Đạo nhạc, sao vẫn bất phân thắng bại?

Thứ Ba, 09/08/2016, 09:30
Sau một lần lập hội đồng chuyên môn phân xử chuyện đạo nhạc dành riêng với "ca" của Sơn Tùng M-TP với ca khúc "Chắc ai đó sẽ về", nhưng vẫn bất phân thắng bại, lần này, chàng trai tiếp tục dính nghi án "đạo" trong tác phẩm mới - "Chúng ta không thuộc về nhau" - đang bị dư luận kịch liệt lên án. Nhưng, cùng đó, người bênh vực chàng trai cũng đông không kém người "ném đá". Tại sao chuyện "đạo nhạc" từng được đề cập rất nhiều lần, vẫn bất phân thắng bại?

Lại vẫn là Sơn Tùng?

Ca khúc "Chúng ta không thuộc về nhau" của Sơn Tùng MTP vừa ra mắt với 5.000 khán giả, sau 24 giờ có đến 3.000.000 lượt người xem trên Youtube. Nhưng, cũng ngay trong 24 giờ đầu khi ca khúc chính thúc được tung lên mạng, Sơn Tùng một lần nữa bị tố "đạo". Lần này, những tai nghe sành sỏi chỉ ra rằng, ca sĩ Thái Bình không chỉ đạo nhạc Hàn, mà "đạo" từ Đông sang Tây.

Sơn Tùng M-TP.

Cụ thể, một nick name chia sẻ bình luận hài hước: "Cái MV của Sơn Tùng MTP - "Chúng ta không thuộc về nhau" ngoại trừ Beat giống "We don't talk anymore" - Cảnh đẩy vào bồn sữa giống Eureka của Zico - cảnh trên đường ray giống BigBang - Cảnh lắp ráp búp bê như trong bài "Error" của VIXX - Cảnh nằm trên đường ray giống Sehun trong "Love Me Right" của EXO - Hình ảnh nguyên một dải bàn tiệc trắng như MV "Monster" của EXO - Áo blouse trắng thì như Baekhyun trong "Unfair" - Outfit lúc dance giống Kai trong "Call Me Baby" của EXO - Hình xăm trên tay giống G-D trong "That XX" - Xăm hình ngay cổ như G-D trong "Loser" của BigBang - Cảnh phun khói giống "Why" của Taeyeon & Sober của BigBang - Cảnh nắm tay búp bê giống như cảnh G-D nắm tay tượng nữ thần trong Bae Bae của BigBang - Phân khúc rap thì bê nguyên phần rap của Rap Monster trong "Fire" của BTS vào - Tạo hình nhân vật thì cứ liên tưởng tới T.O.P trong "Loser" nữa cơ - Phần dance đội hình như "Cause I Love You" của Noo… thì tất cả đều hay cả".

Chuyện Sơn Tùng bị lên án vì đạo nhạc không chỉ lần đầu. Bởi từ "Em của ngày hôm qua", ca khúc nằm trong top các bài hát đầu tiên chàng trai này được yêu mến đã bị phát hiện có sự tương đồng trong phần nhạc nền với "Every night" của nhóm nhạc Hàn Quốc EXID. Nghi án này đã khiến ban tổ chức chương trình "Bài hát yêu thích" quyết định loại ca khúc này và hai bài hát khác của Sơn Tùng M-TP ra khỏi bảng xếp hạng.

Tiếp đó, năm 2014, một nhóm nghệ sĩ còn lập hẳn một hội đồng chuyên môn để phân tích về "Chắc ai đó sẽ về", đi đến kết luận, ca khúc bị ảnh hưởng từ một bài hát của Hàn Quốc về hòa âm và ra quyết định cấm lưu hành bài hát cho tới khi sửa lại phần beat. Đáng nói, các ca khúc trước đây của Sơn Tùng như "Cơn mưa ngang qua", "Nắng ấm xa dần" đều vướng nghi án "mượn" giai điệu của ca khúc Hàn. Sơn Tùng cũng thừa nhận, bản thân nghe nhiều và ảnh hưởng bởi làn sóng K.Pop.

