Để đốt vàng mã thành tục lệ đẹp

Thứ Sáu, 16/03/2018, 14:24
Vẫn không khí khẩn trương, xe lớn, xe nhỏ ra vào, bê vác cồng kềnh... tại phố bán hàng mã ở xã Song Hồ (làng Hồ) và xã Đại Đồng Thành (huyện Thuận Thành, Bắc Ninh). Nhiều chủ cửa hàng điện thoại liên tục cho các cơ sở gia công “đòi” chuyển hàng gấp để xe ô tô kịp chở đến tận nơi cho khách.

Có vẻ như Công văn 031/CV-HĐTS của Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề nghị chư tôn đức tăng ni nêu cao tinh thần Bồ tát đạo, hướng dẫn đồng bào Phật tử và bà con loại bỏ mê tín dị đoan, đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo và các hình thức khác trái với thuần phong mỹ tục, văn hóa dân tộc và văn hóa Phật giáo Việt Nam... không mảy may ảnh hưởng tới các làng nghề làm vàng mã? Nhiều hộ dân sản xuất vàng mã ở đây vẫn chưa biết đến công văn ấy và công việc của họ vẫn liên tục...

Công văn chưa về đến làng

Tại xã Đại Đồng Thành, gia đình anh chị Lan, anh Quang, chủ cơ sở và là đại lý của các mặt hàng như hình nhân thế mạng, quần áo, ngựa... với hai tầng nhà chất đầy hàng mã đang chuẩn bị một xe tải chuyển hàng về Hà Nội theo đặt hàng của khách. Chị bảo, khách đang cần vài nghìn hình nhân, nhưng chỉ mới nhận được từ cơ sở sản xuất một nửa.

Theo chị Lan, đợt này khách đặt hàng với số lượng lớn, gia đình chị vừa sản xuất, vừa là đầu mối thu mua của nhà khác trong làng nghề nhưng vẫn chưa đủ. Cả gia đình chị gồm bố mẹ chồng, chồng và còn thuê thêm 1-2 nhân công cùng sản xuất tại nhà để phục vụ nhu cầu khách hàng.

Hàng mã được đóng gói chuyển đi các tỉnh.

Ông Phan, bố chồng chị Lan đang trực tiếp dán mũ, hia tâm sự, từ sau tết đến nay, gia đình ông chưa ngày nào nghỉ ngơi, làm quần quật từ sáng tới tối. Bây giờ đã có máy móc, công cụ hỗ trợ khá nhiều nên đỡ vất vả, chẳng hạn như xương (phần lõi bằng tre đan) của các hình nhân, ngựa... đã có sẵn, nhưng việc dán giấy màu đều bằng thủ công cũng mất khá nhiều thời gian.

Chị Lan thì liên tục có điện thoại của khách hàng, người thì giục làm nhanh đơn hàng cũ, người thì đặt những đơn hàng mới để kịp các lễ cúng của họ. Anh Quang có nhiệm vụ đi gom hàng tại các cơ sở đặt hàng sau đó chở đến điểm giao hàng cho khách tại các tỉnh như Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình...

Hỏi chị Lan về công văn của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề nghị chư tôn đức tăng ni nêu cao tinh thần Bồ tát đạo, hướng dẫn đồng bào Phật tử và bà con loại bỏ mê tín dị đoan, đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo và các hình thức khác trái với thuần phong mỹ tục, văn hóa dân tộc và văn hóa Phật giáo Việt Nam, chị Lan cười bảo chị cũng có nghe được trong ti vi nói về vấn đề này nhưng chị tưởng công văn chưa ban hành vì không thấy ảnh hưởng gì đến hoạt động sản xuất của bà con trong làng nghề cũng như công việc buôn bán của chị.

Trong thời điểm đầu năm này, thậm chí khách còn đặt hàng nhiều hơn năm trước. Khách của chị hầu hết làm lễ ở các đền, phủ hoặc dâng sao, giải hạn, có người làm lễ hầu đồng... Họ toàn đặt số lượng lớn, chị phải đi giục, thậm chí tăng tiền nhân công cho các hộ sản xuất chuyên biệt để kịp hàng cho khách.

Cũng ở Đại Đồng Thành, gia đình chị Yến, anh Đồng, có cơ sở sản xuất khá quy mô và có cửa hàng của con gái tại làng Hồ để khách thập phương đến mua hàng. Chị Yến cho biết, cách đây không lâu, có một bà đồng từ xa đến đặt gia đình chị 5.000 bộ quần áo bộ đội để đốt cho các liệt sĩ hy sinh trên cánh đồng của xã Đại Đồng Thành(?!). Theo lời kể, bà được báo mộng nên đã tìm đến vùng đất này để làm lễ cung tiến. Chính con gái chị Yến đã trực tiếp ra ruộng đốt giúp bà đồng.

Hàng mã được đóng gói chuyển đi các tỉnh.

