Đâu rồi, sách văn học Việt hấp dẫn?

Thứ Năm, 13/10/2016, 11:00
Tại Hội sách Hà Nội 2016 vừa diễn ra từ ngày 6 đến ngày 11/10 tại Hoàng thành Thăng Long, một lần nữa sách văn học Việt lại hoàn toàn bị áp đảo. Con số sách văn học Việt được bán ra là vô cùng ít, đối lập hoàn toàn với sự sôi động của truyện tranh, truyện dịch.

Khoảng 200 đơn vị tham gia, với đầy đủ chủng loại phong phú, các buổi giao lưu cũng đều đặn diễn ra để làm gần hơn sách văn học Việt với độc giả. Thế nhưng, dường như điều đó là chưa đủ, độc giả vẫn không mặn mà. Cũng bởi rất lâu rồi văn học Việt không có tác phẩm khiến người người đi tìm, nhà nhà lùng mua.

Loay hoay tìm đường

Theo nhà văn Ngô Thảo thì đã vài năm nay chúng ta không có tác phẩm nổi tiếng, người người đi tìm. Tuy rằng thỉnh thoảng cũng có một vài cuốn tạo được cơn sốt nhưng chỉ dừng lại ở đó. Sách văn học trong nước cũng không bán được, thực chất là không bán được bao nhiêu. Những tác giả nổi tiếng của văn học Việt Nam hiện nay không còn như mấy năm trước nữa... Có những cuốn sách hay với các nhà văn, được các cơ quan văn học khen thưởng nhưng với thị trường thì ế ẩm.

Ngược lại, có những cuốn sách giới nhà văn chê ỏng chê eo thì bán đắt như tôm tươi. Đây rõ ràng đã và đang có tình trạng trái ngược nhau bởi thị hiếu. Tuy nhiên công bằng mà nói thì tình trạng này không phải bây giờ mà xưa nay vẫn thế. Văn học đích thực luôn kén độc giả. Rõ ràng viết nhưng để đi vào tâm trí độc giả không dễ.

Hội chợ sách tháng 10 năm 2016.

Không nhiều các nhà văn có những tác phẩm có thể thuyết phục được công chúng. Thậm chí, không ít nhà văn bây giờ vẫn còn lạc hậu, viết dày hàng 5 đến 7 trăm trang. Những tác giả đó có hai cái lạc hậu, một là lạc hậu với đời sống xã hội, hai là lạc hậu trong đời sống văn học. Lớp trẻ bây giờ viết ngắn và nhanh hơn, nhưng lại thiếu cái cơ bản là chiều sâu cảm xúc và nhất là vốn sống thực tế. Các nghề khác không biết, nhưng nghề viết văn thì người viết phải lăn lộn trong đời sống nhân dân mới sáng tác được. Thiếu cái ấy là thiếu cái căn bản..

Không thể phủ nhận một số tác giả trẻ có lượng sách bán ra rất tốt. Họ cũng có độc giả của họ và còn đông hơn cả lớp nhà văn cũ. Ví dụ như tác giả Gào, sách bán ầm ầm, đúng là tác giả đó cũng có giá trị nhưng chỉ là giá trị đáp ứng thị trường, đi sâu vào bản chất của văn chương thì còn rất xa. Khổ một nỗi là sách văn chương thứ thiệt thì thời nào cũng khó bán. Chính vì thế mà các nhà văn của ta hiện nay đang "lép vế" trong cuộc cạnh tranh trên thị trường sách.

Nhà văn Trung Trung Đỉnh thì cho rằng sở dĩ sách văn học trong nước khó thu hút là bởi văn hóa đọc thay đổi phương thức nhưng người viết và người sản xuất không thay đổi kịp. Bây giờ thanh niên đọc sách văn học hoàn toàn khác. Họ không thể đọc cuốn sách mất hàng tháng trời rồi lại vẩn vơ theo suy nghĩ trong sách.

Thực tế thì chưa bao giờ thị trường sách văn học Việt lại phóng phú như hiện nay. Sách ra ngày một nhiều với tốc độ chóng mặt. Sách xuất bản rất nhiều và sách cũ cũng được in lại. Và vô hình trung, đối với bạn đọc chưa đọc nhiều thì rất khó lựa chọn, nhiều người khát sách như khát nước nhưng đứng giữa biển sách vẫn khó chọn được sách hay, sách hợp.

Sách văn học ế ẩm

Thực tế, chúng ta từng có rất nhiều nhà văn có năng khiếu nhưng họ đều không lớn được. Và vì thế chúng ta có những sản phẩm mang tính văn chương thì nhiều mà sản phẩm văn chương thì ít. Thế hệ trẻ bây giờ có rất ít cá nhân mang trong mình nhiệt huyết, đa số là theo tư tưởng chấp nhận sự an bài theo hành trình, học ra trường kiếm việc làm yên ổn sống. Người làm văn chương cũng không truyền được nhiệt huyết vào trang viết, văn chương nghệ thuật mất đi. Còn thế hệ cũ thì họ bắt đầu có cái nhìn của người có tuổi, không mang theo sức sống của thời đại mới nên sách của họ cũng rất khó bán.

