Để gìn giữ một dòng tranh

Thứ Ba, 06/08/2019, 08:33
Tranh dân gian Đông Hồ là một trong những dòng tranh dân gian nổi tiếng nhất của nước ta. Đây là dòng tranh dân gian lâu đời nhất, đa dạng nhất và có số lượng sản phẩm nhiều nhất của Việt Nam.

Qua bao thăng trầm của thời gian, tranh Đông Hồ vẫn chứng tỏ sức sống mãnh liệt không chỉ ở trong nước mà còn có mặt ở nhiều bảo tàng trên thế giới, trở thành một trong những mặt hàng văn hóa đại diện cho di sản dân tộc sớm được xuất ra thị trường nước ngoài.

Cũng bởi những giá trị đặc sắc đó mà tranh Đông Hồ đã được Nhà nước xếp hạng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (ngày 27-12-2012) và đang đệ trình hồ sơ lên tổ chức UNESCO để xếp hạng di sản văn hóa toàn cầu.

 Trong nỗ lực chung để gìn giữ dòng tranh đặc sắc này, ngày 31-7 tại Hà Nội, Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội - Dự án khôi phục tranh dân gian Việt Nam vừa cho ra mắt cuốn “Dòng tranh dân gian Đông Hồ”.

Những giá trị độc đáo

Đông Hồ là địa danh của thôn Đông Khê, thuộc xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Ngôi làng thuần Việt nép mình vào bờ Nam sông Đuống. Xưa kia, làng có tên cổ là Đông Mại hay có tên Nôm là làng Mái, thuộc Tổng Hồ, huyện Siêu Loại, phủ Thuận Thành, trấn Kinh Bắc. Cái tên làng Đông Hồ cũng được giải thích là do phía Đông làng có một cái hồ.

Nghệ nhân Nguyễn Đăng Giáp làm tranh trổ giấy.

Theo các cụ cao tuổi trong làng kể lại, vào khoảng năm 1917, làng đã dời từ ven sông vào trong đê có địa thế cao ráo hơn. Đó chính là vị trí của làng tranh Đông Hồ hiện tại. Người làng cũng dời theo cả ngôi đình ngoài bãi sông vào làng mới trong đê. Theo nghệ nhân làng tranh Đông Hồ Nguyễn Hữu Quả, hồi còn bé, ông đã thấy nước ngập vào tận chân đình cũ, có lẽ do chuyện ngập lụt này mà dân Đông Hồ phải dời đình, dời làng đến vị trí hiện nay.

Bộ tranh tứ bình “Lúa Ngô Khoai Sắn” của nghệ nhân Nguyễn Đăng Sần mang đậm chất dân gian.

Làng Đông Hồ có quy mô không lớn, chỉ gồm 18 xóm với 17 dòng họ, nằm ở đoạn giữa của đường giao thông thủy quan trọng là con sông Đuống, lại gần vùng đầu mối 6 con sông (Lục Đầu Giang), tiện lợi cho giao thông thủy bộ, nối liền xứ Kinh Bắc với Thăng Long và xứ Hải Đông (Hải Dương) xưa. Lợi thế giao thông như vậy đã góp phần giúp cho sản phẩm tranh Đông Hồ dễ phân phối đến nhiều miền đất ở Bắc Bộ và Trung Bộ, nhờ đó mà tết đến, miền quê nào cũng có tranh treo đúng dịp.

Theo PGS.TS Trịnh Sinh, nằm giữa một vùng văn hiến Kinh Bắc, dòng tranh này đã hội tụ được tâm thức ngàn năm của người dân thôn quê vùng Ðồng bằng Bắc Bộ, với những ước vọng nho nhỏ quanh cuộc sống bình dị.

Tranh Đông Hồ là tranh của làng quê và từng được làng quê đón nhận một cách hồ hởi. Tranh là phương tiện để họ miêu tả cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của mình, cũng là phương thức để họ giao cảm với thần linh, thể hiện đời sống tín ngưỡng. Không những thế, tranh Đông Hồ còn là những tác phẩm nghệ thuật thực sự với cách phối màu độc đáo, cách in nét, in mảng đặc trưng.

Không chỉ mang vẻ đẹp mỹ thuật dân dã, tranh Đông Hồ còn nổi tiếng bởi mỹ cảm trong ca dao và thi ca. Thi sĩ Hoàng Cầm từng viết câu thơ: “Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong/ Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp”.

Chính cái “màu dân tộc” và “giấy điệp” đã làm nên thần thái của dòng tranh này, cũng là cái “chất Đông Hồ” khác với các dòng tranh dân gian khác, để rồi cùng làm giàu cho kho tàng di sản mỹ thuật của Việt Nam.

