Dấu vết “biết nói” giúp các điều tra viên vạch mặt tội phạm
Lori Ann Auker, 19 tuổi, đã ly dị chồng và giành quyền nuôi con. Một hôm cô đến nơi làm việc, một khu thương mại tại Pennsylvania, bằng xe hơi... và đã biến mất. Người ta tìm thấy xác của cô sau đó 3 tuần dưới chân một con đê. Cô đã bị giết bằng nhiều nhát dao.
Cảnh sát lập tức nghi ngờ người chồng, Robert Auker. Vài tuần trước đó Auker đã ký một hợp đồng bảo hiểm sinh mạng cho vợ và định ghi ngày tháng lùi lại. Nhưng anh ta khẳng định rằng lúc Lori mất tích, anh đang ở một khu thương mại khác.
Trong hơn một năm, cảnh sát không thể tìm ra bằng chứng gì để chứng minh anh ta có tội. Thế là các điều tra viên nhờ đến một nhân chứng kín đáo: máy camera đặt tại nơi bán vé của khu thương mại. Ống kính lấy hậu cảnh là bãi đậu xe. Nhưng vì sử dụng quá nhiều nên băng từ đã cũ, người ta phải mang nó đến phòng thí nghiệm hình sự của FBI tại Washington.
Trên một cảnh, xuất hiện một bóng dáng phụ nữ không rõ nét đang đi về phía camera. Ở cảnh kế tiếp, 10 giây sau đó, người ta nhận ra một chiếc xe đậu phía sau cô ta, cửa bên phải để mở. Ở cảnh kế tiếp, người phụ nữ đã biến mất cùng với chiếc xe. Có lẽ cô ta đã lên xe.
Hình ảnh của chiếc xe cũng không rõ, nhưng dạng đèn lái cho biết rằng đó là kiểu xe Chevrolet Celebrity được sản xuất vào khoảng từ năm 1982 đến 1985. Cha của Robert Auker có một chiếc như thế. Ông thừa nhận rằng vào ngày Lori mất tích, con trai ông có sử dụng chiếc xe đó. Nó đã được bán đi 3 ngày sau vụ án mạng. Người chủ mới là một cảnh sát ở Pennsylvania. Nhưng liệu có đúng là chiếc xe trong băng ghi hình không? Để biết rõ, các điều tra viên nhờ đến những chuyên gia về kỹ thuật hoàn chỉnh hình ảnh video.
Nhờ kỹ thuật số, các chuyên gia làm cho băng hình rõ nét hơn và tăng thêm độ tương phản. Sau đó người ta nhận ra chiếc xe rõ ràng là của Auker. Hình ảnh này là bằng chứng quan trọng trong phiên tòa xử Robert Auker. Sau khi cáo buộc anh ta tội bắt cóc và giết người, tòa đã tuyên án tử hình.
Ngày trước các điều tra viên muốn có được bằng chứng cụ thể và nhìn thấy được. Nhưng từ vài thập niên gần đây, tiến bộ kỹ thuật đã làm đảo lộn hẳn phương pháp làm việc của họ. Giờ đây họ lại thích các bằng chứng không thể nhìn thấy. Nước Mỹ có hơn 300 phòng thí nghiệm hình sự, nhưng để phân tích loại chứng cứ này, phòng thí nghiệm của FBI là hoàn hảo nhất. Tại đây có 600 chuyên gia và nhân viên kết hợp với sự tinh nhạy của cảnh sát cùng các kỹ thuật mũi nhọn, chẳng hạn như hình ảnh kỹ thuật số, laser và phân tích di truyền.
Một phương pháp tin học đã giúp tái dựng lại hình ảnh 3 chiều của bề mặt một viên đạn. Năm 1992, các chuyên gia của FBI đưa vào máy tính thông số của một vỏ đạn được tìm thấy tại hiện trường một vụ án mạng. Câu trả lời của máy thật đáng kinh ngạc: một vỏ đạn giống hệt như thế đã được bắn trong lúc thử một khẩu súng của cảnh sát. Chẳng lẽ máy tính đã có vấn đề? Tuy nhiên khi cảnh sát muốn lấy khẩu súng đó từ trong kho thì nó đã biến mất. Một cuộc điều tra nội bộ cho thấy rằng các nhân viên đã trộm súng để bán cho bọn xã hội đen.
![]() |
Phương pháp khoa học đầu tiên của cảnh sát là tìm vân tay. Hiện nay FBI có đến hơn 200 triệu phiếu lưu trữ vân tay của 70 triệu người. Người ta có thể tìm thấy vân tay trên bất kỳ đồ vật gì. Có lần cảnh sát tìm được dấu vân tay của một tên sát nhân trên tấm bản đồ trong một chiếc xe bị chìm dưới nước. Khi chiếu tia laser, người ta còn có thể phát hiện ra dấu tay trên một tấm bưu ảnh cách đây 40 năm.
ADN là một công cụ quý báu đối với ngành pháp y. Có thể xem nó như là dấu vân tay sinh học. Một phụ nữ tại Maryland bị cưỡng hiếp và đánh đập. Cô không nhận rõ mặt của hung thủ nhưng ngờ ngợ rằng đó là một thanh niên mà cô đã từng quen biết. Anh ta bị bắt và vụ việc được xếp lại.
Nhưng trong thời gian bị giam giữ, anh ta gặp lại một người bạn cũ rất giống anh ta và cũng từng quen biết với nạn nhân. Lập tức anh yêu cầu cảnh sát điều tra lại. Phòng thí nghiệm của FBI phân tích ADN và chứng minh rằng anh ta không phải là hung thủ. Phân tích mẫu máu của người kia cho thấy cấu trúc ADN rất phù hợp với của hung thủ. Cảnh sát lập tức bắt giam thủ phạm.
Chỉ với 2 sợi tóc đã đủ để cảnh sát tìm ra thủ phạm một vụ án mạng. Cô Patricia Giesick bị xe đụng tại New Orleans và tên tài xế tẩu thoát. Anh chồng sắp được hưởng tiền bảo hiểm nhưng cảnh sát phát hiện ra rằng hôm trước khi xảy ra tai nạn, anh ta đã thuê 2 chiếc xe. Bên dưới chiếc xe thứ hai, cảnh sát tìm thấy vài sợi tóc mà sau khi phân tích, cho thấy rằng đó là tóc của Patricia. Anh chồng đành phải thú nhận rằng đã xô cô ấy vào xe, đồng thời khai luôn tên tài xế đồng lõa.
Một mảnh giấy được tìm thấy bên cạnh xác của một thanh niên bị giết đúng vào ngày sinh nhật của anh ta, trên đó có ghi: "Sinh nhật vui vẻ, anh bạn". Nạn nhân có vợ sắp cưới và người tình cũ của cô này là kẻ đáng ngờ trước tiên. Khi lục soát chiếc xe của gã này, cảnh sát tìm thấy một phong bì có ghi tên và địa chỉ của cô gái. Họ gửi phong bì về phòng thí nghiệm FBI để giảo nghiệm tự dạng.
Lần này vụ việc được giải quyết theo phương pháp cổ điển. Chuyên viên của FBI đến làm việc vào lúc 7 giờ sáng. Phong bì được đặt trên bàn giấy trước cửa sổ. Ánh nắng ban mai chiếu nghiêng làm hiện ra những bóng mờ trên đó. Khi nhìn gần, chuyên viên nhận ra dòng chữ viết lõm: "Sinh nhật vui vẻ, anh bạn". Kẻ tình nghi đã không ngờ rằng khi viết, cây bút luôn để lại vết hằn trên tờ giấy phía dưới