Dấu ấn Đặng Thái Huyền

Thứ Ba, 27/12/2016, 10:35
Gặp được chị trong những tháng ngày cuối năm bận rộn thật khó, chẳng phải là nữ đạo diễn tuổi 8X này sang chảnh hay kiêu kỳ, mà chỉ đơn giản là chị bận rộn vô cùng với lịch hoạt động trên phim trường suốt ngày đêm. Đặng Thái Huyền là nữ đạo diễn trẻ có trong tay nhiều bộ phim điện ảnh đắt giá và hàng trăm tập phim truyền hình, "ẵm" nhiều giải thưởng lớn trong nghề.

Phim "Đêm vùng biên" với 6 giải Bông sen Vàng trong đó có 2 giải  Phim hay nhất và Đạo diễn xuất sắc nhất. Giải Hội đồng giám khảo cho phim truyện "Người trở về" trong LHP VN lần thứ 19... Hiện nay chị là  Trưởng phòng Phim truyện của Điện ảnh Quân đội nhân dân.

Thiếu tá Đặng Thái Huyền đến với điện ảnh như một mối duyên định sẵn. Gia đình chị, trước đó không có ai làm phim, không có ai là bộ đội. Chị đang học du lịch tại một trường ở Hà Nội thì biết lịch tuyển sinh của Trường ĐH Sân khấu điện ảnh, thế rồi thử đi cho biết, và rồi đỗ thủ khoa. Đến khi học năm thứ 2 khoa Đạo diễn, thì Huyền mới thực sự bắt đầu có niềm đam mê.

Năm 2006, Đặng Thái Huyền làm bộ phim video đầu tay "Đêm vùng biên" và được những người trong nghề đánh giá cao. Những tháng ngày lăn lộn ở vùng biên ải Si Ma Cai (Lào Cai) của chị và các diễn viên đã được ghi nhận không chỉ bằng những lời ngợi khen của khán giả, của các đồng nghiệp mà bộ phim còn được trao giải tại LHP lần thứ 14.

Liên tiếp trong những tháng ngày sau đó, với vai trò là một đạo diễn trẻ của Hãng phim Điện ảnh Quân đội, Đặng Thái Huyền đã gây tiếng vang trong giới bởi sự trẻ trung, năng động, sự nhiệt huyết của một nữ đạo diễn có nhiều triển vọng. Liên tiếp trong các phim chị đều tạo được dấu ấn mạnh mẽ bởi một chất riêng không hề trộn lẫn vào phim của chị, đều nhận được các giải thưởng cao trong các kỳ cuộc liên hoan như các phim "Vũ khúc ánh trăng", "Mười ba bến nước", "Bánh đúc có xương", "Đất lành", "Người trở về"…

Những đạo diễn gạo cội làm phim về chiến tranh hay và thành công là một lẽ thường tình. Đặng Thái Huyền sinh ra sau chiến tranh, lại là một cô gái thì việc được nhận làm những bộ phim về đề tài chiến tranh cách mạng là một điều hiếm hoi từ trước đến nay. Bộ phim truyện điện ảnh "Người trở về" đã nhận được rất nhiều bình luận và ngợi khen của các nhà chuyên môn và báo giới khi ra rạp.

Dựa theo truyện ngắn "Người về bến sông Châu" của nhà văn Sương Nguyệt Minh, bộ phim "Người trở về" là câu chuyện về cuộc đời của Mây, một nữ y tá chiến trường đã có giấy báo tử nhưng cô đột ngột trở về quê hương vào đúng ngày người yêu, cũng là hàng xóm của cô đi lấy vợ.  Đau đớn với vết thương từ chiến trường và tình cảnh lỡ làng, Mây đã chọn cho mình cách sống lặng lẽ với nỗi cô đơn bên bến đò quê. Đúng lúc này, anh lính trinh sát Quang, mà Mây đã gặp ở chiến trường đã tìm về tận quê để gặp cô.

Tưởng rằng, đời Mây sẽ được bù đắp, song cô đã từ chối tình yêu ấy vì nghĩ rằng những vết thương trên cơ thể sẽ không thể mang lại hạnh phúc cho người mình yêu. Nỗi đau đớn nhân lên gấp bội bởi những tình cảnh trớ trêu xảy ra trong cuộc đời. Nó là những nỗi đau chung mà nhiều người phụ nữ miền Bắc phải chịu đựng sau chiến tranh.

Với Đặng Thái Huyền, khi đạo diễn phim "Người trở về", chị đã thực sự trải qua nhiều cung bậc của cảm xúc, thậm chí có những thời khắc không còn là chính mình nữa. Và chị gọi đó là "ngưỡng của sự thử thách". Cái cảnh chị sợ nhất, đó là cảnh bom đạn.

