Đến Maldives - không khỏi ngỡ ngàng

Thứ Năm, 19/01/2017, 07:15
Sau hơn 4 giờ bay từ Singapore, chúng tôi đến sân bay Thủ đô Malé đã quá 21 giờ. Sân bay nằm trên một trong hai hòn đảo thuộc Thủ đô. Thủ tục nhập cảnh vào Maldives khá đơn giản và nhanh chóng. Chừng 15 phút chúng tôi đã nhận đủ hành lý và ra khỏi khu kiểm soát.

Màn đêm buông xuống che lấp hết cảnh quan và lấy đi tất cả sự háo hức ngắm nhìn quốc đảo của chúng tôi. Người dẫn đường thông báo vì đã muộn lại thêm biển động nên chúng tôi phải đi máy bay đến một sân bay nhỏ trên đảo gần đó và đi tiếp bằng tàu du lịch về nơi hội thảo. Chúng tôi mất thêm khoảng 2 giờ đồng hồ cho hai chặng di chuyển đó...

Tuyệt tác của mẹ thiên nhiên

Đâu đó có người từng viết, Maldives được xem là tuyệt tác của mẹ thiên nhiên với những bãi cát trắng mịn, bầu trời xanh biếc và nước biển trong văn vắt khiến bất cứ ai đã đặt chân đến đây không khỏi ngỡ ngàng. Đó là cái nhìn khá lãng mạn, nhưng hình như vẫn chưa đủ. Maldives còn thơ mộng và hấp dẫn hơn rất nhiều.

Dù đến đảo Royal Island đã quá nửa đêm, nhưng hơn 5 giờ sáng hôm sau tôi cùng mấy đồng nghiệp đã bật dậy khỏi giường lao xuống bãi tắm phía sau khu phòng ngủ trên Resort. Royal Island là Resort nằm trọn trên một hòn đảo rộng 0,85 km vuông với một trăm biệt thự nghỉ dưỡng gồm hai phòng ngủ theo kiến trúc phương Đông.

Để tạo ra những bãi tắm an toàn, người ta phải sử dụng hàng chục nghìn mét khối đá lớn kè quanh đảo chắn sóng và giữ cho cát không bị cuốn ra biển. Nước biển ở đây trong và sạch đến khó tả. Lặn xuống đáy, mở mắt có thể nhìn rất rõ từng hạt cát, viên sỏi và những con cá bơi tung tăng như trong bể cá cảnh.

Chúng tôi được đưa đi tham quan nơi nuôi hải sản tự nhiên (Shark and Stingray feeding tour) ở một vụng với những rẻo đất nổi bao quanh. Ở đây hàng chục chú cá heo, cá mập và cá đuối nặng hơn trăm kg khi nhận tín hiệu của người quản lý đã lao tới tranh những miếng mồi là những khúc cá nhỏ.

Du khách háo hức thả mồi xuống, thi nhau chụp ảnh khi các chú cá nổi hẳn lên mặt nước đớp mồi. Trong chốc lát, những miếng mồi được ném xuống đã hết. Và dường như những chú cá kia cũng nhận thấy không được cho ăn tiếp nên chỉ tích tắc chúng đã biến mất trong đại dương mênh mông.

Tác giả với người dân trên đảo.

Cách khu nuôi cá hơn 5 dặm, chúng tôi đến một vùng biển có những bãi nổi không có người ở để lặn ngắm rạn san hô đầy màu sắc và sống động. Bãi cát nổi trên mặt nước, rộng chừng vài nghìn mét với bụi cây phong ba duy nhất, nơi từng diễn ra đám cưới của con mấy nhà giàu trên thế giới đến đây nghỉ dưỡng.

Một đám cưới trên hòn đảo không có người giữa Ấn Độ Dương mênh mông đầy gió và nắng thật lãng mạn, hấp dẫn, nhưng phải trả phí gần trăm ngàn USD. Dịch vụ thu hút du khách đến với Maldives thật đa dạng, hấp dẫn, và du lịch đã trở thành một trong ba ngành kinh tế mũi nhọn ở đây. Du lịch phát triển đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển nền kinh tế đất nước.

Du lịch đã giúp việc sử dụng trực tiếp và gián tiếp nguồn nhân lực cũng như tạo ra các cơ hội thu nhập trong những ngành công nghiệp liên quan khác. Ngày nay, du lịch là nguồn thu ngoại tệ lớn nhất cho đất nước này, đóng góp 20% tổng thu nhập quốc dân của Maldives. Với gần một trăm khu du lịch đang hoạt động, mỗi năm có hơn 1 triệu du khách đã tới đây.

