Dễ cháy do đổ phải xăng pha cồn
Theo TS Huỳnh Quyền, cán bộ khoa học thuộc Trung tâm Nghiên cứu công nghệ lọc hóa dầu, trong 2 năm 2010 - 2011, cả nước đã xảy ra 324 vụ ôtô và xe gắn máy tự phát cháy. Còn trong 3 tháng đầu năm nay, cả nước tiếp tục xảy ra tới 79 vụ nên tình hình xe máy, ôtô tự phát cháy vẫn diễn biến hết sức phức tạp.
Trước tình hình trên, nhóm nhà khoa học thuộc Trung tâm Nghiên cứu công nghệ lọc hóa dầu; Phòng thí nghiệm trọng điểm động cơ đốt trong thuộc Trường đại học Bách khoa TP HCM dưới sự chủ trì của Sở Khoa học - Công nghệ (KH-CN) thành phố đã tiến hành nghiên cứu để truy tìm nguyên nhân dẫn tới hiện tượng xe tự bốc cháy. Một chiếc xe gắn máy Air Blade mới hoàn toàn được sử dụng để làm mẫu nghiên cứu. Sau thời gian tiến hành khảo nghiệm thực tế và phân tích số liệu về những vụ cháy xe máy xảy ra tại TP HCM, chiều ngày 17/5, Sở KH-CN TP HCM đã chính thức công bố kết quả nghiên cứu xác định nguyên nhân cháy xe.
Theo đó, nhóm nghiên cứu đã đưa ra nhận định: Các nguyên nhân có thể dẫn đến hiện tượng xe máy tự bốc cháy gồm việc sử dụng xăng có pha cồn methanol, ethanol có chất lượng thấp và không đúng kỹ thuật. Việc này được xem là tác nhân dẫn đến rò rỉ xăng do hệ thống ống dẫn xăng bị phá hủy hoặc do áp suất hơi cao khiến xăng bay hơi. Lượng xăng rò rỉ, bốc hơi ra bên ngoài tiếp xúc với nguồn nhiệt nóng phát sinh trong quá trình hoạt động của máy xe, ma sát của hệ thống hãm, tia lửa điện phát ra do chập mạch của hệ thống điện trong xe… khiến xe tự bốc cháy.
Tiếp đó, hiện tượng chập mạch của hệ thống điện tạo nguồn lửa bén vào các chất dễ cháy, dễ bắt lửa như các chi tiết làm bằng nhựa gắn trên xe. Nguyên nhân cuối cùng được các nhà khoa học cho là do các nguồn lửa sinh ra do để các vật dụng dễ cháy nổ, vật dụng cá nhân trong cốp xe. Mặt khác, khi lưu thông trên đường, các vật liệu dễ cháy như bao ni lông, vải... bám dính vào ống xả khói thải cũng dễ dẫn đến hiện tượng bén lửa gây cháy xe.
![]() |
Giám đốc Sở KH - CN phát biểu trong ngày công bố thông tin. |
Trong quá trình thực nghiệm tại phòng thí nghiệm và hiện trường các vụ cháy xe, các nhà khoa học đã tập trung vào 2 yếu tố chủ yếu dẫn đến cháy xe là nhiên liệu xăng và yếu tố kỹ thuật. Phát hiện khả năng tăng chỉ số octan cho xăng nhờ pha vào các loại cồn như methanol, ethanol là rất cao nên nhóm nghiên cứu đã xoáy vào yếu tố này.
Kết quả nghiên cứu của TS Quyền cho thấy, chỉ cần đem 10% ethanol trộn với xăng A83 sẽ cho ra xăng có chỉ số RON khá cao, đạt bằng xăng A95. Còn nếu đem 5% methanol hoặc 7% ethanol trộn với xăng A83 kèm theo chất phụ gia của Trung Quốc, sẽ cho ra ngay loại xăng có chỉ số ron là A92. Từ đây, TS Quyền kết luận: Khả năng tăng chỉ số octan của xăng nhờ pha thêm các loại cồn như methanol, ethanol là rất cao. Trong khi giá thành của methanol khá thấp so với các loại phụ gia làm tăng chỉ số octan khác. Do vậy, TS Quyền khẳng định việc tăng chỉ số octan cho xăng, việc pha thêm methanol hay ethanol với hàm lượng cao vào xăng là hoàn toàn có thể thực hiện.
