Đất nung “kể chuyện”

Thứ Bảy, 30/05/2020, 10:16
Đồ gốm Việt, đó không chỉ là khái niệm cho các nhà nghiên cứu, sưu tầm văn hóa mà đã trở nên một thực thể phản ánh sự tiếp biến và giao thoa văn hóa đậm nét.

Trong các cuộc khảo cứu lịch sử thì các hiện vật gốm luôn là vật chứng phản ánh một hình ảnh tổng hòa về đời sống, tập tục, nhân sinh quan của một dân tộc, một vùng văn hóa, bởi đồ gốm đã được ứng dụng sâu rộng hàng nghìn năm trong đời sống người Việt. Chúng tôi tìm gặp hậu duệ của nghệ nhân đã tạo nên một cái nhìn khác biệt về gốm Việt, rồi bất chợt nhận ra những điều lớn lao về bề dày văn hóa Việt Nam từ những hiện vật đất nung.

Truyền nhân nghề gốm

Mới đầu hạ mà trời đã quãi nắng xuống như thiêu đốt, cộng thêm cái rực hồng từ lò gốm của người con trai cố Nghệ nhân Nguyễn Văn Chi (1940-2011), khiến không gian oi bức lạ thường.

Trên một khoảng đất tương đối rộng tại huyện Gia Lâm (Hà Nội), xếp la liệt từng chồng các sản phẩm hoàn thiện và đang chờ đưa vào lò nung. Cánh thợ gốm mồ hôi nhễ nhại, vẫn chú mục vào từng sản phẩm mới nặn từ đất trắng chưa nung, không ngẩng lên nhìn khi xe chúng tôi vào đến giữa sân trong tiếng chó sủa râm ran. Gần đó, một lò nung gốm đốt bằng ga cao sừng sững đang rần rật tiếng lửa tạt. 

Là bạn hữu của anh Nguyễn Hồng Tân - (người con trai thứ của cụ Chi) từ thời học tại trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội), họa sĩ Nguyễn Quang Huy dẫn tôi thẳng vào gian trưng bày những sản phẩm vừa ra lò.

Anh mân mê, ngắm nghía từng chiếc lọ với vẻ trầm trồ thán phục lộ rõ trên mặt về cách tạo dáng và nước men độc đáo, trong lúc tôi ngơ ngác không hiểu lý do. Thú thật, nhìn những chai, lọ, bát, đĩa, lọ lục bình cùng nhiều sản phẩm khác, tôi thấy... không đẹp bằng những đồ gốm vẫn bán đầy ở các cửa hàng trên phố hay tại “thủ phủ” sành sứ Bát Tràng.

Tinh ý, như đọc được sự thiếu hụt kiến thức về gốm trong tôi, anh Huy giảng giải: “Giá trị nghệ thuật của dòng gốm này, chính ở cách tạo hình sản phẩm hết sức đa dạng, tùy hứng theo cảm xúc của nghệ nhân, rất khác vẻ tròn trịa, bóng bẩy của gốm truyền thống Bát Tràng hay Chu Đậu.

Bên cạnh đó, nước men gốm không rực rỡ nhưng lại tạo ấn tượng mạnh bởi gợi lên sự xưa cũ, như phủ màu thời gian loang lổ, càng nhìn càng thấy đẹp. Chính sự phá cách trong tạo hình sản phẩm, cùng những tìm tòi phát hiện về công thức làm men gốm, cách nung, khiến sản phẩm của dòng gốm này như thiếu nữ thôn quê tuy mộc mạc, chất phác nhưng đầy nét duyên thầm, quyến rũ.

Người không am hiểu về gốm, sẽ khó thấy được cái hay, cái tinh tế của dòng gốm này. Nhưng, giới chuyên môn và người chơi gốm sành sỏi lại rất thích thú “hồn gốm” vừa lạ, vừa quen này.

Xưởng làm gốm.

Ngoài kiểu dáng rất đa dạng và hoàn toàn độc nhất vô nhị, không cái nào giống cái nào, thì lối trang trí ngẫu hứng, với lớp men biến ảo tạo nên sự rung động hoài cảm thời gian, đã lôi cuốn người xem bước vào “trường” cảm xúc của nghệ nhân, để rồi thấu cảm những lao động nghệ thuật đã dồn nén, kết tinh trong từng đường nét hay sắc màu của sản phẩm. Bằng cách đó, gốm đã đọng lại trong lòng người yêu mến nghệ thuật tạo hình dân gian truyền thống”.

Vài nét phác thảo của họa sĩ Huy, đã khiến tôi cẩn trọng hơn trong quan sát và nhận xét. Nhu cầu tìm hiểu sâu hơn về thuật làm gốm đã dẫn chúng tôi tiến đến chỗ anh Tân đang làm việc. Miệng cười nói chào khách nhưng mắt anh vẫn đăm đăm quét theo những đường dao đang khắc vào thịt đất trên xương gốm chiếc lọ lục bình đang quay tròn bởi đặt trên một đĩa xoay chạy với tốc độ vừa phải.

