Đạo nhạc: Khi “vải thưa không đủ che mắt thánh”

Thứ Ba, 02/03/2021, 20:49
Những năm gần đây, câu chuyện đạo nhạc ở Việt Nam ngày càng nhiều, ngày càng tinh vi. Thậm chí, nạn đạo nhạc còn khiến giới trong nghề và khán giả ngán ngẩm như một “căn bệnh trầm kha”, nhất là trong giới sáng tác trẻ được kỳ vọng là có tài, có cá tính, có thể góp phần làm nên diện mạo của âm nhạc Việt hiện đại.


“Chuyện thường ngày ở huyện”

Cách đây vài tuần, MV “Chúng ta của hiện tại” của Sơn Tùng M-TP bị một tài khoản người Việt báo cáo kênh YouTube của GC (tên thật là Gary, một nhà sản xuất âm nhạc chuyên sản xuất beat online, sống ở Anh), cho rằng beat (nhạc đệm) của ca khúc giống beat “Is your mine” của Bruno Mars. 

Đến ngày 22-2, MV không còn hiển thị trên YouTube. Tài khoản YouTube GC cho biết, phía ê-kíp Sơn Tùng thừa nhận đã... tham khảo phần beat. Trước phản ứng của không ít người hâm mộ quá khích của Sơn Tùng, GC phản hồi rằng đã nghe ca khúc và nhận định nốt, cách sắp xếp, phối khí, giai điệu điệp khúc quá giống nhau nên không thể gọi là tham khảo được.

“Tôi đã chịu đựng đủ rồi... Đặc biệt, đây không phải lần đầu tiên một nghệ sĩ Việt Nam làm điều đó. Nếu anh ấy và ê-kíp của anh ấy chỉ đơn giản là liên hệ với tôi, tôi sẽ sẵn sàng giúp đỡ trong công việc”, GC viết. Không những vậy, từ phản hồi trên YouTube, nhiều người cho rằng giai điệu ca khúc không chỉ tương đồng với beat “Is your mine” mà còn với ca khúc “R&B All Night” (KnowKnow).

Sơn Tùng M-TP trong MV “Chúng ta của hiện tại”.

Ít ngày sau, MV “Có chắc yêu là đây” của Sơn Tùng tiếp tục bị tố có nhiều điểm tương đồng với bài “Lucky” được nhà sản xuất âm nhạc Robin Wesley (Hà Lan) đăng trên YouTube vào tháng 11-2019. Chiều 23-2, Robin Wesley công chiếu video phần nhạc nền bài “Lucky” kèm mô tả: “Bản beat này được Robin Wesley sản xuất chính thức vào ngày 16-11-2019 với tên gọi “Lucky”. Sản phẩm này chỉ được sử dụng khi có sự cho phép”. 

Ngoài ra, trên website chính thức, phía Robin Wesley phản hồi: “Cảm ơn mọi người đã lên tiếng việc sử dụng beat của tôi mang tên “Lucky” trong bài hát “Có chắc yêu là đây”. Rõ ràng là những sai lầm đã diễn ra và tôi thì không “may mắn” như tên bài hát. Xin hãy tử tế và tôn trọng lẫn nhau trong khi chúng tôi đang cố gắng giải quyết vấn đề này với nghệ sĩ”.

Đây không phải lần đầu tiên giọng ca gốc Thái Bình vướng phải nghi án đạo nhạc. Trong quá khứ, hầu như các bài hát của Sơn Tùng khi ra mắt khán giả đều bị cho là lấy ý tưởng, nhạc nền, vũ đạo hay hòa âm phối khí của một bài hát ngoại nào đó. Chẳng hạn như ca khúc “Chắc ai đó sẽ về” rất giống với ca khúc “Because I miss you” (ca sĩ Jung Yong Hwa), “Em của ngày hôm qua” có một số đoạn nhạc khá trùng hợp với “Every night” của nhóm nhạc EXID (Hàn Quốc), “Nắng ấm xa dần” được nghi là lấy beat từ một ca khúc Hàn Quốc khác, hoặc “Cơn mưa ngang qua” lại có phần beat giống với nhạc phẩm “Sarangi Mareul Deutjianha” của nhóm Namolla Family...