Những "bữa cơm" đầy sạn

Nhưng, thực tế thì không chỉ có Sơn Tùng mà tại Việt Nam, chuyện "đạo", "nhái" hoặc "viết nhầm" tên tác giả diễn ra như cơm bữa. Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng từng bị khởi kiện vì bị cho là tự ý sửa lại tên bài hát và ghi sai tên tác giả ca khúc "Chút tình phai" trong một album. Sau đó, câu chuyện này được xác định là "Mr Đàm" đã mua lại ca khúc này không phải từ chính tác giả mà từ một người mạo danh là tác giả, tức là mua của một người "ăn cắp".

Ngay ở những chương trình có uy tín như Bài hát Việt, ban tổ chức chương trình từng phải đưa ra quyết định thu hồi giải thưởng vì ca khúc đoạt giải "Bài hát của tháng" được cho là đạo nhạc.

Cụ thể, 5 chàng trai của nhóm FB Boiz  lần đầu trình diễn ca khúc "Tương tư" - ca khúc nhóm tự nhận mình sáng tác. Ca khúc được Hội đồng thẩm định cho rằng có sự trẻ trung, sôi động với màn bè phối ăn ý, dẫn lối cảm xúc cho khán giả và nhận được nhiều cảm tình của người nghe. Kết quả, "Tương tư" được trao giải Bài hát của tháng.

Nhưng, ngay sau đó ban tổ chức đã xem xét lại và phát hiện ra rằng bài hát "Tương tư" đã được sáng tác dựa trên phần nhạc đệm có sẵn từ một bài hát khác của Hàn Quốc. Với tiêu chí của chương trình Bài hát Việt thì ca khúc "Tương tư" đã vi phạm quy định là: viết giai điệu và lời ca dựa trên phần nhạc đệm đã có, ý tưởng âm nhạc và cấu trúc của một bài hát khác. Bởi vậy, ban tổ chức quyết định thu hồi lại giải thưởng.

Ngoài các trường hợp điển hình nêu trên, câu chuyện "đạo", "nhái" trong âm nhạc thỉnh thoảng lại được phát hiện. Nhưng, câu chuyện của Sơn Tùng M-TP luôn nóng hơn, bị lên án phản đối kịch liệt hơn, một phần lớn lý do là, chàng trai này nhận được nhiều yêu mến của công chúng hơn những trường hợp khác.

Khi giới chuyên môn cũng “bất phân thắng bại”

Có một thực tế là, việc dùng beat có sẵn để viết nhạc là chuyện đã khá phổ biến trong giới sáng tác ở Việt Nam nhiều năm qua, nhưng… kín. Kín là bởi vì phần đông dựa trên nền nhạc đó mà "sáng tạo" lại bằng cách thay đổi vài nốt nhạc chỗ này, vài nốt chỗ kia. Khi nghe tổng thể ca khúc thì nhận ra là giống với một ca khúc khác nhưng không thể nói đó là đạo nhạc. Thậm chí một thời gian dài, vài nhạc sĩ được gọi là có tiếng của nhạc Việt cũng sử dụng phương pháp này để "sáng tác", chủ yếu là lấy nhạc Hoa.

Nhạc sĩ Lưu Thiên Hương đã chỉ ra chính xác chuyện hậu trường sáng tác hiện nay của một bộ phận nhạc sĩ trẻ rằng: một ca sĩ nào đó lên mạng thấy một ca khúc hay, có thể ăn khách bèn tải về và nhờ người biết nhạc làm hộ một bài giống như vậy. Tuy không đến nỗi là bê nguyên si nhưng tuyến giai điệu thì sẽ chạy theo vì bị ảnh hưởng.

Nữ nhạc sĩ cho biết, cái tiện của giới sáng tác trẻ bây giờ là mạng nhưng cũng chính nó làm hư hỏng họ bởi họ có thể dễ dàng tiếp cận với những ca khúc nước ngoài và thậm chí là lấy beat về.