Maldives là quốc gia nhỏ nhất châu Á về dân số với 340 nghìn người. Đây cũng là quốc gia Hồi giáo đa số nhỏ nhất thế giới. Trong một thời gian dài, Phật giáo được xem là quốc giáo ở Maldives. Đến thế kỷ 12, các thương nhân Hồi giáo đã mang đến nước này Hồi giáo dòng Sunni. Maldives cải sang đạo Hồi giữa thế kỷ XII. Hiện nay, Hồi giáo Sunni là tôn giáo chính thống của toàn dân, việc tuân thủ nó là điều bắt buộc với công dân.

Quốc đảo Maldives nằm trên Ấn Độ Dương, có 26 đảo san hô tự nhiên bao vòng quanh một lãnh thổ gồm 1.192 đảo nhỏ, khoảng 200 đảo trong số này có các cộng đồng địa phương sinh sống. Thiên nhiên ban cho nơi đây nhiều ưu đãi. Vùng biển này hầu như không có bão và nước biển quanh năm chỉ từ 25 đến hơn 30 độ.

Cả nước được chia thành 21 khu vực hành chính, gồm 20 đảo san hô hành chính và thành phố Thủ đô Malé. Mỗi đảo san hô nằm dưới quyền quản lý của một đảo trưởng và chúa đảo do tổng thống chỉ định. Bộ Quản lý Đảo san hô và các Văn phòng miền bắc, miền nam, chịu trách nhiệm trước tổng thống về việc quản lý các đảo. Đảo trưởng thuộc quyền quản lý của chúa đảo. Chúng tôi được đưa đến thăm hai đảo có người dân sinh sống.

Đảo Malos có 500 dân còn Dharavando có 1.400 dân. Hầu hết đều làm các nghề đánh cá, du lịch và làm nghề truyền thống như dệt vải, làm hàng thủ công mĩ nghệ. Trên đảo Dharavando có sân bay nên nghề làm hàng truyền thống và du lịch có phần phát triển hơn. Người dân ở đây dù làm nghề gì, nhưng khi tiếp xúc với chúng tôi họ đều rất thân thiện và cởi mở. Vì lẽ đó những gì có được ở một đất nước mà ngành du lịch đã đưa lại một phần thu nhập rất quan trọng với mỗi người dân.

Mảnh đất không dành cho tội phạm

Trước khi rời Maldives, chúng tôi có nửa ngày tham quan Thủ đô Malé. Từ đảo sân bay mất hơn 10 phút đi tàu thủy sang đảo trung tâm. Cách bến tàu khoảng 500 mét, một cây cầu bắc qua hai đảo đang được xây dựng, và tôi nghe nói rằng hình như vốn đầu tư do Trung Quốc tài trợ.

Malé là một trong những thành phố có mật độ dân số cao nhất thế giới, với gần 140 nghìn người dân sinh sống trên diện tích 5,8 km vuông. Thành phố tọa lạc ở phía nam nhóm đảo san hô bắc Malé, gồm một đảo trung tâm, một đảo sân bay, và hai đảo khác được quản lý bởi Hội đồng thành phố Malé. Đây từng là đảo của các đời vua, mà tại đó những vị quân chủ cai quản đất nước sinh sống với những cung điện tọa lạc.

Đất nước Maldives cũng như Thủ đô Malé, tất cả việc đi lại đều bằng đường thủy, vì vậy bến tàu ở đây luôn có hàng trăm chiếc tàu khách lớn nhỏ neo đậu và tấp nập vào ra. Đường phố ở đây rất hẹp. Vỉa hè chỉ đủ cho hai người tránh nhau. Phương tiện giao thông nhiều nhất là xe máy và xe đạp. Xe ô tô chủ yếu dùng cho việc vận chuyển hàng hóa và số ít xe du lịch phục vụ đưa đón khách quốc tế.

Chúng tôi bách bộ trên những con phố nhỏ, thăm dinh tổng thống, trụ sở cảnh sát, tòa thị chính thành phố... Các tòa nhà ở đây được xây theo nhiều trường phái kiến trúc khác nhau. Tất cả đều khiêm tốn, không quá đồ sộ, trừ trụ sở Bộ Truyền giáo nằm ở vị trí trung tâm với lối kiến trúc thể hiện sự linh thiêng của bộ phận chăm sóc phần tinh thần của người dân. Khu chợ bán hoa quả, rất tấp nập cảnh trên bến dưới thuyền với các hàng hóa chủ yếu được nhập khẩu. Chợ cá không chỉ phục vụ người dân thành phố mà luôn có khách là những thuyền viên từ rất nhiều con tàu vận tải, du lịch ghé mua.