Vấn nạn đạo nhạc ở ta liên tục xuất hiện trong nhiều năm qua, như “chuyện thường ngày ở huyện”. Tháng 11-2017, MV “Chạm khẽ tim anh một chút thôi” của Noo Phước Thịnh cán mốc 30 triệu lượt xem bất ngờ “bốc hơi” khỏi YouTube vì vấn đề bản quyền. Nhạc sĩ người Mỹ Zack Hemsey sau đó còn gửi đơn kiện huấn luyện viên The Voice 2018 vì đã sử dụng ca khúc “The Way” để đưa vào MV mà không hề có sự đồng ý của anh. Vì vậy, Zack Hemsey quyết định kiện nam ca sĩ và yêu cầu Noo Phước Thịnh bồi thường 850 triệu đồng, trong đó, thiệt hại về vật chất là 500 triệu đồng, 50 triệu đồng cho thiệt hại tinh thần và 300 triệu đồng là chi phí thuê luật sư.

Ca sĩ Mỹ Tâm từng bị nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng tố cáo ca khúc “Anh thì không” vi phạm bản quyền. MV “Sống xa anh chẳng dễ dàng” của nữ ca sĩ Bảo Anh suýt bị xóa khỏi YouTube vì sử dụng đoạn nhạc từ hai bản hòa âm của nhà soạn nhạc phim “Ivan Torrent” mà không xin phép. Nhờ nhanh chóng bổ sung lời cảm ơn đến tác giả dưới phần thông tin MV mà Công ty Epic Elite và nhạc sĩ không kiện, chỉ lấy tiền bản quyền giá trị 100 triệu đồng.

Những lỗ hổng pháp lý

Khi một tác phẩm bị phát hiện đạo nhạc thì đương nhiên, người sáng tác bị xử phạt. Tuy nhiên, thời gian qua, những lùm xùm đạo nhạc đã bị phát hiện rõ ràng nhưng “kẻ cắp” vẫn nhởn nhơ thu lợi trên các ca khúc triệu views. Một trong những nguyên nhân chính là do Việt Nam chưa có khung pháp lý rõ ràng để xử lý các trường hợp đạo nhạc, ngay cả khái niệm thế nào là “đạo nhạc” cũng chưa được xác định trong Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung.

Năm 2014, khi ca khúc “Chắc ai đó sẽ về” của Sơn Tùng M-TP bị tố đạo nhạc, một hội đồng thẩm định của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam gồm các nhạc sĩ uy tín đã được thành lập, ca khúc bị xác định giống tới 90% phần beat của một ca khúc Hàn Quốc. Tuy nhiên, ngay giữa các thành viên trong hội đồng cũng nổ ra tranh luận về việc mượn beat có phải là “đạo”, “nhái” hay không. Kết quả là ca khúc vẫn được lưu hành mà chỉ cần thay đi phần phối khí. Cũng vì thiếu những quy định cụ thể và khung pháp lý cho nên lâu nay, việc xử lý thường chỉ dừng ở cấp Hội Nhạc sĩ hay ban tổ chức cuộc thi với các hình thức như cảnh cáo, tước giải thưởng nên không đủ sức răn đe.

Theo nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung, việc phân định một tác phẩm có giai điệu, tiết tấu có khác nhau hay không không phải dễ dàng. Đôi khi nghe một ca khúc, họ bị ghi nhớ đến lúc viết ra giai điệu ca khúc của họ thì giai điệu kia bật ra trong vô thức. Họ cứ nghĩ mình sáng tạo ra giai điệu ấy, vô tình trùng lắp... Bên cạnh đó, sáng tác ca khúc có rất nhiều khâu. Có nhạc sĩ chuyên viết lời, giai điệu, có nhạc sĩ chuyên hòa âm. Nhạc sĩ hòa âm luôn học cái mới, bổ sung vốn kiến thức. Đôi khi họ nghe những tiết tấu, hoặc mua một số beat trên mạng, một số beat được mua hợp pháp, một số beat họ nghe và lấy ý tưởng đó đưa vào bài. Nếu có sự giống nhau giữa các ca khúc, trong trường hợp này là do nhạc sĩ hòa âm chứ không phải nhạc sĩ sáng tác. Do đó, sự phân định đạo nhạc phải xem kỹ là đạo cái gì, đạo phần nào và quy trách nhiệm về đúng người.

“Trên thế giới có những nhạc sĩ chuyên làm những beat nhạc mang tính xu hướng để bán cho các nhạc sĩ sáng tác khác. Chuyện mua bán này có thể độc quyền hoặc không. Miễn việc mua bán diễn ra một cách rõ ràng, công khai và có sự công nhận, tên người hòa âm beat đó trong sản phẩm âm nhạc, thể hiện sự tôn trọng Luật Bản quyền”, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung phân tích.

Nhạc sĩ Trần Minh Phi.

