang là đề tài "nóng" đặt ra cho nhà quản lý thủy điện và lãnh đạo chính quyền các địa phương. Mặc dù vấn đề đặt ra không còn mới. Điều đáng quan tâm ở đây là ngay bản thân người miền Trung, kể từ thuở tổ tiên của các dòng họ đến đất này sinh cơ, lập nghiệp cũng đã nghĩ đến việc "sống chung với lũ". Cho nên, về những làng quê quanh các con sông lớn như: Thu Bồn, Vu Gia (Quảng Nam), hay Trà Bồng, Trà Khúc (Quảng Ngãi)... ai cũng nhận thấy cái khác biệt đối với làng quê Bắc Bộ, hoặc Nam Bộ.

Những vùng trũng thấp ven sông thường niên bị ngập lũ, nhà nào cũng đắp nền cao, mỗi nhà đều có cái bếp giàn và đặc biệt là chiếc ghe (thuyền) nan. Nhà làm bốn cột có gác vững chãi để có nơi chất lúa, gạo, tài sản. Nước lũ dâng cao tràn vào làng, các gia đình nhanh chóng "hạ thủy" chiếc ghe nan thường treo ở chái sau nhà; nhanh chóng chuyển tài sản, lương thực lên gác nhà để không bị ướt. Và, nhà nào cũng vui vẻ bữa cơm gia đình được nấu trên bếp giàn. Tới lúc nước lũ dâng ngập bếp thì mới di chuyển "ông táo" là ba cục gạch, hoặc cái kiềng sắt 3 chân, lên một miếng sắt đặt trên miếng ván để vào giữa ghe nan, cùng với một ít gạo, lương thực và những bình nước uống rồi cả nhà lên ghe, lên gác mà ngồi. Nước lũ dâng cao tới đâu, ghe nổi tới đó, mọi gia đình vẫn có cái ăn, cái uống để chờ nước rút...

Một căn hầm tránh bão của người dân ở Duy Nghĩa, Quảng Nam.

Chúng tôi về xóm gò như hòn đảo nhỏ nằm giữa sông Thu Bồn vùng hạ lưu, thuộc xã Điện Phương (Điện Bàn, Quảng Nam) hỏi chuyện ông Đoàn Công Thức, mới biết: Ở miền hạ lưu sông Thu Bồn trũng thấp, chỉ cần nước lũ trên sông vượt mức báo động 2 đã gây ngập làng xóm. Vì vậy, sau trận đại hồng thủy năm Giáp Thìn (1964), ở làng nhà nào cũng tôn cao nền, làm kiên cố hơn. Hầu hết các gia đình đều sắm ghe nan đối phó với lũ lụt.

Chiếc ghe đan bằng tre trét dầu rái giá tiền không cao, nhưng là phương tiện đi lại rất dễ dàng trong ngõ ngách xóm làng khi bị ngập lụt, tiện lợi hơn cả canô, thuyền máy. Canô, thuyền máy chạy tạo ra sóng, càng dễ làm cho nhà sập khi đã bị nước lũ ngập tới mái nhà, làm xiêu chân cột; còn chiếc ghe nan với người cầm lái và chèo mũi "có nghề" thì giữa dòng lũ xoáy cũng không làm ghe lật úp. Cho nên, ở cái làng bé nhỏ như ốc đảo giữa sông, trong lũ lụt các tổ công tác cứu nạn, cứu hộ đều dùng ghe nan. Ngay những gia đình có nhà bị ngập lụt nặng, song vẫn tự cứu mình bằng chiếc ghe nan để chuyển dời tài sản, lương thực gửi sang nhà cao hơn trong làng, trong xóm...

Chiếc ghe nan rất hữu dụng cho đồng bào vùng lũ, vậy vì sao đề cập đến giải pháp giảm thiểu thiệt hại trong lũ lụt miền Trung nó chưa được quan tâm nhiều? Nên chăng, trong hàng loạt các giải pháp như: xây nhà cộng đồng cao tầng chống lũ; tầng hóa các trường học, cơ quan vùng thấp lụt; quy hoạch lại các hồ thủy lợi; đòi hỏi các thủy điện tuân thủ nghiêm quy trình xả lũ... nên có giải pháp hỗ trợ cho mỗi hộ dân vùng thường niên ngập lũ một chiếc ghe nan. Đồng thời mở những khóa tập huấn tại chỗ cho người dân, từ già tới trẻ của vùng ngập lụt biết bơi ghe nan vững chãi như những ngư dân trên sông nước?...

Chung quy, bàn về vấn đề giải pháp làm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản cho đồng bào miền Trung trong bão, lũ; bên cạnh những việc làm có thể Nhà nước phải tốn kém khá nhiều kinh phí, như: Quy hoạch các hồ thủy lợi; xây nhà cao tầng cộng đồng tránh lũ; hoặc tầng hóa các công trình, trường học để có chỗ cho người dân trú ngụ khi bị ngập lụt... nên chăng các nhà chức trách hãy nghĩ đến việc làm thiết thực trước mắt, đó là vận động người dân vùng biển bãi ngang thường có bão đổ bộ xây hầm tránh bão và hỗ trợ để mỗi gia đình vùng ngập lụt có được chiếc ghe nan hữu dụng?

Và, cùng với việc nâng cao ý thức người dân vùng thường niên bị bão, lũ thực hiện tốt hơn phương châm "5 tại chỗ", các gia đình đều có thể tự chằng chống nhà cửa mỗi khi có báo bão đổ bộ và chuẩn bị đầy đủ nhu yếu phẩm dự phòng để "trụ bám" vùng lũ trên mỗi chiếc ghe nan trong mùa lũ lụt ngập trắng xóm làng...

Long Vân
.
.