Thật may mắn, chúng tôi gặp được Hương Ly, người Việt Nam duy nhất đang sinh sống tại Maldives. Ly nhà ở quận Thanh Xuân, Hà Nội. Cô đi du học tại Malaysia rồi quen và lấy chồng là người Maldives. Học xong, vợ chồng Ly đưa nhau về Malé sinh sống. Vợ chồng Ly cùng làm việc tại một resort với mức thu nhập khoảng 1.500 USD. Ly có dáng người dỏng cao, mắt sáng. Cô trùm chiếc khăn để hở mỗi khuôn mặt, trông như những thiếu nữ Hồi giáo khác.

Một góc Resort Royal Island.

Ly cho biết, trước ở Thủ đô Malé còn có một người Việt Nam nữa quê ở Vĩnh Long, nhưng gần đây chị đã trở về nước sinh sống rồi. Giá cả ở Maléá rất đắt đỏ, đặc biệt là giá nhà đất. Để thuê một căn hộ với hai phòng ngủ chừng hơn 10 mét vuông, vợ chồng Ly phải bỏ ra hơn 1.000 USD mỗi tháng.

Maléá rất đông đúc và ồn ào bởi không chỉ do mật độ dân số đông nhất thế giới mà còn có hàng chục nghìn khách du lịch, những người lao động từ Ấn Độ, Sri Lanka, Thái Lan, Malaysia đến đây tìm việc làm. Từ các bến thuyền, đường phố, trên vỉa hè, các cửa hàng của thành phố nhỏ bé này đâu đâu cũng thấy người.

Dù vậy, chúng tôi vẫn cảm thấy một không khí rất thanh bình và an toàn. Anh Farhaan, hướng dẫn viên du lịch người địa phương cho biết, luật pháp ở đây rất nghiêm. Bất cứ người nước nào đến Maldives mà có hành vi buôn bán ma túy 4 gram là bị xử tới 2 năm tù, không có ân xá. Trên đảo không có đánh nhau, và lâu lắm rồi anh chưa nghe thông tin thấy một vụ án mạng nào xảy ra. Hiện nhà tù ở Malé chỉ có 12 tù nhân. Một nửa trong số đó là người nước ngoài và hầu hết là do buôn bán ma túy.

Đàn ông ở đây được cho phép lấy 4 vợ. Nhưng không phải ai muốn cũng có thể lấy nhiều vợ, bởi lẽ ai đó muốn lấy thêm người vợ thứ hai phải chứng minh khả năng tài chính của mình và người phụ nữ đó phải tự nguyện kết hôn với anh ta. Tôi hỏi Farhaam có mấy vợ, anh cười, “Một vợ mà còn đang sợ bị bỏ đây này”.

Farhaam tâm sự rằng, thu nhập của anh mỗi tháng được hơn 700 USD, lại phải lang thang hết đảo này đến đảo khác, nuôi hai đứa con chưa đủ thì làm gì có tiền mà nghĩ đến lấy thêm vợ. Quy định ở đây cấm hành vi ngoại tình. Ai vi phạm mà gây hậu quả nghiêm trọng thì bị xử bằng cách ném đá cho đến chết.

Farhaam bảo dù người rất đông, nhưng Thủ đô hẹp nên chỉ cần ai đó chở bạn gái bằng xe máy hoặc xe đạp đi chơi thôi là hôm sau cả đảo biết hết rồi. Quy định tưởng như hà khắc đó tạo ra một trật tự xã hội rất an bình ở Maldives nói chung và Thủ đô Malé nói riêng, mảnh đất không dành cho tội phạm.

Sau hơn 4 giờ đồng hồ lang thang ở Malé, chúng tôi phải chia tay thành phố trên chuyến tàu khách cuối cùng sang đảo sân bay. Ngồi trên máy bay nhìn lại Maldives qua ô cửa sổ, tôi chợt nhớ tới thông tin của các nhà khoa học tôi đã đọc trước đó rằng nếu cứ theo đà biến đổi khí hậu và nước biển dâng như hiện nay thì có thể 60 đến 100 năm sau, quốc đảo này sẽ bị chìm trong nước và thiên đường du lịch Maldives chỉ còn trong sử sách(!).

Nếu vậy thì tôi trở thành người may mắn, bởi 60 năm nữa chắc chắn tôi không thể có điều kiện để trở lại nơi này.

Phạm Miên
.
.