Đầu năm massage, nguy cơ rước họa

Thứ Hai, 17/02/2014, 16:25

Xông hơi, massage là một liệu pháp tốt cho một số trường hợp bệnh lý nhưng bên cạnh đó, nó ẩn chứa nhiều nguy cơ tiềm tàng. Gãy xương, trật khớp, chảy máu, tổn thương da, cơ, xoa sai hướng - ngược chiều của dòng tuần hoàn tĩnh mạch, bạch huyết. Choáng ngất vì xoa bóp quá mạnh vào các vùng phản xạ nhạy cảm như vùng xoang cảnh, vùng đầu, ngực...", chưa kể nhân viên massage để móng tay dài cũng có thể làm xước da, gây nhiễm trùng hoặc lây chéo bệnh lý như hắc lào, lang ben từ khách này sang khách khác.

1. Chiều mùng 2 tết, trong khi đa số các cơ sở kinh doanh vẫn cửa đóng im ỉm thì nhiều dịch vụ massage ở các quận, huyện thuộc địa bàn TP HCM lại hoạt động hết công suất.

Hạ, "kỹ thuật viên" tiệm massage L. nằm trên đường Lý Thường Kiệt, nói: "Ngày thường, may lắm mỗi đứa tụi em làm được 3 hoặc 4 khách. Còn mấy ngày tết thì 9, 10 khách, thậm chí có bữa 12 khách, hầu hết đều đã say. Họ đến xông hơi, massage cho tỉnh để đi… nhậu tiếp!".

Mua xong tấm vé giá 100 nghìn, thời lượng 45 phút, tôi theo Hạ đến chỗ thay quần áo. Một nam nhân viên phục vụ nhanh chóng đưa tôi cái quần xà lỏn cùng chiếc khăn lông loại  lớn và một cái túi nhỏ không thấm nước để đựng điện thoại, ví, rồi chỉ cho tôi nơi xông hơi.

Tùy từng nơi, chỗ xông hơi và cũng là phòng tắm có thể được bố trí ngay trong phòng massage hoặc được thiết kế thành một khu riêng. Nhưng dù ở đâu chăng nữa, hơi nước nóng có pha tinh dầu sả đều phát xuất từ một lò trung tâm rồi theo ống dẫn đến từng vị trí. Hầu hết các phòng massage có diện tích khoảng 1,6mx3m, bên trong kê một chiếc giường nệm nhỏ. Từ mặt giường lên cao khoảng 1,5m là một thanh sắt xi mạ sáng bóng, chạy dài từ đầu phòng đến cuối phòng. Thanh sắt ấy là chỗ "kỹ thuật viên" bám tay vào để thực hiện thao tác "dần xương sống".

Xông hơi xong, Hạ kêu tôi lên giường, nằm sấp. Giây lát, cô đổ vào lòng bàn tay một loại dầu có màu vàng nhạt mà cô kêu là tinh dầu tràm rồi bắt đầu xoa bóp gáy tôi bằng cách dùng cả 10 đầu ngón tay nắn từng thớ thịt theo chiều dọc. Nắn khoảng 5 phút, cô đè mạnh vào hai hố trên xương đòn khiến mặt tôi tê rần bởi lẽ máu từ tim tôi không thể lên não vì các ngón tay cô đã ấn chặt động mạch hai bên. Thấy tôi lúc lắc, Hạ buông tay ra, nói: "Anh ngẩng đầu để em bẻ khớp cổ".

Nghe Hạ nói, tôi giật nẩy người: "Thôi em, anh không có nhu cầu" bởi lẽ cái công đoạn "bẻ khớp cổ" khiến tôi nhớ lại rằng mới đây, một người Hungary, 31 tuổi, sống ở TP HCM đã lìa đời sau khi được "kỹ thuật viên" của một dịch vụ massage thực hiện các thao tác xoa bóp vùng cổ, bẻ khớp cổ làm tổn thương động mạch cảnh dẫn đến xuất huyết. Hệ quả là máu chảy ra, đông lại, tạo thành cục huyết khối di chuyển lên não gây nhồi máu não.

Theo lời khai của gia đình nạn nhân với bác sĩ khi đưa vào bệnh viện thì lúc về nhà, nạn nhân kêu đau ở cổ. Một lát nạn nhân rơi vào hôn mê. Do đưa đi cấp cứu muộn quá nên nạn nhân đã qua đời.

