Ngân hàng Indymac Bancorp Inc của Mỹ bị phá sản:

Dấu hiệu của một cuộc khủng hoảng tài chính, tín dụng mới tại Mỹ

Thứ Bảy, 19/07/2008, 11:30
Chỉ một ngày sau khi cổ phiếu của 2 thể chế tài chính cung cấp vốn cho vay mua nhà ở lớn nhất nước Mỹ là Freddie Mac và Fannie Mae giảm tới 50% và đang đứng trước nguy cơ vỡ nợ, ngày 11/7/2008, Ngân hàng IndyMac Bancorp Inc ở thành phố Pasadena, bang California đã chính thức phải đóng cửa.

Vụ sụp đổ của Ngân hàng IndyMac Bancorp Inc cùng sự tụt dốc không phanh của Freddie Mac và Fannie Mae đang khiến cho nước Mỹ đứng trước một cuộc khủng hoảng tài chính, tín dụng mới.

Phản ứng dây chuyền?

Đây là vụ phá sản thứ 5 thuộc tổ chức tài chính, tín dụng ở Mỹ kể từ đầu năm 2008 đến nay. Ngân hàng IndyMac Bancorp Inc là tổ chức tín dụng lớn thứ hai trong lịch sử tài chính Mỹ bị phá sản.

Cách đây 24 năm (1984), Ngân hàng Continental Illinois đã bị phá sản bởi lý do tương tự, song khi đó sự kiện này không gây chấn động lớn tới hệ thống tài chính và tín dụng như vụ sụp đổ của Ngân hàng IndyMac Bancorp Inc vì nhiều nguyên nhân.

Thứ nhất, diễn ra trong bối cảnh nhạy cảm. Ngay sau khi cổ phiếu của Freddie Mac và Fannie Mae bị giảm tới 50%, cùng tuyên bố “đầy trách nhiệm” trước đó (26/6/2008) của Thượng nghị sĩ Charles Schumer, khách hàng của Ngân hàng IndyMac Bancorp Inc đã lũ lượt kéo tới rút ra hơn 1,3 tỉ USD chỉ riêng trong ngày 11/7/2008.

Ngay sau khi Ngân hàng IndyMac Bancorp Inc bị khách hàng “công phá”, cơ quan chức năng buộc phải can thiệp vì lo ngại tổ chức tín dụng này không đủ khả năng thanh khoản. Theo thống kê, hiện có khoảng 10.000 khách hàng đang vay không thế chấp khoảng 1 tỉ USD của Ngân hàng IndyMac Bancorp Inc.

Thứ hai, tác động tương hỗ. Ngân hàng IndyMac Bancorp Inc là một trong những tổ chức chuyên cho vay mua nhà trả góp ở Mỹ, do đó vụ phá sản kể trên sẽ giáng một đòn trí mạng vào thị trường thế chấp, cho vay để mua nhà tại nước này.

Nên nhớ, thị trường thế chấp, cho vay mua nhà trả góp ở Mỹ đang trong cơn “bạo bệnh” kể từ khi nền kinh tế nước này bị vật giá leo thang làm khó. Giới chuyên môn cho rằng, Ngân hàng IndyMac Bancorp Inc buộc phải phá sản vì không còn đủ khả năng thu hút vốn trước tình trạng thị trường nhà đất đang bị suy giảm trầm trọng.

Được biết, Ngân hàng IndyMac Bancorp Inc đã được Tập đoàn bảo hiểm vốn vay Liên bang tiếp quản để “giải quyết hậu quả”. Những khách hàng có tiền gửi tại Ngân hàng IndyMac Bancorp Inc có thể rút tiền qua hệ thống rút tiền tự động ATM.

Thứ ba, phản ứng dây chuyền. Việc tụt dốc của Fannie Mae và Freddie Mac, cùng sự phá sản của Ngân hàng IndyMac Bancorp Inc diễn ra sau khi Citigroup, tập đoàn ngân hàng lớn nhất nước Mỹ thông báo về những khoản thua lỗ khổng lồ.

Riêng trong quý 4 năm 2007, Citigroup đã lỗ tới 9,83 tỉ USD. Một trong những nguyên nhân chính khiến Citigroup làm ăn thua lỗ lớn như vậy vì những nợ xấu trong lĩnh vực cho vay mua nhà đất gây nên. Theo thống kê, kể từ tháng 10-2007 đến nay, tổng thiệt hại của các công ty tài chính Mỹ đã lên tới con số 1.300 tỉ USD.

Nhiều nhà kinh tế thậm chí đã cảnh báo, nếu Freddie Mac và Fannie Mae phá sản nó không những ảnh hưởng xấu tới hệ thống tài chính, tín dụng, cũng như kinh tế Mỹ, mà còn tác động không nhỏ tới nền kinh tế thế giới.

Sự sụp đổ của Ngân hàng IndyMac Bancorp Inc đã lập tức khiến cho chỉ số Dow Jones của 30 tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu của Mỹ và nhiều loại cổ phiếu khác đồng loạt sụt giảm mạnh.