Nghệ nhân Nguyễn Đăng Tâm cho hay: “Nét đặc sắc của tranh dân gian Đông Hồ không chỉ bởi nó được làm bằng màu tự nhiên - “màu điệp” mà cách làm tranh Đông Hồ cũng rất riêng, rất độc đáo - khắc gỗ, in úp ván”. Các đề tài của tranh Đông Hồ cũng khá phong phú. Nào tranh thờ, tranh cuốn thư, câu đối, đại tự, tranh trấn trạch, tranh lịch sử, tranh chúc tụng, tranh châm biếm, tranh truyện, tranh trang trí, tranh sinh hoạt. 

Nỗ lực phát huy tinh hoa giá trị của một dòng tranh

Tháng 3-2017, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh đã phê duyệt đề cương chi tiết xây dựng hồ sơ ứng cử quốc gia đề nghị UNESCO đưa nghề làm tranh dân gian Đông Hồ vào danh sách Di sản văn hóa vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Thời gian xây dựng hồ sơ kéo dài 3 năm, chia thành 2 giai đoạn.

Tranh dân gian Đông Hồ.

Từ 2017 đến tháng 12-2018 là nghiên cứu khảo sát, kiểm kê, lấy phiếu đồng thuận, xây dựng hồ sơ và nộp hồ sơ cho UNESCO đúng hạn. Cuối tháng 6-2018, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) đã có văn bản đồng ý với đề xuất của UBND tỉnh Bắc Ninh về việc xây dựng hồ sơ “Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ” để đề nghị UNESCO đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại. Đây là một tín hiệu vui cho thấy nỗ lực để bảo tồn, gìn giữ dòng tranh quý trước nguy cơ mai một.

GS.TS Bùi Quang Thanh - Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam (đơn vị được giao làm hồ sơ “Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ” cho biết đến nay việc xây dựng hồ sơ đang ở giai đoạn “hậu kỳ”. Tháng 12 năm nay hồ sơ sẽ được trình lên Hội đồng Di sản quốc gia để thẩm định. Tuy nhiên, hồ sơ tranh dân gian Đông Hồ cũng sẽ phải xếp hàng sau khi các hồ sơ “Then Tày, Nùng, Thái”, “Nghệ thuật xòe Thái”, “Nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm” trình UNESCO được bỏ phiếu.

“Sở dĩ đề nghị UNESCO đưa tranh Đông Hồ vào danh mục Di sản văn hóa cần bảo vệ khẩn cấp bởi lẽ tranh Đông Hồ có lịch sử lâu đời, rất có giá trị nhưng đang đứng trước nguy cơ mai một. Theo thống kê, làng tranh Đông Hồ hiện có gần 5.000 bản khắc đang lưu giữ tại gia đình của 3 nghệ nhân nhưng hầu như đều bị “phủ bụi” bởi cùng gặp khó về vấn đề “đầu ra” cho sản phẩm như các làng nghề ở Việt Nam. Thế hệ nghệ nhân, nhất là những nghệ nhân có năng lực chạm khắc ngày càng ít đi, nguy cơ khan hiếm nguyên vật liệu ngày càng cao. Hiện làng Đông Hồ chỉ còn 34 người gắn bó với nghề làm tranh, tập trung trong 3 gia đình, trong đó riêng gia đình nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế có 24 người” - GS.TS Bùi Quang Thanh chia sẻ.

Ông cho hay, thời gian gần đây tỉnh Bắc Ninh quan tâm đến việc phát triển làng nghề bằng việc đầu tư gần 100 tỷ đồng cho dự án xây dựng Trung tâm Bảo tồn tranh dân gian Đông Hồ bao gồm các hạng mục: xây dựng nhà truyền thống, tu bổ nhà thờ, mở lại chợ tranh.

Ngoài nỗ lực của tỉnh, các đại sứ quán của Việt Nam ở nước ngoài cũng góp sức quảng bá di sản tranh dân gian Đông Hồ ra thế giới thông qua các cơ chế ngoại giao dùng tranh dân gian Đông Hồ làm quà tặng. Các nghệ nhân tại làng nghề cũng tích cực tham gia các hội chợ, triển lãm, hỗ trợ đào tạo nghề, tạo cơ hội cho các em học sinh đến trải nghiệm học làm tranh...

Chung nỗ lực gìn giữ dòng tranh quý, dự án khôi phục tranh dân gian Việt Nam của Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội - do nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa khởi xướng vừa cho ra mắt cuốn “Dòng tranh dân gian Đông Hồ” (tác giả Nguyễn Thị Thu Hòa, GS. Trịnh Sinh, Lê Bích).

Cuốn sách dày 232 trang, chia thành 3 chương. Chương 1: Làng Đông Hồ, Chương 2: Các dòng tranh dân gian sản xuất tại Đông Hồ, Chương 3: Tranh dân gian khắc gỗ và vẽ tay.

