Đào kép thời nay: Bon chen cơm áo

Thứ Ba, 08/01/2013, 19:30

Ít ai biết được rằng, những đào kép trên sân khấu hàng đêm hóa thân vào những vở kịch trong vai một hoàng tử uy nghi, lẫm liệt, một công chúa đài các, thướt tha có người hầu kẻ hạ… thì ngoài đời, lại phải trở về với cuộc sống thực, với những nhọc nhằn, bon chen cơm áo. Họ lúc đó không nề hà bất kỳ một công việc lao động chân tay nào, cũng đổ mồ hôi, sôi nước mắt nghĩ đến mọi kế mưu sinh vì đồng lương diễn viên ít ỏi không thể nào nuôi sống họ và gia đình trong cơn bĩ cực…

"Khổ hơn thời… bao cấp!"

Đó là lời chia sẻ của diễn viên trẻ Phan Hiền (Nhà hát Chèo Việt Nam) khi được hỏi về đời sống của mình hiện nay. Một diễn viên trẻ chuyên vào những vai kép chính trong các vở diễn của Nhà hát Chèo Việt Nam, nhưng anh chỉ là một trong số cả trăm diễn viên tại đây đang lâm vào hoàn cảnh tương tự khi đối mặt với đồng tiền bát gạo mà đồng lương hơn 2 triệu đồng một tháng của anh (hơn 2 triệu đồng vì Phan Hiền đã có 12 năm thâm niên trong nhà hát, còn những bạn mới vào thì lương chỉ hơn 1 triệu đồng) không thể đủ cáng đáng và chi trả mọi khoản.

Anh tâm sự: "Tôi nhớ hồi còn ở quê Thái Bình, khi nghe những điệu hát chèo trên sóng phát thanh, truyền hình với những vai diễn đầy xúc động, tôi đã yêu và thi vào khoa Nghệ thuật dân tộc (Trường đại học Sân khấu Điện ảnh), học xong 4 năm, tôi may mắn được nhận về Nhà hát Chèo Việt Nam. Thực sự mà nói, đời sống của diễn viên chèo thời cả nước gian khổ chung thì không đến nỗi nào, nhưng càng ngày, xã hội phát triển đi ngược với việc nghệ thuật truyền thống bị phai nhạt trong lòng khán giả, thì những diễn viên chèo như chúng tôi đang phải đối mặt với những khốn đốn mà nhìn trước nhìn sau không có cách nào có thể gỡ được. Cũng may chúng tôi còn được cơ quan cho ở nhà tập thể nên không phải chi trả tiền thuê nhà đắt đỏ hiện nay".

Được biết, cũng chính vì "đất chật người đông" nên một căn hộ tập thể 20m2 của nhà hát được ngăn đôi cho hai hộ gia đình ở, mỗi hộ được 10m2. Anh Phan Hiền lập gia đình, sinh con, thỉnh thoảng hai vợ chồng bận đi diễn thì phải nhờ ông, bà nội ngoại lên trông, vậy là trong 10m2 đó, bình quân là có khoảng 4 người sinh sống. Điều kiện sinh hoạt vô cùng chật chội, lại chung lối đi, chung công trình phụ… nên người này phải nhường người kia, nhà này phải chờ nhà kia là chuyện thường ngày.

Phan Hiền chia sẻ, cũng có thể vì điều kiện sinh hoạt khổ sở, vất vả như thời… bao cấp ấy, nên vợ anh, một diễn viên tuồng, đã không thể chung lưng đấu cật cùng anh chờ đến ngày cam lai, cô ấy đã tìm một cuộc sống khác tốt hơn. Cũng chẳng thể trách được người phụ nữ làm nghệ thuật, dẫu sao với một ngoại hình ưa nhìn, sự khéo léo vốn có, sự giao lưu rộng mở, họ cũng có nhiều sự chọn lựa hơn cho chính bản thân mình.

