Để nâng cao thương hiệu Liên hoan Phim Việt
- Liên hoan phim Việt Nam tìm đường quảng bá thương hiệu sau 21 kỳ tổ chức
- Liên hoan phim Cannes khốn khổ vì COVID-19
- Liên hoan Phim Quốc tế chào mừng 1010 năm Thăng Long-Hà Nội
Dù rằng, nhu cầu và xu hướng phát triển của điện ảnh trong thời kỳ hội nhập quốc tế vẫn đòi hỏi cần phải có thương hiệu mang tầm quốc gia của Liên hoan Phim Việt Nam.
Nhiều thành tựu nhưng cũng nhiều hạn chế
Không thể phủ nhận vai trò, vị trí, ý nghĩa và những thành tựu từ LHP Việt Nam trong suốt nửa thế kỷ đã qua nhưng LHP cũng đang bộc lộ ngày càng nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu trong giai đoạn hiện tại. Cũng không hẳn đến tận hôm nay, nghệ sĩ, người hoạt động điện ảnh, làm công tác quản lý điện ảnh và cả công chúng quan tâm, yêu mến điện ảnh Việt mới nhận ra những tồn tại hạn chế của LHP này.
Bàn về thực trạng LHP Việt Nam hiện nay, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh, bà Nguyễn Thị Thu Hà cũng nhận định: LHP Việt Nam chưa có sự đổi mới về cách thức tổ chức và chưa có kế hoạch đổi mới nhằm phù hợp với cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật cũng như đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của tình hình thực tế. Việc LHP tổ chức tại nhiều địa điểm cũng chưa phát huy được hết các hiệu quả cho địa phương nhằm quảng bá hình ảnh và thu hút khách du lịch, kích thích phát triển cơ sở hạ tầng và kinh tế.
Một số địa phương không đủ điều kiện tổ chức nên LHP chịu thiệt thòi trong việc chia sẻ những thành tựu điện ảnh, không có cơ hội tiếp xúc với tác phẩm điện ảnh, với các nghệ sĩ. Ngược lại, nghệ sĩ điện ảnh cũng không có cơ hội được đến nhiều vùng miền của Tổ quốc nơi chưa có thiết bị máy móc, cơ sở vật chất phù hợp để tổ chức LHP Việt Nam. Về nội dung, LHP Việt Nam không có thay đổi từ nhiều năm nay.
Liên hoan phim Việt Nam đã trở thành sự kiện điện ảnh ghi dấu ấn sâu đậm trong nghệ sĩ và công chúng nhiều thập niên trước. |
Bà Thu Hà cũng thừa nhận: Chương trình LHP chưa tạo điều kiện cho các nhà làm phim độc lập, phim thể nghiệm, phim ngắn vì chưa tạo những sân chơi cho họ trong LHP lớn của quốc gia. Do vậy, LHP Việt Nam hiện chưa thúc đẩy được sự sáng tạo của các nhà làm phim trẻ, khai thác tiềm năng, ý tưởng của những nhà làm phim độc lập.
LHP Việt Nam cũng chưa xây dựng các khóa đào tạo, lớp sáng tác, nhằm đào tạo các tài năng trẻ và mới chỉ chú trọng giải thưởng truyền thống cho tác phẩm mà chưa tạo những giải thưởng khác nhằm khuyến khích sáng tạo kịch bản, sản xuất phim, thu hút đầu tư, thu hút các nhà phát hành nước ngoài. LHP chưa có sự mở rộng để đáp ứng tình hình mới cũng như sự phát triển vượt bậc của thị trường điện ảnh nước nhà, trong đó có sản xuất phim chiếu rạp.
Bên cạnh đó, LHP chưa xây dựng những ưu đãi hoặc chiến lược quảng bá nhằm khuyến khích các phim đoạt giải được phổ biến rộng rãi đến với mọi tầng lớp khán giả trong và ngoài nước.
Trong đó, việc quảng bá trên mạng chưa được coi trọng và phát triển thành một công cụ quảng bá chính như nhiều LHP đã tận dụng thực hiện. Công tác quảng bá còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu của khán giả, công chúng. Do vậy, nhiều thông tin được khai thác một cách không chính thức, không rõ nguồn gốc được đưa lên một số phương tiện truyền thông báo chí gây nhiễu đối với độc giả và khó khăn cho nhà tổ chức.