Thấy tôi từ chối, Hạ đứng hẳn lên giường, hai tay bám vào thanh sắt, một chân co lên. Cô nói: "Vậy em "đi lưng" cho anh nghe". Câu nói chưa dứt, gót chân Hạ đã đè vào đốt sống thắt lưng tôi rồi ấn xuống bằng toàn bộ sức nặng cơ thể. Cha mẹ ơi, cái "kỹ thuật" này rất dễ dẫn đến lún đốt sống hoặc tệ hơn, gãy đốt sống, đứt thần kinh tủy sống hoặc vỡ thận. Nếu nhẹ, ít nhất tôi cũng phải "mặc áo giáp" 3 tháng, còn nếu nặng, tôi sẽ bị liệt suốt đời.

Giữa năm 2012, đã có một nạn nhân phải vào BV Chấn thương chỉnh hình Sài Gòn ITO cấp cứu vì lún đốt sống sau khi được một "kỹ thuật viên" ở một dịch vụ massage thuộc địa bàn quận Tân Bình "đi lưng". Anh Phong, thành viên Hội đồng quản trị bệnh viện cho biết, thoạt đầu có lẽ do mắc cỡ nên ông này không dám khai sự thật, chỉ nói là "cúi xuống, đứng lên thấy đau nhói".

Tuy nhiên, khi chụp X-quang rồi chụp cắt lớp để kiểm tra, bác sĩ phát hiện nguyên nhân lún đốt sống là do tác động của một ngoại lực khá mạnh. Tới lúc ấy, ông ta mới thú nhận là mình đi… massage. Cũng may đốt sống thắt lưng chỉ bị tổn thương nhẹ nên sau 2 tuần bó áo giáp, cộng với thuốc men và vật lý trị liệu, nạn nhân bình phục hoàn toàn.

Nhiều người nhậu say coi massage là biện pháp dã rượu.

2. Theo y học cổ truyền cũng như y học hiện đại, xông hơi là dùng thuốc (nhưng tại các dịch vụ xông hơi, massage, "thuốc" ở đây hầu hết chỉ là tinh dầu sả) nấu sôi lên với nước. Hơi nước làm nóng cơ thể khiến mồ hôi tiết ra nhiều, lỗ chân lông thông thoáng, trung hòa hoặc thải độc tố - chủ yếu là acid lactic - chất gây ra hiện tượng mỏi cơ. Hơi thuốc giúp cơ thể thoải mái, cộng với sự mất nước do ra mồ hôi nên sau khi xông, người thấy nhẹ nhõm. Đa số dân nhậu đều cho rằng nếu nhậu xỉn mà xông hơi thì "coi như từ nãy tới giờ chưa uống gì".

Điều này có phần đúng bởi lẽ một lượng cồn sẽ thoát ra ngoài theo mồ hôi khiến người say có cảm giác tỉnh táo. Tuy nhiên, sự tỉnh táo ấy chỉ kéo dài khoảng 30 phút sau khi xông bởi lẽ nhiệt độ cao tác động trực tiếp vào cơ thể khiến lượng rượu còn lại trong dạ dày thấm vào máu nhanh hơn, chưa kể nếu thời gian xông hơi kéo dài sẽ làm mất nước nhanh và nhiều, gây rối loạn chuyển hóa khiến toàn thân bải hoải.

Tuy nhiên, điều nguy hiểm nhất với người đi xông hơi là ngay sau khi xông, hầu hết đều tắm lại bằng nước lạnh. Cuối năm 2013, tại dịch vụ xông hơi massage A ở phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, TP HCM, mấy cô "kỹ thuật viên" đã vãi linh hồn khi chứng kiến một ông khách lúc vừa từ phòng tắm bước ra, miệng méo xệch về một bên, lé mắt, nói lắp bắp không thành tiếng. Hoảng quá, người quản lý vội kêu taxi đưa ông vào bệnh viện.

Lương y Huỳnh Văn Khai, ở quận 6, kể: "Sau khi được bác sĩ chẩn đoán là liệt thần kinh số 7, ông này đến gặp tôi nhờ châm cứu. Nguyên nhân là khi xông hơi, các lỗ chân lông nở lớn, các mạch máu nhỏ giãn ra, nhiệt độ cơ thể tăng cao rồi gặp nước lạnh, thân nhiệt hạ đột ngột, mạch và lỗ chân lông co lại dẫn đến hậu quả là thần kinh bị kích ứng quá mức…".

Vẫn theo lương y Huỳnh Văn Khai, đã từng có người chết, hoặc sống đời thực vật, hoặc liệt nửa người do cao huyết áp mà đi nhậu, xông hơi rồi tắm nước lạnh, họ bị tai biến mạch máu não bởi lẽ phòng tắm hơi thường được thiết kế rất kín và rất nóng. Sau khi uống nhiều bia, rượu, chất cồn trong bia, rượu sẽ gây rối loạn vận mạch. Nhiệt độ cao trong phòng xông hơi sẽ làm sự rối loạn vận mạch tăng lên.