Khác với gia đình Lan Quang, gia đình Yến Đồng có cả xưởng và máy móc sản xuất xương các loại mã và anh chị đã làm một quy trình trọn gói từ A đến Z, tức là tới tận tay khách hàng nên đồ của chị thường rẻ hơn những gia đình thu mua khác. Tuy nhiên, theo chị, thời điểm tháng Hai (âm lịch) này, nhu cầu của khách hàng rất lớn nên gia đình chị cung không đủ cầu. Sản suất không kịp tiêu thụ.

Khi được hỏi về công văn hạn chế đốt vàng mã có ảnh hưởng gì tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của gia đình chị không, chị Yến xua tay rằng làm còn chả kịp bán đây này, công văn nó ở đâu ấy chứ có về đến đấy đâu, người ta vẫn mua bán, đốt ầm ầm. Cái lý của người làm vàng mã như chị, ấy là trần sao âm vậy, người chết vẫn được hưởng thụ tất cả những gì hiện đại nhất, tốt nhất, nên người sống người ta tri ân để lòng được thanh thản(?!).

Cách xã Đại Đồng Thành chừng 1 km men theo đường nhựa là đến phố Hồ (còn gọi là phố Hàng Mã) nơi có một con phố rộng rãi bán hàng mã đi khắp đất nước. Tại thời điểm chúng tôi đến vào cuối giờ trưa có thể thấy rất rõ hầu hết trước mỗi nhà đều có một chiếc xe ô tô tải đang đỗ và mỗi gia đình có vài người đang bốc vác, chuyển hàng từ nhà ra xe chở đi cho khách. Đủ các chủng loại vàng mã, ngựa, xe, ô tô, nhà cao cửa rộng, điện thoại di động, hình nhân thế mạng...

Dù tất bật với việc chỉ đạo nhân viên sắp đồ lên xe, đưa địa chỉ khách ở Nam Định, nhưng chị Huyền vẫn một tay bút một tay giấy, tai thì kẹp điện thoại vào vai alo ghi lại đơn hàng của khách.

Chị Huyền cho biết: “Chúng tôi có nhiều năm trong nghề làm hàng mã, về cơ bản, những người bán như chúng tôi thì đốt rất ít, nhưng nhu cầu của khách cả nước thì rất nhiều. Người ta tiêu tốn cả hàng trăm triệu cho đốt mã, nhiều khi tôi cũng thấy xót lắm vì rõ ràng mua xong chỉ để đốt đi. Nhưng cái quan trọng là vấn đề tâm linh rất khó giải thích, nhiều người làm vậy để mua cái yên tâm, mua cái thanh thản vào lòng. Họ cho rằng cha mẹ, anh em những người đã khuất sẽ nhận được tất cả những thứ họ gửi xuống âm phủ để có cuộc sống đủ đầy. Đó cũng là chữ hiếu, chữ nghĩa, mình cấm làm sao được? Với tư cách là người bán hàng, tôi nhận thấy hiện người ta vẫn đốt nhiều...”.

Đừng để tập tục thành hủ tục

Thực tế cho thấy, công văn đề nghị Ban thường trực Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn chư tôn tăng ni trụ trì các tự viện (bao gồm: chùa, tổ đình, tịnh xá, thiền viện, tu viện, tịnh viện, tịnh thất, niệm phật đường) nhất là các tự viện là di tích lịch sử - văn hóa tổ chức lễ hội mang tính văn minh, tiết kiệm, không phô trương hình thức, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, văn hóa Phật giáo đã nhận được sự đồng tình của nhiều người.

Và khi được ban ra, theo quan sát của chúng tôi, nhiều đơn vị nằm trong diện nói trên đều thực hiện khá nghiêm túc. Vào các chùa không thấy cảnh đốt vàng mã với khói bay ngút ngàn ảnh hưởng đến môi trường xung quanh nhiều nữa. Nhiều phật tử không hay biết đến các quy định thì cũng được các vãi trong chùa nhắc nhở để thực hiện.

Tuy nhiên, tình trạng đốt vàng mã quá nhiều, đặc biệt ở các di tích. Chúng tôi có dịp quan sát đền Bà Chúa Kho (tỉnh Bắc Ninh). Trong nhiều năm qua, với quan niệm “Đầu năm đi vay, cuối năm đi trả” nơi đây thu hút đông khách hành hương đến lễ bái và hóa tiền vàng trong thời gian dài. Mặc dù chưa xảy ra việc gì nghiêm trọng nhưng việc du khách đến thắp hương và hóa mã trong di tích chật hẹp gây nhiều hệ lụy. Tuy nhiên, với vấn đề vàng mã, hiện nay, ban quản lý di tích đền Bà Chúa Kho vẫn lúng túng về giải pháp hạn chế, bởi có du khách từ nhiều nơi đến mang theo những đồ mã rất lớn.

Ông Phan đang làm đồ mã.

