Đầu xuân bàn chuyện “cầu hiền đãi sĩ”

Thứ Bảy, 13/02/2021, 10:59
Quan điểm trọng dụng nhân tài đã có từ thời xa xưa, với nhiều hình thức “chiêu hiền đãi sĩ”. Năm 1499, vua Lê Hiến Tông đã ban hành một đạo sắc về chấn hưng đất nước, trong đó nhấn mạnh: "Nhân tài là nguyên khí của quốc gia. Nguyên khí mạnh thì trị đạo mới mạnh. Khoa mục là đường thẳng của quan trường. Ðường thẳng mở thì chân nho mới có".

Vua Quang Trung - Nguyễn Huệ cũng đã từng xác định: "Dựng nước lấy việc học làm đầu. Muốn thịnh trị lấy nhân tài làm gốc". Theo đó, các triều đại vua chúa nối tiếp nhau đều luôn đề cao vai trò của trí thức thông qua các chính sách thu phục hiền tài đóng góp cho sự hưng thịnh của quốc gia, dân tộc...

Kể từ khi Việt Nam giành được độc lập, vai trò của trí thức càng được đề cao và xem trọng. Hàng loạt chính sách “trải thảm đỏ” từ Trung ương đến địa phương được đưa ra nhằm thu hút chất xám của người Việt từ khắp nơi trên thế giới trở về quê hương đóng góp cho đất nước. Nhờ vậy, nhiều thế hệ trí thức, học giả đang sinh sống và làm việc ở các quốc gia phát triển trên khắp thế giới đã quyết định về Việt Nam làm việc. Trong số đó, tôi may mắn gặp được thạc sĩ Nguyễn Văn Thuận.

Thạc sĩ Nguyễn Văn Thuận thường xuyên tham gia các hoạt động hỗ trợ trẻ em Việt Nam.

Trước đây, thạc sĩ Nguyễn Văn Thuận từng làm việc trong lĩnh vực phát triển cộng đồng cho các tổ chức quốc tế có chương trình hợp tác tại Việt Nam. Những dự án mà anh làm tập trung vào việc bảo vệ trẻ em, hỗ trợ người nghèo, nông dân, phụ nữ, bà con người dân tộc thiểu số cải thiện cuộc sống một cách bền vững. Năm 2014, anh Nguyễn Văn Thuận được Chính phủ Australia cấp học bổng toàn phần cho chương trình thạc sĩ ngành Công tác xã hội tại Đại học Flinders (Australia) trong 2 năm.

Đây là một cơ hội quý mà anh Thuận đã theo đuổi từ lâu với khát khao được học hỏi và nghiên cứu một cách có hệ thống về lĩnh vực công tác xã hội ở những quốc gia phát triển để có thể áp dụng vào thực tế tại Việt Nam. Sau nhiều năm làm việc trong lĩnh vực phát triển cộng đồng cho các tổ chức phi chính phủ quốc tế và Việt Nam, giờ anh Thuận đang công tác tại Trường Đại học Hoa Sen...

Đại sứ Australia tại Việt Nam trao học bổng toàn phần của Chính phủ Australia cho anh Nguyễn Văn Thuận vào năm 2014.

Khi tôi bày tỏ quan điểm, những người có năng lực, học ở nước ngoài rồi sẵn sàng về nước công tác, từ bỏ cơ hội tốt hơn ở nước ngoài thì trước tiên những con người này phải xuất phát từ tình yêu quê hương đất nước sâu thẳm, thạc sĩ Nguyễn Văn Thuận hoàn toàn đồng tình với quan điểm đó của tôi. Bởi theo anh Thuận, hầu như những người Việt Nam khi quyết định trở về nước sau những năm tháng học tập tại nước ngoài, đều có một điểm chung, đó là tình cảm và sự nặng lòng với gia đình, quê hương, đất nước. 