Còn với Phan Hiền, anh dù đã cố gắng kiếm đủ nghề (ngoài những lúc đi diễn) như bán quần áo trẻ em ở chợ Đồng Xa (Cổ Nhuế - Từ Liêm), chạy đi làm đạo cụ cho các vở diễn, đi múa lân ở các lễ hội…. cũng chỉ thêm được đồng ra đồng vào nuôi con gái ăn học và trang trải cuộc sống thường ngày, chứ chưa biết đến một ngày xa xăm nào, có thể khi anh 50, 60 tuổi hoặc cũng có thể chẳng bao giờ anh nghĩ đến việc mua nhà để có thể cho con gái (hiện đang ở cùng anh) một mái ấm thực sự.

Không chỉ riêng Phan Hiền, mà hầu hết các diễn viên trẻ trong nhà hát đều có hoàn cảnh tương tự, nhà tập thể không đủ, phải ở ghép hai gia đình, ba gia đình là chuyện thường. Mới đây, hai vợ chồng em Hiền, Chương, diễn viên của nhà hát, lập gia đình, vì chưa có con nên phải ở chung hộ tập thể cùng với 4 cô diễn viên khác, dù biết điều kiện ngặt nghèo, khó khăn và đầy sự bất tiện nhưng chẳng còn cách nào khác, người thì càng ngày càng đông, chứ đất và nhà thì có "đẻ" ra được đâu.

Tôi hỏi vui Phan Hiền, bị vợ bỏ đã gần 4 năm, anh có nghĩ về một gia đình mới? Phan Hiền cười xót xa rồi lắc đầu quầy quậy: "Ôi, bây giờ nghĩ đến việc lấy vợ là tôi thấy… hãi. Vì người con gái nào có ý định đến với tôi mà nghe tôi giới thiệu: anh là diễn viên chèo, anh ở nhà tập thể của cơ quan, anh nuôi con gái nhỏ, thì chắc chắn họ… chạy một mạch không ngoái lại. Bất cứ là cô gái nào rồi cũng sẽ bỏ bố con tôi mà đi thôi. Thôi thì được ngày nào tốt ngày đó, trót yêu nghề và sống với nghề thôi, giờ đây, hai bố con tôi cũng tạm ở vậy nuôi nhau bằng đồng lương ít ỏi. Con mình không đủ điều kiện như con người ta nhưng tôi vẫn không để cho con phải quá thiếu thốn. Cũng may mà dù nghèo nhưng anh em trong nhà hát rất đoàn kết. Tôi đi diễn có thể gửi con cho các cô chú trông hộ mà không phải lo lắng bất cứ một điều gì…".

Cảnh trong vở “Lấp lánh sao khuê” của Nhà Hát Chèo.

"Chân ngoài dài hơn chân trong"

Diễn viên Nguyễn Tiến Hiệp (nghệ danh Hiệp "Vịt" - Nhà hát Cải lương Hà Nội) là "con nhà nòi", bố anh, cố NSƯT Linh Dược từng là một diễn viên hài nổi tiếng của Nhà hát Cải lương Việt Nam. Cũng bởi sinh ra trong môi trường xung quanh toàn là các cô chú nghệ sĩ, nên Tiến Hiệp từ bé đã yêu sân khấu và từng ước mơ có một ngày mình được vào vai hoàng tử uy nghi, lẫm liệt với những bộ quần áo sang trọng, quyền thế trên sân khấu. Học tại Trường Nghệ thuật Hà Nội (Nguyễn Thái Học) được một năm Tiến Hiệp trở về làm công tác phong trào tại các phường, xã và tham gia vào các đoàn không chuyên ở các tỉnh vì không đủ điều kiện thi tuyển vào các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp.

Thời ấy, cải lương còn là một "món ăn" sang trọng và cao giá. Nhiều năm đi diễn ở các đoàn nghệ thuật không chuyên, Tiến Hiệp có được kinh nghiệm và diễn hài khá tốt, nổi bật ở các vở diễn. Năm 1989, khi đang diễn ở Hải Phòng, các đồng chí lãnh đạo đoàn Cải lương Chuông Vàng (nay là Nhà hát cải lương Hà Nội) đã xin Tiến Hiệp về đoàn. 23 năm trong nghề, cho đến nay, gia tài của Tiến Hiệp chỉ vỏn vẹn là những vai diễn hài trong các vở cải lương. 23 năm qua chưa được vào biên chế nhà nước, không có nhà để ở, hiện tại Tiến Hiệp vẫn phải thuê nhà ở ngoài và chạy vạy kiếm thêm các "sô" diễn hài để nuôi vợ con.

