Đề án học phí mới sẽ đảm bảo mọi học sinh nghèo đều được đến trường

Thứ Ba, 09/09/2008, 20:05
Ngày 5/9, gần 22 triệu học sinh, sinh viên sẽ bước vào năm học mới. Chúng tôi đã ghi lại ý kiến của Phó Thủ tướng, Bộ Trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân, đồng thời gặp gỡ trao đổi với một số cơ sở quản lý giáo dục, hiệu trưởng và phụ huynh học sinh để cùng tìm giải pháp thực hiện những nhiệm vụ quan trọng cho năm học mới.

Tỉ lệ học sinh bỏ học dù nhỏ cũng khiến chúng ta day dứt...

Hiện nay, học sinh mọi vùng miền trong cả nước đang náo nức với phong trào "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực", đặc biệt sau khi Bộ GD&ĐT, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cùng TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã ký kết kế hoạch liên ngành vào ngày 19/8 để triển khai "Xây dựng trường học thân thiện...".

Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng của chủ đề năm học mới. Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân là người đã dành nhiều tâm huyết cho phong trào này. Tại hội nghị tổng kết năm học được tổ chức tại Hải Phòng vào ngày 31/7, Phó thủ tướng đã cho biết, để giải quyết được tận gốc tình trạng học sinh bỏ học thì ở góc độ sâu xa là phải xây dựng được trường học thân thiện, có nước uống, có cây xanh, có nhà vệ sinh.

Phó thủ tướng đã từng đi kiểm tra thi tốt nghiệp THPT ở một trường Anh hùng tại tỉnh Bắc Ninh, ông rất day dứt khi biết nhà trường vẫn chưa xây đủ công trình phụ cho học sinh. Trường học thân thiện, tích cực là phải đảm bảo được nhu cầu tối thiểu cho các em học sinh, trường phải xanh, sạch, đẹp và an toàn, làm sao để học sinh đến trường náo nức niềm vui, có vui vẻ các em mới học hành tốt được (năm học mới này, phấn đấu trường học nào cũng có nhà vệ sinh).

Thêm nữa, người thầy phải có phương pháp dạy và học hiệu quả, phù hợp với lứa tuổi học sinh, có như thế các em mới hiểu bài, tự tin và muốn gắn bó, yêu trường, yêu lớp nhiều hơn. Theo Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân, tỉ lệ học sinh bỏ học của chúng ta trung bình hiện nay là trên 1%, so với các nước khác không cao, nhưng dù 1% hay 1,5% cũng là điều chúng ta phải băn khoăn, day dứt.

Bỏ học là kết quả có nhiều yếu tố, nếu không tiến hành đồng bộ các biện pháp khắc phục thì không giải quyết được. Từng biện pháp cũng phải cụ thể, một tháng giúp bao nhiêu cân gạo thì các em có thể đi học được, phải biết địa chỉ của từng em bỏ học, em ở xa không đi học được thì phải cho các em xe đạp, làm sao chăm sóc đúng từng em, từng hoàn cảnh gia đình.

Sắp tới, Bộ GD&ĐT sẽ cùng Chính phủ và Ủy ban Dân tộc tổ chức hội nghị chuyên đề về giáo dục dân tộc, qua đó gián tiếp giải quyết nạn học sinh bỏ học. Đây sẽ là một nhiệm vụ lớn của toàn ngành giáo dục trong năm học mới.

Trước thềm năm học mới, phụ huynh và học sinh cả nước rất quan tâm tới những sai sót trong SGK sẽ được chỉnh sửa như thế nào và sức ép gánh nặng học hành bao giờ hết đè nặng lên vai học sinh? Theo Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, việc đánh giá chương trình và SGK sẽ thực hiện liên tục từ nay đến năm 2010, sau đó mới tính tiếp biên soạn bộ SGK mới như thế nào.