Điều này anh Thuận đã cảm nhận được một cách rõ ràng qua các trao đổi, nói chuyện, tâm sự với các anh chị em du học sinh ở Australia, anh chị em Hội Sinh viên Việt Nam tại trường đại học nơi Thuận theo học ở Australia và du học sinh Việt Nam ở nhiều quốc gia trên khắp thế giới. “Với cá nhân Thuận, ngay khi lựa chọn ngành học về công tác xã hội là Thuận đã xác định hướng đi cụ thể cho bản thân mình. Những ngày được sống ở Australia, trong tâm trí Thuận vẫn không thôi nghĩ về những làng quê nghèo ở Việt Nam. Có cô hiệu trưởng một trường mẫu giáo ở một vùng quê nghèo miền Trung, giờ đã nghỉ hưu, vẫn thường xuyên hỏi thăm Thuận, kể cho Thuận nghe những đổi thay tích cực cũng như những khó khăn của các em nhỏ và bà con ở đó... Tất cả những điều đó đã thôi thúc và tạo thành quyết tâm lớn cho sự trở về của Thuận”, anh trải lòng.

Dù mỗi cá nhân đều có cách thể hiện tình yêu với quê hương đất nước theo cách riêng của mình nhưng hiện có thêm nhiều trí thức Việt trở về nước với tâm thế cống hiến mà không quá nặng về danh lợi quả là tín hiệu lạc quan cho chính sách thu hút nhân tài của đất nước ta. Với nhiều trí thức trẻ, khái niệm “trở về” là một điều mặc định đã được “cài đặt” trong sâu thẳm con người họ. Như trường hợp của thạc sĩ Bùi Hải Đăng, hiện đang làm việc cho Tập đoàn Sun Group. Bùi Hải Đăng mới 28 tuổi, thật trẻ trung và cũng giống như Nguyễn Văn Thuận, Đăng đi tu nghiệp ở nước ngoài là “để trở về”. Bùi Hải Đăng tốt nghiệp thạc sĩ tại Trường Đại học Sư phạm cao cấp Cachan (nay đổi tên thành Trường Đại học Sư phạm cao cấp Paris Saclay - thuộc khối Đại học Paris Saclay, Cộng hòa Pháp). 

“Ngày đầu tiên đặt chân tới Pháp, em nhận ra đất nước mình tụt hậu so với phương Tây đến cả trăm năm. Khát vọng trở về xây dựng đất nước có lẽ đã được nung nấu từ những ngày tháng đầu tiên em học tập và làm việc ở phương Tây. Bản thân em nghĩ mình cần đóng góp cho đất nước mình nhiều hơn là đóng góp cho xã hội nước Pháp. Hơn nữa, kể cả khi sự đóng góp đó chưa được nhiều thì làm việc ở quê hương vẫn mang nhiều ý nghĩa hơn so với việc cống hiến cho quốc gia khác. Đành rằng mức lương nhận được khi làm việc ở Việt Nam thấp hơn nhiều nhưng sự tôn trọng và sự công nhận con người sẽ rõ ràng hơn nhiều quốc gia phát triển”, thạc sĩ Bùi Hải Đăng chia sẻ...

Thạc sĩ Bùi Hải Đăng (người cầm cờ, bên trái) cùng các du học sinh Việt Nam tại lễ chào đón tân sinh viên của khối Đại học Paris Saclay.

Đảng và Nhà nước ngày càng chú trọng xây dựng chính sách “trải thảm đỏ” nhằm thu hút người Việt về nước cống hiến. Tại nhiều địa phương, chủ trương “trải thảm đỏ” luôn nóng trên bàn nghị sự. Tại TP Hồ Chí Minh, chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt sẽ nhận được trợ cấp ban đầu để ổn định công tác; được hưởng mức lương hằng tháng với số tiền bằng mức lương cơ sở nhân với hệ số của bảng lương chuyên gia cao cấp; hưởng hỗ trợ sinh hoạt phí hằng tháng theo năng lực, thành tích mà cá nhân cống hiến; hưởng phụ cấp từ công trình khoa học mà cá nhân tham gia... Ngoài ra, chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt còn được hỗ trợ về nhà ở và phương tiện đi lại, làm việc.