Khi hỏi anh đang làm thêm gì để sống thì anh chia sẻ: "Tôi chạy vạy những sô hài nhỏ để sống. Có người nói rằng, tôi lấy tên Hiệp "Vịt" để ăn theo vai diễn của Hiệp "Gà", điều này đúng mà cũng không đúng. Chuyện là thế này: Trong một show diễn của Nhà hát Cải lương Hà Nội tại một tỉnh xa, trước hàng trăm khán giả đến xem, NSƯT Đào Trung, nhạc công của đoàn đã đứng lên quảng cáo trước bà con: "Đêm nay có danh hài Hiệp "Vịt" đến với chúng ta". Ban đầu chỉ có ý định vui là chính thôi, nhưng đêm hôm ấy, tiểu phẩm của tôi khá hay và đón nhận được hàng tràng vỗ tay của khán giả và cũng từ đó, tôi thấy, tại sao mình không là Hiệp "Vịt" chứ? Điều này chẳng có gì là không thể. Tôi tin bản thân tôi có thể đưa đến cho khán giả những tràng cười thú vị.

Tuy nhiên, nói thì nói vậy, nhưng diễn hài hoàn toàn không đơn giản, nhất là khi tôi chưa phải là một cây hài có tiếng tăm như những người khác. Các "sô" diễn hài mà ông bầu mời tôi và bạn diễn thường ở các tỉnh xa, đêm hôm, rét mướt hay nắng nóng đều phải bắt xe khách lên đến tận nơi với số tiền cát-xê ít ỏi. Diễn xong, 2-3 giờ sáng vẫn phải bắt xe trở về vì nếu ở lại thuê trọ, ăn uống thì coi như không còn đồng nào mang về nuôi vợ con cả. Đôi khi ngồi trên xe ôtô khách ứa nước mắt vì mệt nhoài, chỉ mong về đến nhà để chợp mắt một lúc. Nhưng sáng sớm dậy là đối diện với cuộc sống cơm áo, là tiền sữa, tiền học của con…

Đồng lương diễn viên và tiền thù lao đi diễn của Nhà hát chỉ chừng 50 nghìn/ đêm làm sao mà sống được. Tôi đi diễn hài còn xoay xở đồng ra đồng vào, những diễn viên khác thì chạy xe ôm, làm tóc, buôn bán thêm… để kiếm sống. Trong Liên hoan sân khấu Hài toàn quốc (tháng 11-2011) tại Quảng Ninh tôi đã may mắn đoạt Huy chương Vàng với trích đoạn "Tấm vé số", tôi thấy rằng, cuộc đời của mỗi con người đúng là như tấm vé số thật, đầy may rủi. Cũng là yêu và hy sinh cho nghệ thuật, nhưng những người đi hát nhạc nhẹ, nhạc trẻ dù họ mới khởi nghiệp song ngay lập tức nhờ bầu sô, nhờ thời thế, nhờ thị trường… có thể kiếm hàng chục triệu một bài hát, còn những nghệ sĩ theo nghệ thuật truyền thống, học hành bài bản, rèn luyện bằng cả một đời cống hiến và hy sinh, nhưng, thực tế là họ không đủ sống ở mức trung bình trong xã hội bây giờ. Nói gì đến mua nhà, sắm xe.

Đối với tôi, kiếm sống bằng sức lao động chân chính chẳng có gì là đáng hổ thẹn, nhưng buồn nhất là khi đi diễn hài ở các đám cưới, đám hỏi, mình được mời đến thì cứ làm việc rồi lấy tiền đi về thôi, nhưng nhiều khi, người ta mải ăn uống, chúc tụng chẳng có nổi một tiếng vỗ tay cho nghệ sĩ dù họ đang rạc cổ họng diễn trên sân khấu. Đôi khi nghĩ bụng, ê chề thế này thì thôi lần sau chẳng nhận lời nữa, nhưng không làm thì biết lấy gì để sống, để trả tiền thuê nhà và còn bao thứ phải lo… Thế là đành tặc lưỡi cho qua để lại tiếp tục nhận lời làm các "sô" lớn nhỏ".

