Dây thần kinh nhân tạo cho người mang chi giả

Chủ Nhật, 15/11/2009, 09:40
Các nhà khoa học Mỹ đang nghiên cứu phát triển các dây thần kinh nhân tạo cho phép những người mang chi giả cảm giác được độ nóng của tách cà phê hay cảm giác chạm tay vào người khác.

Các "Cyber-nerve" được tạo lập từ chất liệu mang tính đột phá có tên gọi là Pedot - nó sẽ dẫn điện như một sợi dây và có thể kích thích các tế bào mới tăng trưởng. Những sợi dẻo Pedot đã được sử dụng để kết nối những sợi thần kinh bị đứt ở động vật và phục hồi sự sử dụng các cơ không hoạt động. Các nhà nghiên cứu hy vọng các thử nghiệm đầu tiên trên người sẽ bắt đầu trong 3 năm nữa. Nếu thành công, những người mang chi giả sẽ có thể cảm nhận được độ nóng, lạnh và sự va chạm với các chi giả của mình.

Mục đích của nghiên cứu là nối những sợi Pedot vào hệ thần kinh của bệnh nhân, sau đó kết nối các "cyber-nerve" này với hệ thống cảm biến lắp trên các ngón tay, ngón chân và bàn tay giả. Giáo sư Paul Cederna, nhà phẫu thuật tạo hình ở Đại học Michigan (Mỹ), nói: "Trong tương lai, một số người mất cả hai bàn tay sẽ có thể cầm tay con cái mình và cảm nhận độ ấm của bàn tay đứa con". Chất liệu dẻo Pedot được báo cáo tại hội nghị Các nhà phẫu thuật tạo hình Mỹ ở thành phố Seattle vào đầu tháng 11/2009. Nghiên cứu nhận được sự tài trợ của Lầu Năm Góc nhằm mục đích giúp những cựu binh bị mất chi trở về từ chiến trường Iraq hay Afghanistan.

Theo Giáo sư Cederna, những dây thần kinh tổng hợp mới này sẽ lót đường cho sự giao tiếp 2 chiều giữa não bệnh nhân và chi giả của họ. Chất liệu Pedot phản ứng nhanh hơn và truyền tải các tín hiệu điện nhanh hơn và hiệu quả hơn chất liệu kim loại được sử dụng hiện nay. Chất dẻo Pedot cũng kích thích sự tăng trưởng của các tế bào thần kinh mạnh khỏe.

Trong một thí nghiệm, các nhà phẫu thuật tạo hình ghép Pedot lên chân gãy của con chuột. Các sợi thần kinh mới phát triển và thay thế các sợi thần kinh bị tổn hại, từ đó trả lại sự sống cho những cơ không hoạt động. Trong nghiên cứu thứ hai, các nhà khoa học tạo ra một "ống" chứa những tế bào, cơ và chất liệu dẻo Pedot quanh sợi thần kinh bị đứt của con chuột.  Sau 114 ngày, các mạch máu và cơ mới hình thành, các sợi thần kinh phát triển và cảm giác bắt đầu quay trở lại với con vật.

Giáo sư Cederna hy vọng sẽ tạo ra được thế hệ chi giả đầu tiên sử dụng "cyber-nerve" nối với các sợi thần kinh bình thường trong vòng một thập niên nữa. Các sợi thần kinh sẽ được kết nối với hàng ngàn bộ cảm biến cực nhỏ có thể giúp bệnh nhân mất chi có cảm giác trở lại với phần chi giả của mình. Tuy nhiên,  bác sĩ Michael Fox, Bệnh viện Chỉnh hình Hoàng gia ở London cho biết hiện vẫn còn nhiều trở ngại khổng lồ về mặt kỹ thuật đối với công trình mang lại "cảm giác" cho bàn tay giả.

Ông nói: "Có một nguy cơ rất lớn là não sẽ nhận những tín hiệu sai. Tôi rất phấn khích trước tiến bộ này song bây giờ hãy còn quá sớm để vui mừng"

An Di (theo Daily Mail)
.
.