Với massage, đây là những thủ thuật xoa bóp các mô của cơ thể theo một trình tự khoa học và có hệ thống, chủ yếu tác động tổng thể lên hệ thần kinh, hệ cơ và hệ tuần hoàn. Massage mang lại hai hiệu quả: Một là phản xạ do kích thích các cơ quan cảm thụ ngoại biên trong da, sau đó dẫn truyền xung động qua tủy sống lên não, tạo cảm giác thư giãn, giảm căng thẳng tinh thần. Hai là hiệu quả cơ học, nó giúp hồi lưu tuần hoàn máu, kích thích các cơ, luân chuyển các chất dịch tích tụ.--PageBreak--

Theo lương y Huỳnh Văn Khai, massage tốt cho một số trường hợp như viêm khớp, viêm quanh khớp, viêm bao hoạt dịch, viêm dây thần kinh, viêm xơ cơ, đau lưng, bệnh xơ cứng rải rác… và các hội chứng như liệt bán thân, liệt hai chi dưới, liệt tứ chi, bại não… Massage còn giúp làm êm dịu thần kinh đối với người mắc chứng rối loạn tâm thần, tăng cường chức năng hô hấp trong bệnh hen, giảm lượng đường huyết ở những bệnh nhân đái đường...

Lương y Huỳnh Văn Khai, nói: "Để trở thành một kỹ thuật viên chuyên nghiệp, thao tác đúng, một người học massage phải mất từ 6 tháng đến 1 năm".

Thế nhưng, không phải bất cứ một "kỹ thuật viên" massage nào cũng được học hành bài bản và hiểu rõ điều này. Tại dịch vụ massage T. trên đường Quang Trung, quận Gò Vấp, TP HCM, khi nghe cô "kỹ thuật viên" tên Hương giới thiệu về các công đoạn bẻ xương sống, đốt sống cổ, khuỷu tay, cổ chân, ngón tay, ngón chân với lời cam đoan "không kêu em không lấy tiền boa", tôi đã hỏi bẻ như vậy thì có tác dụng gì? Rất hồn nhiên, cô cười: "Thì bẻ cho… đỡ mỏi".

Tôi hỏi tiếp, rằng cô đã học massage ở đâu, thời gian bao lâu? Hương đáp: "Dạ, em học khóa 3 tháng ở trường X, có bằng đàng hoàng". Tôi "hù" cô: "Vậy chắc em biết cấu tạo của khớp, của dây chằng, sụn khớp, bao khớp rồi chứ gì. Nói anh nghe coi. Không nói được thì anh kêu người khác".

Kêu người khác nghĩa là Hương sẽ phải đi ra, và điều này cũng đồng nghĩa với việc không có tiền "boa". Ngần ngừ một lát, Hương bảo: "Thú thiệt với anh, cái bằng kỹ thuật viên xoa bóp của em là do anh quản lý "lo" giùm, giá 2 triệu, còn massage thì mấy chị làm trước dạy lại". Chả thế mà hầu hết những dịch vụ xông hơi, massage tôi đi thực tế, các "kỹ thuật viên" đều thực hiện những động tác xoa bóp theo kiểu "nghề dạy nghề", và không một dịch vụ nào có một tủ thuốc cấp cứu theo đúng nghĩa của nó, hoặc treo bảng cảnh báo khách về những tai biến có thể xảy ra khi xông hơi, hoặc từ chối những vị khách hơi men nồng nặc, có những bệnh lý về tim mạch, xương khớp.

Theo quy định của ngành y tế, mỗi điểm dịch vụ massage phải có một bác sĩ nhưng gần 20 điểm massage mà tôi đến vào những giờ cao điểm, tôi chưa hề nhìn thấy mặt một vị bác sĩ nào vì họ chỉ đứng tên, cho thuê bằng. Có nơi thiết kế một phòng, bên ngoài treo tấm biển "Phòng bác sĩ" nhưng cửa khóa im ỉm.

Còn có nơi, khi tôi hỏi có bác sĩ không, bà quản lý trả lời: "Nếu xảy ra việc gì, kêu là ổng tới liền (?!)". Chắc là tới để đưa nạn nhân vào… bệnh viện! Năm kia, BV Trưng Vương đã từng mổ cấp cứu cho một nạn nhân bị viêm tĩnh mạch huyết khối. Khi đi massage, ông này đã yêu cầu "kỹ thuật viên" "bóp thật căng, xoa thật mạnh". Hậu quả là huyết khối bị vỡ và một cục máu đông theo hệ tuần hoàn di chuyển vào ruột, gây nhồi máu mạc treo.