Chị chia sẻ: "Mình được đặt vào vị trí chịu trách nhiệm về sơ đồ nổ, loại quả nổ (nổ xăng, nổ khói, nổ nước) và quan trọng nhất mình là người duy nhất hô khẩu lệnh nổ. Mình đã lo lắng, căng thẳng kinh khủng dù xung quanh có cố vấn quân sự, có chuyên gia khói lửa. Mình đã tự động viên và cố không để lộ cho ai biết là mình đang lo sợ. Và ngày quay đầu tiên, mình đã tỏ ra rất tự tin. Nhưng khi quả nổ đầu tiên phát nổ, diễn viên khóc vì sợ còn mình tưởng... ngất lâm sàng. Nó khủng khiếp hơn mình tưởng tượng rất nhiều. Và biện pháp mình quyết định lúc ấy là nhờ các chuyên gia cho nổ một loạt các loại quả nổ để ê kíp quen dần với tiếng nổ, với mùi thuốc súng. Phải sau loạt nổ "chiêu đãi" đã tất cả mới vào nhịp. Sau đó thì những cảnh quay đêm trong rừng đầy nguy hiểm, hay cảnh quay dưới sông giữa mùa đông miền Bắc rét cắt da tới 5-6 độ C, diễn viên chính có lúc đã ngất trên tay bạn diễn vì dầm mình quá lâu trong nước lạnh… Những lúc ấy thì không nghĩ mình là phụ nữ hay đàn ông, trẻ hay già... chỉ biết cách tập trung cao độ suy nghĩ để hiểu điều gì đang xảy ra và để giải quyết công việc, hay những sự cố bất ngờ phát sinh, không ảnh hưởng đến tiến độ của bộ phim...".

Nhà thơ Trần Đăng Khoa, xem phim "Người trở về" đã nhận xét: "Có lẽ lâu rồi, lâu lắm rồi, tôi mới lại được xem một bộ phim truyện của Việt Nam hay và xúc động đến thế. Đây là bộ phim hay nhất về chiến tranh mà tôi được xem trong mươi năm trở lại đây. Mới hay phim Việt không tồi tệ như nhiều người lầm tưởng. Rất thật. Người lính trở về đúng vào lúc người yêu lên xe hoa thì có gì mới đâu? Đó là chuyện rất cũ… Có thế mới thấy mừng cho "Người trở về".

Một cảnh trong phim “Người trở về”.

Bộ phim đã chắt lọc được những tinh hoa của truyện ngắn Sương Nguyệt Minh. Nhiều chi tiết phụ, nhà văn chỉ lướt qua, lại là gợi ý để biên kịch và đạo diễn sáng tạo tiếp và đẩy đến tận cùng. Kết cấu chặt chẽ. Dàn diễn viên cũng rất giỏi, khá đồng đều. Có người lần đầu đứng trước ống kính nhưng họ nhập vai xuất sắc, có sức ám ảnh đối với người xem. Phim không có đại cảnh cũng rất hợp lý. Vì câu chuyện chỉ xoay quanh một trạm cấp cứu ở mặt trận. Hiện tại và quá khứ đan xen rất nhuần nhuyễn. Một hiện thực khắc nghiệt, dữ dội, đau đớn đến tận cùng mà không bi lụy. Đấy là cái tài của đạo diễn và ê-kíp làm phim".

Nữ đạo diễn Đặng Thái Huyền cho biết, chị vẫn luôn đau đáu với dòng phim chiến tranh, hậu chiến vì dòng phim này sẽ cho chị cơ hội đi đến tận cùng của cảm xúc. Bởi ở những thời khắc khó khăn nhất, giữa ranh giới sinh-tử, con người mới bộc lộ rõ nhất phẩm cách cá nhân và là đạo diễn, được đắm mình trong tâm lý các nhân vật, chị thấy như mình được sống thêm những cuộc đời khác, cùng những số phận khác.

Sau sự thành công của "Người trở về" chị vượt qua những đắm đuối về dòng phim này để chuyển qua những đề tài khác. Ngoài việc là đạo diễn nhiều bộ phim dài tập đậm chất tuổi trẻ và mang những vấn đề đương đại đã phát sóng trên VTV như "Thiên đường vắng em", "Ở rể", "Bí mật đàn ông", "Bánh đúc có xương", "Mãi mãi là bao lâu", "Kẻ thù phụ nữ"... hiện nay Đặng Thái Huyền đang thực hiện một dự án phim kinh dị mà theo như chia sẻ của chị, ngoài việc chị làm đạo diễn với trách nhiệm và niềm đam mê, còn là sự vượt qua chính mình.