Chưa kể đến việc họ phải tự bơi, tự sống bằng tác phẩm của mình. Có thể nói nhà văn hiện nay gần như bị bỏ rơi, họ viết được, ra sách được phần lớn là bằng sự đam mê, bằng tình yêu với văn chương, chứ cơ quan quản lý, hay cả hội nhà văn, gần như không giúp gì về mặt vật chất cho các nhà văn. Bởi vậy, thế hệ nhà văn bây giờ có những thiệt thòi và những điều này cũng ảnh hưởng đến tác phẩm của họ

Các tác giả giao lưu tại hội chợ sách tháng 10 năm 2016.

Nói gì thì nói, trước đây Nhà nước quan tâm về vật chất đến nhà văn hẳn hoi, lại được thực sự tôn trọng. Và nó thể hiện cụ thể qua tem phiếu, chế độ này nọ. Vật chất có, về mặt tinh thần cũng không nhiều bất cập như hiện nay.

Bây giờ đời sống xã hội khác, đời sống nhà văn khác. Chỉ nói đến chuyện nhuận bút cũng đã có sự bất cập, một cuốn tiểu thuyết 700 trang chỉ được trả khoảng 10 triệu đồng, không bằng 1 tập kịch bản phim truyền hình. Nhiều nhà văn cho rằng nhuận bút bây giờ không bằng 1/20 thời bao cấp.

Vậy nên cả nước có hàng ngàn nhà văn, chỉ vài nhà văn sống khỏe bằng nhuận bút, còn đa số là ăn lương viên chức, công chức, viết chỉ là tay trái. Thậm chí, nhiều tác giả bây giờ làm gì có nhuận bút mà còn phải tự bỏ tiền ra in.

Thử hỏi làm sao có tác phẩm đỉnh cao, có nhà văn nổi tiếng khi mà cái họ nhận được quá rẻ mạt, bèo bọt so với cái mình bỏ ra. Có thể nói rằng, cả nước chỉ duy nhất nhà văn Nguyễn Nhật Ánh là sống đúng với nghề hàng chục năm nay còn những nhà văn khác thì chỉ tùy theo từng thời điểm có thể sống với nghề.

Nhà văn Trung Trung Đỉnh cũng cho biết, sách văn học giờ cả năm trời may ra có một vài quyển bán được hòa vốn chứ đa số đều ế. Mà điều đáng buồn, đa phần sách bán được là sách... có dư luận bị cấm chứ không phải dư luận hay. Ông cũng chia sẻ trong các NXB sống kha khá chỉ tính trên đầu ngón tay, mà đa số là những NXB được Nhà nước bao cấp như bao cấp lương, bao cấp đầu ra.

Còn nếu chỉ có kinh doanh sách không thôi thì... Một vài NXB sống khỏe như NXB Trẻ, NXB Kim Đồng. NXB Kim Đồng có hệ thống phát hành sẵn trước giờ, sách cho các cháu lúc nào cũng bán được hoặc NXB Giáo dục độc quyền, họ ung dung.

NXB Trẻ là nơi làm ăn giỏi nhất hiện nay, còn lại nhiều NXB đang cầm cự để sống. Các NXB khác chức năng của họ làm đủ các loại sách, sách nấu ăn cũng được, tổ chức buôn bán cũng được, chỉ có sách văn học là thứ bán chậm nhất, kém nhất. Vì thế không thể trách khi NXB cũng bất lực để sách dịch chiếm lĩnh thị trường đánh bật sách văn học trong nước. Tuy rằng xu thế hội nhập càng mạnh thì sách dịch càng nhiều, điều ấy đáng mừng. Thế nhưng, cả một thế hệ chỉ biết đọc truyện tranh, sách dịch thì không hiểu rồi văn học nghệ thuật sẽ đi đến đâu.

Đã đến lúc các cơ quan quản lý, hội nhà văn cùng chung tay vào cuộc, tìm ra giải pháp để văn học có tác phẩm đỉnh cao và cũng để sách văn học được bạn đọc tìm đến.

Người viết cần có chế độ đãi ngộ xứng đáng

Đó là lời của một người làm sách, ông Nguyễn Tuấn Quỳnh - Tổng Giám đốc Saigon Books. Ngay trên sân nhà, sách Việt bị lấn át, từ sách thiếu nhi đến các loại sách khác, bởi sách dịch chiếm ưu thế hoàn toàn.

Ông Nguyễn Tuấn Quỳnh.