Để hạn chế, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Ninh chỉ đạo ban quản lý đền Bà Chúa Kho ký cam kết bảo đảm an toàn vệ sinh, vận động người bán hàng sắp lễ vừa phải. Hiện nay Sở cùng Viện Văn hóa xây dựng đề án về việc quản lý đốt vàng mã tại đền Bà Chúa Kho, để từ đó đưa ra những giải pháp thiết thực cho vấn đề này...

Khi được hỏi về những giải pháp để ngăn chặn việc đốt mã trong các di tích, ông Lưu Đình Thực, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Bắc Ninh cho biết: “Đây là vấn đề khó vì tâm linh của người đi đền Bà Chúa Kho là đầu năm đi vay, cuối năm trả, càng làm ăn được càng trả nhiều. Trong khi đó, quan điểm của thành phố và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Ninh là hạn chế tối đa việc đốt vàng mã. Năm nay, Sở tiếp tục đề nghị không đốt vàng mã mà nhập vào kho của nhà đền, sau đó phát lộc lại cho người dân. Số lộc này chỉ mang tính tượng trưng, người dân có thể hóa tại đền hoặc mang về nhà để hóa... Dù chưa thực sự triệt để song biện pháp này ít nhiều cũng giảm bớt được số lượng người tấp nập đốt vàng mã tại đền”.

Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Trị sự Thành hội Phật giáo TP Hà Nội khi được hỏi về việc ban hành Công văn 31 đã chia sẻ: Mong muốn của Giáo hội là các chùa thông qua các vị tăng ni, phật tử hãy giữ đúng tinh thần chính pháp của Phật giáo. Trên tinh thần đó, mong mọi người đừng nên làm những điều phung phí, tránh làm ảnh hưởng đến cuộc sống của những người xung quanh. Chính pháp của Phật giáo không cấm ai làm gì mà chỉ khuyên bảo người ta hiểu nhẽ.

Trong giáo lý Phật giáo, không đề cập đến những tục này. Tất cả giáo lý kinh điển của Phật giáo, Bắc truyền hay Nam truyền, Đại thừa hay Tiểu thừa, đều không đề cập gì về vấn đề đốt vàng mã cũng như quy định về việc dâng sao giải hạn, càng không đề cập đến hoạt động đó trong các chùa. Chỉ có con người sau này làm, đưa vào, chứ trong truyền thống Phật giáo không có. Tuy nhiên, có thể tùy vào trường hợp nào đó, hoàn cảnh nào đó việc đốt vàng mã cũng chỉ nên tiến hành vào dịp tháng Bảy hay ngày giỗ của người quá cố thôi và với mức độ phù hợp.

Cơ sở sản xuất của chị Yến Đồng.

Trong cuộc sống sẽ có những hoàn cảnh buộc người ta phải làm, trong Phật giáo gọi đó là phương tiện để thực hiện cho người sống bớt đau khổ tinh thần, chứ không nên duy trì, phổ biến cấm ai làm gì mà chỉ khuyên bảo người ta hiểu nhẽ. Nếu mình ngăn được những việc phung phí, giáo hóa được hành vi của người ta thì là cái tốt, cái phúc rồi...

Tiến sĩ xã hội học Lê Xuân Phương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Doanh nhân và Doanh nghiệp Đông Nam Á khi được hỏi về thực trạng và giải pháp cho vấn đề này đã chia sẻ: Người xưa rất thận trọng trong việc đốt vàng mã, không đốt nhiều, thường chỉ hóa 5 hay 10 lễ vàng tiền như là một “kênh” để liên hệ với tổ tiên, thần linh và mời các cụ, các ngài về với con cháu. Giờ đời sống khấm khá hơn, nên con người gửi cho thế giới âm nhiều hơn, gây ra “hội chứng” đốt vàng mã, tiêu tốn bao tiền của, lãng phí tiền giấy, tiền gỗ, tiền công.

Nếu để ý, tại tất cả đền, chùa, miếu, nơi thờ cúng hay đặt lễ đều khiêm nhường, trong khi nơi hành lễ rộng lớn, thể hiện sự dang tay chào đón mọi người, không phân biệt đối xử với sự sang hèn. Vì thế, đồ lễ đâu cần nhiều hay hoành tráng, mà chỉ cần đặt ở chỗ tôn nghiêm với thái độ cung kính là sẽ được chứng giám...”.

Việc bỏ đốt vàng mã đã được đưa ra bàn cãi nhiều, cũng không ít văn bản của ngành chức năng điều chỉnh tập tục này, nhưng không thực hiện được trong đời sống. Cha ông ta nói: “Lệ ước tục thành”, tức là công việc lặp đi lặp lại nhiều lần thành lệ và trở thành tục đẹp.

Hy vọng rằng, với những nỗ lực từ Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng như sự vào cuộc của ban quản lý di tích các tỉnh, thành phố cộng với ý thức của người dân, sẽ có những thay đổi trong thời gian tới...

Thiên Kim – Minh Ánh
.
.