Đội ngũ làm công tác quảng bá, marketing tại các cơ quan nhà nước mang tính kiêm nhiệm, thời vụ và chưa được đào tạo bài bản. Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quảng bá còn nhiều hạn chế. Việc phối hợp với các nhà tài trợ để thực hiện công tác quảng bá còn bị động, chậm trễ, do đó cũng làm giảm sức hút đối với các nhà tài trợ.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Danh Dương, Giám đốc Trung tâm Chiếu phim quốc gia, đơn vị đồng hành lâu năm với LHP Việt Nam cũng chỉ ra rằng, việc tổ chức luân phiên LHP Việt Nam ở các địa phương nhằm mục đích tạo điều kiện cho nhân dân các vùng miền có điều kiện thưởng thức điện ảnh. Nhưng, trình độ, nhu cầu, điều kiện của mỗi địa phương mỗi khác. Cũng vì tổ chức luân phiên như thế nên ban tổ chức rất bị động cả về cơ sở vật chất lẫn công tác triển khai.
“Song Lang” - phim do tư nhân sản xuất đạt giải cao tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 21. |
Mỗi năm làm một nơi, gần như mọi thứ phải làm lại từ đầu. Địa phương không quen, ban tổ chức phải “cầm tay chỉ việc”, cơ sở vật chất huy động từng ly từng tý, LHP chuyên nghiệp mà phải làm những việc rất quần chúng mà hiệu quả LHP còn khiêm tốn. Nên chăng, LHP chọn một địa điểm cố định hoặc một vài địa điểm đáp ứng đủ tiêu chí để luân phiên đăng cai.
NSND Minh Trí, người sáng tạo logo của LHP và cũng là thành viên trong một đại gia đình nghệ sĩ có nhiều giải thưởng của LHP từ trước đến nay bày tỏ băn khoăn: LHP Việt Nam đã có thương hiệu lâu năm nhưng vấn đề hiện nay là phải làm thế nào để quảng bá hơn nữa, phát huy hơn nữa giá trị thương hiệu này. Như thế, cần quan tâm đến bộ nhận diện thương hiệu qua logo, catalo, website... của LHP.
Ngay từ đầu, LHP Việt Nam đã quan tâm đến bộ nhận diện thương hiệu với logo đầu tiên do NSND Ngô Mạnh Lân thiết kế. Nhưng sau này, do điều kiện chiến tranh, do điều kiện in ấn... mỗi lần LHP lại tổ chức một logo riêng.
Đến năm 1996, ông mới được Cục Điện ảnh giao thiết kế bộ nhận diện thương hiệu mới, trong đó mô-típ của logo thống nhất với cup. Nhưng từ năm 2010, không hiểu sao ban tổ chức lại đổi logo và giữ nguyên cup. Logo và cup cũng là hình thức của thương hiệu, cần quan tâm thích đáng.
Nếu ban tổ chức thấy logo không phù hợp thì thiết kế lại nhưng cũng cần đổi thiết kế cup cho thống nhất để nhận diện thương hiệu của LHP và phải đăng ký bản quyền. Nếu không, sẽ có sự khập khiễng và nhầm lẫn về thương hiệu mà chúng ta đã xây dựng...
Thương hiệu quốc gia?
Trao đổi về thực trạng LHP Việt Nam, đạo diễn Đinh Tuấn Vũ cho biết, anh đã có phim tham gia LHP Việt Nam 4 lần liên tiếp. Ở mỗi kỳ LHP, anh đều cảm thấy mình học hỏi được rất nhiều điều từ các nhà làm phim thế hệ trước cũng như những người cùng thế hệ. LHP là dịp quý giá để tổng kết lại mỗi chặng đường 2 năm của điện ảnh nước nhà nhưng quảng bá LHP còn nhiều hạn chế.
Chúng ta đang ở thời kỳ cách mạng công nghệ 4.0 nhưng công tác truyền thông của LHP vẫn không khác nhiều so với cách đây vài thập niên. Công tác truyền thông thường chỉ được bắt đầu từ trước khi LHP diễn ra vài tháng. Đó là khoảng thời gian quá ngắn để người dân Việt Nam có thể biết, có thể tiếp nhận, chưa nói đến việc tò mò, háo hức về sự kiện LHP Việt Nam.