Bác sĩ Sơn, chuyên khoa Da liễu thuộc Phòng khám Liên chuyên khoa Lao, Da liễu, Tâm thần quận 5, TP HCM, cho biết: "Có bà đi massage ở một dịch vụ bình dân, vé chỉ 40 nghìn đồng/suất. Do giá rẻ nên loại dầu dùng để xoa bóp cũng là loại rẻ. 2 tiếng sau khi massage, bà bị dị ứng, toàn thân nổi mẩn đỏ, ngứa ngáy dữ dội. Thay vì đến bệnh viện hoặc phòng khám tư của bác sĩ chuyên khoa, bà ra tiệm thuốc tây, khai bệnh với người bán thuốc rồi mua thuốc về uống. Tới hồi bị nhiễm trùng do gãi, cả mảng lưng, bụng, máu mủ be bét, bà mới vào bệnh viện và phải mất gần 3 tuần sau mới lành".

Phòng xông hơi thường rất kín và nóng.

3. Xông hơi, massage là một liệu pháp tốt cho một số trường hợp bệnh lý nhưng bên cạnh đó, nó ẩn chứa nhiều nguy cơ tiềm tàng. Bác sĩ Tiến, đơn vị Viêm gan, Bệnh viện Chợ Rẫy, kể: "Mấy tháng trước, một chị hàng xóm gõ cửa nhà tôi lúc nửa đêm, nhờ qua coi giúp cho chồng chị. Theo lời chị thì ông chồng đi nhậu rồi được một người bạn đưa về trong trạng thái choáng, lạnh toàn thân, vã mồ hôi, hoa mắt, tay chân run rẩy y như động kinh… Hỏi thăm, mãi ông mới nói được là ông nhậu rồi đi massage.

Tại dịch vụ massage, ông được một "kỹ thuật viên"… bấm huyệt! Vì không thuộc chuyên khoa của tôi nên tôi khuyên người nhà chuyển vào Bệnh viện Y học dân tộc". Theo lương y Huỳnh Văn Khai, toàn cơ thể người có 108 huyệt nguy hiểm - trong đó có 36 huyệt nếu bị đánh hoặc điểm trúng với một lực nào đó, sẽ gây hậu quả nặng nề, chẳng hạn như huyệt Á môn, nằm sau ót, là chỗ lõm giữa đốt sống cổ thứ nhất và thứ hai: "Nếu nhân viên massage tác động mạnh vào huyệt này, nạn nhân sẽ bị choáng, hoa mắt, thậm chí hôn mê", hoặc huyệt mệnh môn, nằm giữa đốt sống thắt lưng thứ 2 và thứ 3, nếu bị nhân viên massage "đi lưng" mạnh quá, sẽ dẫn đến hiện tượng "phá khí cơ", gây liệt nửa người”.

"Họa từ xông hơi, massage mà ra nếu thực hiện không đúng cách". Tiến sĩ Y, Sinh học Đào Đại Cường, nguyên giảng viên Khoa Dược - Đại học Y Dược TP HCM, cho biết: "Những cái họa này bao gồm gãy xương, trật khớp, chảy máu, tổn thương da, cơ, xoa sai hướng - ngược chiều của dòng tuần hoàn tĩnh mạch, bạch huyết. Choáng ngất vì xoa bóp quá mạnh vào các vùng phản xạ nhạy cảm như vùng xoang cảnh, vùng đầu, ngực...", chưa kể nhân viên massage để móng tay dài cũng có thể làm xước da, gây nhiễm trùng hoặc lây chéo bệnh lý như hắc lào, lang ben từ khách này sang khách khác.

Bên cạnh đó, tiến sĩ Cường cũng cảnh báo, rằng xông hơi, massage không hề có tác dụng giảm béo như lời đồn thổi - nếu không muốn nói xông hơi liên tục sẽ gây mất nước, trụy tim mạch, đồng thời tổn hại cho da mà nguyên nhân là do chất lượng các loại dầu xoa bóp, nhẹ thì dị ứng, nặng thì viêm da, sạm da: "Tuyệt đối không nên xông hơi, massage nếu đang mắc một số bệnh tim mạch, các bệnh nhiễm trùng toàn thân hoặc tại chỗ, da có tụ máu, nổi mẩn, mụn nhọt, ghẻ lở, các bệnh gây chảy máu hoặc đe dọa chảy máu, đang trong tình trạng hưng phấn quá mức hoặc say rượu, hoặc vừa ăn no xong…"

Vũ Cao
.
.