Để du lịch Việt cất cánh

Thứ Tư, 03/06/2020, 16:04
Gần như tiến hành ngay sau cuộc vận động “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đã có hàng loạt hoạt động nhằm thúc đẩy phát triển du lịch nội địa, nghiên cứu tình hình du lịch Việt Nam, đồng thời tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch Việt, bàn thảo các giải pháp phục hồi, phát triển ngành du lịch sau ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Hiệp hội Du lịch Việt Nam tiếp tục đưa chương trình kích cầu du lịch trở lại với quy mô sâu, rộng trên toàn quốc, kéo dài từ tháng 5 cho đến hết năm 2020. Trong hơn 3 tháng qua, ngành du lịch đã trải qua thời gian rất khó khăn. 100% các điểm tham quan phải đóng cửa để giảm thiểu lây lan dịch bệnh. 100% hướng dẫn viên du lịch phải nghỉ việc...

Du lịch nội địa trong thời điểm hiện tại vẫn là giải pháp được ưu tiên hàng đầu trong phục hồi, phát triển sau dịch của ngành du lịch Việt.

Chiến dịch kích cầu du lịch nội địa toàn quốc năm 2020 được kỳ vọng sẽ từng bước khôi phục hoạt động của ngành du lịch, khuyến khích, tạo điều kiện và đảm bảo an toàn về dịch cho người dân đi tham quan du lịch tới các vùng miền trong cả nước. 

Các địa phương có chính sách khuyến mãi, giảm giá vé tham quan tới các khu, điểm du lịch, xây dựng môi trường du lịch an toàn, thân thiện, chất lượng và vệ sinh để thu hút khách. Các đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch (nhà hàng, lưu trú, vận chuyển, điểm đến...) thực hiện quy trình bảo đảm an toàn cho khách du lịch, nâng cao chất lượng phục vụ. Các địa phương cơ cấu lại nguồn khách du lịch. hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ, vận chuyển... đưa khách du lịch đến tham quan các địa điểm du lịch, di tích văn hóa lịch sử trên địa bàn.

Hưởng ứng kích cầu du lịch nội địa, hàng loạt các sản phẩm, chương trình khuyến mãi hấp dẫn kết hợp các chính sách, hoạt động nhằm đảm bảo an toàn cho du khách, cam kết đảm bảo chất lượng phục vụ được các đơn vị dồn dập quảng bá, thu hút sự chú ý của số đông. 

Hàng loạt khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp công bố giảm giá sâu, kèm nhiều chính sách ưu đãi, thậm chí có nơi công bố giảm giá đến 60% cho các đoàn khách đông người. Chưa bao giờ người đi du lịch lại thuận lợi với giá tốt và nhiều ưu đãi như hiện nay là khẳng định chung của hầu hết các đơn vị trực tiếp làm du lịch, các bên cung cấp dịch vụ đi kèm và cơ quan quản lý du lịch.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng Giám đốc Vietravel cho rằng, kích cầu du lịch nội địa cần có trọng tâm, trọng điểm. Việc kích cầu du lịch cũng phải cẩn thận, nếu không sẽ lãng phí nguồn lực mà không hiệu quả. Không thể cùng lúc kéo hết thị trường nội địa mà phải chia ra các khu vực, chọn các tỉnh, thành, điểm đến hấp dẫn, có nhiều sản phẩm mới lạ để tập trung thu hút khách. Các chính sách hỗ trợ của Chính phủ cho du lịch không nên chia đều cho tất cả mà nên tập trung ưu tiên cho các đơn vị có khả năng phục hồi, cạnh tranh với thế giới sau dịch.

Ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn du lịch quốc gia cũng cho rằng, các doanh nghiệp lớn cần cam kết không bán sản phẩm không an toàn và chất lượng kém. Ngành du lịch cũng cần coi đây là cơ hội để đẩy nhanh chuyển đổi số cho ngành du lịch Việt Nam phát triển, tăng năng lực cạnh trạnh so với thế giới và khu vực.

Minh Hà
.
.