Năm vừa rồi, tất cả các môn học đều được đánh giá, nhưng trong năm học mới này, theo Phó thủ tướng cho biết sẽ tập trung đi sâu một số môn, đặc biệt sẽ tập trung vào môn Văn, Sử, Địa, Giáo dục công dân, những môn mà lâu nay xã hội chưa thật sự yên tâm, làm sao mỗi bài giảng phải thấm tình người và có tính nhân văn.

Học sinh bản Tả Kho Khử (huyện Mường Nhé, Điện Biên) trên đường tới trường.

Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức hội thảo từ cấp cơ sở đến quốc gia đổi mới cách dạy những môn này, kiểm tra bằng việc gắn dạy với thực tiễn, gắn với lịch sử văn hóa địa phương. Cũng theo Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, chúng ta hỏi các em về lòng yêu nước nhưng không nên chỉ qua những bài văn học ở trường mà phải qua cảm nhận, cảm xúc của học sinh đó đối với địa phương là gì?

Phải chuyển được cái tốt vào những tác phẩm cụ thể để đánh giá được tình cảm, cảm xúc của học sinh đối với đất nước. Hiệu quả của 2 môn Giáo dục công dân và Thủ công cũng sẽ được đánh giá lại, dạy như hiện nay đã hiệu quả chưa? Các em có trưởng thành về kỹ năng không?

Nội dung giáo dục đạo đức được đưa vào bài học như thế nào? Hiện nay, bước đầu thực hiện phương án giảm tải, Bộ GD&ĐT đã hướng dẫn "tích hợp" nội dung nhiều môn học với nhau. Hiện nay, Bộ GD&ĐT đã bắt đầu in 28.000 cuốn đính chính các nội dung trong SGK ở 3 cấp để phát miễn phí tới học sinh và giáo viên...

Năm học mới sẽ còn nhiều nhiệm vụ nặng nề. Đó là sẽ triển khai cấp quốc gia 3 chương trình: phổ cập mẫu giáo 5 tuổi, xây dựng hệ thống các trường THPT chuyên và phát triển hệ thống các trường dân tộc nội trú. Đồng thời toàn ngành cũng đẩy mạnh đổi mới cơ chế quản lí tài chính, đặc biệt sẽ có Đề án học phí mới.

Tuy nhiên, theo Phó thủ tướng, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân, cuộc vận động "Hai không" sẽ được tiếp tục thực hiện mạnh mẽ, quyết liệt trong năm học mới này, đồng thời toàn ngành cũng sẽ tiếp tục hưởng ứng cuộc vận động "Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo".

Phó thủ tướng cho biết, sắp tới, Bộ GD&ĐT sẽ ban hành chính thức tiêu chuẩn giáo viên giỏi nhằm tôn vinh người thầy, người thầy phải là tấm gương đạo đức cho học trò noi theo. Bộ cũng đang khẩn trương xây dựng quy chế hiệu trưởng, chuẩn hiệu trưởng từ mầm non đến trung học phổ thông.

Cái hay là các thầy cô giáo trong trường sẽ được quyền đánh giá hiệu trưởng của mình, tạo sự dân chủ, thi đua lành mạnh. Năm học này, ngành sẽ triển khai phần đầu của chương trình bồi dưỡng 30.000 hiệu trưởng trong cả nước (trước mắt sẽ bồi dưỡng 10.000 hiệu trưởng), chương trình sẽ do Việt Nam và Singapore phối hợp.

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học mới khối các trường ĐH, CĐ được tổ chức ngày 27-8 vừa qua, người đứng đầu ngành giáo dục đã tha thiết kêu gọi các trường ĐH nên suy nghĩ xem làm thế nào để các GS, PGS có phòng làm việc riêng, làm thế nào để thu hút được sức sáng tạo cống hiến của các GS đã về hưu...--PageBreak--

Học phí mới: Có nơi đóng học phí cao lên nhưng có nơi học sinh được đền bù tiền để đi học

(Phỏng vấn ông Nguyễn Văn Ngữ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ GD&ĐT tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học khối CĐ - ĐH ngày 27/8).