Chỉ số của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ đã sụt giảm mạnh, nếu so với thời điểm tháng 11/2007, mức sụt giảm đã lên tới hơn 20%. Theo các chuyên gia, đây là kết quả tất yếu của đợt khủng hoảng thế chấp nhà đất gây ra, nhưng vẫn chưa kết thúc và đang có dấu hiệu diễn biến xấu hơn.--PageBreak--

Trách nhiệm điều tiết của Chính phủ

Tổng thống Mỹ Bush buộc phải triệu tập phiên họp khẩn cấp với nhóm cố vấn kinh tế để thương đàm về giải pháp tình thế ngay sau khi nghe “tin dữ” từ Freddie Mac và Fannie Mae. Tổng thống Bush nhấn mạnh, Freddie Mac và Fannie Mae là thể chế tài chính rất quan trọng, do đó chính phủ đã phải dành nhiều thời gian để thảo luận về tình hình của 2 thể chế này.

Bộ trưởng Tài chính Henry Paulson và Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) Ben Bernanke cũng vừa cam kết cố gắng hết sức để giải quyết tình trạng “vỡ nợ của Freddie Mac hoặc Fannie Mae”. Nếu Freddie Mac hoặc Fannie Mae bị sụp đổ sẽ tác động mạnh tới hệ thống tài chính cũng như nền kinh tế Mỹ.

Trước mắt cổ phiếu của Freddie Mac và Fannie Mae đã tăng trở lại sau tuyên bố của Bộ trưởng Tài chính Henry Paulson - 2 tổ chức tài chính này chưa thể sụp đổ bởi trọng tâm của chính phủ là hỗ trợ để họ thoát khỏi tình hình hiện nay.

Chủ tịch Ben Bernanke cũng đã thông báo về khoản tín dụng khẩn cấp để hỗ trợ Freddie Mac và Fannie Mae giải quyết khoản nợ lên tới khoảng 5.000 tỉ USD, hơn 50% tổng nợ của toàn nước Mỹ. Tổng thống Bush từng tuyên bố, đóng băng lãi suất ngân hàng trong vòng 5 năm đối với hơn 1 triệu người để giúp họ trả nợ số tiền đang vay ngân hàng.

Ngày 11/7/2008, với tỉ lệ 63 phiếu thuận và 5 phiếu chống, Thượng viện Mỹ đã thông qua kế hoạch trị giá 300 tỉ USD để bảo vệ người mua nhà trả góp vay tiền của Fannie Mae và Freddie Mac trước nguy cơ bị tịch thu nhà ở. Việc này đã cứu khoảng 400.000 người thoát khỏi cảnh mất nhà khi nợ đáo hạn.

Ngoài ra, Thượng viện Mỹ cũng đã thông qua kế hoạch cải tổ Cơ quan Quản lý nhà đất liên bang và thiết lập cơ chế giám sát mới đối với Fannie Mae và Freddie Mac.

Theo Thượng nghị sĩ Charles Schumer, Ngân hàng IndyMac Bancorp Inc với tổng trị giá khoảng 32 tỉ USD đã sụp đổ do khủng hoảng về khả năng thanh toán cùng sự thiếu kiểm soát của cơ quan chức năng.

Vụ phá sản của Ngân hàng IndyMac Bancorp Inc cùng những kiến nghị của Thượng nghị sĩ Charles Schumer đã buộc cơ quan chức năng phải tính tới việc siết chặt quản lý để tránh hậu quả tương tự.

Giới chuyên môn nhận định, sau vụ phá sản của Ngân hàng IndyMac Bancorp Inc cùng sự làm ăn yếu kém của Fannie Mae và Freddie Mac thời gian qua, FED và Bộ Tài chính sẽ phải áp dụng những biện pháp quản lý chặt chẽ hơn, cũng như tiến hành một số cải tổ lớn trong thời gian tới.

Bộ trưởng Tài chính Henry Paulson cho rằng, cần phải thúc đẩy hơn nữa công cuộc cải cách hệ thống tài chính, hoàn thiện những thiếu sót trong quản lý, cũng như kỷ luật của thị trường tài chính.

Chủ tịch Ben Bernanke ủng hộ quan điểm của ông Henry Paulson, đồng thời nhấn mạnh, Quốc hội cần thông qua luật mới để tăng thêm quyền cho FED. Từ trước đến nay FED chỉ quản lý các ngân hàng thương mại, còn ngân hàng đầu tư nằm dưới sự kiểm soát của Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch.

Nhưng kể từ khi FED bảo lãnh cho Ngân hàng Bear Stearns khỏi bị phá sản thì khả năng kiểm soát những ngân hàng đầu tư có thể về tay họ, nếu được Quốc hội thông qua.

Dấu hiệu suy thoái của nền kinh tế Mỹ thể hiện rõ qua con số người bị mất việc làm. Kể từ đầu năm 2008 đến nay đã có khoảng 438.000 người Mỹ bị sa thải với nhiều nguyên nhân khác nhau

Nguyễn Thị Lân (tổng hợp)
.
.