Nhạc sĩ Dương Khắc Linh cũng bày tỏ thái độ lên án với các trường hợp "mượn" beat sáng tác. Anh cho rằng, đó là hành động góp phần triệt tiêu động lực sáng tạo của người viết. Bởi một khi việc "vay mượn" ấy bị phát hiện thì không những bản thân người "sáng tác" kia bị lên án mà thể diện của VPop cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Nhạc sĩ Dương Khắc Linh cho biết giới làm nhạc cũng như công chúng Hàn đã biết việc một số ca khúc nước họ bị ta sử dụng mà không xin phép, nên dù không phải là câu chuyện của bản thân, nhưng anh vẫn cảm thấy xấu hổ.

Tuy nhiên, nhạc sĩ Nguyễn Cường lại cho rằng, việc lấy beat có sẵn trong sáng tác không đáng bị lên án nặng nề đến vậy. Bởi trên thế giới, từ hàng trăm năm trước, câu chuyện này đã vẫn luôn diễn ra. Đơn cử, ông đưa ra trường hợp ca khúc "Ave Maria" là trường hợp điển hình của việc viết trên nền beat một bản nhạc nổi tiếng.

Trong một diễn biến khác, nhiều trường hợp, các ca khúc của những người nổi tiếng nước ngoài cũng có nhiều nét tương đồng với các ca khúc Việt Nam. Đơn cử trường hợp một phần giai điệu ca khúc “Princess Of China” của Rihanna và Coldplay trong album 'Mylo Xyloto' phát hành ngày 17-10-2011 bị phát hiện có những trùng lặp với bài hát “Ra ngõ tụng kinh” của nhạc sĩ Trần Tiến, mặc dù ca khúc của nhạc sĩ Trần Tiến viết từ trước đó rất lâu.

Xử phạt khó như… lên trời

Tại sao vấn đề vi phạm bản quyền ca nhạc vẫn diễn ra nhan nhản từ chính những người làm nghề? Câu trả lời chính xác khó lòng tìm thấy, nhưng có một thực tế, nhiều khi chính người làm nghề cũng không có một khung chuẩn để nương theo đó làm việc.

Sẽ khó có sự khẳng định và xử phạt của nhà quản lý về những trường hợp đạo nhạc ồn ào vừa qua là bởi vì việc xác định chính xác một ca khúc có đạo nhạc hay không rất khó. Khi nghe qua thì biết là có sự đạo nhạc nhưng đi vào phân tích chi tiết thì lại không, bởi quy định hiện nay là một bài hát có từ 11 nốt liền kề nhau mà giống với bài hát khác thì mới được cho là đạo nhạc. Trong khi, một nghệ sĩ trẻ lại cho rằng: "chỉ cần mình viết một bài nào bất kì mà bài đó giống một bài khác nhiều hơn hoặc bằng 6 nốt nhạc thì được coi là ăn cắp bản quyền hay còn gọi là "đạo nhạc"".

Và đương nhiên các "nhạc sĩ" đều đủ tinh vi để "né" điều này.

Một điều đáng nói hơn nữa là, tại sao những ca khúc bị nghi án "đạo" vẫn nhận được sự chào đón nhiệt tình của công chúng? Tại sao một ca sĩ trẻ liên tiếp bị vướng nghi vấn đạo nhạc như Sơn Tùng M-TP vẫn sống tốt trong thị trường âm nhạc, thậm chí trở thành một biểu tượng mới nổi của Vpop, được ca ngợi là tài năng, và thậm chí nhận được một giải thưởng danh giá trong Giải thưởng Cống hiến?

Trong thực trạng một nền nghệ thuật mà ở đó hội họa, điêu khắc, điện ảnh đều đang yếu thế hơn, âm nhạc và người làm nhạc đang trở thành đối tượng hưởng lợi nhiều nhất trong giới giải trí. Tuy nhiên, những người thực sự sáng tạo hoặc có ý thức nghiêm túc về sáng tạo vẫn chật vật trong công cuộc chinh phục chính mình, còn những hiện tượng "ăn xổi" lại được tung hô và trở thành ngôi sao. Điều này ít nhiều gây bức xúc cho những người làm nghề chân chính.