PV: Thưa ông, hiện Đề án học phí mới đã được Chính phủ thông qua, đang chờ trình Bộ Chính trị quyết định. Trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn thì Đề án tính đến đối tượng học sinh, sinh viên nghèo như thế nào?

Ông Nguyễn Văn Ngữ: Mức học phí cũ được thực hiện từ năm 1998, đến nay đã 10 năm và không còn phù hợp nữa, do đó phải có khung học phí mới. Nguyên tắc là mức học phí và các chi phí học tập hợp lý khác của gia đình cho con em đi học bậc mầm non và phổ thông không vượt quá 6% thu nhập bình quân của gia đình.

Mức học phí với dạy nghề, trung cấp, ĐH, CĐ từng bước phải đảm bảo chi thường xuyên của các nhóm ngành, tiến tới đảm bảo chi phí đào tạo. Tăng học phí nhưng sẽ kèm theo một loạt các chính sách, cơ chế tài chính hỗ trợ người nghèo, đảm bảo tất cả người nghèo đều được đi học.

Cụ thể là thực hiện miễn học phí đối với học sinh tiểu học, học sinh thuộc diện chính sách, hộ nghèo theo tiêu chuẩn quốc gia, đồng thời giảm học phí cho các đối tượng cận nghèo. Nhà nước sẽ thực hiện hỗ trợ chi phí học tập (chi ngoài nhà trường) cho học sinh phổ thông diện chính sách và các vùng có thu nhập rất thấp.

Một nét mới nữa là sẽ thay đổi phương thức miễn học phí đối với sinh viên sư phạm, bằng cách thực hiện chính sách tín dụng sinh viên, khi ra trường, nếu đi dạy học ít nhất 5 năm (đối với ĐH, CĐ) và 3 năm (đối với TCCN) thì Nhà nước sẽ xóa nợ, cả gốc và lãi phần chi trả cho học phí... Theo tôi nghĩ, chưa bao giờ các chính sách ưu tiên được thực hiện tốt và hoàn chỉnh như hiện nay.

PV: Thưa ông, Đề án có đề cập tới vấn đề có nơi thu học phí cao lên nhiều, nhưng cũng có nơi học sinh được bù tiền để đi học, để việc đến trường với gia đình nghèo dễ dàng hơn và không tạo cảm giác mất công bằng với những đối tượng phải đóng học phí cao hơn...

Ông Nguyễn Văn Ngữ: Đúng là chúng tôi xây dựng Đề án học phí mới theo tinh thần như vậy. Lâu nay, những học sinh rất nghèo, ngoài chuyện miễn học phí còn được cấp hỗ trợ để đi học.

Hiện nay, chương trình 135 giai đoạn 2 đã có hỗ trợ, ví dụ học sinh mẫu giáo ở thôn bản hỗ trợ 70.000 đồng/tháng, học sinh trường trung học ở xã đặc biệt khó khăn được hỗ trợ 140.000 đồng/tháng, giờ những chính sách này vẫn tiếp tục được thực hiện.

Mặt khác, Quỹ tín dụng HSSV qua hệ thống vay của Ngân hàng chính sách hoạt động rất hiệu quả, năm vừa qua đã cho được hơn 754.000 HSSV với số tiền là 5.292 tỉ đồng, phấn đấu 30% HSSV được vay vốn đi học.

PV: Mức học phí ĐH có gì mới thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Ngữ: Ngoài việc bỏ chế độ miễn học phí đối với sinh viên sư phạm thì học phí ĐH sẽ chia theo 7 nhóm ngành đào tạo. Hiện nay mức trần là 180.000 đồng, Đề án mới sẽ cao hơn.

Với ĐH, học phí phải gắn liền với chi phí đào tạo, những ngành có chi phí cao dứt khoát phải có học phí cao, có những ngành Nhà nước sẽ ưu tiên đầu tư. Nhưng năm học này sẽ giữ nguyên mức học phí cũ, nếu được các cấp có thẩm quyền phê duyệt thì cũng phải đến năm 2009 mới áp dụng.

PV: Cao nhất là nhóm ngành nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Ngữ: Nhóm ngành y dược, nhưng phải tính toán thêm.

