Dát vàng cốt Phật ở xứ chùa Vàng

Thứ Tư, 09/07/2014, 07:20

Hầu như ngôi chùa nào ở thủ đô Bangkok và tại các địa phương khác thuộc phạm vi lãnh thổ Thái Lan đều có tới hàng chục, hàng trăm cốt Phật được dát vàng. Quanh chuyện người dân xứ Thái dát vàng cốt Phật, có rất nhiều điều thú vị!

Ngay giữa lòng thủ đô Bangkok, ghé bất kỳ ngôi cổ tự nào du khách cũng chìm giữa rừng tượng Phật được dát đắp vàng từ lòng thành của phật tử gần xa. Ấn tượng nhất là khi chúng tôi ghé chùa Phật Vàng có tên trong bản đồ du lịch thế giới là Wat Traimit. Nằm cuối đường Yaowarat, thuộc địa phận quận Samphanthawong, linh hồn của chùa Phật Vàng là cốt Phật bằng vàng khối trong thế ngồi thiền cao 3m, nặng 5,5 tấn.

Chuyện về pho tượng vàng này được người Thái kể cho nhau nghe rất đỗi ly kỳ, rằng tượng được đúc vào triều vua Sukhothai (thế kỷ XIII - XV). Thời bấy giờ Thái Lan xảy ra chiến tranh triền miên nên để tránh tượng bị xâm hại, triều đình đã cho phủ lên tượng lớp "áo" bằng bê-tông và bí mật ấy được giữ tuyệt đối qua hàng trăm năm. Đến năm 1950, một nhà sư được báo mộng và bí mật về pho tượng Phật bằng vàng ròng đồ sộ này được phát hiện. 

Cốt Phật bằng vàng ròng nặng 5,5 tấn kia là bảo vật vô giá duy nhất ở xứ Thái. Nhưng tượng được dát vàng thì nhiều đến vô ngần, nhiều đến không đếm xuể. Anh Trọng Minh, 34 tuổi, hướng dẫn viên của Công ty lữ hành Song Việt tại TP HCM mà tôi gặp khi vãn cảnh chùa Phật Vàng cho biết: "Người Thái xem vàng là kim loại ẩn chứa những quyền năng thiêng linh, là biểu tượng của sự thuần khiết, như tấm lòng của đức Phật không gì có thể xâm hại hay làm cho biến chất được. Các kim loại khác như đồng, chì, kẽm, bạc… nếu để lâu sẽ bị ôxy hóa, bị các hóa chất, đặc biệt là nước muối và axit dễ dàng làm hư hại, biến chất nhưng vàng thì không hề hấn gì, trường tồn, vĩnh hằng với thời gian. Người Thái một lòng cung kính đắp vàng lá lên các cốt Phật cũng vì lẽ ấy".

Chẳng biết giải thích của anh hướng dẫn Trọng Minh liệu có hoàn toàn chính xác hay không nhưng riêng chuyện người Thái đi lễ chùa thể hiện lòng thành kính của mình với đức Phật bằng việc đắp vàng lá lên cốt Phật là chuyện có thật. Và như đã nói, những ngày ở xứ Thái, vào ngôi cổ tự nào chúng tôi cũng bắt gặp cảnh thiện nam tín nữ đắp vàng lá lên các cốt Phật.

Chúng tôi ghé chùa Chana Songkhram ở khu Khao Sản - phu phố Tây sầm uất nhất Bangkok, nơi được xem là thánh địa của các tín đồ shisha - dân chơi thích đi mây về gió với những hương vị cây trái, thảo dược có tác dụng kích thích hệ thần kinh.

Nằm bên dòng sông Chao Phraya, Chana Songkhram là 1 trong 9 ngôi chùa nổi tiếng nhất trong tổng số hơn 400 ngôi chùa tại thủ đô Bangkok. Có tuổi đời hàng trăm năm, có thể nói chùa Chana Songkhram thực sự là bảo tàng cốt Phật được dát vàng sống động với hàng trăm pho tượng Phật trong nhiều hình dạng, dáng thế. Thật không may là hôm chúng tôi đến, khu Khao Sản cúp điện nên chúng tôi không có được duyên lành chứng kiến khung cảnh vi diệu khi ánh đèn hắt vào pho tượng Phật bằng ngọc lục bảo được đắp vàng tinh xảo tỏa ra ánh sáng xanh vàng huyền hoặc…

Đưa chúng tôi ghé thăm chùa Wat Phra Chetuphon (còn gọi Wat Pho hay chùa Phật nằm vì có tượng Phật dài gần 50m, cao 15m được dát vàng toàn thân) nằm trên đảo Rattanakosin thuộc quận Phra Nakhon (Bangkok), trên đường đi, chị Lến, 42 tuổi, quê ở Sóc Trăng, có chồng người Thái, sinh sống tại thủ đô của xứ Chùa vàng hơn 20 năm qua bật mí: Khi muốn dát vàng pho tượng nào đó, nhà chùa chỉ việc để tượng ở chỗ đông người lại qua, khách vào thăm chùa thấy tượng còn đơn sơ, vậy là phát tâm dát đính vàng. Mọi người sẽ ghé chùa đắp các lá vàng như thế đến khi nào pho tượng được phủ kín mới thôi. Khi thấy tượng đã được đắp dát vàng đúng tiêu chuẩn để ngàn năm không bị phai mờ hư hỏng, các sư thầy sẽ làm lễ thỉnh tượng, đưa an vị ở nơi tương xứng. Lúc này, cốt tượng khác sẽ được thay thế vào chỗ cũ đợi lòng thành của người viếng mộ.