Tại Đà Nẵng, sau 16 năm (1998-2014) thực hiện chính sách thu hút nhân tài, thành phố đã tiếp nhận và bố trí công tác cho 1.269 người tốt nghiệp đại học công lập, chính quy trở lên; trong số này đã có 300 người được bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo. Tính đến cuối tháng 9-2019, Đà Nẵng đã cử 613 người tham gia đề án đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Hiện Đà Nẵng đã thay đổi chiến lược đãi ngộ nhân tài, ưu tiên thu hút nhân tài hơn là chỉ dừng ở việc cử người đi học... Mới đây, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 27/2020/NĐ-CP trong đó sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 87/2014/NĐ-CP quy định về thu hút cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ là người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học công nghệ tại Việt Nam với nhiều chính sách mới đột phá và nhân văn...

Mặc dù vậy, chính sách thu hút nhân tài vẫn còn biết bao điều trăn trở, khi mà vẫn có những trí thức giỏi, sau một thời gian làm việc trong nước đã đi ra nước ngoài; khi mà vẫn có những địa phương, hàng loạt người tài xin ra khỏi đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Rõ ràng, cơ chế thu hút nhân tài của chúng ta vẫn có điều gì đó chưa ổn, dẫn tới “chảy máu chất xám”. Tôi nhớ có lần trò chuyện với giáo sư Vũ Hà Văn (Đại học Tổng hợp Yale - Mỹ, hiện anh là Giám đốc Khoa học Viện Nghiên cứu dữ liệu lớn của Vingroup). Lúc đó giáo sư mới về nước làm việc ở Viện Nghiên cứu cấp cao về toán và thời điểm đó, giáo sư đã bày tỏ khát khao Nhà nước cần phải tạo một môi trường sao cho trí thức người Việt Nam ở nước ngoài về nước cảm thấy mình thực sự có ích, được Nhà nước hỗ trợ và không bị gò bó bởi các thủ tục hành chính phức tạp.

Giáo sư gợi ý, chúng ta có thể học tập kinh nghiệm của một số nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, Hàn Quốc, họ đã có những giải pháp thu hút được số lượng không nhỏ những nhà khoa học gốc Hoa, người Hàn Quốc quay lại làm việc ở trong nước. Theo đánh giá của giáo sư Vũ Hà Văn, cơ chế phát triển người tài ở ta vẫn chủ yếu dựa vào quan hệ, trong khi ở các nước phát triển, năng lực và thành quả lại là thước đo duy nhất. 

Trả lời báo chí, có lần giáo sư đã bộc bạch rằng: “Môi trường làm việc cực kỳ quan trọng. Silicon Valley thành công được là vì nó không chỉ có một nhóm nghiên cứu, mà mỗi công ty có hàng chục nhóm nghiên cứu. Ở đó có hàng chục công ty lớn, hàng nghìn công ty nhỏ, cộng thêm các trường đại học lớn ở xung quanh. Nó phải là cả môi trường, chứ không phải là một người hay một công ty. Một công ty không làm được gì nhiều. Nếu chúng ta muốn thu hút người tài một cách thực sự thì phải xây dựng một chế độ rõ ràng, minh bạch, hợp lý, chứ không phải bằng cách hô hào chung chung”.

Để “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”, Nhà nước phải truyền thêm cho họ nguồn cảm hứng về công cuộc xây dựng, kiến tạo một đất nước Việt Nam hùng cường, khơi dậy trong họ lòng tự tôn dân tộc... Một khi dòng chảy của nguyên khí quốc gia được khai thông thì chắc chắn đất nước sẽ hưng thịnh và phát triển không ngừng...

Thu Phương
.
.