Đặng Thái Huyền chia sẻ: "Tôi được biết nhiều với danh xưng nữ đạo diễn của dòng phim cách mạng. Đó ngấm ngầm là niềm tự hào khi tôi biết đó là sự thừa nhận, thậm chí là cả ưu ái của khán giả, của giới chuyên môn về một số thành công bước đầu của tôi. Nhưng mặt khác đó lại rào cản rất lớn cho con đường đi phía trước khi tôi muốn thỏa sức vùng vẫy trong các mảng đề tài khác. Và cũng là sự e ngại của các nhà sản xuất khi nghĩ tới tôi cho các dự án phim thương mại. "Lời nguyền gia tộc" - dự án điện ảnh tâm lý kinh dị mà tôi đang quay tiền kỳ, dự kiến ra rạp mùa hè năm tới - tôi muốn là bước ngoặt thứ hai sau "Người trở về".  Tôi đã chờ đợi cơ hội này từ rất lâu rồi và càng thỏa nguyện hơn khi kịch bản do chính tôi chắp bút. Tôi chưa bao giờ phân biệt phim nghệ thuật hay phim giải trí. Và nếu nói không cần tiền là nói dối nhưng gia đình tôi không thiếu thốn đến mức đặt tiền là mục tiêu trong công việc. Mọi thứ được và mất đều rất công bằng. Tôi chẳng than trách gì hết, tôi hài lòng và bằng lòng với cuộc sống hiện tại".

Người ta vẫn thường hình dung về những đạo diễn trên phim trường là những người khó tính, hay quát, nạt thậm chí văng tục bởi rất nhiều áp lực trong quá trình làm phim, nhưng Đặng Thái Huyền chọn cho mình một cách khác: "Tôi nhìn thấy tôi trong mắt và thái độ của các đồng nghiệp. Tôi khó tính, ghê gớm khi mọi người không tập trung, không đồng lòng trong công việc. Còn lại tôi luôn nghĩ đã nói làm nghệ thuật mà la lối, giận dữ khi làm việc để làm gì. Tôi muốn mỗi dự án phim là một cuộc chơi nghệ thuật cho tất cả, là quãng thời gian tất cả ekip ở bên cạnh nhau như những người anh em trong gia đình. Chúng tôi đi làm phim xa nhà đã khổ lắm rồi, căng thẳng với nhau để làm gì.

Chặng hạn như khi tôi đặt chân vào miền Nam để làm phim. Tôi đồ rằng hẳn là sẽ rất khó khăn với một môi trường mới, ekip mới và nhiều điều bất lợi khác. Điều đó đúng khi tôi mới bước chân vào Nam với dự án phim đầu tiên. Tôi đã từng tủi thân ghê gớm khi bắt gặp ánh mắt nghi ngại của đồng nghiệp nhìn mình. Điều đó cũng đúng thôi, tôi là nữ, từ phương xa tới, văn hoá vùng miền có nhiều khác biệt, cách làm việc cũng nhất thời chưa tìm được tiếng nói chung. Áp lực này đối với người làm nghề là nam giới đã là không hề nhỏ chứ đừng nói là với phụ nữ. Nhưng cuối cùng tôi đã vượt qua những điều đó".

Đặng Thái Huyền là một nữ đạo diễn trẻ thành công trong sự nghiệp, nhưng khác hẳn với nghề nghiệp ồn ào, náo động và đầy "đao to búa lớn", Đặng Thái Huyền của những ngày thường là một người phụ nữ nhẹ nhàng, dịu dàng và điệu đà như bao cô gái khác. Chị không nhiều bạn, và thường thích trốn vào vỏ ốc của mình với rất nhiều điều vụn vặt của con gái. Sau giờ làm việc, chị về nhà, cuộn mình bên mái ấm thân yêu của mẹ cha, để được trở thành một cô con gái bé bỏng, được cưng chiều.

Chị trầm ngâm: "Điều làm tôi buồn và day dứt nhất là vì công việc, tôi đã không thể dành thời gian cho người thân nhiều như tôi mong muốn. Đó là lý do, cứ kết thúc mỗi dự án, nơi mà tôi muốn quay về nhất, muốn được trú ẩn nhất sau chuỗi ngày làm việc vất vả đó là gia đình và ngôi nhà thân yêu. Lúc đó, tôi buông bỏ hết mọi muộn phiền, mọi suy nghĩ lo toan về công việc để được là chính mình. Một người phụ nữ rất vụng về, không thạo việc bếp núc nhưng lại rất thích lau dọn nhà cửa như thể không có mình nhà cửa sẽ rối tung lên mất, và sẽ nấu ăn miệt mài dù mọi người vì thương mình mà cố ăn cho hết để khỏi phụ công tôi đã nấu nướng...".

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.