Theo đồng tác giả Lê Bích, cùng hơn 500 hình ảnh (đa số được chụp mới), sách còn mô tả khá chi tiết về làng Đông Hồ, các bước làm tranh; tổng hợp gần 300 bức tranh Đông Hồ nổi tiếng và những bức tranh Đông Hồ ít được du khách biết tới; khắc họa chân dung một số nghệ nhân tiêu biểu của làng tranh Đông Hồ như Nguyễn Đăng Chế, Nguyễn Hữu Sam, Nguyễn Hữu Quả và đặc biệt là 2 cố nghệ nhân họa sĩ Nguyễn Đăng Khiêm và Nguyễn Đăng Sần; giới thiệu thêm 2 thể loại tranh ít được biết đến của Đông Hồ là tranh đồ thế và tranh trổ giấy hay còn gọi là tranh trổ “lé”; đề cập đến chữ trên tranh Đông Hồ và một số ứng dụng tranh Đông Hồ trong cuộc sống hiện đại.

Cuốn sách “Dòng tranh dân gian Đông Hồ” có nhiều tư liệu mới về tranh Đông Hồ.

Để có được cuốn sách này, nhóm tác giả cho biết họ đã mất gần 10 năm nghiên cứu, tìm tòi thực hiện.

“Cuốn sách này, gần như chúng tôi “quét” hết những tư liệu, những công trình nghiên cứu về tranh dân gian nói chung và tranh dân gian Đông Hồ nói riêng của các tác giả đi trước. Trên cơ sở tư liệu, chúng tôi tổng hợp, tìm ra những nét đặc trưng nhất của dòng tranh dân gian này để có thể giải mã cho câu hỏi tại sao dòng tranh này có thể tồn tại cho đến tận hôm nay, nó đẹp ở chỗ nào, nó phục vụ cho ai...” - PGS.TS Trịnh Sinh cho hay.

Đồng tác giả Thu Hòa chia sẻ, cái khó nhất là làm mới những tư liệu cũ, tạo sự mới mẻ cho bạn đọc. Cũng bởi thế mà chị cùng nhóm tác giả đã thực hiện hàng trăm chuyến thực tế, về làng Đông Hồ gặp gỡ, trò chuyện với các nghệ nhân. Nhiều tư liệu mới được các nghệ nhân hoặc đại diện gia đình các nghệ nhân chia sẻ đã giúp cuốn sách này có những nét khác biệt so với nhiều cuốn sách tranh Đông Hồ từng xuất bản trước đây.

Ví như, để hiểu rõ hơn về làng, nhóm tác giả đã mời một số chuyên gia khảo cứu 7 bia đá ở đình làng Đông Hồ và bia ở mộ tổ của một dòng họ chuyên làm tranh ở làng.

Sách cũng làm rõ vai trò của hợp tác xã trong việc sản xuất và duy trì tranh dân gian tại làng Đông Hồ xưa; miêu tả chi tiết các bước làm tranh Đông Hồ, trong đó có nhiều chi tiết ít được biết như: quy trình khắc ván in, quy trình làm điệp, quy trình làm chổi thét, kỹ thuật “cản màu”, in chồng màu “nhị sắc” và các màu tiêu biểu...

“Hy vọng cuốn sách có những đóng góp mới trong việc nghiên cứu văn hóa, mỹ thuật, lịch sử, dân tộc học... Nhưng trước hết, nó công bố các tư liệu được hệ thống hóa của dòng tranh nổi tiếng này” - đồng tác giả Thu Hòa gửi gắm, đồng thời gửi lời cám ơn đến các cơ quan và cá nhân đã giúp đỡ nhóm trong quá trình thực hiện cuốn sách.

TS. Trần Đoàn Lâm - Giám đốc Nhà xuất bản Thế giới nhận định: “Cuốn sách được làm hết sức công phu như một bảo tàng thâu tóm được kỹ thuật, tinh hoa của dòng tranh Đông Hồ. Qua từng trang sách có thể thấy được quá trình phát triển của làng tranh Đông Hồ, thấy được nghệ thuật dân gian vô cùng sống động. Đây chính là một tài liệu quý, đáng tin cậy, nhất là với những nghệ nhân mới muốn tìm hiểu về lịch sử của làng tranh”.

Xin được mượn lời nhóm tác giả của cuốn sách để khép lại bài viết: “Nền mỹ thuật Việt Nam có một kho báu là tranh Đông Hồ. Đi vào khai thác di sản này đã cho các thế hệ làm mỹ thuật một hướng đi vững bền và đậm đà bản sắc dân tộc. Tranh Đông Hồ vì thế sống mãi với thời gian và công trình này của chúng tôi góp một phần nhỏ bé để tìm ra chân giá trị của tranh dân gian Đông Hồ, quảng bá nó và phát huy giá trị bảo tồn vốn cổ di sản này”.

Hà Thao
.
.