Được biết khá nhiều đoàn nghệ thuật truyền thống hiện nay ngay trên địa bàn thủ đô chứ chưa nói đến ở các tỉnh xa xôi đang đối mặt với nhiều vấn đề nan giải của đời sống cơm áo gạo tiền. Một vài gương mặt tài năng đặc biệt thì còn có cơ hội trụ lại với nghề bằng những hợp đồng đi biểu diễn tại các chương trình, hội nghị hoặc những nơi sang trọng và đủ tự tin để vinh danh nghề mà mình đã được học, được đào tạo và mê say; còn lại, hầu hết những diễn viên trẻ, nhất là những bạn tỉnh xa ở lại lập nghiệp tại Hà thành thì đang đối mặt với nhiều vấn đề khó khăn của đời sống. Tiền lương không đủ trang trải họ thường phải làm đủ mọi nghề để kiếm sống với đủ vui buồn, tủi nhục...

Vấn đề đặt ra ở đây là các cấp quản lý có thấu hiểu được nỗi niềm của đào kép thời nay để có những giải pháp hữu hiệu đối với các đoàn nghệ thuật truyền thống? Bây giờ, tại các trường đại học, việc tuyển diễn viên nghệ thuật dân tộc là một việc làm nan giải, vì hầu hết các gia đình đều không muốn cho con, em mình đi theo nghề "con hát" nhọc nhằn mà nghèo khó này. Vậy liệu trong một tương lai gần, khi xã hội ngày càng phát triển với tốc độ chóng mặt của công nghệ số, của phim ảnh trực tuyến, của các trò chơi bắt mắt hiện đại… những người già mê sân khấu kịch cũng dần đi về thiên cổ, thì những bạn trẻ đương đại, mấy ai còn biết đến sân khấu truyền thống, mấy ai còn đủ cảm hứng để đến  nhà hát xem ngay cả không phải bỏ tiền mua vé vào cửa? Giải pháp vực dậy văn hóa, nghệ thuật truyền thống không còn là chuyện nói vậy để đó hay từ từ rồi tính mà đang thực sự gióng lên hồi chuông cảnh báo để cần một sự đầu tư thích đáng, rõ ràng và có hệ thống của nhiều cấp quản lý.

NSƯT Thanh Ngoan: Là Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam, cáng đáng và vận hành một cỗ máy 150 con người trong thời cơ chế thị trường khó khăn thế này đối với tôi là một công việc thực sự vất vả. Dù là nhà hát chèo quốc gia được Nhà nước quan tâm rất nhiều nhưng thực tế là cũng chưa sâu sát, chưa có trọng điểm. Ngoài lương thì nguồn kinh phí Nhà nước cấp cho tập luyện, biểu diễn quá thấp nên không đủ để vực dậy những tài năng say nghề.

Nghề hát không chỉ cần hát mà còn cần giữ một ngoại hình, vóc dáng, phải đẹp, phải phấn son quần áo… phải giữ hình ảnh đẹp trước công chúng thì với đồng lương là 20 nghìn/ ngày tập luyện, 50-100 nghìn/ buổi biểu diễn họ không yên tâm để sống được. Chúng tôi không ỉ lại mà đã làm mọi điều để vực dậy cái nghề mà mình đam mê nhưng chỉ bản thân nghệ sĩ cố gắng thôi chưa đủ.

Thiết nghĩ, Nhà nước có lẽ nên đầu tư sâu hơn, trực tiếp hơn cho anh em nghệ sĩ để họ yên tâm làm việc mà không phải thấp thỏm chờ "sô" diễn bên ngoài, thì mới vực dậy được nghệ thuật truyền thống đã có từ lâu đời của dân tộc ta.

Thiên Kim
.
.