PV: Năm nay được xác định là “đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý tài chính ở các cấp học”, trong đó sẽ công khai các khoản thu chi tài chính trong các nhà trường phổ thông, nhưng nhiều người lo lắng sẽ khó kiểm soát các khoản thu chi và việc công khai rồi lại thành “khẩu hiệu”, hô hào?

Ông Nguyễn Văn Ngữ: Nhà nước đã có văn bản thực hiện hướng dẫn công khai tài chính trong các nhà trường rồi, nên các trường phải thực hiện nghiêm túc, quy định cả địa điểm, thời điểm, nội dung công khai. Theo tôi biết thì Hà Nội kiểm tra rất chặt chẽ thực hiện công khai tài chính.

PV: Trân trọng cám ơn ông!

Ông Lê Ngọc Quang – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội: Hiệu trưởng không được ép học sinh đóng góp nhiều khoản

Hà Nội mới đã mở rộng, nhiệm vụ đặt ra với giáo dục thủ đô cũng nặng nề hơn nhiều. Trong tháng 9 này, các đoàn kiểm tra của Sở GD&ĐT sẽ đi kiểm tra việc thu chi của các trường. Tinh thần là sẽ đề nghị các hiệu trưởng nghiên cứu kỹ lại các văn bản hướng dẫn về công khai thu, chi.

Chúng tôi yêu cầu các hiệu trưởng không được thu tập trung các khoản đóng góp ngay trong đầu năm để đỡ gánh nặng cho phụ huynh và học sinh. Thu chi cái gì, hiệu trưởng cũng phải công khai dân chủ, không được ép học sinh. Một lớp học có 40 học sinh, nếu chỉ vì 2 – 3 phụ huynh có điều kiện, muốn trang bị máy lạnh trong phòng học mà yêu cầu cả lớp phải đóng góp là điều không thể chấp nhận.

Tôi lưu ý, một học sinh tiểu học chỉ phải đóng góp tiền hỗ trợ 10.000 đồng, 40.000 đồng tiền cơ sở vật chất cho cả năm học và tiền bán trú (nếu có) là 50.000 đồng. Nếu chúng tôi phát hiện trường nào thu sai quy định, thu quá nhiều khoản thì sẽ xử lý nghiêm và sẽ xem xét thi đua cả năm học. Năm học này, các mức thu học phí của Hà Nội vẫn giữ nguyên như trước, chưa có gì thay đổi.

Thầy Nguyễn Tu Tập, Hiệu trưởng Trường THPT Đa Phúc (Sóc Sơn, Hà Nội): Không cần thiết phải mua quá nhiều đồng phục!

Đã đến lúc cần phải có khung học phí mới vì như trường tôi, một trường ngoại thành chỉ thu 20.000 đồng/em/tháng (diện gia đình làm ruộng), 30.000 đồng/em/tháng (gia đình thoát ly) và 4.000 đồng/học sinh/tháng (với hộ nghèo), như vậy không đủ để chi phí giữa thời buổi đắt đỏ.

Tôi cũng rất ủng hộ chủ trương công khai tài chính, kể cả những khoản mà cha mẹ đóng góp, tạo sự nghiêm túc và công bằng cho công tác quản lý. Những khoản thu tự nguyện thì nên tự nguyện thật, ngay cả việc nhỏ nhất là vấn đề nước uống cũng phải được phụ huynh đồng ý thì hãy cho đóng góp.

Còn về vấn đề đồng phục, n ếu yêu cầu mỗi học sinh mua tới 4 bộ là điều khó chấp nhận. Như trường tôi, chỉ cho học sinh mua 2 bộ là tối đa và các em sẽ mặc suốt trong 3 năm. Mỗi năm 1 em mua thêm 1 chiếc áo hoặc 1 quần đã là quá nhiều rồi. Không nên lãng phí tiền mua nhiều đồng phục để tránh gây hiểu lầm trong xã hội.

Thu Phương (thực hiện)
.
.