Mải dõi theo từng nét chạm dứt khoát, bay bổng, tôi lạc dần vào miền tưởng tượng, phán đoán về những hình hài sẽ hiện ra trên sản phẩm. Tuy nhiên tôi đoán toàn trật lất, vì các họa tiết, cấu trúc tạo hình sản phẩm không hề tuân theo một quy luật nào cả mà biến ảo, ngẫu hứng. Sau nửa giờ quan sát, tôi nhận ra thứ đang hiện ra bởi con dao trổ đất trong tay anh Tân.

Được biết, với kiến thức đồ sộ về gốm cùng bàn tay tài hoa, sinh thời nghệ nhân Nguyễn Văn Chi đã trực tiếp chế tác ngói “Thanh lưu ly”, “Hoàng lưu ly” để trùng tu di tích Hoàng thành Huế, gạch “Bát” lát sân Cột cờ Hà Nội... được UNESCO công nhận, đánh giá rất cao.

Nét Việt hồn quê 

Câu chuyện của họa sĩ Huy không chỉ giúp tôi tường tận hơn về sự ra đời của gốm Việt mà còn hiểu thêm về nền văn minh Lạc Việt thể hiện qua gốm. Bắt đầu từ phát kiến lớn của con người thuở hồng hoang là tìm ra cách dùng lửa để nấu chín thức ăn, sau đó là nung đồ đất nặn thành đồ vật, dụng cụ sử dụng trong đời sống. Cuộc sống loài người thay đổi từ đó. Khởi đầu từ hiện tượng đất bị nung trong lửa trở nên cứng hơn, nhẹ hơn và định hình ổn định mà con người đã biết tới đất nung và gốm.

Gốm Việt cũng ra đời bằng cách đó. Nhiều di chỉ khảo cổ cho thấy,  thời Âu Lạc - Phùng Nguyên, gốm và đất nung với các kỹ thuật chế tác đơn giản, đã đi sâu vào đời sống dân cư Lạc Việt. Các thạp, âu lớn sử dụng trong đời sống rất phổ biến. Đồ đất nung và gốm thời này chủ yếu là đốt bằng củi gỗ nên có chất mộc và sần sùi. Gốm thời kỳ này được nung với kỹ thuật lò đắp ủ phổ biến, cũng như lối đốt nung ngày nay của gốm Chăm, Khơ Me và tương ứng với đồ gốm thời tiền Hán.

Các sản phẩm gốm.

Xương gốm chủ yếu là đất trắng ở dạng thô, chưa tinh chế. Chất nung chưa đạt độ cứng của xương gốm, nên thường được nặn, chế tác dày để tạo độ cứng vững cho đất nung và gốm sơ khai. Đáng kể là gốm thời kỳ này, người Việt đã biết dùng khuôn tạo cốt, đắp đất phía trong để tạo dáng phù hợp với chất đất và việc sử dụng tạo dựng đồ gia dụng.

Đồ gốm Lạc Việt khi ra đời xét về thẩm mỹ rất đồng bộ với các kỹ thuật về kim khí, đúc đồng thời kỳ đó. Dáng thô, mộc, giản dị với các nét vạch họa tiết kỷ hà, hình thú, hình sóng trang trí. Các họa tiết hình hoa, muông thú có tính thẩm mỹ cao, đơn giản nhưng trang trí có tổ chức thoáng, gợi cảm. Cùng với sự phát triển của sản xuất nông nghiệp, vật dụng trong đời sống sử dụng đồ gốm ngày càng phổ biến hơn.

Chóe đựng rượu, mắm hay cách thức chế biến thức ăn dùng công cụ làm bằng gốm gia dụng đã trở nên phổ biến trong các cộng đồng dân cư Lạc Việt. Với tập tục sinh hoạt đa dạng, người Việt không những chỉ dùng đồ gốm trong sinh hoạt mà còn sử dụng trong rất nhiều lĩnh vực khác nhau.

Chẳng hạn, tập tục địa táng với việc cải táng, bốc mộ, táng cốt với quan quách bằng đất nung, đã khiến gốm trở nên sản phẩm thiết yếu trong các cộng đồng dân cư. Cho tới tận ngày nay, 80% đồ đất nung sành, gốm của làng gốm Phù Lãng vẫn được sử dụng cho việc cải táng người đã khuất.