Nhưng, điều đáng nói là những ca khúc được sao chép một phần ca khúc nước ngoài vẫn làm điên đảo giới trẻ yêu âm nhạc Việt Nam. Nhạc sĩ Trần Minh Phi - người từng tích cực phê phán vấn nạn đạo nhạc trong nhiều năm qua phải thốt lên: “Tất cả quy về một mối là do thị hiếu của khán giả quyết định. Khán giả chấp nhận thì đạo nhạc tồn tại. Có những nước dân trí cao, người ta không chấp nhận nghe bài đạo nhạc thì tự nhiên bài hát đó sẽ chết, chứ không cần ra văn bản cấm đoán. Còn ở ta, nếu càng nhắc, càng phê phán thì lại như càng tiếp tay, quảng cáo cho họ thêm, người ta đổ xô xem vì tò mò”.

Đạo đức nghề nghiệp ở đâu?

Ðã từ lâu, việc sao chép nhạc như một phương pháp sản xuất bài hát với mục đích ăn xổi là kiếm tiền và nổi danh, chạy theo thị hiếu, bất chấp pháp luật, không coi trọng tư cách và nhân phẩm trở thành thực trạng đáng buồn. Chuyện “chôm chỉa” này được công khai trước công luận đã rung một hồi chuông báo động kịp thời những biểu hiện gian lận trong sáng tác âm nhạc. 

Giáo sư, nhạc sĩ Ca Lê Thuần, Tổng Thư ký Hội Âm nhạc TP Hồ Chí Minh từng gay gắt phê phán: “Trong nghệ thuật, nếu ăn cắp hoặc sao chép sự sáng tạo của người khác thì xin đừng làm nghệ thuật nữa! Ðây quả là bài học để các nhạc sĩ phải thận trọng khi phổ ca khúc nước ngoài lời Việt. Các cơ quan chức năng về bản quyền cần cho ra đời sớm những văn bản pháp quy trong lĩnh vực này. Việc không có quy định về việc nhất thiết phải để tên tác giả rõ ràng đã tạo điều kiện cho sự bắt chước và ăn cắp”.

Ca sĩ Bảo Anh phải mua bản quyền 100 triệu đồng, cứu an toàn MV “Sống xa anh chẳng dễ dàng” trên YouTube.

Theo nhạc sĩ Trần Minh Phi, việc đạo nhạc bị lên án nhưng không ai xử lý thì sẽ trở thành thói quen. Một khi thói quen đó ăn sâu trong tiềm thức thì người ta thấy đó là chuyện bình thường, thế nên nói cũng không có ý nghĩa gì nữa. “Vì vậy chỉ còn chờ ứng xử có đạo đức hay không của người sáng tác thôi. 

Không ai lên án, không ai kết tội thì người ta sẵn sàng đạo nhạc, miễn có người nghe, có người khen ngợi, miễn nổi tiếng, có tiền... Họ đạt được mục đích, còn phương tiện hay cứu cánh thế nào thì không còn là vấn đề. Những người có quy phạm đạo đức đặt ra cho mình thì sẽ không cho phép đạo nhạc. Nhưng những nhạc sĩ trẻ bây giờ chỉ quan tâm 2 yếu tố: Bài hát có ăn khách hay không và có bị cấm hay không. Thậm chí, họ chấp nhận mang tiếng... ăn cắp”, ông Phi nói.

Đồng quan điểm, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cho rằng, chưa bàn đến chuyện có đạo nhạc hay không, vì chỉ có chính tác giả mới là người biết rõ nhất rằng tác phẩm của mình, và việc này, hoàn toàn phụ thuộc vào đạo đức và ý thức làm nghề của họ.

Những lùm xùm đạo nhái trong âm nhạc chưa biết bao giờ sẽ kết thúc, đặc biệt trong thời đại công nghệ phát triển như hiện nay. Tuy nhiên, khi ồn ào tranh cãi có thể bị thời gian “tẩy trắng”, người chịu hậu quả lớn nhất không ai khác chính là những người sáng tác. Nếu cứ quẩn quanh mãi ở sự “học hỏi” hay “vô tình trùng lắp” thì mãi mãi không tạo nên chất riêng, phong cách người nghệ sĩ. 

Hay nói như cách của nhạc sĩ Trần Minh Phi: “Nếu thế, ăn cắp và ăn trộm vẫn có thể xem một nghề được không khi mà để thực hiện những hành vi đó, người ta cũng phải dùng sức lao động và hao tâm tổn trí tìm cách và phương án tối ưu để trộm cắp”.

Thảo Dung
.
.