Tất cả những điều đó có nguyên nhân lớn nhất là, Việt Nam chưa có một thị trường âm nhạc lành mạnh. Người làm nhạc và ngành âm nhạc Việt vẫn chưa có đủ trình độ hoặc công tâm để đưa ra một quy chuẩn để từ đó, lọc được chính xác những trường hợp thực sự đáng lên án.

Câu chuyện này vẫn thuộc về giới chuyên môn, và hậu quả là, có nhiều người "đạo", "nhái" vẫn nhởn nhơ sống và viết và thậm chí được tung hô.

Tùng Dương: Đừng nhầm lẫn ảnh hưởng để sáng tạo

Vừa qua, trên trang cá nhân của mình, Tùng Dương đã dẫn theo đường link bài báo nói về nghi án ca sĩ Sơn Tùng M-TP đạo nhạc.

Nam ca sĩ nói: "Đừng nhầm lẫn về sự ảnh hưởng để sáng tạo, phát triển thành "đạo, nhái " - vấn đề mà chúng ta vẫn luôn đau đầu lên án bấy lâu và việc nhìn nhận của chính chúng ta - không có giải pháp. Vốn liếng, trí tuệ của người "nghệ sĩ" đó có cạn hay không thể hiện ngay ở sản phẩm âm nhạc của họ.

Hãy dung dưỡng cho những giá trị đúng đắn, tử tế, thực chất lâu dài nhé để không góp phần làm méo mó và xuống cấp đi các giải thưởng (vốn đã được kỳ vọng và tin tưởng) và sự phát triển (thụt lùi chung) của nền Nghệ thuật nước nhà...".

Chia sẻ của Tùng Dương xuất hiện ngay trong thời điểm ca khúc mới của Sơn Tùng M-TP "Chúng ta không thuộc về nhau" bị nghi nhái lại hit "We don't talk anymore" của Charlie Puth và Selena Gomez. Mặc dù nhạc sĩ hòa âm cho ca khúc đã lên tiếng, song "làn sóng" phản đối Sơn Tùng vẫn rất mạnh mẽ.

Vũ Cát Tường: Không hiểu nổi đây là gì?

Một ngày sau nghi án Sơn Tùng M-TP đạo nhạc ca khúc mới, trên Fanpage của mình, nghệ sĩ trẻ Vũ Cát Tường đã viết một status dài về chuyện "đạo" văn và "đạo" nhạc. Status của Vũ Cát Tường ngay lập tức nhận được hàng chục ngàn lượt share và hàng trăm ngàn lượt người like.

"Hồi xưa mình học đại học viết luận, trước khi nộp bài phải gửi essay lên một trang web phát hiện có plagiarize hay không rồi mới được nộp, chứ nộp lên xong mà bị phát hiện đạo văn là bị đuổi học ngay lập tức. Hồi bắt đầu mới viết nhạc, mình cũng tìm hiểu về luật bản quyền, đến giờ mình nhớ trong đầu có một câu thôi mà làm mình luôn tỉnh táo: chỉ cần mình viết một bài nào bất kì mà bài đó giống một bài khác nhiều hơn hoặc bằng 6 nốt nhạc thì được coi là ăn cắp bản quyền hay còn gọi là "đạo nhạc".

Thật... rất buồn khi cảm thấy mọi giá trị đạo đức đều bị đảo lộn, cái gì cũng có thể dễ dàng đưa lên để giới trẻ noi theo. Con người có thể bất chấp và xem thường mọi thứ để được trở thành tâm điểm và vẫn nghiễm nhiên sống vui vẻ, lại được tôn vinh là "luôn cháy hết mình với âm nhạc và không bao giờ từ bỏ ước mơ". Mình không hiểu nổi đây là gì?

Mình rất ngại chia sẻ tâm tư cá nhân, nhưng hôm nay mình thấy buồn không chịu nổi nữa nên phải viết ra thôi".


Mỹ Trân
.
.