Nghi ngờ ảnh hưởng của xăng pha tạp đến nhiệt độ động cơ, TS Nguyễn Ngọc Dũng, cán bộ Phòng thí nghiệm trọng điểm động cơ đốt trong của Trường đại học Bách khoa TP HCM cũng đã tiến hành đặt 10 đầu dò cảm biến nhiệt trên xe để đo trong khi xe chạy với xăng A83 pha 10% ethanol. Kết quả cả 5 lần đo đều cho thấy nhiệt độ tại các vị trí đuôi xe, bộ điện thân xe, môbin sườn, khoang động cơ, trong thùng nhiên liệu... Đều tăng trên 10 đến 20oC so với trường hợp xe chạy bằng xăng đúng yêu cầu kỹ thuật. Tại vị trí ống xả khí thải, nhiệt độ tăng lên trên 450oC; nhiệt độ bộ dây điện hay khu vực bộ sạc có lúc lên đến trên 70oC; thùng chứa mũ bảo hiểm 60-70oC… đây là các yếu tố được đánh giá có thể gây ra cháy nổ, đặc biệt khi có các vật dụng dễ cháy nổ để trong cốp bắt nhiệt gây cháy. Nhiệt độ nhiều bộ phận của xe tăng cao còn gây ra khả năng làm lão hóa hệ thống ống bọc cách điện, từ đó gây chập mạch điện, làm tăng nguy cơ cháy xe. Không chỉ có vậy, TS Dũng còn chứng minh việc đổ xăng pha ethanol hay methanol dù chỉ 1 lần cũng có thể dẫn đến hiện tượng biến dạng với ống cao su, nhựa dẫn xăng.
TS Quyền thông tin thêm: trong khi giá thành của methanol là rất thấp so với các loại phụ gia làm tăng chỉ số octan khác nên nhiều khả năng các đại lý xăng dầu dùng chất này để pha vào xăng đem bán. Tiến hành thu thập thông tin về khối lượng methanol nhập khẩu và tiêu thụ trong nước của các nhà khoa học tiếp tục đưa ra con số khiến ai cũng giật mình: Số liệu của Tổng cục Hải quan và PV Pro cung cấp, các loại hoạt chất này được nhập khẩu và tiêu thụ năm 2010 là hơn 90.000 tấn; năm 2011 là hơn 80.000 tấn; tăng rất nhiều so với khối lượng methanol được tiêu thụ năm 2008 là 52.000 tấn và năm 2009 là 66.000 tấn.
Thời điểm năm 2010 - 2011 giá xăng trong nước cao hơn giá thế giới do vậy lượng xăng nhập về giảm mạnh trong khi nhu cầu tiêu thụ tăng cao. Đây chính là cơ sở để dư luận đặt vấn đề rằng việc pha thêm methanol hay ethanol với hàm lượng cao vào xăng để tăng chỉ số octan đã xảy ra. Mức tiêu thụ các loại phụ gia sử dụng pha trong xăng tăng nhanh này phù hợp với kết quả kiểm tra của các cơ quan chức năng khi phát hiện xăng có hàm lượng methanol cao chiếm tỉ lệ không nhỏ. Đợt kiểm tra đột xuất tại 55 cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn TP HCM vào cuối năm 2011 đã phát hiện tới 16/32 mẫu xăng không đạt chất lượng.
![]() |
Chiếc xe cháy chỉ còn trơ khung sắt. Ảnh: Vietnamnet. |
Đáng lưu ý, kiểm tra 16 mẫu xăng 92 thì có đến 11 mẫu không đủ chỉ số octan; 10 mẫu xăng A95 cũng có đến một nửa số mẫu không đạt chỉ số octan. Nhiều cửa hàng xăng dầu công bố bán xăng A92 nhưng thực chất qua thử nghiệm mẫu chỉ là xăng A83 hoặc chỉ cao hơn mức này chút ít; bán xăng 95 nhưng chất lượng thấp hơn mức này khá nhiều…
Điều này càng khiến dư luận có cơ sở để nghi ngờ tỉ lệ lớn các loại phụ gia trên đã được đại lý xăng dầu trộn vào xăng và đem bán để trục lợi. Thậm chí, nhóm nghiên cứu còn lưu ý cả đến khả năng lợi dụng việc cho phép sử dụng thử nghiệm xăng nhiên liệu sinh học E5 để pha methanol hoặc ethanol chất lượng kém vào loại xăng này để bán ra thị trường, nhằm thu lợi cũng là việc hoàn toàn có thể xảy ra