Đạo diễn Đinh Tuấn Vũ cũng kiến nghị: Ban tổ chức LHP Việt Nam nên có những chiến lược hiệu quả, tận dụng tối đa những thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 trong việc đưa LHP tới gần nhất với khán giả. LHP đã có lịch sử phát triển nửa thế kỷ. Trong 21 kỳ tổ chức đã có biết bao bộ phim tham gia, đoạt giải. Nếu có những kênh quảng bá riêng, có những nhóm làm nội dung riêng để đưa những bộ phim cả cũ cả mới tới khán giả theo những hình thức mới mẻ nhất, ví dụ như tạo những clip ngắn là những trường đoạn đặc sắc của các phim... thì LHP Việt Nam sẽ dần trở nên thân quen hơn với người dân. Ban tổ chức cũng có thể mở thêm những giải bình chọn của khán giả cho các bộ phim, các diễn viên nổi tiếng vì chính lượng người hâm mộ là kênh quảng bá vô cùng chất lượng cho LHP.
Chúng ta cũng cần có sự phối hợp với các nhà sản xuất, phát hành phim trong suốt quãng thời gian 2 năm giữa mỗi kỳ LHP cũng như trong những ngày diễn ra LHP như tạo ra những chợ phim Việt Nam với sự tham gia của các nhà phát hành quốc tế, tạo cơ hội cho các nhà sản xuất, bộ phim Việt Nam bước ra những thị trường nước ngoài dễ dàng hơn...
Cho rằng việc xây dựng thương hiệu LHP Việt Nam uy tín vô cùng quan trọng, nhà sản xuất phim độc lập, đạo diễn Lương Đình Dũng còn cho rằng, trong thời buổi “nền kinh tế hình ảnh” được chú trọng thì điện ảnh ngoài việc quảng bá hình ảnh văn hóa, con người, quốc gia thì nó có thể mang lại lợi nhuận rất lớn. Cần nghĩ và hướng tới mục tiêu điện ảnh có thể xuất khẩu, bởi nếu chúng ta làm tốt thì điện ảnh có thể hái ra tiền. Tuy nhiên, LHP cần phải có ban giám đốc cố định.
Đội ngũ cố định, hoạt động tốt và liên tục thì công việc chuẩn bị, chào mời, giới thiệu mới có thể diễn ra liên tục. Cần phải có kinh phí hỗ trợ cho các thành viên LHP để họ tiếp cận các LHP khác, vừa là quảng bá LHP, vừa là mời các nhà làm phim lớn mang phim của họ tới tham dự tại LHP Việt Nam nhằm thu hút sự quan tâm đối với LHP mà chất lượng phim chiếu tại LHP cũng tăng lên, trở thành địa chỉ tin cậy hơn.
Cũng theo đạo diễn Lương Đình Dũng, phim được giải của LHP phải là một bộ phim được chứng tỏ về chất lượng và là niềm tự hào của LHP, của chính ban giám khảo. Ban tổ chức nên mời các nhà làm phim nổi tiếng, có uy tín quốc tế đến tham gia chấm giải cùng với các nhà làm phim Việt Nam.
Ngoài ra, cần quan tâm đầu tư xây dựng các quỹ làm phim, đầu tư cho khoảng 5 phim chất lượng để tham gia LHP quốc tế, qua đó tăng uy tín của LHP Việt Nam, quảng bá điện ảnh, văn hóa, đất nước Việt Nam tới bạn bè quốc tế, có khả năng mang lợi nhuận về và tăng khả năng hỗ trợ thúc đẩy ngành điện ảnh phát triển.
Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh. |
Cục trưởng Cục Điện ảnh, ông Vi Kiến Thành cho hay, LHP Việt Nam có nhiều hạn chế trong quảng bá. Một trong số các lý do là LHP phụ thuộc nhiều vào vận hành của cơ quan quản lý nhà nước, có những thủ tục hành chính không phù hợp. Ví dụ muốn tuyên truyền LHP thì phải có đề án mà hiện đề án năm nào phê duyệt năm đấy, LHP năm 2021 thì phải đến năm 2021 mới được phê duyệt. Được duyệt rồi thì ban tổ chức mới “vắt chân lên cổ” để làm.
Hiện tại, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo Cục Điện ảnh phối hợp cùng các đơn vị liên quan xây dựng Đề án “Quảng bá thương hiệu quốc gia - Liên hoan Phim Việt Nam”. Nhưng, việc xây dựng đề án là việc làm hoàn toàn mới mẻ. Cục sẽ tiếp thu các ý kiến và chọn lọc để đưa vào đề án cũng như phục vụ quảng bá, phát huy LHP Việt Nam trong thời gian tới.