Đây là một thực tế đau lòng. Dù rằng, sách của tác giả Việt ngày càng nhiều hơn nhưng để có được những tác phẩm có giá trị đặc biệt, được nhiều giới háo hức tìm đọc thì quả là hiếm. Thực trạng này xuất phát từ thị hiếu. Khá nhiều cuốn sách được giới trẻ yêu thích thì bạn đọc lớn tuổi hơn không đọc.

Trong khi đó, những tác phẩm có giá trị, có hàm lượng nghiên cứu thì đa số các bạn trẻ không quan tâm. Vừa qua, có những đầu sách như cuốn "Làm như chơi" - nói về cách làm chủ công việc và đời sống hằng ngày bằng năng lực thức tỉnh của tác giả Minh Niệm ngay trong ngày ra mắt, đã bán được 3.000 cuốn. Tuy nhiên, đây chỉ là một trong những trường hợp khá hiếm trong làng sách Việt hiện nay.

Chúng ta thiếu các tác phẩm hay, đặc sắc cũng bởi chế độ đãi ngộ cho người viết chưa cao. Với cơ cấu chi phí hiện nay, trong đó khoảng 50% giá bán sách thuộc về hệ thống phân phối thì các công ty sách rất khó nâng cao mức tác quyền - bình quân khoảng 10%-15%. Một cuốn sách muốn bán chạy thì cần phải có nội dung tốt, giá bán hợp lý và chiến lược truyền thông phù hợp. Thiếu một trong 3 yếu tố này, sẽ rất khó bán chạy.

Theo ông Quỳnh, để ngày càng có nhiều cuốn sách hay thì cần sự chung tay của nhiều phía. Nhà nước đóng vai trò thúc đẩy văn hóa đọc, đặc biệt trong nhà trường. Với các đơn vị xuất bản cần có sự chọn lọc kỹ lưỡng hơn, tinh tế hơn mới mong có tác phẩm hay, đặc sắc.

Hiện nay, trừ một số tên tuổi tác giả Việt nổi bật thì rất ít người có thể sống sung túc bằng tiền tác quyền. Cùng với việc trả tiền tác quyền thỏa đáng, nhà sách cũng lựa chọn đàm phán và trả tiền một lần trọn gói cho tác giả mà không phụ thuộc vào tỉ lệ % hay số lượng sách xuất bản.

Chẳng hạn như với Nguyễn Phong Việt, bên đơn vị làm sách ký luôn hợp đồng 5 năm với nhà thơ, trả tác quyền một lần thỏa đáng để Phong Việt tập trung vào sáng tác thơ. Ngoài nhà thơ Phong Việt, bên NXB cũng đang xúc tiến đàm phán với một số tác giả người Việt nổi tiếng khác để mua bản quyền trọn đời.

Bên cạnh tiền tác quyền thì số lượng sách bán ra cũng ảnh hưởng đến thu nhập của tác giả. Để bán được sách, phải đầu tư thỏa đáng cho các hoạt động truyền thông, tiếp thị, cân đối hài hòa giữa các yếu tố: tiền tác quyền, giá sách và chi phí truyền thông. Thật ra, đây là vấn đề khá nan giải cho các công ty sách khi mà số lượng sách bán ra chỉ vài ngàn cuốn/đầu sách.

Nói về thực trạng thị trường sách ở Việt Nam hiện nay, bên cạnh thiếu các tác phẩm đặc sắc, tiền tác quyền chưa thể nuôi tác giả sống bằng nghề (trừ một số tên tuổi nổi bật) thì sách của tác giả Việt viết cho thiếu nhi còn rất khiêm tốn.

Trên thực tế, viết cho người lớn đã khó, viết cho thiếu nhi càng khó hơn. Chúng ta phải thấy rằng Việt Nam đang có dân số trẻ, dân trí ngày càng cao nên sách thiếu nhi đang phải cạnh tranh với các loại hình giải trí khác. Tuy nhiên, sách thiếu nhi vẫn luôn chiếm xấp xỉ 50% số sách bán ra trên thị trường. Qua đó cũng chứng minh rằng, sách thiếu nhi có thị trường lớn nhất trong các dòng sách.

Tuy nhiên, hiện nay, đa số sách thiếu nhi bán chạy là sách dịch. Nhìn vào tốp 20 sách thiếu nhi bán chạy nhất trên tiki.vn hiện nay thì tất cả đều là sách dịch. Chúng ta không có nhiều tác giả người Việt viết cho thiếu nhi vì có lẽ trong một thời gian dài, các tác giả Việt bỏ quên đối tượng này.

Chế độ đãi ngộ cũng quan trọng nhưng không phải là yếu tố quyết định số lượng và chất lượng sách thiếu nhi. Chúng ta cần có những tác phẩm sách thiếu nhi có giá trị và đưa được sách vào nhà trường. Đây là một quá trình lâu dài.

Mỹ Trân - Lâm Chi
.
.