Có một điều lạ quanh chuyện dát vàng cốt Phật tại các ngôi chùa ở xứ Thái là không chỉ đắp các lá vàng mỏng dính đến độ chỉ hơi thở nhẹ của trẻ con cũng khiến các lá vàng bay tứ tán, mà Phật tử xứ Thái còn dát vàng mọi cốt tượng khác ở trong khuôn viên bất kỳ ngôi cổ tự nào. Chúng tôi biết được điều này sau khi rời chùa Wat Phra Chetuphon và theo chị Lến đến chùa Phật ngồi cách đó khoảng 15 phút chạy xe tuktuk.

Chị Lến giải thích tên chùa được gọi như thế bởi có sự hiện diện của pho tượng Phật khổng lồ cao hơn 30m ngồi trong tư thế kiết già với gương mặt thanh toát, vô ưu. Trong khuôn viên chùa, bên cạnh hàng trăm cốt Phật được dát vàng hoàn chỉnh, chúng tôi thấy có nhiều tượng Phật cùng linh thú được dát vàng dở dang.

Tại chùa Phật ngồi, được sự hỗ trợ của chị Lến, chúng tôi hỏi chuyện chị Thak La, 42 tuổi, người Thái về chuyện dát vàng cốt Phật, chị cười nói rằng không chỉ riêng chị mà  bất kỳ người Thái nào cũng quen với việc đến chùa bày tỏ lòng thành tâm cũng như sự mộ đạo bằng việc cúng dường hoặc đắp những lá vàng lên các cốt Phật: "Phong lệ này có từ hàng trăm, hàng ngàn năm rồi. Từ hồi còn bé tôi đã được mẹ dắt đi chùa và được mẹ trao cho những lá vàng đắp lên cốt Phật. Việc dát đắp vàng tùy thuộc vào lòng thành và điều kiện của mỗi người. Nhưng không phải cứ đắp nhiều vàng là được nhiều phước báu" - chị Thak La, bộc bạch.

Chị cho biết trái với suy nghĩ của nhiều người, những pho tượng vàng trong các ngôi cổ tự không phải đúc bằng vàng ròng, cũng không phải là tượng được đúc bằng đồng rồi mạ vàng, dát vàng. Chị nói tượng được làm từ nhiều vật liệu như gỗ, đồng, thạch cao, xi-măng… Khi tượng được các nghệ nhân đúc tạc xong thì việc dát vàng tùy thuộc hoàn toàn vào lòng thành của bá tánh. Điều này đồng nghĩa với việc một pho tượng được phủ vàng lâu hay mau, dày hay mỏng là do duyên lành giữa cốt tượng và phật tử. 

Theo chia sẻ của chị Lến, ở xứ Thái, 1 cây vàng được dát mỏng thành vàng lá có diện tích đến gần 8m2 rồi được cắt thành những lá vàng bé xíu nhỏ hơn đốt đầu ngón cái người lớn, được gói trong giấy, mỗi gói giấy tùy nhiều ít mà được bán với giá từ vài batt đến hàng chục batt, và có khi hơn. Với đồng 10 batt, tôi đã có thể vào chùa thực hiện nghi thức dát vàng lên cốt Phật. Còn nhớ trước khi dát vàng lên bàn chân của Đức Phật, chị Thak La chắp tay thành tâm khấn cầu, tiếp đến chị dùng ngón tay trỏ chấm nhẹ lên một lá vàng rồi ấn miết mạnh lên cốt Phật đang được dát vàng dở dang.

Trước khi rời chốn thiền, chị Thak La nói rằng thường thì trước khi đắp vàng như thế thì Phật tử hay niệm cầu, không phải cầu danh cầu lợi mà là cầu an. Thak La cũng nói rằng khi thực hiện việc đắp vàng  lên cốt Phật, chị thấy lòng mình an bình, cảm giác ấy sẽ ngập tràn khi chị chứng kiến cái giây phút pho cốt Phật được dát lá vàng cuối cùng để từ đây, từ quá khứ là tượng gỗ, tượng bê tông, thạch cao nay cốt Phật đã là tượng Phật ánh vàng với sắc màu bất diệt.

Có một điều rất ấn tượng khi bước chân vào những ngôi chùa ở xứ Thái, chúng tôi không thấy cảnh xô bồ, nhiễu nhương với cái bang tác nghiệp la liệt, không có cảnh người ta vãn tự mà chen lấn thắp hương mù mịt, khấn vái xô bồ. Càng không có chuyện thiện nam tín nữ đua nhau phóng sanh chim trời để được tích tụ nhiều phước báu mà chẳng bận tâm đến sự sống chết của con vật được phóng sanh.

Những gì tôi thấy là bên cạnh việc dát vàng cốt Phật, người Thái đi lễ chùa rất êm đềm, họ đi đứng nhẹ nhàng, lòng thành cốt ở trong tâm chứ không khoe mẽ sỗ sàng, không có chuyện trong lòng Phật tử tồn tại suy nghĩ càng đắp dát nhiều vàng lá trên cốt Phật thì càng được nhiều phước lộc mai sau!

N.Thành Dũng
.
.