Đồ gốm thuần Việt phát triển tới tận thế kỷ 11, với nhiều trung tâm gốm sành ở khắp các vùng phía Bắc châu Hoan, châu Ái, Phong châu, Luy Lâu... Gốm Việt sau đó đã có sự giao thoa và tiếp biến với gốm Trung Hoa qua nghìn năm Bắc thuộc. Khắp vùng duyên hải phía Bắc Việt Nam, nhiều kỹ thuật mới được du nhập từ cách chế tác gốm của dân tộc Hán, đã khiến gốm Việt có bước phát triển mạnh mẽ, được ứng dụng rộng rãi trong đời sống và sản xuất. Đến thời Lý, cùng với việc dời đô ra Thăng Long, nhiều gia đình làm gốm từ Thanh Hóa, Ninh Binh đi theo vua, lập làng sản xuất đồ gốm bên bờ sông Hồng, dẫn tới sự hình thành làng Bạch Thổ (đất trắng), nay là làng gốm Bát Tràng.

Làng này chủ yếu sản xuất và chế tác đồ gốm gia dụng, sau dần thì làm thêm đồ cống nạp của triều đình cho nhà Minh bên Trung Quốc. Cùng với thời gian, các kỹ thuật gốm của Bát Tràng ngày càng phát triển. Cùng với các trung tâm gốm khác như Thổ Hà, Phù Lãng, Chu Đậu... đã dần hình thành và tạo ra những đặc điểm nhận dạng riêng của gốm Việt.

Thời nhà Lý có 3 vị Thái học sĩ là Hứa Vinh Kiều, Lưu Thông Trác, Đào Trí Tiến đi sứ bên Trung Quốc, học được một số kỹ thuật làm men trắng rạn, sắc men vàng hay đất nung đỏ. Khi về nước, họ dạy lại cho các làng nghề như Bát Tràng, Thổ Hà và Phù Lãng, tạo nên cho gốm Việt những sắc thái mới về thẩm mỹ cũng như trong cách chế tác.

Cho tới nay, ở các làng này vẫn duy trì kỹ thuật chế tác gốm sứ và đồ sành truyền thống từ thuở đó. Đỉnh cao rực rỡ phát triển gốm Việt nhất phải nói tới thời nhà Lý và nhà Trần (thế kỷ 14-15).

Gốm thời này đẹp nhuần nhị, dáng vẻ gốm ấm mộc và trang trí rất tao nhã với các hoạt tiết có tính thẩm mỹ cao. Với các kỹ thuật, cùng với lối xây lò bầu cùng với việc tìm ra nhiều loại men mới bằng các sa khoáng tự nhiên, gốm thời này đẹp với các men màu như màu trà, màu vàng thổ, nâu cháy, đen đậm, màu đỏ huyết dụ. Các kỹ thuật khắc vạch âm, đắp nổi dương khiến đồ gốm Việt có tính thẩm mỹ cao. 

Trong dòng chảy đương đại

Họa sĩ Nguyễn Hồng Tân kể với tôi rằng hiện nay việc chế tác gốm Việt đã có những thay đổi đáng kể, từ việc nhập đất từ Trung Quốc, hay dùng men vô cơ để tạo màu sắc sặc sỡ, đến việc bào mỏng xương gốm và nung trong các lò ga, có nhiệt độ tới 1.100-1.300 độ nên tạo độ cứng cho cốt ổn định hơn xưa. Các sản phẩm gốm theo thị hiếu của thị trường cũng dẫn tới việc đồ gốm Việt nghiêng sang các biểu cảm, đặc trưng của gốm Trung Quốc.

Họa sĩ Nguyễn Hồng Tân miệt mài bên sản phẩm của mình.

Tuy nhiên, có một nét đặc trưng riêng có của “gốm Việt”, đó là mỹ cảm trên gốm. Đồ gốm Trung Hoa với truyền thống vẽ công bút, tạo nên một diện mạo thẩm mỹ gốm rất tinh xảo, kỳ công trong cả phom dáng tới kỹ thuật vẽ, cũng như các kỹ thuật phụ trợ như cẩn đồng, bọc đồng.

Nhưng, gốm Việt với bản tính thuần hậu và quan điểm dung dị của người Việt, các nét vẽ có biểu cảm nghiêng về tính rung cảm, gợi hơn là lối mô tả công bút chi tiết. Sự thoáng hoạt ở nét vẽ cũng như lối bố cục thoáng tạo nên tính toàn bộ của gốm Việt. Gốm ta nghiêng về dáng vẻ và chất hay men biểu cảm tinh tế thuần khiết hơn.

Hiện nay, ngoài gốm Bát Tràng, đồ sành Đông Triều, gốm đất nung Phù Lãng hay Thổ Hà, còn có gốm Lái Thiêu, gốm Biên Hòa, gốm Bình Thuận. Bởi sự tiện dụng, đi sâu vào sử dụng đời sống nên gốm vẫn là một phần không thể thiếu được trong các ngành nghề thủ công nhưng mang tính thẩm mỹ ở đời sống hiện đại.

Tập tục, đời sống, văn hóa Việt đã ngấm sâu vào sự hình thành của gốm Việt và sản phẩm này vẫn sẽ luôn được trân trọng, sử dụng, yêu thích bởi nó là một phần tất yếu của văn hóa Việt Nam.

Trung Hiếu - Đại Lâm
.
.